“Văn hóa diễn”

Mạnh Thắng
15:31, ngày 22-04-2018
TCCSĐT - Sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất được mấy ngày, Ủy ban nhân dân phường nơi tôi cư trú tổ chức Tết trồng cây. Đến giờ hiệp đồng, khi thành viên câu lạc bộ “tình nguyện xanh” đã tập hợp đông đủ tại thực địa thì cũng là lúc chị Hạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy đi xe tới nơi.
Xuống xe, chị Hạnh nhanh nhẹn khoác chiếc áo lao động bên ngoài, đi đôi găng tay gai đã cũ và không quên lấy xẻng trong cốp xe rồi bắt tay ngay vào việc đào hố trồng cây như những người bình thường khác. Vừa làm chị vừa nói cười vui vẻ, động viên mọi người lao động mà không có khoảng cách. Điều này khác quá xa với những hình ảnh khá phổ biến trên truyền hình khi đưa tin về Tết trồng cây hoặc cán bộ, quan chức các cấp trồng cây lưu niệm khi đến thăm một cơ quan, đơn vị nào đó.

Tại những sự kiện ấy, hình ảnh quen thuộc là các quan chức, lãnh đạo sang trọng trong những bộ véc; họ đội mũ bảo hiểm, đeo găng tay trắng muốt và cầm xẻng cán thắt nơ lụa rực rỡ hất tượng trưng tí cát, tí đất vào một gốc cây đã trồng từ trước rồi cầm cái roa nhỏ đã có sẵn nước ở bên cạnh tưới cây. Xung quanh “nhân vật trung tâm” là rất đông quan chức, lãnh đạo cấp dưới và cả phóng viên chứng kiến. Việc này chẳng có gì để nói nếu những hình ảnh như thế không lặp đi lặp lại giống một nghi thức đã quy định trong văn bản Nhà nước, được nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị quán triệt, thực hiện rất giống nhau. Và dư luận gọi chung đó là “văn hóa diễn”.

Chẳng thế mà trong phiên họp đầu xuân về tình hình và kết quả thực hiện Chỉ thị số 16 của Ban Bí thư về tổ chức Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, khi nói về chuyện trồng cây dịp Tết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận xét: "Hôm trước chúng tôi nêu cái ý định là năm nay làm một cái Tết trồng cây bảo vệ rừng vì cái nạn phá rừng nhiều quá mà. Làm sao cho nó thiết thực, cứ cầm cái xẻng nghêu ngao, cầm ra lút cán, trông là người ta biết ông này không phải là trồng cây. Gẩy gẩy mấy tí đất, chân thì đi giày, xong lại đưa cái khăn với chậu nước, nó phản cảm quá”.

Hiện nay, “văn hóa diễn” mà thực chất là sự phát triển cao độ của bệnh hình thức đã được Bác Hồ chỉ ra từ những năm 1947 trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” không bị loại trừ mà ngược lại ngày càng ăn sâu bám rễ vào rất nhiều hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Thứ văn hóa này như vi-rút độc hại không chỉ có ở các lễ kỷ niệm truyền thống, khánh thành, động thổ, đón phần thưởng... mà nó ăn vào cả trong công tác tổ chức của Đảng, nơi vốn được xem là có kỷ luật nghiêm minh và tính tư tưởng cao nhất.

Điển hình là việc nhiều chi bộ không tổ chức sinh hoạt để ra nghị quyết định kỳ, không tiến hành kiểm tra Đảng theo đúng quy định của Điều lệ hiện hành mà “chống đối” bằng cách hợp thức văn bản. Hoặc ngay cả công tác tổ chức thi tuyển nhân sự cũng làm hình thức theo đúng quy trình, nhưng kết quả thì người tài, người giỏi không được chọn mà “trúng tuyển” lại là những “nhân vật” thuộc nhóm 5C (con cháu các cụ cả), trong đó có cả những “nhân vật” học các trường đại học chuyên ngành khác với chuyên môn và học lực thuộc diện “đứng thứ nhất” tính từ dưới lên. “Văn hóa diễn” còn hiện diện cả trong công tác kiểm tra. Khá phổ biến là khi có kế hoạch kiểm tra của cấp trên thì lãnh đạo đầu tư thời gian, nhân lực để củng cố môi trường, cảnh quan, sổ sách, văn bản sao cho đúng với quy định, để kịp báo cáo theo kiểu “nín thở qua sông”. “Văn hóa diễn” cũng được “bệnh thành tích” dung dưỡng để “có đất” phát triển, sống khỏe. Điển hình là việc các địa phương, cơ quan, đơn vị cố “vẽ” thành tích trên giấy sao cho đúng tiêu chí và thật kêu để đạt mục tiêu thi đua rồi liên hệ với cơ quan truyền thông phô diễn kết quả, nhằm để “vua biết mặt, chúa biết tên”.

“Văn hóa diễn” về thực chất là chỉ nhằm đánh bóng tên tuổi, lấy lòng cấp trên và để đạt mục đích cá nhân, khoe mẽ, “quảng cáo” thành tích theo kiểu “nhờ bóng quan nhớn”. Hậu quả của “văn hóa diễn” là gì? Việc nhìn rõ nhất là lãng phí về vật chất, tiền của, thời gian và nhân lực. Bởi kết quả mang lại chỉ giải quyết được lợi ích trước mắt là khoe mẽ./.