Dân vận khéo

Nguyễn Văn Công Đại học Nguyễn Huệ
20:38, ngày 04-01-2017

TCCSĐT - Ngày 15-10-1949, Bác Hồ đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự Thật, cơ quan ngôn luận của Đảng. Bài báo hàm chứa quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bản chất dân chủ của Nhà nước ta và về lĩnh vực công tác cực kỳ quan trọng của cách mạng, đó là công tác dân vận.

Trong tác phẩm, Người nhấn mạnh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” (1). Trong nội dung bài báo, Người nhấn mạnh, đối với các chủ thể làm công tác dân vận, làm sao để “dân vận khéo”. Đó là: “Phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” (2).

Óc nghĩ, có nghĩa là, mỗi người cán bộ dân vận phải có trình độ và năng lực tốt. Cán bộ dân vận phải tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước xây dựng, ban hành các chủ trương, đường lối, chính sách hợp lòng dân, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phải có trình độ tổ chức phong trào cách mạng của quần chúng. Thực tế hiện nay, trong quá trình làm công tác dân vận, một số cán bộ làm công tác dân vận, trong đó có không ít cán bộ quản lý, lãnh đạo yếu về năng lực, chú trọng về kiến thức hơn là kỹ năng và thực tiễn cuộc sống, vì vậy, mới có bệnh suy nghĩ nhiều nhưng làm chẳng được bao nhiêu.

Mắt trông, là cán bộ dân vận phải sát cơ sở, tuyệt đối không được quan liêu, phải luôn trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân. Đây là một yêu cầu rất quan trọng, bởi chỉ trên cơ sở bao quát, nắm bắt tình hình thực tế mới có sự phân tích, đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Mắt trông cũng chính là biểu hiện khả năng nhận định, đánh giá tình hình từ thực tiễn để có những quyết sách đúng đắn.

Tai nghe, đó là khả năng nắm bắt kịp thời các thông tin quần chúng, phải biết nghe dân nói, phải hiểu được nguyện vọng chính đáng của dân và biết loại trừ những thông tin nhiễu, thiếu chân thực, không khách quan, không đúng sự thật. Nghe được dân nói, nhưng không rơi vào tình trạng theo đuôi quần chúng mà phải biểu thị được thái độ vừa cầu thị, vừa định hướng, dẫn dắt được quần chúng. Lắng nghe như là một cách biểu hiện sự tôn trọng, đồng thời cũng thể hiện sự cầu tiến của người làm công tác dân vận. Tất nhiên, điều này không phải ai cũng có thể làm được mà cần có sự rèn luyện thường xuyên, phải là những người tâm huyết với công việc. Trên thực tế, có những cán bộ khi tiến hành công tác dân vận vì thiếu nghiệp vụ, vì muốn thể hiện “cái tôi” quá lớn hoặc thiếu hiểu biết, thiếu tôn trọng quần chúng… dẫn đến quan liêu.

Chân đi, có nghĩa là phải bám sát cơ sở chứ không phải “chỉ ngồi viết mệnh lệnh”. Đây cũng là một yếu tố chống căn bệnh quan liêu, hành chính nặng về làm việc theo kiểu giấy tờ của một số cán bộ làm dân vận hiện nay.

Miệng nói, người cán bộ dân vận phải thường xuyên có trách nhiệm tuyên truyền, giải thích thật tốt như Bác nói: “phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ ràng”. Trong đó, phải khéo trong tiến hành giảng giải, chứng minh, bác bỏ, tức là, người cán bộ dân vận phải làm cho quần chúng hiểu rõ bản chất vấn đề, nhất là vấn đề liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm công dân. Phải bằng những luận cứ, luận chứng khoa học, bằng những dữ liệu, sự kiện, tài liệu để minh chứng cho vấn đề muốn truyền đạt là đúng đắn, có cơ sở. Bên cạnh đó, phải bằng những lập luận khoa học để bác bỏ những nhận thức, quan điểm, hành vi sai trái hình thành, củng cố những nhận thức, quan điểm, niềm tin đúng ở nhân dân.

Tay làm, đây là một yêu cầu rất cao của Bác, lý luận phải đi đôi với thực tiễn, lý luận mà không có thực tiễn là lý luận suông, thực tiễn mà không có lý luận là thực tiễn mù quáng. Người chỉ rõ “Hãy kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc không nhằm mục đích nâng cao sản xuất” (3). Tránh hiện tượng: “chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn”, hay trước mặt dân chúng thì lên mặt “quan cách mạng”. Miệng thì nói dân chủ nhưng làm việc thì theo lối “quan chủ”. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, còn thực tế thì “chỉ biết ăn sang, diện cho kẻng, chẳng những không lo phụng sự nhân dân, mà còn muốn nhân dân phụng sự mình” (4).

Thực hiện lời dạy của Bác, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03-6-2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” đánh giá công tác dân vận thời gian qua đã góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. Song vẫn còn những hạn chế chưa được khắc phục. Đó là, nhiều bức xúc chưa được giải quyết, quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi bị vi phạm; quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chưa được thực hiện tốt tại nhiều xã, phường; không ít nơi cấp ủy chưa coi trọng công tác dân vận, phó mặc cho cán bộ chuyên trách. Có nơi còn xảy ra tình trạng hách dịch, sách nhiễu, vi phạm quyền làm chủ của dân…

Thiết nghĩ, làm công tác dân vận phải quan tâm nghiên cứu, tuyên truyền nội dung bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, mỗi cán bộ, công chức, đảng viên phải gương mẫu thực hiện phương pháp dân vận “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” như Bác Hồ chỉ rõ. Đây thực sự là một cẩm nang quý báu trong thực hiện công tác vận động quần chúng của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới./.

------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 700

(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr. 699

(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t.10, tr. 312

(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t.6, tr. 89