Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, trách nhiệm của người thầy trong sự nghiệp trồng người
TCCSĐT - Sự nghiệp trồng người - giáo dục đào tạo được xác định rõ là sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội nhưng người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ là nhà giáo. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục chính là đội ngũ những người thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Bởi vì các thầy giáo, cô giáo mang trên mình nhiệm vụ nặng nề là đào tạo cán bộ cho nước nhà; là “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa” thầy, cô giáo có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, bồi dưỡng cho họ những phẩm chất cao quý và năng lực sáng tạo phù hợp với sự phát triển và tiến bộ của xã hội.
Từ lâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vị trí, vai trò của các thầy giáo, cô giáo đối với xã hội - họ là người quyết định thành công công cuộc xây dựng và đổi mới nền giáo dục. Điều đó, vừa khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nghề “dạy chữ, dạy người”, vừa nói lên trọng trách mà xã hội đặt trọn niềm tin lên vai nhà giáo. Các thầy giáo, cô giáo có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang làm người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, bồi dưỡng cho họ những phẩm chất cao quý và năng lực sáng tạo, phù hợp với sự phát triển và tiến bộ xã hội.
Ngược theo dòng lịch sử, ta nhìn nhận về sự nghiệp giáo dục cách mạng, người giáo viên hiện lên với nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là đào tạo cán bộ cho nước nhà, là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại; bồi dưỡng cho họ những phẩm chất cao quý và năng lực sáng tạo phù hợp với sự phát triển và tiến bộ xã hội. Từ đó, đòi hỏi người giáo viên phải có đức và có tài. Đức của nhà giáo là tư cách, tình yêu thương, trách nhiệm đối với nghề, với học sinh; còn tài là sự am hiểu, vốn tri thức, vốn kinh nghiệm thực tiễn… Mỗi thầy cô giáo phải luôn học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt. Vấn đề này càng có ý nghĩa lớn khi liên hệ, vận dụng vào tình hình hiện nay khi nhân loại đã có những bước tiến nhanh chóng về khoa học - công nghệ; khi Việt Nam đang ở thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với phát triển kinh tế tri thức. Trong thời đại như vậy, dừng lại, thậm chí là tiến chậm là bị tụt hậu, là bị thụt lùi so với dòng chảy của tri thức nhân loại.
Thực hiện tốt yêu cầu này là quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lý tưởng và mục đích học tập, phấn đấu của người thầy, người trí thức. Mỗi nhà giáo phải xác định mục đích “Học để làm gì? Học để phục vụ ai?”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết là: “học để làm việc”, biết làm việc vừa là năng lực, nhưng xét sâu xa nó lại đồng thời là đạo đức, là biểu hiện văn hóa chính trị của mỗi người. Hai là, “học để làm người”, người thầy có trách nhiệm hướng dẫn cho nhân dân, tức là gương mẫu, đòi hỏi và bắt buộc người khác làm tròn nghĩa vụ công dân. Ba là, học để “làm cán bộ”, tức là học để làm tròn chức trách của mình. Chỉ có học “biết làm việc”, “biết làm người” mới có thể “biết làm cán bộ” để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Nói về đạo đức nhà giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên những phẩm chất cơ bản, đó là: hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; thương yêu học trò và yêu nghề; yêu lao động và quý trọng người lao động chân tay; có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đạo đức nhà giáo hay đạo đức nghề dạy học theo tư tưởng của Bác, có thể được hiểu là những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ, hành vi ứng xử của nhà giáo trong đời sống và đạo đức nhà giáo có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục - đào tạo. Ngoài ra, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức nhà giáo yêu nghề, yêu trường thôi chưa đủ mà còn phải yêu chủ nghĩa xã hội bởi đó là mục tiêu mà dân tộc đang hướng tới. Về trí tuệ và tài năng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà giáo giỏi không đòi hỏi phải tinh thông tất cả mọi lĩnh vực, hiểu hết tri thức của nhân loại, nhưng do yêu cầu của nghề nghiệp nên nhà giáo phải không ngừng trau dồi kiến thức, đặc biệt phải thành thạo lĩnh vực chuyên môn của mình, đáp ứng ngày càng tốt hơn sự nghiệp giáo dục - đào tạo; không được bằng lòng với kiến thức đã có, thường xuyên tích lũy kiến thức, tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Từ đó, Người khuyên mọi người thực hiện theo lời dạy của Lê-nin “Học, học nữa, học mãi” và lấy phương châm “học không biết chán, dạy không biết mỏi” của Khổng Tử để thực hành trong công việc. Bên cạnh yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, Bác còn lưu ý giáo viên phải coi trọng học tập chính trị để củng cố đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao hiểu biết chính trị để hoàn thành tốt trọng trách “trồng người”.
Trong điều kiện hội nhập và toàn cầu hóa, người thầy giáo thường xuyên được tiếp cận với các phương tiện kỹ thuật, công nghệ hiện đại, nắm bắt được những thông tin mới, đa dạng, nhiều chiều và hết sức phức tạp. Nếu không trang bị nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nếu thiếu hiểu biết đầy đủ, sâu sắc về lịch sử đất nước và truyền thống văn hóa Việt Nam làm tiêu chuẩn để lựa chọn những thông tin có ích cho dân, cho nước thì họ khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực do mặt trái của toàn cầu hóa gây ra, làm suy yếu chất lượng nguồn lực trí tuệ của dân tộc. Bởi lẽ, một trong những chức năng, nhiệm vụ của người trí thức nói chung, nhà giáo nói riêng là tuyên truyền văn hóa, giáo dục và đào tạo nâng cao dân trí, hình mẫu nhân cách cho xã hội. Một khi có được bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng trước những tác động tiêu cực, họ chính là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, thực hiện công tác giáo dục truyền thống của dân tộc, lý tưởng, đạo đức cách mạng và là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. C. Mác đã nói: “Bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục”, người thầy giáo cần phải tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị và đạo đức nhà giáo, đó là: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung với nước, hiếu với dân, để nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân làm mục tiêu phấn đấu suốt đời, đồng hành với dân tộc tiến hành đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước phồn vinh. Đó chính là đạo đức cách mạng mà mỗi người trí thức nói chung, người thầy nói riêng phải rèn luyện thường xuyên, lâu dài. Và chỉ khi thực hiện được điều này người thầy mới vững vàng vượt qua trước mọi khó khăn, cám dỗ để làm tròn bổn phận.
Song hành cùng đức và tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặc biệt quan tâm đến phương pháp nêu gương của giáo viên, bởi: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”, do đó tấm gương nhà giáo có tác dụng giáo dục học sinh rất lớn. Thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu; một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi theo, ngược lại một hành vi xấu của người thầy có thể làm tổn thương, làm mất niềm tin cả một lớp người. Người thường dặn dò, các thầy, cô giáo không được đánh mất phẩm chất của mình, dù hoàn cảnh nào cũng phải là tấm gương cho học sinh noi theo, tránh thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống thực tế, lười biếng trong học tập và nâng cao trình độ; thái độ kèn cựa địa vị, xem nhẹ công việc của mình, thiếu tinh thần xây dựng tập thể,... Nhà giáo là tấm gương cho nhân dân, cho thế hệ trẻ của đất nước noi theo. Người thầy nêu gương rõ nét nhất khi có trách nhiệm đi tiên phong trong việc tự học, tự nghiên cứu nâng cao năng lực công tác, trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ được phân công. Đây không chỉ là một trong những đặc thù của người trí thức, mà theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đó còn là nhiệm vụ hàng đầu của trí thức, của nhà giáo - “chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”. Người thầy phải gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi đầu trong mọi công việc của cơ quan, đơn vị, công tác được đoàn thể giao phó, làm việc hết sức mình, làm việc chất lượng, làm việc có hiệu quả, có năng suất. Bản thân mỗi người thầy giáo phải xây dựng cho mình một phong cách sống khiêm tốn, giản dị, điều độ, ngăn nắp, vệ sinh, yêu lao động, không ham danh lợi, chức quyền.
Lối sống mẫu mực mà mỗi người thầy thể hiện không chỉ bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, mà còn góp phần nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, hình thành tác phong công nghiệp cho người lao động; đưa lối sống văn hóa thấm sâu vào từng người, trong mỗi gia đình, khu dân cư, công sở, doanh nghiệp... góp phần tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong mọi tầng lớp nhân dân để xây dựng và phát triển đất nước. Người thầy không chỉ chọn lọc, tiếp thu những tinh hoa, trí tuệ của nhân loại, mà còn có trách nhiệm giới thiệu, thể hiện và phổ biến với loài người tiến bộ trên toàn thế giới về truyền thống văn hóa của dân tộc ta, tinh thần yêu nước của nhân dân ta đã được hun đúc qua hàng nghìn năm văn hiến. Đó chính là sự kết tinh tinh thần và trí tuệ của cả dân tộc Việt Nam - dân tộc yêu chuộng hòa bình, công lý, là người bạn đáng tin cậy cho sự hợp tác và phát triển. Tất cả những giá trị đó cần được thể hiện qua chính phong cách, lối sống, tư duy, hành động, chất lượng, hiệu quả của công việc mà mỗi trí thức đảm nhận trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân.
Một nguyên do căn bản mà Bác Hồ luôn đề cao và yêu cầu cao đối với nghề dạy học xuất phát từ việc trồng cây đã khó, trồng người còn khó hơn. Sản phẩm của “trồng người” là tạo ra con người của thế hệ tương lai, do đó không được phép làm ra sản phẩm lỗi. Một người cán bộ, một công nhân tồi có thể làm hỏng một vài sản phẩm, vài công trình, nhưng một người giáo viên tồi có thể làm hỏng cả một thế hệ, đó là hậu quả khôn lường mà cả xã hội phải gánh chịu. Vì lẽ đó, nhà giáo cần phải thường xuyên trau dồi không chỉ trình độ chuyên môn mà còn cả về đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong và cái tâm trong sáng để xứng đáng với danh hiệu “Người kỹ sư tâm hồn” để có thầy giỏi thì rồi sẽ có trò giỏi.
Kế thừa và phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta hết sức chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, đã có những quyết sách nhằm phát huy mọi tiềm năng của con người, trong đó có đội ngũ thầy, cô giáo và những người làm công tác quản lý giáo dục. Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định vị trí, vai trò to lớn của giáo dục - đào tạo trong sự nghiệp cách mạng. Gần đây, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã tiếp tục khẳng định quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân” và đề ra 9 nhiệm vụ; trong đó có nhiệm vụ về “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo” nhằm chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo, đồng thời có cơ chế kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ... Cùng với đó bản thân ngành giáo dục cần đặc biệt coi trọng vấn đề xây dựng đội ngũ giáo viên và đề ra nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp như: thực hiện chương trình bồi dưỡng thường xuyên, đổi mới phương pháp giảng dạy; mở nhiều lớp bồi dưỡng phương pháp dạy học tích cực cho cán bộ, giáo viên ở các cấp học; các trường học thường xuyên tổ chức thao giảng, dự giờ để đánh giá rút kinh nghiệm, nhắc nhở tinh thần trách nhiệm của giáo viên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực vào công tác giảng dạy đã kích thích tính năng động, sáng tạo của học sinh trong chiếm lĩnh tri thức… Đất nước ta đang trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tiến tới toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đòi hỏi sự nghiệp giáo dục - đào tạo phải đi trước một bước nhằm chuẩn bị nhân tài, lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Trước những đòi hỏi đó, hơn ai hết mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cần thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Bác Hồ kính yêu về nghề dạy học; từ đó vận dụng sáng tạo và tổ chức tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người./.
---------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.345
Sợi polyester - PVTEX đã lấy lại niềm tin khách hàng  (13/09/2018)
Thủ tướng và phu nhân chủ trì dạ hội Quảng bá Văn hóa Việt Nam  (13/09/2018)
Xúc tiến đàm phán Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam và Timor-Leste  (13/09/2018)
Việt Nam nhất quán coi trọng tăng cường quan hệ hợp tác với Indonesia  (13/09/2018)
Chủ tịch nước: Đề nghị Nhật Bản tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam  (13/09/2018)
- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao Quyết định về chức năng, nhiệm vụ của 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị ở Trung ương
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm