Công tác tôn giáo của tỉnh Đồng Nai

Đặng Mạnh Trung
16:51, ngày 21-02-2010

Nữ tu Công giáo, Phật giáo (tỉnh Đông Nai) chăm lo cho trẻ em nghèo - Ảnh: PV
TCCS - Đồng Nai là tỉnh có nhiều tôn giáo, bao gồm 24 tổ chức tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân và 5 tổ chức tôn giáo được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, có số lượng tín đồ đông nhất nước với hơn 1.339.426 tín đồ các tôn giáo, chiếm gần 60% số dân toàn tỉnh. Phần lớn đồng bào tín đồ các tôn giáo đều phấn khởi trước những thành tựu trong công cuộc đổi mới và những chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước về tôn giáo. Tuy nhiên, có lúc có nơi, hoạt động tôn giáo còn có những diễn biến phức tạp. Từ thực tế trên, ngày 12-3-2003 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW "Về công tác tôn giáo trong tình hình mới". Ngay sau khi Nghị quyết ra đời, Tỉnh ủy Đồng Nai đã tổ chức quán triệt và ngày 10-6-2003 đã xây dựng Chương trình hành động số 55-CTr/TU.

Những thành quả đạt được

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết, Đồng Nai đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Đồng Nai đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo cho cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh việc tổ chức học tập quán triệt trong cán bộ, đảng viên và đoàn viên hội viên các đoàn thể, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp vận dụng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như học tập, trao đổi tài liệu hỏi đáp..., phổ biến tinh thần Nghị quyết số 25-NQ/TW, Chương trình hành động số 55-CTr/TU của tỉnh ủy Đồng Nai và các văn bản pháp luật của Nhà nước về tôn giáo cho hơn 25.000 lượt chức sắc, chức việc, tu sĩ, hơn 600.000 lượt tín đồ các tôn giáo. Qua đó, đã nâng cao nhận thức về chính sách tôn giáo, tầm quan trọng của công tác tôn giáo trong tình hình mới. Ý thức chấp hành pháp luật trong chức sắc, đồng bào có đạo ngày càng tự giác hơn, tinh thần đoàn kết lương giáo ngày càng được củng cố, vai trò tích cực của đồng bào có đạo được phát huy trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào có đạo và hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động theo đúng pháp luật, ngày càng được tăng cường.

Trong giai đoạn 2003 - 2007, UBND tỉnh, huyện và các cơ quan chức năng đã ban hành hàng ngàn văn bản quy định, hướng dẫn về quản lý Nhà nước về tôn giáo, về hoạt động của các cá nhân, tổ chức tôn giáo. Riêng UBND tỉnh đã ban hành 2 văn bản quy phạm pháp luật, gần 20 quyết định, chỉ thị (văn bản cá biệt), trên 500 văn bản các loại để chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách tôn giáo và giải quyết các hoạt động liên quan đến tôn giáo.

Trong 5 năm qua, có 122 cơ sở tôn giáo được thành lập, 93 cơ sở tôn giáo được xây dựng mới và sửa chữa, 325 cơ sở tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (tính đến tháng 6-2008), 174 tu sĩ được đi đào tạo ở nước ngoài, 150 lượt chức sắc, tu sĩ đi du lịch, thăm thân nhân và hoạt động tôn giáo ở nước ngoài, có 272 vị được phong phẩm, phong chức, cầu phong, cầu thăng. Nhiều địa phương có đông đồng bào có đạo được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa. Các nghề truyền thống như đồ gỗ gia dụng, thủ công mỹ nghệ... được chính quyền khuyến khích, hỗ trợ vốn, phát triển ngành nghề nên đời sống của người dân được nâng lên. Các lễ hội truyền thống tôn giáo được tổ chức ngày càng nhiều, có nơi được tổ chức với quy mô lớn, trở thành hoạt động văn hóa của địa phương, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia.

Nhờ vậy, nhiều vấn đề khó khăn của tôn giáo đã từng bước được tháo gỡ, nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của công dân được giải quyết kịp thời, phần lớn tổ chức tôn giáo hoạt động đúng đường hướng hành đạo và pháp luật Nhà nước.

Vấn đề xây dựng hệ thống chính trị trong vùng đồng bào có đạo và chăm lo bồi dưỡng, đào tạo cán bộ làm công tác tôn giáo cũng được chú trọng.

Đồng Nai có 110/171 xã, phường, thị trấn có trên 30% số dân là đồng bào có đạo, trong đó có 23 xã, phường có hơn 90% đồng bào có đạo, 110/110 xã phường thị trấn đều có chi bộ, đảng bộ và không có cơ sở đảng yếu kém. Một số đảng bộ xã như Bình Minh, Hố Nai 3... đạt danh hiệu "tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh" 5 năm liền, 100% số ấp, khu phố có đông đồng bào có đạo đều xây dựng được tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Đội ngũ đảng viên có đạo hiện nay là 1.408 người; đoàn viên, hội viên có đạo chiếm 35,68% so với tổng số đoàn viên, hội viên cả tỉnh. Đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác tôn giáo được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm bố trí ở tất cả xã, phường, thị trấn. Hằng năm, Đồng Nai còn tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tôn giáo cho cán bộ chủ chốt ở cơ sở và cán bộ phụ trách công tác tôn giáo ở các cơ quan, đoàn thể cấp tỉnh, huyện.

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW và Chương trình hành động số 55-CTr/TU, Đồng Nai đã xây dựng được niềm tin của đa số đồng bào có đạo, các vị chức sắc, tu sĩ đối với đường lối đổi mới của Đảng và sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày được củng cố, đồng bào có đạo tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, các phong trào hành động cách mạng của các đoàn thể và vai trò của đồng bào có đạo ngày càng được phát huy trong công cuộc xây dựng tỉnh Đồng Nai thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại.

Tuy nhiên, mặt trái nền kinh tế thị trường đã làm nảy sinh nhiều vấn đề như phân hóa giàu nghèo, ô nhiễm môi trường... đã làm cho đời sống của một bộ phận nhân dân gặp nhiều khó khăn; những vấn đề bức xúc như giải tỏa đền bù, tái định cư, tội phạm và tệ nạn xã hội... có lúc trở nên gay gắt làm phát sinh nhiều vụ khiếu kiện đông người và xảy ra hàng trăm cuộc đình công của công nhân lao động ở các khu công nghiệp tập trung... đã làm tổn hại tới lòng tin của quần chúng vào Đảng, Nhà nước. Mặt khác, chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chưa đồng đều, chất lượng đoàn viên, hội viên chưa cao đã làm mờ nhạt vai trò của nhiều cơ sở đoàn, hội và chưa phát huy tốt vai trò nòng cốt của đoàn viên, hội viên trong phong trào quần chúng.

Nguyên nhân của những hạn chế đó là do một số cấp ủy chưa làm tốt công tác triển khai quán triệt Nghị quyết số 25-NQ/TW và pháp luật về tôn giáo. Trong công tác chỉ đạo, có lúc, có nơi chưa bám sát Chương trình hành động số 55-CTr/TU nên chưa lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mặt khác, công tác quản lý nhà nước đối với tôn giáo có lúc chưa chặt chẽ và chưa phối hợp đồng bộ với các ngành, các cấp. Đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo chưa được đào tạo chuyên nghiệp nên nhận thức, kinh nghiệm và chuyên môn của một bộ phận cán bộ phụ trách chưa đáp ứng yêu cầu công tác tôn giáo trong tình hình mới. Hơn nữa, MTTQ và các đoàn thể ở một số nơi chưa thực hiện tốt vai trò giám sát các hoạt động quản lý Nhà nước về tôn giáo, chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và hướng dẫn đoàn viên, hội viên chấp hành luật pháp và tham gia các hoạt động xã hội.

Một số bài học kinh nghiệm

Từ thực tiễn công tác tôn giáo trong 5 năm qua, Tỉnh ủy Đồng Nai đã rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, tập trung làm chuyển biến nhận thức trong toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân Đồng Nai về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, chính sách tôn giáo trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) một cách toàn diện và đồng bộ.

Thứ hai, lãnh đạo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đầu tư cơ sở vật chất cho phát triển, nhất là lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, thực hiện tốt các chính sách xã hội, chính sách giảm nghèo, chính sách tôn giáo... nhằm phát huy trách nhiệm công dân của đồng bào có đạo đối với cộng đồng, chăm lo ổn định, nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị với nông thôn, vùng sâu vùng xa là cơ sở quan trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và chính sách tôn giáo của Đảng.

Thứ ba, bảo đảm cơ chế phối hợp giữa Mặt trận, đoàn thể dưới sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp, kết hợp tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo với công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, giúp đồng bào có đạo nhận thức rõ chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo của Đảng, phân biệt được giữa hoạt động tôn giáo thuần túy với hoạt động lợi dụng tôn giáo, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với các phần tử xấu, âm mưu lợi dụng tôn giáo phá hoại chính sách tôn giáo, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng.

Thứ tư, xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt chính trị trong các đoàn thể, tăng cường công tác vận động, tranh thủ người đứng đầu các tổ chức tôn giáo, chức sắc, nhà tu hành là yếu tố bảo đảm thành công cho công tác vận động đồng bào có đạo.

Từ những kinh nghiệm trên, Tỉnh ủy Đồng Nai xác định những nhiệm vụ và giải pháp chính nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW (khóa IX):

Một, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo về chính sách đổi mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, qua đó tuyên truyền vận động đồng bào có đạo nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ công dân, nhận rõ âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục đồng bào có đạo thông qua các hình thức tuyên truyền giáo dục hiệu quả của các đoàn thể hiện nay, sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng phổ biến rộng mô hình sinh hoạt tổ nhân dân, hình thức tự quản có hiệu quả và thiết thực.

Ba, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2010 và những năm tiếp theo; phát huy dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện của nhân dân theo phương châm: "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" và vai trò của nhân dân trong cuộc vận động đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Bốn, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo sống tốt đời đẹp đạo, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động ngăn ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Năm, đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng ở những vùng có đông đồng bào có đạo, nâng cao chất lượng đoàn viên, hội viên và chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể ở cơ sở; xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt chính trị, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, của đồng bào có đạo, phối hợp cùng chính quyền giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, đời sống nhân dân và nhu cầu chính đáng về tín ngưỡng, tôn giáo./.