Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ Công Thương về Đề án Tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn giai đoạn 2017 - 2025. Giữ vị thế quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang nỗ lực tái cơ cấu theo hướng minh bạch, hiện đại, tinh gọn, hiệu quả nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế.



Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1182/TTg-ĐMDN, ngày 11-8-2017, về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020 và công văn số 1681/BCT-TC ngày 05-3-2018 của Bộ Công Thương về việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020… và căn cứ vào Nghị quyết 41/NQ-TW, ngày 23-7-2015, về Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang nỗ lực triển khai thực hiện tái cơ cấu toàn diện giai đoạn 2017 - 2025.

 

 Người lao động PV GAS.


Trong giai đoạn này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tập trung phát triển mạnh mối liên kết hữu cơ, tương hỗ chuỗi giá trị thăm dò, khai thác dầu khí - khí - chế biến dầu khí nhằm phát huy tối đa thế mạnh, lợi thế của ngành, gia tăng sức cạnh tranh ở trong nước để tham gia đầu tư ở nước ngoài; Tiếp tục triển khai thoái vốn sớm nhất có thể khỏi các lĩnh vực dịch vụ (trước và sau năm 2020) và lĩnh vực điện (trước và sau năm 2025) sau khi hoàn thành công tác xây dựng các nhà máy điện than theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Lấy tiêu chí hiệu quả làm nòng cốt, loại bỏ cạnh tranh nội bộ, tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường trong nước, khu vực và quốc tế, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ tái phân bổ, tối ưu hóa các nguồn lực giữa các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông qua cổ phần hóa, thoái vốn, mua bán sáp nhập, đầu tư mới theo cơ chế thị tường; Tổ chức lại công tác điều hành sản xuất, kinh doanh, giảm đầu mối phụ thuộc, điều hành mục tiêu, tăng cường chủ động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ lẫn nhau phát triển đồng bộ chuỗi giá trị dầu khí, đảm bảo phát triển bền vững; Hoàn thiện hệ thống quản trị theo chuẩn mực quốc tế.

 

 Người lao động NMLD Dung Quất vận hành nhà máy từ Nhà điều khiển trung tâm.


Theo lộ trình cụ thể, đến năm 2020, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì 5 lĩnh vực kinh doanh chính, bao gồm: Tìm kiếm - thăm dò - khai thác, khí, chế biến dầu khí, điện và dịch vụ dầu khí; đến năm 2025, thu gọn tập trung vào 4 lĩnh vực chính: Thăm dò - khai thác, khí, chế biến dầu khí, điện; và sau năm 2025 sẽ chỉ tập trung vào 3 lĩnh vực chính trong liên kết hữu cơ gồm: Thăm dò - khai thác, khí và chế biến dầu khí.

Việc triển khai thực hiện tái cơ cấu tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên được chia thành 3 giai đoạn: 2017 - 2020; 2021 - 2025; giai đoạn sau năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 với nhiều nội dung quan trọng.

Trong giai đoạn 2017 - 2020, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ hoàn thành cổ phần hóa 3 đơn vị BSR, PVP, PV OIL; Chuẩn bị điều kiện để cổ phần hóa PVEP sớm nhất có thể sau năm 2020 nhằm đảm bảo lợi ích cao nhất cho phía Việt Nam; Sắp xếp, hợp nhất PVU, VPI thành Học viện Dầu khí, dự kiến vào năm 2020; Thoái vốn tại các đơn vị, lành mạnh hóa cơ cấu tài chính tại các đơn vị/dự án thua lỗ; Thực hiện tái cơ cấu, đổi mới mô hình tổ chức bộ máy quản lý điều hành Công ty Mẹ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo hướng gọn nhẹ, năng động, chuyên nghiệp và phù hợp với mô hình công ty dầu khí quốc gia tiên tiến.

 

 Thử vỉa thành công tại mỏ Mèo Trắng.


Giai đoạn 2021 - 2025, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục tái cơ cấu (cổ phần hóa, thoái vốn), mục tiêu đến năm 2025, Tập đoàn sẽ chỉ duy trì nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại 3 đơn vị là PVEP, Vietsovpetro; PV GAS; nắm dưới 50% vốn điều lệ tại 12 đơn vị như: BSR (43%), PVFCCo, PVCFC, PV Power và PV Trans (36%), PTSC và PVD (dưới 30%), PV OIL (35,1%)…; thoái hết vốn tại DQS, Petro Camranh; duy trì mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh Công ty mẹ - con, trong đó Công ty Mẹ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (doanh nghiệp cấp I) sẽ duy trì 100% vốn Nhà nước; thành lập pháp nhân mới để quản lý vận hành các dự án đầu tư hoàn thành và sẽ thực hiện cổ phẩn hóa/thoái vốn khi đủ điểu kiện (chủ yếu là các nhà máy điện)…

Tùy thuộc vào tình hình và khả năng phát triển thị trường dầu khí trong nước, quốc tế cũng như năng lực tài chính, khả năng phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam/các đơn vị thành viên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ tiếp tục đánh giá và có phương án tái cơ cấu giai đoạn sau 2025 và tầm nhìn đến 2035 với định hướng xây dựng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong thành phần kinh tế nhà nước và nền kinh tế quốc dân trong lĩnh vực năng lượng, tạo nên tảng và dẫn dắt các thành phần kinh tế khác cùng phát triển theo chuỗi giá trị dầu khí; Chuyển dịch dần cơ cấu đầu tư sản xuất, chế tạo, lắp đặt hệ thống năng lượng mới, năng lượng tái tạo, trên cơ sở hệ thống quản trị hiện đại, minh bạch; cơ cấu tài chính vững chắc; bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nguồn lực được tối ưu hóa theo cơ chế thị trường./.