Bảy hay ba?

Nhị Lê
15:26, ngày 06-07-2009
TCCS - Hôn nhân, điền thổ... ấy là những chuyện ông cha ta xếp vào loại hệ trọng bậc nhất, làm mối trăn trở đã muôn đời! Nhất là vào thời buổi tấc đất tấc vàng, chuyện điền thổ cấy trồng ấy càng trở nên hệ trọng, thật sự càng là sự sinh tử, tồn vong vậy!

Từ “bảy ở xa không bằng... ba ở gần”...

Mười năm trước!

Ngày ấy, mỗi nhà có tới 13 đến 15 mảnh ruộng nằm rải rác khắp thung trên, đồng dưới. Nếu lội bộ chỉ riêng việc thăm nom chuyện sâu bệnh, nước nôi, tròn một ngày, nhanh lắm cũng chỉ được dăm bảy mảnh là cùng. Ai cũng đâm ra ngại ngần. Cánh đồng cắt nát thành ngàn mảnh, bờ dọc ngang như mạng nhện, lại bé chỉ đủ đi một bàn chân! Gặp vụ thất thường giá cả, công làm chả bõ công ăn, ối nhà bỏ lây bỏ lứt việc canh tác, trễ nải sự chăm nom cấy trồng, nên ruộng nương vốn đã khó khăn lại rơi vào không ít cảnh cỏ leo bèo lấp. Nhà neo đơn, thiếu lao động, gặp phải chân ruộng xa, đất xấu, lại ít giống vốn... thôi thì cũng đành bỏ mặc! Chợt chạnh nhìn mà đã thấm xót xa!

Thành ra, dù mới được hợp tác xã chia ruộng xong, chữ ký nhận còn chưa khô mực, các hộ đã xầm xì thỏa thuận, tự đổi chác cho nhau, để dễ bề trông coi canh tác. Xóm làng náo nhiệt hơn cả lúc sắp nhận ruộng. Thùng đấu, ruộng xa, đất xấu dẫu to là bảy, chỉ xin đổi được ruộng gần, dù chỉ nhỏ là ba! Ai đổi được cũng y như là mình trúng số và đắc lợi. Bảy ở xa không bằng ba ở gần. Vì, như thế xem ra sẽ tiện đủ mọi bề. Nhưng, số hộ mãn nguyện không nhiều, vì ruộng nương chỉ có thế, mà ai cũng thích tiện thích gần, thậm chí các cả tiền cốt sao toại nguyện! Bỏ thì thương vương thì tội. Giật gấu vá vai mãi, lay hoay đổi chác mãi, hộ may mắn lắm cũng còn tới hơn mươi mảnh, lại có miếng chỉ rộng độ mấy đường bừa! Bờ nhỏ, quẩn quanh, nên kẽo kẹt vẫn cảnh gánh gồng, mang vác!

Thôi thì ai cũng nghiến răng, nhưng vẫn thầm ước và chờ đợi dịp cầu may: Bảy ở xa không bằng ba ở gần!

Tới “một ở xa hơn... ba ở gần”

Năm ngoái, 2008!

Ruộng làng, ruộng xã mênh mông, bờ vùng bờ thửa vuông vắn! Đến thùng đấu, ao chuôm, đầu ghềnh cuối bãi, đầu thừa đuôi thẹo xưa kia, nay cũng thật ngay ngắn, tinh tươm! Bờ rộng bê-tông, ngược xuôi xe cơ giới chở phân, gio, giống má ra đồng, tịnh chẳng thấy cảnh gánh gồng kĩu kịt! Hỏi ra, nhà nào cũng chỉ còn đôi ba mảnh! Chưa kể số ruộng rộng thêm vì phá hàng trăm ki-lô-mét bờ con, bây giờ chả thấy ai thiết tha mà lay hoay chuyện bờ xa ruộng gần, như mươi năm trước nữa!

Thì ra, hợp tác xã vừa hoàn thành công việc dồn điền đổi thửa! Phân loại ruộng đất xa gần, thấp cao, xã đầu tư san lấp gò bãi, công khai đấu thầu đìa trũng, gò cao... mọi thứ đều minh bạch, rạch ròi! Ai nhận phần ruộng mình, nấy đều phấn khởi!

Ghé thăm mấy trang trại nơi cuối ghềnh, “trên dê, dưới ếch, giữa thả ba ba” của mấy chủ trang trại còn trẻ măng, được biết: Do ở đồng xa, đất lại cằn cỗi, bỏ hoang hóa dễ hai chục năm, nên ai cũng ngại xa, chẳng ai ngó ngàng, xã đem đấu thầu! Cuối vụ đông vừa rồi, mấy ông chủ trang trại thu hoạch bán dê, bán ếch, bán ba ba, vịt gà.. mỗi người thu ngót cả trăm triệu đồng lãi ròng, giá trị gấp ba, bảy lần trồng lúa!

Chợt đâu đó, có tiếng xuýt xoa: “Một ở xa thu gấp... ba mươi ở gần”! Chúng tôi ngoảnh nhìn: Một lão nông tóc đã bạc trắng như mây, vừa nói vừa khoát tay: - Chuyện ấy, chỉ có bây giờ mới rứa!

Chuyện... bảy, chuyện... ba, chuyện... xa, chuyện... gần, về ruộng nương, vừa kể, đang diễn ra ở xã Định Tân, huyện Yên Định, xứ Thanh vậy!