Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để dịch bệnh lây lan
TCCS - Ngày 10-5-2021, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để dịch bệnh lây lan.
Nêu rõ nguy cơ cao tiếp tục bùng phát dịch bệnh, các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố cần nâng mức phòng, chống dịch COVID-19 lên mức cao nhất, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ rõ: Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Nơi nào để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, địa phương mắc bệnh do lỗi lơ là, chủ quan, không gương mẫu tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, không kiểm soát tốt, buông lỏng quản lý, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm theo quy định. Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu nếu để dịch bệnh lây lan.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị các cấp, ngành từ thành phố đến cơ sở, đồng thời kêu gọi các cán bộ, đảng viên và nhân dân tuyệt đối không lơ là, chủ quan nhưng cũng không lo lắng thái quá; tập trung thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, “thần tốc” hơn nữa công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt phương châm chống dịch cần kết hợp hiệu quả giữa duy trì kỷ cương, kỷ luật trong xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch; cùng với đó, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, nhất là những điển hình người tốt, việc tốt, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo.
Đặc biệt, từ nay đến ngày bầu cử, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, càng trong điều kiện dịch bệnh, khó khăn, càng phải đoàn kết, quyết tâm, không nao núng, mất bình tĩnh, cần tập trung chỉ đạo sâu sát, quyết liệt hơn, trách nhiệm hơn và chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, chi tiết, rà roát, cập nhật thường xuyên từng phương án, kịch bản, đảm bảo thành công cho cuộc bầu cử.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội tại cuộc họp chiều 10-5 cho thấy, từ ngày 29-4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 46 ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng tại 11 quận, huyện. Với sự thần tốc truy vết, bao vây, xử lý dịch kịp thời, Hà Nội đã cơ bản kiểm soát được tình hình lây nhiễm từ các chùm ca bệnh liên quan tới các tỉnh, thành phố: Hà Nam, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng...
Liên quan đến chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, đến nay đã xác định được 11 ca mắc COVID-19, trong đó có 217 trường hợp F1 của Hà Nội. Liên quan đến chùm ca bệnh tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều có 2 trường hợp mắc COVID-19, 71 trường hợp F1 của Hà Nội. Liên quan tới chùm ca bệnh tại tỉnh Bắc Ninh có 14 trường hợp mắc COVID-19, có 122 trường hợp F1 của Hà Nội.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, các ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Bệnh viện K - cơ sở Tân Triều và huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) đang là mối lo ngại lớn, số ca mắc tiếp tục được ghi nhận, do đó cần tập trung giải pháp để nhanh chóng kiểm soát nguồn lây từ các ổ dịch này. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, thành phố Hà Nội đã phong tỏa 28 khu vực có ca dương tính với SARS-CoV-2.
Bên cạnh việc thần tốc truy vết, Hà Nội cũng nâng cao năng lực xét nghiệm và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Hiện, công suất xét nghiệm tăng 10 lần, từ 3000 mẫu/ngày lên 30.000 mẫu/ngày và sẽ tiếp tục nâng công suất để đáp ứng yêu cầu thần tốc truy vết, xét nghiệm nhanh, mở rộng xét nghiệm sàng lọc cho nhóm đối tượng nguy cơ và khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao để tầm soát, phát hiện sớm ca bệnh, đánh giá nguy cơ để chủ động phòng, chống dịch.
Tại cuộc họp, nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đối với các trường hợp F1 trên địa bàn, đại diện Bộ Tư lệnh Thủ đô kiến nghị thành phố chỉ đạo các địa phương kích hoạt ngay cơ sở cách ly tập trung và chuẩn bị tiếp nhận cách ly ngay tại địa phương theo phương châm "4 tại chỗ". 16 địa phương trên địa bàn có thể bố trí được 23 khu cách ly tập trung sẵn sàng tiếp nhận cách ly cho hơn 1 vạn trường hợp F1.
Các điểm cách ly này bảo đảm các điều kiện an toàn phòng chống dịch, không để lây nhiễm trong cộng đồng, trong khu vực cách ly; cơ sở cách ly tập trung tại các quận, huyện có trách nhiệm bàn giao các trường hợp sau cách ly tập trung cho các địa phương tiếp tục quản lý cách ly đủ thời gian tại gia đình theo quy định./.
Thanh Anh (tổng hợp)
Tổng Công ty Điện lực miền Bắc kích hoạt mức độ cao nhất bảo đảm công tác sản xuất, kinh doanh dịch vụ và phòng, chống dịch COVID-19  (10/05/2021)
Agribank hỗ trợ bệnh viện tuyến đầu phòng, chống COVID-19  (10/05/2021)
Tỉnh Vĩnh Phúc nâng cao thế chủ động trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 trong tình hình mới  (10/05/2021)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Đoàn Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc với Đảng Cộng sản Ấn Độ và Đảng Cộng sản Ấn Độ-Mác-xít
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên