Quy hoạch hệ thống y tế Thủ đô - cốt lõi của nhiệm vụ phát triển y tế Thủ đô hiện đại, đồng bộ trong giai đoạn mới
TCCS - Quy hoạch mạng lưới y tế Thủ đô là yêu cầu tất yếu của sự phát triển, phải đặt trong quy hoạch tổng thể Thủ đô và quốc gia, có sự kết nối chặt chẽ với quy hoạch khác cùng thực hiện mục tiêu ổn định và phát triển Thủ đô và đất nước.
Ngày 25-10-2017, Nghị quyết số 20-NQ/TW, về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới được Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII thông qua, đã thể hiện rõ quan điểm và định hướng phát triển của Đảng đối với ngành y tế trong bối cảnh và giai đoạn mới của sự phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết nêu rõ: Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng; bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ; giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cũng khẳng định định hướng phát triển ngành y tế đến năm 2045 là: Tập trung phát triển một số trung tâm y tế chuyên sâu, xây dựng một số cơ sở khám, chữa bệnh có tầm cỡ khu vực và quốc tế; tiếp tục sắp xếp các trung tâm, đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng cấp tỉnh và Trung ương, hình thành hệ thống trung tâm kiểm soát dịch bệnh đồng bộ ở tất cả các cấp và kết nối với mạng lưới kiểm soát bệnh tật thế giới; đổi mới cơ chế quản lý, xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, tổ chức cung cấp dịch vụ y tế công, bảo đảm các dịch vụ cơ bản, phấn đấu trên 95% dân số được quản lý, theo dõi và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp về phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đó là: Bảo đảm hệ thống y tế công bằng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Nâng cao năng lực hạ tầng y tế, chất lượng mạng lưới y tế dự phòng, thực hiện tốt công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến, giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên; tiếp tục kiện toàn, tổ chức mạng lưới, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng dịch vụ ở các trung tâm y tế, phòng khám đa khoa, trạm y tế xã, phường…
Chương trình hành động số 16-CTr/TU, ngày 26-8-2022, của Thành ủy Hà Nội để triên khai Nghị quyết 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra 29 chỉ tiêu chủ yếu và 96 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó có chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm về phát triển mạng lưới y tế Thủ đô.
Quy hoạch mạng lưới hệ thống y tế Thủ đô là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách của ngành y tế, nằm trong nhiệm vụ chung về quy hoạch mạng lưới các cơ sở y tế đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế tổ chức lập “Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 955/QĐ-TTg ngày 9-8-2018. Nhiệm vụ này cũng đã được phê duyệt tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 3-5-2020” với mục tiêu xây dựng và phát triển mạng lưới cơ sở y tế quốc gia phù hợp với yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân, của từng người dân thể hiện tính ưu việt của chế độ, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của nhân dân, hướng tới mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.
Phạm vi của quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế cũng đã được xác định rõ trong Quyết định số 648/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là việc thực hiện quy hoạch các đơn vị sự nghiệp của Ngành y tế theo 5 lĩnh vực: (1) Quy hoạch các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng công lập; định hướng quy hoạch cho các bệnh viện tư nhân; (2) Quy hoạch cơ sở giám định y khoa, giám định pháp y và pháp y tâm thần; (3) Quy hoạch các cơ sở thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, y tế công cộng; (4) Quy hoạch các cơ sở kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn về thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, vắc xin và sinh phẩm y tế, trang thiết bị y tế; (5) Quy hoạch các cơ sở thuộc lĩnh vực dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Quy hoạch mạng lưới y tế Thủ đô là xây dựng và phát triển mạng lưới cơ sở y tế của Thủ đô (bao gồm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, y tế dự phòng, y tế công cộng, dân số, kế hoạch hóa gia đình, kiểm nghiệm, kiểm chuẩn, kiểm định, giám định y tế, sản xuất dược, vắc xin, sinh phẩm, thiết bị y tế... ) phù hợp với yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân, của từng người dân Thủ đô, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của nhân dân, hướng tới mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Bảo đảm mọi người dân được theo dõi sức khỏe; được chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe; được tiếp cận với các dịch vụ y tế phòng bệnh, khám, chữa bệnh thuận lợi, chất lượng; Bảo đảm an ninh y tế, ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu, các tình huống khẩn cấp. Củng cố, hoàn thiện và phát triển mạng lưới y tế dự phòng, bảo đảm đủ năng lực dự báo, giám sát và phát hiện sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh; phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, kiểm soát các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng; Phát triển mạnh lưới khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Trong thời gian vừa qua, sự bùng phát dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác đã khiến các cơ sở y tế, nhất là trạm y tế xã, phường, thị trấn đã và đang quá tải và bộc lộ nhiều hạn chế. Từ thực tế này, thành phố cần phải có những quyết sách mạnh hơn trong việc triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới hệ thống y tế của Thủ đô, nhất là dưới cơ sở nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu khẩn cấp.
Ngành y tế Thủ đô đã thực hiện sắp xếp lại các cơ sở y tế, thành phố đã thành lập trung tâm kiểm soát bệnh tật trên cơ sở sáp nhập các đơn vị dự phòng tuyến tỉnh theo tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW về đổi mới, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập. Trung tâm y tế cấp huyện được thành lập thống nhất trên địa bàn cấp huyện, thực hiện đa chức năng dự phòng, nâng cao sức khỏe, an toàn thực phẩm, dân số, khám chữa bệnh và trực tiếp quản lý các trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Hiện nay, mạng lưới y tế của Hà Nội có 91 đơn vị trực thuộc bao gồm 41 bệnh viện, 30 trung tâm y tế quận, huyện và 20 trung tâm chuyên khoa; 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn, 4 nhà hộ sinh, 53 phòng khám đa khoa. Tuy mạng lưới y tế của Hà Nội phát triển nhưng cũng còn khó khăn, tổng diện tích đất các cơ sở y tế thuộc thành phố khoảng 68,91ha, bình quân 1,77ha/bệnh viện.
Như vậy, hệ thống các bệnh viện thuộc Hà Nội phần lớn có quy mô diện tích nhỏ và rất nhỏ. Các dự án bệnh viện tư nhân chủ yếu tập trung vào những khu vực phát triển mở rộng của đô thị trung tâm, như Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông… Hầu hết những huyện xa trung tâm Hà Nội chưa được các nhà đầu tư chú ý. Về kiến trúc và quy hoạch, nhiều bệnh viện không được chú ý thiết kế hợp lý theo dây chuyền hoạt động thống nhất, đồng bộ theo một tầm nhìn phát triển dài hạn. Các bệnh viện phần lớn được thiết kế, quy hoạch để đáp ứng nhu cầu phục vụ khám và chữa bệnh trong giai đoạn ngắn hạn. Trong các giai đoạn tiếp theo, phần lớn được mở rộng, xây dựng chắp vá, lộn xộn, thậm chí tạm bợ. Việc bố trí sân, vườn, cây xanh, đường nội bộ, bãi đỗ xe, sân tập ngoài trời cho bệnh nhân đều không bảo đảm tiêu chuẩn tối thiểu.
Mặt khác, tư duy mới trong xây dựng bệnh viện hiện đại như kết hợp chữa bệnh và điều dưỡng, đưa bệnh viện trở thành một tổ hợp dịch vụ công cộng… chưa có điều kiện để thực hiện. Các bệnh viện tuyến 3 (tuyến Trung ương) và tuyến 2 (tuyến thành phố) tại Hà Nội phần lớn nằm trong khu vực các quận nội thành, các bệnh viện được tiếp cận với mạng giao thông đô thị rất thuận lợi. Tuy nhiên, xe cấp cứu thường không thông suốt do tình trạng tắc nghẽn giao thông đô thị chưa có giải pháp hữu hiệu khắc phục.
Đối với trạm y tế xã, phường, thị trấn, khi bùng phát dịch COVID-19 thời gian qua làm bộc lộ những yếu kém, bất cập, cơ sở vật chất trạm y tế xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu điều trị cho các ca F0. Hạ tầng cơ sở quy hoạch, xây dựng trạm y tế hầu như không có khu vực riêng dành cho nhân viên y tế, quy mô nhỏ hẹp, xuống cấp. Thực hiện quy định mỗi xã, phường, thị trấn có một trạm y tế và định biên cán bộ, nhân viên công tác tại trạm như hiện nay không hoàn toàn phù hơp vì có những xã, phường dân đông dẫn đến tình trạng quá tải.
Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ (QHC1259), đã chú trọng việc nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế hiện có trong nội đô. Dành quỹ đất cho các cơ sở nghiên cứu - đào tạo - khám chữa bệnh chất lượng cao. Bên cạnh đó, đã định hướng đầu tư xây dựng các tổ hợp công trình y tế chất lượng cao tầm cỡ quốc tế, quốc gia, như trung tâm đào tạo, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, sản xuất dược, trang thiết bị y tế và cơ sở 2 cho các bệnh viện Trung ương và thành phố. Các khu đô thị mở rộng, đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái và các thị trấn xây dựng hệ thống bệnh viện thành phố, quận huyện, phòng khám đa khoa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Quá trình cụ thể hóa QHC1259, năm 2012, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nôi đã phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống y tế Thủ đô đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tiêu chí quy hoạch các bệnh viện tuyến quận, huyện, thị xã sẽ mở rộng tại vị trí cũ và nâng cấp cơ sở vật chất; xây dựng thêm cơ sở mới để phù hợp với thực tế phát triển. Đặc biệt, đã định hướng phát triển phủ kín mạng lưới y tế dự phòng trên toàn địa bàn Thủ đô. Giảm các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng. Phát hiện sớm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra; giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, tật.
Đồng thời, tại các đồ án quy hoạch chung đô thị đã xác định bố trí tại Phú Xuyên xây Trung tâm y tế vùng 160 - 165ha; Sóc Sơn xây khu tổ hợp y tế tập trung 80ha; tại đô thị vệ tinh Hòa Lạc: Phân khu HL3 dành 10ha cho các cơ sở y tế của các bộ, ngành, phân khu HL4 dành 120ha để xây dựng các cơ sở y tế, khám chữa bệnh, nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực y tế cấp Trung ương; tại Sơn Tây dành 50ha bố trí tổ hợp y tế cấp vùng.
Tuy nhiên, khi triển khai các đồ án quy hoạch và thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp bệnh viện, cơ sở y tế đã bộc lộ một số bất cập, như: các bệnh viện, cơ sở y tế trong khu vực nội thành cơ bản không còn quỹ đất để mở rộng, tầng cao bị hạn chế; việc thực hiện di dời các cơ sở y tế gây ô nhiễm tại khu vực nội thành theo định hướng QHC1259 và Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ còn chậm và chưa đồng bộ, do có nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách; các bệnh viện, cơ sở y tế tuyến Trung ương ngày càng phình to trong khi các hệ thống hạ tầng khác chưa đáp ứng được dẫn đến gây áp lực, quá tải về hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; các bệnh viện, cơ sở y tế của Hà Nội đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng nhưng đầu tư không nhiều và tiến độ chậm.
Yêu cầu đặt ra trong giai đoạn tới là phải dần từng bước khắc phục các hạn chế, bất cập đó, cần thay đổi phương pháp tiếp cận về quản lý, bao gồm cả quy hoạch xây dựng. Hà Nội đang thực hiện rà soát điều chỉnh tổng thể QHC1259, trong quá trình triển khai sẽ rà soát, xây dựng nội dung quy hoạch hệ thống y tế và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng tích hợp vào điều chỉnh tổng thể QHC1259 và quy hoạch Thủ đô, trên nguyên tắc: Phát triển hệ thống y tế trong toàn vùng góp phần hạn chế sự quá tải đối với hệ thống y tế trong trung tâm; Định hướng quy hoạch phát triển các trung tâm dịch vụ y tế đồng bộ giữa nghiên cứu, đào tạo và khám chữa bệnh, gắn với định hướng phát triển của Thủ đô; Xây dựng cơ chế nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách theo chủ trương xã hội hóa đầu tư về y tế.
Đối với tuyến y tế cơ sở, việc cần thiết trước mắt là phải đầu tư nâng cấp, mở rộng, cải tạo, xây mới các trạm y tế không bảo đảm chất lượng, đã xuống cấp cho 307/579 trạm y tế với tổng mức đầu tư khoảng 1.767 tỷ đồng, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở là khoảng 2.447 tỷ đồng. Đồng thời, quan tâm đầu tư đào tạo đội ngũ nhân viên y tế cho tuyến y tế cơ sở, có chính sách đào tạo, bồi dưỡng về năng lực chuyên môn và chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ này./.
Một số giải pháp tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Đảng bộ thành phố Hà Nội trong tình hình mới  (25/10/2022)
Thành phố Hà Nội thực hiện quản lý phát triển xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững, phát triển con người toàn diện  (24/10/2022)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 - biểu hiện sinh động về vấn đề “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”