Từ lối học xưa, nghĩ đến lối học nay
TCCSĐT - Hiếu học là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, trải qua hàng nghìn năm với biết bao thăng trầm, đạo học vẫn luôn được đề cao. Thế nhưng, theo dòng chảy của thời gian cùng với những tác động của xã hội, sự học “hôm nay” và “hôm qua” đã có khoảng cách rất xa, cùng với đó, nghĩa thầy trò cũng có nhiều thay đổi.
Trước, lấy “đạo” làm trọng
Người xưa có câu: “Ngọc bất trác, bất thành khí. Nhân bất học, bất tri lý” (nghĩa là: Ngọc không mài dũa thì không thành đồ quý. Người không học thì không biết lẽ phải). Vậy học trước hết để làm người. Đạo học cốt để phát huy đức sáng, đức tốt đẹp của con người, khiến lòng người bỏ cái ác theo cái thiện, giúp mọi người đạt đến mức đạo đức hoàn thiện nhất. Đạt được điều đó thì chí hướng kiên định, tâm mới tĩnh, dạ mới yên, sự việc tất thể mới chu toàn. Suy nghĩ mọi việc chu toàn rồi, mới có thể xử lý, giải quyết công việc được thỏa đáng. Điều đó lý giải vì sao, người con cả của nhà thơ làng cảnh Việt Nam Nguyễn Khuyến đã thay đổi bản tính cao ngạo cửa quyền của mình khi chính đấng sinh thành cho một bài học về chữ Đạo: quỳ trước mặt con với tư cách là một thần dân, như cách mà người con bắt dân làng quỳ gối trước mặt mình.
Bên cạnh chỉ ra điều cốt lõi, đạo học xưa rất chú trọng tính mục đích trong việc học: “Học là gì? Học tức là học cái chưa biết để mà biết, biết để mà làm. Mà làm việc gì và làm ở đâu? Làm tức là làm những công việc thực tế trong nước hiện nay và để lại việc làm hữu dụng đó cho đời sau nữa” (trích trong “Tế cấp bát điều” - Nguyễn Trường Tộ). Xuất phát từ ý thức học cho bản thân, học để giúp đời mà kẻ sỹ ngày xưa đã không quản ngày đêm dùi mài kinh sử. Họ chỉ có một con đường duy nhất: học - thi cử - đỗ đạt - làm quan. Tính mục đích đã định hướng cho sỹ tử xưa một ý thức, thái độ học tập nghiêm túc, học mọi nơi, mọi lúc và bất cứ khi nào.
Điều đáng chú ý là cách học của cha ông ta không ôm đồm, chú trọng học tinh hơn học thô, học ít mà hiểu nhiều, chú trọng bề sâu hơn bề rộng, hay còn gọi cách học quán thông. Đó là cái học để hiểu “đạo”, nhất là để sống cho hợp với mọi lẽ trong quy luật của trời đất, là biết sống, biết xử sự giữa con người với nhau, cũng như giữa con người với thế giới xung quanh, trong đó có quan hệ với thiên nhiên, cây cỏ.
Người có công giúp trò tịnh tiến tới “đạo” nhanh và chuẩn xác nhất không ai khác là thầy. Vị thế của người thầy được tôn trọng, đứng sau vua và trước đấng sinh thành “ quân - sư - phụ”. Bởi thế, một chữ cũng là thầy mà nửa chữ cũng là thầy: “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Thầy học ngày xưa rất nghiêm khắc với trò, theo kiểu “ thương cho roi, cho vọt”. Chính những đòn roi ấy đã góp phần tôi luyện những thế hệ học trò vừa đủ “đức” lẫn “tài”. Thầy bao giờ cũng giữ thái độ đúng mực trước trò. Ai giỏi thì thầy khen, ai có lỗi thì thầy phạt, không tư vị nể nang. Nhờ vậy mà trò rút ra được ưu khuyết để đạt được kết quả tốt sau này. Dù nghiêm khắc là thế, nhưng nghĩa thầy trò xưa thật hiếm gặp trong thời đại bây giờ. Tình cảm xuất phát từ “tâm phục, khẩu phục”, không phải cân đong, đo đếm bằng những giá trị vật chất mà là giá trị tinh thần. Thầy giáo Chu Văn An là một thầy học nổi tiếng, có học trò nhiều người đỗ đạt làm quan. Kẻ nào làm quan mà không tốt với dân thì không được thầy tiếp, phải trở về sửa mình. Đức năng và học thuật của thầy đã cảm hóa nhiều người, vì thế đã không ít người coi thầy như cha, coi thầy như anh mình. Đó mới chính là cốt lõi của “đạo”: Học cách làm người, sống nghĩa tình, trọn vẹn trước sau.
Nay, lấy “đậu” làm đầu
Nếu như lối học xưa chú trọng đến “đạo”, thì ngày nay, học lấy “đậu” làm đầu. “Đậu” ở đây là kết quả đánh giá sau một kỳ thi, là bước ngoặt, nấc thang để định vị, xếp loại vị thế của con người trong xã hội. Nó là hệ quả tất yếu khi mà xã hội đang có những bước chuyển lớn: từ nền sản xuất thuần nông tiến theo cơ chế thị trường, và tất yếu những quan niệm, lối suy nghĩ thuộc về giá trị xưa cũ khó mà nguyên vẹn.
Lối học ngày nay thiên về lý thuyết, kiến thức đa dạng nhưng chỉ dừng ở khoa học tổng quan. Một vị giáo sư người Mỹ đã có nhận xét, “học sinh Việt Nam được trang bị kiến thức để có thể sáng tạo ra tên lửa đạn đạo, nhưng thực tế lại không tháo lắp được một bóng điện thông thường”. Nhận định này đúng hay sai còn tranh cãi, song nó cho thấy, chúng ta đang chạy theo lối học hàn lâm, cao siêu mà ít chú ý tới khả năng ứng dụng thực tế và thực tiễn. Sự nhồi nhét để chạy theo yêu cầu “đổi mới toàn diện” đã khiến cho học sinh bơ phờ, vật vã. Áp lực học tập đang đè nặng lên vai người học. Nếu như trước đây, học gì thi nấy, thì nay với “cái sự cải cách” chóng mặt, người học không có lựa chọn nào khác là thi gì học nấy. Lối học thực dụng phù hợp với xã hội hôm nay nhưng hệ lụy về lâu dài là khôn lường.
Không thể đổ lỗi cho trò khi các em được lựa chọn khối thi, môn thi và kết quả, môn nào không chọn thì xem như giáo viên ấy không hiện hữu. Xã hội phát triển đã có quá nhiều điều ảnh hưởng tới đạo đức, lối sống của giới trẻ, để đến giờ khi tính “dân chủ” trong trường học (đặc biệt trong thi cử được đề cao) Đạo thầy trò đang đứng trước nguy cơ: báo động! Một người thầy đã buồn mà chia sẻ: lâu nay học trò gặp thường chào mình; giờ môn thầy dạy mà không thi, khi gặp thầy, trò lơ đi như không, thôi thì mình chào trò vậy!. Sự thật cười ra nước mắt ấy đang ngày càng nhiều hơn. Đó cũng là trăn trở chung của những người đang hằng ngày đứng trên bục giảng.
Một thực tế đáng quan ngại hiện nay, khi đời sống vật chất được nâng lên thì nhu cầu học, đọc ngày một ít đi. Học để chạy theo bằng cấp, và một khi mục đích đạt được, lại nảy sinh tâm lý tự thỏa mãn, tự bằng lòng với những gì mình đang có. Chính điều đó đang làm mất dần đi truyền thống ham học, cầu tiến của người Việt Nam, và điều đó đồng nghĩa, cách học chủ động, tự học đang dần được thay thế bằng thụ động, đối phó. Học đối phó là hiện tượng học sinh học bài chỉ để vượt qua một kỳ thi, một giờ kiểm tra một cách gượng ép và không hề lưu giữ nhiều kiến thức đã học. Còn “quay cóp bài” là tình trạng học sinh xem bài của nhau hoặc xem tài liệu trong giờ kiểm tra, thi cử. Nói một cách đơn giản hơn, đó là những hiện tượng tiêu cực trong một nền giáo dục. Và đáng tiếc thay, cái tiêu cực đó dường như đã trở thành “một phần tất yếu trong cuộc sống” của học sinh thời nay và nó đang ăn sâu, lan rộng vào tiềm thức của những người đang ngồi trên ghế nhà trường.
Sự bùng nổ thông tin thời đại công nghệ số, internet ngày càng phát triển và rộng khắp thì việc tiếp cận thông tin càng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ cần một cú nhấn chuột là có thể tìm được nhanh chóng thông tin mình cần. Và lẽ dĩ nhiên, nhiều người sẽ chọn cách này hơn là cất công lên thư viện, rồi phải làm thẻ, tra cứu sách,… Có lẽ vậy mà học sinh ngày càng thờ ơ khi tìm đọc sách, báo trên thư viện.
Từ cổ chí kim, lối học thật bao giờ cũng chú trọng gốc rễ rồi mới đến ngọn, bởi lẽ: “xưa nay đạo học không đường tắt”. Ôn cũ tri tân, nhìn lại đạo học của cha ông mà nghĩ tới hôm nay. Sự thay đổi cách thức, mục đích cùng với quan hệ thầy trò trong một thời đại mới là tất yếu. Tuy nhiên, tận cùng của đạo học muôn đời: Học trước hết là để làm người, bởi căn thiên “đạo đức” là thước đo đánh giá nhân cách, vị thế của một cá nhân, cũng như sự tồn hưng của một quốc gia, dân tộc. Trách nhiệm này không chỉ của riêng thế hệ trẻ, những người làm giáo dục mà của toàn xã hội trong sứ mệnh chiến lược: tu dưỡng đạo đức, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài./.
Về năng lực thực thi công vụ của đội ngũ công chức hành chính  (24/01/2017)
Về năng lực thực thi công vụ của đội ngũ công chức hành chính  (24/01/2017)
Bộ Tư pháp tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng văn bản  (23/01/2017)
Việt Nam ghi nhận đóng góp của Tổ chức Hòa bình-Đoàn kết Ấn Độ  (23/01/2017)
Tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm  (23/01/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Khát vọng mạnh mẽ hơn nữa, nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu
- Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới
- Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp, hội kiến Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Mishustin
- Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm