TCCS - Trong cuộc sống vẫn luôn có những con người bình dị, mà suy nghĩ, hành động và nghĩa cử của họ thực sự đã gây xúc động lòng người, làm cho cuộc đời trở nên ý nghĩa hơn, trong sáng hơn, nhân hậu hơn và cao đẹp hơn.

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh_ Ảnh: tuyengiao.vn

Những con người bình dị 

Cô giáo Lý Thị Thanh Thúy, sinh năm 1969, giáo viên Trường Tiểu học An Thạnh 2B, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, dù không được đào tạo chuyên môn, chưa từng dạy trẻ khuyết tật, nhưng với tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm cũng như sự đồng cảm với trẻ khuyết tật cô đã nhận dạy trẻ khuyết tật ở địa phương, giúp các em học hành tiến bộ. Cô Thúy cho biết, dạy các em học sinh bình thường ở lớp 1 đã khó, dạy các em khuyết tật còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Để làm được việc này, giáo viên cần phải kiên trì, phải có tấm lòng, có tình yêu thương, sự thông cảm... của một người mẹ đối với những đứa con của mình. Những đứa trẻ đến với cô giáo Thúy như một nhân duyên tình cờ. Cô Thúy tâm sự: “Ở địa phương tôi có cháu Trần Thị Hiếu Thảo sinh ra không được trọn vẹn hình hài một con người, không có tay, không có chân. Khi cháu đến tuổi vào lớp 1, tôi thấy thương cháu quá nên mạnh dạn nói với gia đình cứ cho cháu vào học tại trường tiểu học của xã, tôi sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm lo và dạy cho cháu”. Cô là nhân vật chính trong tác phẩm Tấm lòng thương trẻ khuyết tật của cô giáo xứ cù lao của tác giả Cao Xuân Lương đăng trên báo Dân trí.

Ông Lâm Văn Phấn, sinh năm 1958 tại ấp Tắc Gồng, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng là nhân vật trong tác phẩm Ông Sáu Phấn, người có uy tín nặng lòng với công tác từ thiện xã hội của tác giả Lưu Hồng Tài đăng trên báo Sóc Trăng. Suốt 7 năm qua, ông đã đi vận động bà con xa gần, kiều bào ở nước ngoài được khoảng 2 tỷ đồng, trong đó gia đình ông đóng góp hơn 1/4, để xây 2 căn nhà mát giữa ruộng cho người dân trú mưa, nghỉ trưa, ăn cơm; xây dựng 6 cây cầu giao thông nông thôn; 4 tuyến đường giao thông dài gần 3km. Ông còn vận động bà con trong ấp trồng và chăm sóc hàng bông chiều tím và mười giờ hơn 2km để tạo thêm cảnh quan đẹp hơn cho ấp. Nhắc đến ông Phấn, bà con ở đây ai cũng biết. Họ gọi ông là ông Sáu Phấn một cách trìu mến, thân thương và dành cho ông nhiều ấn tượng, tình cảm tốt đẹp qua những việc làm của ông.

Còn hai nhân vật trong tác phẩm Những “bóng hồng” tận tâm, tận lực với học viên cai nghiện của tác giả Nguyễn Xuân Dự, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh khiến chúng ta thêm cảm phục, mến yêu những phụ nữ thầm lặng. Đó là chị Nguyễn Thị Hợp, y sĩ phòng y tế; chị Vũ Hồng Thúy, cán bộ tổ nữ Khu hỗ trợ cắt cơn của Trung tâm Cai nghiện cơ sở xã hội Nhị Xuân (huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh). Các chị là hai trong số những nữ thanh niên xung phong tận tâm với công việc hỗ trợ người cai nghiện.

Công tác tại trung tâm cai nghiện là một trong những công việc phức tạp, đòi hỏi sự kiên nhẫn, không ngại gian khó. Việc chăm sóc sức khỏe cho học viên cai nghiện không chỉ đơn thuần là khám bệnh, kê thuốc, mà còn phải quan tâm cả về môi trường sinh hoạt, động viên tinh thần, giải thích nhiều vấn đề cho học viên nắm bắt và tuân theo để cắt cơn, tự nguyện tránh xa ma túy. Các y, bác sĩ tại đây thường xuyên đối mặt với nhiều bệnh nhân tâm lý bất thường, rủi ro luôn rình rập, đòi hỏi người thầy thuốc phải nỗ lực nhiều hơn trong công tác, nắm bắt tâm lý, tinh thần người bệnh để tìm cách xoa dịu. Do tính chất công việc đặc thù nên các chị phải làm việc xa gia đình, ít có dịp được nghỉ ngày lễ, ngày Tết để về thăm gia đình, nhưng nhìn vào sự tiến bộ từng ngày của những học viên trong quá trình cắt cơn, cai nghiện, có đủ sức khỏe để học tập và lao động, bắt đầu cuộc sống mới khi trở về với gia đình, cộng thêm sự động viên của đồng nghiệp và gia đình, các chị tự nhủ phải luôn cố gắng vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, cần nỗ lực nhiều hơn để luôn sát cánh hỗ trợ học viên sửa chữa sai lầm, tái hòa nhập cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội. 

… và có một tấm lòng nhân hậu

Nói về cơ duyên đến với nghề dạy học, cô Lý Thị Thanh Thúy kể: “Năm 1995, tôi mới học hết lớp 9. Lúc đó, ở địa phương thiếu giáo viên nên có nhu cầu tuyển giáo viên. Được sự động viên của mọi người, tôi đăng ký xin vào dạy lớp 1 ở xã. Lúc đó đi dạy cũng khá vất vả vì mình chưa qua trường lớp đào tạo nghiệp vụ sư phạm. Nhưng được sự giúp đỡ, động viên của nhiều người nên mình cũng cố gắng vừa dạy vừa… học nghề luôn. Sau này, tôi cũng học xong chuyên ngành sư phạm tiểu học của Trường Đại học Huế”. Những năm đầu mới vào nghề của cô giáo Lý Thị Thanh Thúy, cuộc sống giáo viên ở đất cù lao còn nhiều khó khăn thiếu thốn, lương nhà giáo vốn đã không cao, lại luôn bị chậm nên ngoài giờ dạy, cô Thúy thường tranh thủ thời gian về nhà để tăng gia sản xuất nhằm có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống và yên tâm trụ lại với công việc “gieo chữ” của mình. 

Cô Thúy nhớ lại những ngày Thảo đi học, cứ mỗi buổi sáng, khi bà ngoại đưa cháu tới trường thì cô đã chờ sẵn ở bên ngoài, trực tiếp bế cháu vào trong lớp đặt lên ghế ngồi. Đồng thời, cô phân công một học sinh nữ khác ngồi chung với Thảo để giúp em lấy sách vở, phấn, bút, đồ dùng học tập trong cặp để lên bàn. Do Thảo không có tay nên không thể cầm phấn hay cầm bút được mà chỉ có cách để phấn hoặc bút kẹp vào cổ để viết hay vẽ; làm toán thì bạn bày que tính trên bàn rồi Thảo theo hướng dẫn của cô sử dụng que tính để làm bài như các bạn khác. 

Để giúp Thảo, cô Thúy luôn bên cạnh động viên, an ủi, hướng dẫn cách viết. Hết khoảng nửa thời gian của học kỳ 1 năm học 2015 - 2016, Thảo đã viết được thành thạo. “Ban đầu Thảo viết chữ rất to, sau đó viết được chữ nhỏ như các bạn khác, nét chữ rõ ràng, tròn trịa và khá đẹp. Thảo tuy khuyết tật về cơ thể nhưng cháu rất ham học và học rất nhanh nên luôn đạt điểm cao, xếp loại khá trong học tập”, cô Thúy cho biết. Bà Lý Thị Cho, bà ngoại của bé Thảo cho biết: “Khi cháu đến tuổi đi học, gia đình tôi cũng lo vì không biết có nơi nào nhận dạy những người như cháu hay không. Đưa cháu đi trường nuôi dạy trẻ khuyết tật thì vợ chồng tôi cũng lo vì cháu phải ở xa nhà, không biết mọi chuyện sẽ ra sao. Thật may khi có cô Thúy và nhà trường nhận cháu vào học, dạy cháu học tập tốt. Cô đã mở lối cho cháu tôi vào đời. Gia đình tôi mang ơn cô và nhà trường nhiều lắm”. 

Hình ảnh ông Sáu Phấn miệt mài lao động, tích cực vận động người thân, bà con để thực hiện các công trình phúc lợi xã hội và làm việc thiện đã trở nên quen thuộc với bà con ấp Tắc Gồng, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Ấp Tắc Gồng nơi ông Sáu Phấn sinh sống có đến 87% số dân là đồng bào dân tộc Khmer. Thời điểm 8 năm về trước, đời sống của đa số người dân còn nhiều khó khăn, tập quán sản xuất còn lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm gần 70%, trong tổng số 337 hộ, thì có đến hơn 200 hộ có hoàn cảnh khó khăn. Để ấp Tắc Gồng có diện mạo như hôm nay, ngoài chủ trương, chính sách chăm lo hộ nghèo, đầu tư kết cấu hạ tầng của Nhà nước, còn có sự đóng góp không nhỏ của ông Sáu Phấn. Không chỉ có xây cầu, làm đường, tạo cảnh quan sạch sẽ cho bà con trong ấp, hằng tháng ông Sáu Phấn còn vận động góp gạo để phát cho các hộ gia đình khó khăn với trên 360kg gạo cho 28 hộ, giúp họ bớt đi phần nào nỗi lo “Cơm áo gạo tiền”. Nhiều gia đình không may có người thân bị bệnh, hay có người khuyết tật, ông cũng sẵn sàng vận động và hỗ trợ tiền điều trị bệnh hoặc hỗ trợ hằng tháng tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể.

Chia sẻ về cách vận động kiều bào đóng góp cho quê hương, ông Sáu Phấn vui vẻ cho biết, ông có 2 người bà con đang định cư ở Mỹ, vì thế ông vận động bà con trong dòng họ trước, sau đó mới vận động kiều bào ở ngoài. Mọi việc làm, vận động của ông đều công khai, minh bạch, có sổ sách ghi chép đàng hoàng, khi xây dựng hoàn thành công trình cầu, đường, nhà… bản thân mình đều báo cáo lại các nhà hảo tâm để họ trực tiếp xuống nghiệm thu và bàn giao lại cho địa phương quản lý. Được hỏi về những dự định của ông trong thời gian tới, ông Sáu Phấn cho biết, ông sẽ tiếp tục cố gắng chung sức, chung lòng, chung tay góp sức với Nhà nước, nhân dân. Nếu điều kiện cho phép thì sẽ cố gắng làm hết sức.

Bằng tấm lòng của mình, ông Sáu Phấn đã trở thành người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Ông không chỉ gắn kết tình làng, nghĩa xóm bằng công tác hòa giải, đoàn kết nhân dân cùng thực hiện các công trình dân sinh và sống gương mẫu để mọi người noi theo mà còn trở thành cầu nối giữa chính quyền địa phương với nhân dân, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông được nhiều người biết đến và kính trọng vì tấm lòng “thơm thảo” đối với bà con, quê hương xóm làng. Ông Sáu Phấn tâm niệm rằng, mình học ở Bác Hồ không có gì là cao xa, mà là từ những việc làm nhỏ nhất.

Sinh năm 1991, khi vừa tốt nghiệp ngành Công tác xã hội của Trường Đại học Lao động - Xã hội vào năm 2017, chị Vũ Hồng Thúy quyết định xin vào công tác tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân, nhằm hỗ trợ những học viên cai nghiện mà chị đã có dịp tiếp xúc khi đi thực tập lúc còn là sinh viên năm thứ 4. Khi mới vào làm, chị Thúy được đơn vị cho học nghiệp vụ về cách sơ, cấp cứu khi học viên xảy ra sự cố; về công tác tư vấn, vệ sinh an toàn thực phẩm, cách phòng, chống các bệnh truyền nhiễm và đặc biệt là học võ để tự vệ. 

Thời gian đầu công tác, chị gặp một số học viên không chấp hành quy định, nội quy giờ giấc, tỏ ra khó chịu, gây mâu thuẫn nội bộ trong phòng với các học viên khác và có hành vi chống đối. Cùng với sự giúp đỡ của đồng nghiệp, chị Thúy dành nhiều thời gian để tiếp xúc, lắng nghe học viên một cách chân thành, gần gũi. Từ đó, các học viên cũng tự nhìn nhận và thay đổi, chấp hành nội quy của cơ sở. Chị Thúy chia sẻ: “Khó khăn trong công tác quản lý học viên cai nghiện là nắm bắt tâm lý, giúp học viên tuân thủ nền nếp tại cơ sở để quá trình cắt cơn, cai nghiện được thuận lợi. Nhiều học viên có mâu thuẫn từ trước hoặc khi vào cơ sở nảy sinh mâu thuẫn rồi cự cãi, tôi phải luôn tìm cách giải quyết mâu thuẫn bằng cách tách riêng từng học viên, làm việc riêng với học viên. Trong khi đó, đối với bản thân, tôi phải thường xuyên học tập kinh nghiệm, cũng như cách vượt qua khó khăn của các anh chị trong cơ sở”. 

Đối với chị Thúy, sự thay đổi về nền nếp, lối sống, cũng như ý chí bắt đầu cuộc sống mới không có ma túy của các học viên là động lực để chị tiếp tục cống hiến và giúp đỡ mọi người.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hợp, y sĩ Phòng Y tế, Cơ sở xã hội Nhị Xuân đã có gần 20 năm gắn bó với học viên cai nghiện. Trong công tác khám, chữa bệnh, chị Nguyễn Thị Hợp luôn phải đối mặt với học viên tìm cách gây hấn, dùng những từ ngữ khó nghe. Có trường hợp học viên trong lúc đến phòng khám bệnh thì lên cơn kích động, đập phá cửa, đòi được về để mua ma túy. Gặp những trường hợp như vậy, chị Hợp vừa phải kiên định, vững vàng trong hành động, vừa phải nhỏ nhẹ, xoa dịu học viên, giảm kích động rồi kê những toa thuốc phù hợp. Đối với những y sĩ tại cơ sở cai nghiện như chị Nguyễn Thị Hợp, công việc tất bật hơn vào những ca trực đêm để giải quyết những vấn đề sức khỏe của người đang cai nghiện như nhức đầu, cảm sốt, đau bụng, cũng như tiếp nhận và xử lý những trường hợp sử dụng ma túy, do lực lượng công an đưa đến.

Với thái độ ân cần, luôn sẻ chia, các học viên nơi đây dần xem chị vừa là một người thầy thuốc, vừa là người chị đáng tin tưởng trong gia đình, luôn chia sẻ những vấn đề gặp phải trong quá trình cắt cơn, cai nghiện và thường thăm hỏi về gia đình và công việc vất vả của chị.

Với những đóng góp của mình, chị Vũ Hồng Thúy là đại diện cho đội ngũ giáo viên dạy trẻ khuyết tật của ngành tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tập đoàn Thiên Long, tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2018; ông Sáu Phấn vinh dự được nhận nhiều bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng về những đóng góp của mình trong công tác an sinh, xã hội tại địa phương… Và, phần thưởng cao quý hơn cả dành cho những con người bình dị nhưng tấm lòng cao quý trên chính là tình cảm yêu thương, sự cảm phục, trân quý của những người xung quanh dành cho họ - những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa học Bác./.