TCCS - Quảng Nam hiện có 240 khối dân vận cơ sở, 1.139 tổ dân vận thôn, khối phố ở 11/18 huyện, thành phố, với gần 11.000 cán bộ. Đây là lực lượng quan trọng góp phần thực hiện tốt công tác dân vận ở cơ sở; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Chăm lo công tác dân vận và xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ này đã và đang được Tỉnh ủy Quảng Nam đặc biệt coi trọng.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, công tác dân vận ở cơ sở của Quảng Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức và trách nhiệm của các thành viên trong hệ thống chính trị về công tác dân vận được nâng lên rõ rệt. Nội dung, phương thức hoạt động của khối dân vận cơ sở từng bước được đổi mới, thể hiện ngày càng rõ vai trò, trách nhiệm trong việc đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, thực hiện nhân đạo, từ thiện, xây dựng thôn - khối phố, gia đình văn hóa, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh ở địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Nội dung, phương thức hoạt động của khối dân vận tuy có đổi mới nhưng chất lượng, hiệu quả chưa cao; các hình thức thu hút, tập hợp quần chúng vào tổ chức sinh hoạt bị thu hẹp, tổ chức cơ sở yếu kém, việc xây dựng, nhân rộng những mô hình, điển hình "dân vận khéo", xây dựng đội ngũ cốt cán còn hạn chế. Trách nhiệm của hệ thống chính trị đối với công tác dân vận chưa thực sự đồng bộ và quan tâm đúng mức. Một số cấp ủy, chính quyền và một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác dân vận, còn nặng về biện pháp hành chính, thiếu phương pháp vận động, thuyết phục quần chúng. Tổ chức bộ máy và năng lực cán bộ làm công tác vận động quần chúng còn nhiều bất cập. Qua khảo sát, thống kê 720 cán bộ là trưởng, phó và cán bộ không chuyên trách ở khối dân vận cơ sở của tỉnh cho thấy, phần lớn đội ngũ này có tuổi đời cao, trình độ văn hóa, chuyên môn, chính trị còn nhiều hạn chế. Về độ tuổi, dưới 30 chiếm 18,40%, dưới 40 chiếm 26,74%, dưới 50 chiếm 28,42% và trên 50 là 26,44%. Về trình độ văn hóa, tiểu học chiếm 10,78%, THCS chiếm 28,9%, THPT chiếm 60,32%. Về trình độ chuyên môn, sơ cấp chiếm 11,45%, trung cấp chiếm 35%, cao đẳng, đại học chiếm 7,42%, chưa qua đào tạo chiếm 46,13%. Về trình độ chính trị, sơ cấp chiếm 21,9%, trung cấp chiếm 52,1%, cao cấp chiếm 2,9%, chưa qua đào tạo là 13,1%. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ cho cán bộ làm công tác dân vận ở cơ sở còn nhiều bất cập, cấp phó của Mặt trận, đoàn thể, cán bộ không chuyên trách của khối dân vận chưa có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; điều kiện, phương tiện phục vụ công tác vận động quần chúng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, còn nhiều đoàn thể bố trí chung một phòng làm việc, kinh phí phân bổ hằng năm để hoạt động vẫn chưa bảo đảm...

Trước những hạn chế về công tác dân vận trên địa bàn tỉnh, những năm gần đây, các cấp ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, sơ kết, tổng kết và triển khai kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận. Tỉnh ủy tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18-02-1998, của Bộ Chính trị (khóa VIII) về "Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở"; sơ kết 5 năm triển khai Thông tri số 09-TT/TU, ngày 04-4-2002, của Tỉnh ủy về "Xây dựng và phát triển tổ chức công đoàn ngoài quốc doanh"... Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam tham mưu cho Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 12-10-2009, về "công tác dân vận trong tình hình mới", xác định công tác dân vận là trách nhiệm của Đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xây dựng, củng cố tổ chức, biên chế cán bộ dân vận, mặt trận và các đoàn thể bảo đảm số lượng, chất lượng. Chú trọng bố trí đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực và tâm huyết làm công tác dân vận. Thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân vận, mặt trận, đoàn thể đạt chuẩn về chuyên môn và chính trị theo Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 05-12-2006 của Tỉnh ủy về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2006 - 2010 và đến năm 2015; thực hiện luân chuyển cán bộ có phẩm chất, năng lực giữa các cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể.

Theo đó, yêu cầu đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các cơ quan ban, ngành trong hệ thống chính quyền phân công một đồng chí lãnh đạo phụ trách công tác dân vận; các tổ chức cơ sở đảng phân công đảng viên phụ trách địa bàn, nhóm hộ, nắm chắc tình hình tư tưởng, đời sống và những vấn đề bức xúc của nhân dân để giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở. Tất cả đảng viên phải làm công tác dân vận theo chức trách ở nơi công tác và nơi cư trú; đồng thời, tham gia sinh hoạt trong một đoàn thể nhất định và nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, là tấm gương sáng để quần chúng học tập, noi theo. Định kỳ 6 tháng và hằng năm, mỗi cán bộ, đảng viên phải liên hệ kiểm điểm việc vận dụng công tác dân vận vào quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Đưa nội dung thực hiện công tác dân vận vào tiêu chí đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng và đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên. Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, từng bước quyết định về phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với cán bộ dân vận, Mặt trận, đoàn thể ở cơ sở; đầu tư cơ sở, phương tiện làm việc, tăng thêm kinh phí hoạt động để cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chú trọng việc tổ chức xây dựng những mô hình, điển hình "dân vận khéo", phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, nâng cao chất lượng sinh hoạt, tập hợp đoàn viên, hội viên, lực lượng nòng cốt, cốt cán... Nhờ đó, công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh những năm gần đây tiếp tục được đổi mới, sâu sát cơ sở, có hiệu quả thiết thực, góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực về các mặt: Kinh tế những năm qua luôn giữ được sự tăng trưởng cao (năm 2007 tốc độ tăng trưởng GDP là 13,9%, năm 2008 đạt 12,7%, 9 tháng năm 2009 đạt 11,52%); chính trị - xã hội được bảo đảm; quốc phòng - an ninh được tăng cường...

Từ thực tế công tác vận động quần chúng của địa phương, có thể rút ra một số kinh nghiệm nhằm tiếp tục nâng cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với công tác dân vận của tỉnh trong thời gian tới:

Một là, các cấp ủy phải xây dựng chương trình, kế hoạch công tác dân vận toàn khóa, hằng năm để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận. Định kỳ cấp ủy chủ trì tổ chức giao ban khối dân vận để chỉ đạo phối hợp thực hiện công tác vận động quần chúng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, định hướng chỉ đạo hoạt động của Mặt trận, đoàn thể, các hội quần chúng.

Hai là, chỉ đạo chính quyền xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, mọi công việc của chính quyền phải gắn chặt với công tác vận động quần chúng. Định kỳ, lãnh đạo chính quyền tổ chức tiếp xúc, đối thoại để nghe nhân dân và cán bộ, công chức trình bày nguyện vọng, kiến nghị; qua đó, kịp thời giải thích, giải quyết tốt những vấn đề bức xúc, nảy sinh.

Ba là, tăng cường củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, biên chế cán bộ dân vận, Mặt trận và các đoàn thể bảo đảm số lượng, nhất là chú trọng bố trí đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực và tâm huyết làm công tác dân vận. Có cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ hợp lý cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, nhất là ở cơ sở yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong thời gian tới, Quảng Nam đề xuất, kiến nghị Trung ương quan tâm một số vấn đề sau:

- Cần có chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác vận động quần chúng của Đảng để chỉ đạo cả hệ thống chính trị chăm lo hơn công tác dân vận.

- Sớm có quy định về tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ của Ban Dân vận huyện, thị, thành ủy, cán bộ chuyên trách ở khối dân vận và chế độ, chính sách đối với cấp phó của Mặt trận, đoàn thể cơ sở.

- Cần có Ban Dân vận ở Đảng ủy Dân Chính Đảng, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp và lớp đào tạo cử nhân chuyên ngành công tác dân vận ở Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh./.