Huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh chú trọng phát triển kinh tế trang trại
TCCS - Cùng với sản xuất nông nghiệp, những năm qua huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh luôn chú trọng phát triển kinh tế trang trại. Kinh tế trang trại đã góp phần không nhỏ trong sự phát triển chung của huyện cũng như tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Tính đến nay trên địa bàn huyện Quế Võ có tổng số 59 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong số đó có 5 trang trại trồng trọt, 21 trang trại chăn nuôi, 21 trang trại thủy sản và 9 trang trại tổng hợp. Số vốn đầu tư dành cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt bình quân là 4,9 tỷ đồng/ 1 trang trại, nguồn vốn này là nguồn vốn tự có của gia đình và sử dụng nguồn vốn vay của tổ chức, cá nhân. Bình quân mỗi trang trại có 4 lao động, trong đó, chủ trang trại quản lý trực tiếp phương án sản xuất, kinh doanh.
Tính đến nay, toàn huyện đã có 4 trang trại được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với tổng diện tích là 5.3ha; 55 trang trại còn lại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với tổng diện tích là 106.6ha. Các trang trại trồng trọt chủ yếu sản xuất cây ăn quả, gồm: ổi, mít, chuối; trang trại chăn nuôi sản xuất, kinh doanh phần lớn chăn nuôi lợn nái, lợn thương phẩm; trang trại chăn nuôi vịt cạn, chim bồ câu và một số hộ chăn nuôi gia cầm lấy trứng.
Các loại hình trang trại đều có sự đầu tư ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, nhằm kiểm soát dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất. Đặc biệt một số trang trại đã thực hiện quy trình sản xuất VietGAP gắn với truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên hoạt động phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn huyện còn có nhiều khó khăn tồn tại. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trang trại đạt tỷ lệ rất thấp.
Công tác quy hoạch sử dụng đất cho các trang trại hầu hết các địa phương chưa thực hiện được, đặc biệt quy hoạch sử dụng đất cho phát triển chăn nuôi tập trung gắn với bảo vệ môi trường, dẫn đến các trang trại phát triển phân tán không tập trung thành vùng. Sản xuất an toàn thực phẩm mới bước đầu thực hiện, dẫn đến chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa cao. Mặc dù việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đã được ứng dụng vào sản xuất, nhưng mới chỉ sản xuất ở dạng sản phẩm thô, chưa có sản phẩm chế biến sâu dẫn đến hiệu quả chưa cao. Vốn của mô hình trang trại cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn vay từ ngân hàng....
Phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn vướng mắc, huyện Quế Võ đã và đang đề xuất những giải pháp cụ thể, thiết thực trong việc phát triển mô hình kinh tế trang trại, như triển khai xây dựng và hoàn thiện quy hoạch tổng thể quy hoạch sử dụng đất đai, tạo điều kiện để các trang trại lựa chọn phương án sử dụng đất hợp lý, có hiệu quả; tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục pháp lý về công nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho các trang trại; phát huy nội lực, huy động tối đa nguồn vốn trong dân cho phát triển kinh tế trang trại .
Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", địa phương rất cần sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho việc phát triển kinh tế trang trại bằng việc xây dựng kết cấu hạ tầng, thủy lợi, giao thông. Đơn giản hóa các thủ tục cho vay, ngoài thế chấp bằng quyền sử dụng đất, huyện cần cho phép thế chấp bằng các tài sản khác hiện có trên đất như giá trị vườn cây, đàn gia súc. Tạo điều kiện cho các chủ trang trại được hưởng chính sách ưu đãi về đầu tư, được nhận vốn đầu tư cho các hoạt động đầu tư trực tiếp từ các chương trình, dự án của Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng cho các chủ trang trại thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật, bổ túc kiến thức kinh doanh, chú trọng việc bồi dưỡng kiến thức về thị trường và kinh doanh cũng rất cần thiết bằng cách nâng cao kiến thức về thị trường cho các chủ trang trại để họ có thể tự lựa chọn cho mình những loại sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có hiệu quả cao nhất. Thu hút các doanh nghiệp, công ty liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh theo hợp đồng và xây dựng hệ thống kênh sản phẩm, chợ đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho các trang trại, gia trại...
Với những giải pháp thiết thực cụ thể và sự chỉ đạo tích cực của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, việc phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn huyện Quế Võ thời gian tới sẽ có những chuyển biến tích cực góp phần đưa kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển./.
Anh Việt (tổng hợp)
Huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh thực hiện có hiệu quả về công tác quản lý đất đai  (14/09/2022)
Bàn giải pháp phát triển kinh tế sông ở đồng bằng sông Cửu Long  (02/08/2022)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay