Phát huy vai trò của công nghệ thông tin trong phòng chống COVID ở Quảng Ninh
TCCS - Thực tiễn ở nước ta thời gian qua cho thấy, Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong ứng dụng công nghệ thông tin vào phòng, chống dịch COVID-19 và đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng để “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Có thể thấy, trong phòng, chống COVID-19, công nghệ thông tin có vai trò quan trọng và hỗ trợ rất hiệu quả trong nhiều hoạt động, như thực hiện khai báo y tế điện tử; hỗ trợ phát hiện, truy vết những người tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19 trong thời gian sớm nhất (thông qua ứng dụng PC-Covid (tiền thân là Bluezone)) để kịp thời khoanh vùng, cách ly, ngăn chặn sự lây lan của virus, bảo đảm an toàn cho cộng đồng; quản lý người cách ly, giám sát các khu cách ly; quản lý thông tin người vào/ra địa điểm công cộng, các địa điểm sản xuất, kinh doanh, sự kiện đông người, sử dụng phương tiện giao thông công cộng bằng mã QR; hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động chăm sóc bệnh nhân, cập nhật thông tin quản lý tiêm chủng vắc-xin, kết quả xét nghiệm và kết quả điều trị COVID-19, hệ thống bản đồ chống dịch - an toàn COVID-19…; qua đó, góp phần giảm áp lực cho hệ thống y tế và hỗ trợ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đánh giá được tình hình dịch bệnh để kịp thời đưa ra những quyết sách phù hợp trong quá trình phòng, chống dịch COVID-19. Nhận thức rõ tầm quan trọng cũng như hiệu quả của khoa học - công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực áp dụng công nghệ thông tin trong thực tiễn phòng, chống dịch COVID-19 và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, trong quá trình phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là đợt dịch bùng phát lần thứ 3 và thứ 4 năm 2021, cụ thể hóa Thông báo số 137/TB-VPCP, ngày 30-5-2021, của Văn phòng Chính phủ “Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch COVID-19” và các chỉ đạo của Ủy bân nhân dân tỉnh liên quan đến ứng dụng công nghệ bắt buộc trong phòng chống, dịch COVID-19, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã chủ động tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh về cài đặt ứng dụng Bluezone (nay là PC-Covid) phát hiện tiếp xúc gần với người bệnh, người nghi nhiễm thông qua Bluetooth của điện thoại thông minh. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị viễn thông triển khai nhắn tin trên hệ thống SMS, Zalo, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở, hệ thống wifi công cộng đến mỗi người dân trên địa bàn tỉnh về việc cài đặt ứng dụng Bluezone. Tính đến hết ngày 27-9-2021, toàn tỉnh Quảng Ninh có 606.368 lượt cài đặt sử dụng ứng dụng Bluezone, đạt tỷ lệ khoảng 45,93% người dùng Bluezone/tổng số dân, đứng thứ 3 trên toàn quốc. Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản số 5305/UBND-XD6 về việc cài đặt, sử dụng ứng dụng Bluezone trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, trong đó, yêu cầu các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, ủy ban nhân dân các địa phương khẩn trương triển khai, chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân thực hiện cài đặt ứng dụng Bluezone cho điện thoại thông minh của mình và người thân. Đến nay, các phương tiện thông tin truyền thông, trang thông tin, fanpage chính thức của các tổ chức, đơn vị, đã tích cực chia sẻ thông tin, kêu gọi cài đặt ứng dụng. Nhiều đơn vị, cơ quan, tổ chức chương trình phát động cài đặt ứng dụng Bluezone trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Công tác tuyên truyền, phát động phong trào cài ứng dụng Bluezone được đẩy mạnh đến tận các xã, phường, thị trấn, khu phố, tổ dân phố trên toàn tỉnh, trong đó vai trò đi đầu, xung kích của các đảng viên, đoàn viên thanh niên được phát huy trong việc cài đặt ứng dụng Bluezone cho bản thân mình và hướng dẫn chi tiết, tận tình tới mỗi người dân.
Cùng với ứng dụng Bluezone, người dân trên địa bàn tỉnh còn có thể sử dụng ứng dụng Smart Quảng Ninh, một ứng dụng tiện ích, giúp kết nối giữa người dân và chính quyền một cách hiệu quả, đã được vận hành từ tháng 8-2019. Cuối tháng 1-2021, khi dịch COVID-19 bùng phát và có dấu hiệu diễn biến phức tạp, tỉnh Quảng Ninh đã bổ sung thêm mục “Phòng chống dịch COVID-19” vào Smart Quảng Ninh, giúp người dân cập nhật thông tin một cách nhanh nhất, chính xác và đầy đủ nhất. Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng khẩn trương nghiên cứu xây dựng trang web riêng của tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19, cung cấp các thông tin cần thiết và kịp thời để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành chống dịch; tích hợp bản đồ COVID-19 của tỉnh, kết nối với các hệ thống cơ sở dữ liệu của Trung ương, đồng bộ dữ liệu khai báo y tế điện tử để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, truy vết; triển khai hệ thống ghi nhận người đến và đi các địa điểm công cộng thông qua quét mã QR tại các ứng dụng trên điện thoại thông minh, coi đây là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh cũng tiến hành rà soát tổng thể việc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về việc khai báo y tế điện tử, ứng dụng Bluezone, mã QR; yêu cầu cấp xã, phường, thị trấn phải quản lý được toàn bộ các địa điểm, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã đăng ký sử dụng mã QR trên địa bàn. Tính đến ngày 28-9-2021, có 45.574 điểm đăng ký kiểm soát dịch bằng mã QR tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Các bí thư, chủ tịch ủy ban nhân dân, bộ phận thường trực trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 các cấp của tỉnh Quảng Ninh được đào tạo và đáp ứng yêu cầu sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin và cập nhật, báo cáo dữ liệu khai báo y tế, phản ánh về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn bằng dữ liệu điện tử qua thiết bị, điện thoại thông minh đến các đồng chí lãnh đạo tỉnh để giám sát thường xuyên, hằng ngày.
Là lực lượng đi đầu, có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngành y tế của tỉnh Quảng Ninh đã có sự phối hợp hiệu quả với Trung tâm Truyền thông tỉnh trong việc tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nâng cao sức khỏe nhân dân, triển khai sâu rộng việc hướng dẫn cụ thể trên các hạ tầng truyền thông của tỉnh để người dân Quảng Ninh có thể tự thực hiện test nhanh COVID-19 tại nhà khi cần thiết. Ngành y tế cũng tập trung hoàn thành việc nhập dữ liệu tiêm chủng mũi 1 theo kế hoạch; cấp giấy chứng nhận tiêm chủng (bản giấy mẫu chuẩn) và mã QR, bản điện tử sử dụng thuận lợi trên các thiết bị, điện thoại thông minh. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh cơ bản hoàn thành tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 mũi 1 cho 100% người dân có chỉ định, bảo đảm an toàn, hiệu quả và đặt mục tiêu cơ bản đến 30-10-2021, tỉnh sẽ hoàn thành tiêm mũi 2 cho toàn bộ đối tượng tiêm chủng. Ngành y tế của Quảng Ninh cũng chủ trì, phối hợp với ủy ban nhân dân các địa phương rà soát, lập danh sách các đối tượng trẻ em từ 12-17 tuổi, chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng triển khai tiêm chủng nhanh chóng, an toàn, hiệu quả ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng tích cực sử dụng hệ thống chính quyền điện tử, thực hiện lập lịch công tác, quản lý, xử lý công việc và thực hiện phê duyệt văn bản thông qua tài khoản công chức được cấp, sử dụng chữ ký số để ký duyệt phát hành văn bản; chủ động họp tại các điểm cầu, sử dụng các phần mềm hỗ trợ để tổ chức họp trực tuyến thay vì tập trung đông người, giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm. Thông qua các hạ tầng nền tảng công nghệ thông tin và viễn thông của hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh (như Cổng dịch vụ công của tỉnh, hệ thống email công vụ, hệ thống wifi công cộng…) kết hợp với hệ thống thông tin đại chúng và thông tin cơ sở, mọi thông tin, hướng dẫn, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh đều được truyền tải kịp thời tới các địa phương và nhân dân toàn tỉnh; qua đó, giúp người dân biết cách chủ động phòng, chống dịch bệnh ngày càng hiệu quả, thích ứng ngày càng linh hoạt với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Với phương châm “3 trước” và “4 tại chỗ”, chủ động từ xa, từ sớm, từ cơ sở, lấy phòng dịch là ưu tiên, đến nay, Quảng Ninh đã vượt qua các làn sóng dịch, cơ bản kiểm soát được tình hình, giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định trong trạng thái bình thường mới”.
Trước làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ tư đang diễn ra rất phức tạp tại nước ta với biến chủng mới mang nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng rất cao, tỉnh Quảng Ninh đang đặt ra yêu cầu chuẩn hóa dữ liệu “sạch”, kết nối đồng bộ, bảo đảm tích hợp mọi thông tin, củng cố năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, trong đó nghiên cứu triển khai thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại chốt kiểm soát Bạch Đằng. Mô hình này sẽ được nhân rộng nếu hoạt động hiệu quả. Việc thiết lập các điểm kiểm soát dịch bằng mã QR tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, điểm kinh doanh được tiếp tục đẩy mạnh, nhằm kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả dịch bệnh. Tỉnh Quảng Ninh cũng siết chặt quản lý bên ngoài, kiểm soát mọi nguy cơ mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn để giữ bên trong ổn định trong trạng thái “bình thường mới”. Tỉnh cho phép mở lại một số hoạt động và loại hình kinh doanh dịch vụ với yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch; hướng dẫn tạm thời xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và việc kiểm soát người về từ vùng dịch định kỳ 2 tuần/lần; đồng thời, điều chỉnh thời gian xét nghiệm đối với người ra, vào địa bàn tỉnh…
Trước những diễn biến mới, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11-10-2021, của Chính phủ về việc ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã quán triệt các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh tới việc tập trung chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện bảo đảm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo chủ trương, chiến lược mới của Trung ương. Trong 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của Quảng Ninh đạt 8,6%, cao hơn so với trung bình cả nước, để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) trên 10% và tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 51.000 tỷ đồng, hoàn thành “mục tiêu kép”, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung cả nước trong năm 2021, Quảng Ninh xác định cần tăng cường mối liên kết giữa các chủ thể chính là Nhà nước - doanh nghiệp - người dân. Trong đó, Nhà nước là chủ thể quản lý, phải đi trước một bước và chính quyền cơ sở là trọng tâm trong chiến lược phòng, chống dịch mới; doanh nghiệp phải chủ động chuẩn bị phương án, kế hoạch thích ứng an toàn, bảo đảm an toàn để sản xuất và sản xuất phải an toàn, yêu cầu người lao động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch; nhân dân là chủ thể, là trung tâm, là “chiến sĩ” quyết định sự thành công trong phòng, chống dịch phải được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết nhất để chủ động phòng, tránh dịch bệnh cho bản thân, gia đình, cộng đồng; mỗi người phải tự nâng cao hơn nữa ý thức phòng, tránh dịch mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, áp dụng công nghệ thông tin để nhanh chóng truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng khoa học, xử lý dứt điểm ca bệnh, ổ dịch,… tỉnh Quảng Ninh cũng nhấn mạnh yêu cầu ngành y tế của tỉnh cần tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng khoa học - công nghệ trong hỗ trợ điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân ở mức tốt nhất; tăng cường ứng dụng công nghệ hơn nữa để kết nối, chia sẻ thông tin về kết quả xét nghiệm cũng như công tác tiêm vắc-xin trên địa bàn tỉnh, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí. Đặc biệt, tất cả các cấp ủy, chính quyền và nhân dân được quán triệt cần thực hiện chiến lược “Vắc-xin + 5K + công nghệ + truyền thông”; phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, dự phòng, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, đề cao vai trò chính quyền cơ sở và ý thức của người dân, người lao động. Có như vậy mới có thể bảo đảm được sức khỏe, an toàn tính mạng cho mỗi người dân, bảo đảm môi trường an toàn cho sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh trong quý IV năm 2021 và mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành đầu tàu của cực tăng trưởng kinh tế Bắc Bộ, vùng đô thị phát triển bền vững./.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Sản xuất bằng được vaccine, thuốc điều trị COVID-19 ở trong nước  (28/11/2021)
Thị xã Quảng Yên tạo đột phá để phát triển kinh tế  (26/11/2021)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay