Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 21 đến ngày 27-12-2015
Từ 01-01-2016 cấp thẻ Căn cước công dân
Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 61/2015/TT-BCA quy định về mẫu thẻ Căn cước công dân.
Theo đó, đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
Thông tư quy định, thẻ Căn cước công dân có hình chữ nhật, bốn góc được cắt tròn. Nội dung mặt trước thẻ bao gồm các thông tin sau: hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; ảnh của người được cấp thẻ; có giá trị đến; dòng chữ "CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc"; dòng chữ "CĂN CƯỚC CÔNG DÂN"; số; họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; quê quán; nơi thường trú.
Mặt sau thẻ trên cùng là mã vạch 2 chiều; ô vân tay; đặc điểm nhận dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ Căn cước công dân; họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người có thẩm quyền cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ Căn cước công dân.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-2016 và thay thế Thông tư số 57/2013/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về mẫu Chứng minh nhân dân.
Mẫu thẻ Căn cước công dân quy định trên được áp dụng từ ngày 01-01-2016. Địa phương nào chưa có điều kiện triển khai cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo mẫu quy định tại Thông tư này thì tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 998/2001/QĐ-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an về việc ban hành các biểu mẫu sử dụng trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội để cấp, đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân, chậm nhất đến ngày 01-01-2020 phải thực hiện thống nhất theo mẫu quy định này.
Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 170/2015/TT-BTC quy định công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân lần đầu không phải nộp lệ phí. Bên cạnh đó, công dân đổi thẻ căn cước công dân khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi; đổi thẻ căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ do lỗi của cơ quan quản lý cũng không phải nộp lệ phí căn cước công dân.
Bên cạnh các đối tượng được miễn lệ phí theo quy định, các trường hợp khác khi đổi thẻ căn cước công dân phải nộp lệ phí là 50.000 đồng/thẻ và khi cấp lại là 70.000 đồng/thẻ. Công dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; các xã biên giới; các huyện đảo nộp lệ phí thẻ căn cước công dân bằng 50% mức thu nêu trên.
Theo Điều 20 Luật Căn cước công dân về giá trị sử dụng của thẻ Căn cước công dân, thì Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về Căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Thẻ được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân để kiểm tra về căn cước và các thông tin quy định tại Điều 18 của Luật này; được sử dụng số định danh cá nhân trên thẻ để kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định.
Khi công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin. Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định của pháp luật.
“Toàn người hàn lâm lại kém về cải cách hành chính”
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nói như trên tại hội nghị về cải cách hành chính của ngành y tế hôm 23-12 ở Hà Nội.
Tại hội nghị nói trên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đặt câu hỏi: “Vào ngành y yêu cầu điểm cao nhất trong tất cả các ngành, vì sao toàn người hàn lâm lại kém về cải cách thủ tục hành chính?” (Theo kết quả chấm điểm gần nhất (năm 2014), Bộ Y tế đang xếp thứ 17/19 bộ ngành về chỉ số cải cách hành chính, thấp hơn cả năm 2013 khi Bộ Y tế xếp thứ 16/19 bộ ngành).
Theo lý giải của ông Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, lý do ngành y tế bị trừ nhiều điểm, dẫn tới xếp hạng thấp về cải cách thủ tục hành chính năm 2014 là các cục vụ trực thuộc bộ đều chưa phê duyệt đề án vị trí việc làm cho từng cán bộ, ngay Vụ Tổ chức cán bộ cũng chưa phê duyệt được, đến năm 2015 này mới có. Ngoài ra, ngành y tế cũng bị trừ nhiều điểm về chậm đổi mới cơ chế tài chính ở cơ quan công lập. Đặc biệt, ở yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ, ngành y tế chỉ đạt 9,01/16,5 điểm tối đa, xếp thứ 14/19 bộ ngành, trong khi năm 2013 xếp thứ 4/19 bộ ngành.
Tại hội nghị, Bộ trưởng cho biết sau thời gian cải cách hành chính tại cơ sở y tế, thời gian thực hiện các thủ tục đã giảm trung bình 48,5 phút. Qua khảo sát thực tế, có những bệnh viện thời gian giảm cao nhất tới 1/2 so với trước. “Khi xây dựng các văn bản, rất nhiều quy định là ta tự bó ta. Muốn được cấp chứng chỉ hành nghề cần có lý lịch tư pháp, cộng thêm 18 tháng làm việc tại cơ sở y tế. Hay quy định về bác sĩ gia đình thì cần 18 tháng thực hành ở đơn vị có bác sĩ gia đình, trong khi mình chưa triển khai bác sĩ gia đình thì lấy đâu ra cơ sở có bác sĩ gia đình để thực hành?
Những quy định này đều phải sửa. Có những nơi thanh toán được tiền bảo hiểm y tế cần tới 12 chữ ký... Thi đầu vào y khoa khó nhất, một bộ máy y khoa toàn người hàn lâm mà tư duy cải cách hành chính rất chậm” - Bộ trưởng Tiến chất vấn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, trong năm 2016 ngành y tế sẽ triển khai hàng loạt hoạt động để cải cách thủ tục hành chính, mục tiêu không phải là chạy đua xếp hạng mà quan trọng là người bệnh hài lòng. Trong đó, các quy định cũ như giám đốc bệnh viện hạng đặc biệt phải là phó giáo sư, tiến sĩ trở lên, bệnh viện thông thường phải bác sĩ chuyên khoa 2 trở lên, hay giám đốc sở y tế phải thông thạo một ngoại ngữ... sẽ phải thay đổi. Cụ thể, thay đổi theo hướng giám đốc bệnh viện không phải là người giỏi nhất về chuyên môn, mà phải thành thạo các nghiệp vụ về quản lý tài chính, cơ sở hạ tầng, quản trị bệnh viện...
Quy định mới về cơ cấu tổ chức của Sở Xây dựng
Bộ Xây dựng - Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BXD-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh về các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành Xây dựng có hiệu lực từ ngày 01-01-2016.
Theo đó, Sở Xây dựng là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về các lĩnh vực: Quy hoạch xây dựng và kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao.
Riêng đối với Sở Xây dựng thuộc Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND thành phố quản lý nhà nước về lĩnh vực quy hoạch xây dựng, kiến trúc.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND thành phố quản lý nhà nước về lĩnh vực quy hoạch xây dựng, kiến trúc và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn khác theo phân cấp, ủy quyền của UBND thành phố và theo quy định của pháp luật.
Về lãnh đạo, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có Giám đốc và không quá 3 Phó giám đốc.
Đối với các tỉnh, cơ cấu tổ chức của Sở Xây dựng không quá 8 đơn vị, bao gồm: Văn phòng; Thanh tra; Phòng Quy hoạch - Kiến trúc; Phòng Phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật; Phòng Quản lý xây dựng; Phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng; Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản; Chi cục Giám định xây dựng.
Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, cơ cấu tổ chức của Sở Xây dựng không quá 10 đơn vị, cụ thể như sau: Văn phòng; Thanh tra; Phòng Quy hoạch - Kiến trúc; Phòng Phát triển đô thị; Phòng Hạ tầng kỹ thuật; Phòng Quản lý xây dựng; Phòng Cấp phép xây dựng; Phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng; Phòng Quản lý nhà nước và thị trường bất động sản; Chi cục Giám định xây dựng.
Cơ cấu tổ chức Sở, Phòng Y tế
Liên Bộ Y tế - Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư liên tịch 51/2015/TTLT-BYT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Y tế thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Theo Thông tư liên tịch 51/2015/TTLT-BYT-BNV (Thông tư) vừa ban hành, Sở Y tế có Giám đốc và không quá 3 Phó Giám đốc.
Thông tư cũng nêu rõ, các tổ chức tham mưu tổng hợp và chuyên môn nghiệp vụ thuộc Sở Y tế gồm: 1- Văn phòng; 2- Thanh tra; 3- Phòng Tổ chức cán bộ; 4- Phòng Nghiệp vụ Y; 5- Phòng Nghiệp vụ Dược; 6- Phòng Kế hoạch - Tài chính.
Căn cứ vào tính chất, đặc điểm, yêu cầu quản lý của từng địa phương, Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân hoặc tổ chức có tên gọi khác, bảo đảm bao quát hết các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Số lượng tổ chức thuộc Sở Y tế không quá 7 phòng.
Theo Thông tư, các cơ quan trực thuộc Sở Y tế gồm: Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Các Chi cục này có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng. Cơ cấu tổ chức của Chi cục không quá 3 phòng.
Căn cứ đặc điểm và yêu cầu thực tế ở địa phương, Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật.
Trung tâm Y tế huyện được tổ chức thống nhất trên địa bàn cấp huyện, thực hiện chức năng về y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng; các Phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh khu vực (nếu có) và trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện là đơn vị y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện.
Cũng theo Thông tư, Phòng Y tế có Trưởng phòng, không quá 2 Phó Trưởng phòng và các công chức chuyên môn, nghiệp vụ.
Thông tư liên tịch này có hiệu lực từ ngày 25-01-2015.
Chức năng, biên chế của tổ chức văn thư, lưu trữ bộ
Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư 06/2015/TT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của tổ chức văn thư, lưu trữ bộ, cơ quan ngang bộ, có hiệu lực thi hành từ 15-02-2016.
Theo đó tổ chức văn thư, lưu trữ bộ là Phòng Văn thư - Lưu trữ thuộc Văn phòng bộ. Phòng Văn thư - Lưu trữ giúp Chánh Văn phòng bộ tham mưu cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý công tác văn thư, lưu trữ của các vụ, văn phòng, thanh tra, cục, tổng cục và các tổ chức tương đương, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ và thực hiện công tác văn thư, lưu trữ của bộ.
Phòng Văn thư - Lưu trữ giúp Chánh Văn phòng bộ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn sau: Xây dựng, trình bộ ban hành các chế độ, quy định về văn thư, lưu trữ; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật và của bộ về công tác văn thư, lưu trữ; xây dựng, tổ chức thực hiện các đề án, dự án, chương trình, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, ngắn hạn, hàng năm về công tác văn thư, lưu trữ; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, sáng kiến vào công tác văn thư, lưu trữ; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư, lưu trữ cho công chức, viên chức của bộ…
Phòng Văn thư-Lưu trữ cũng thực hiện công tác văn thư và công tác lưu trữ của bộ.
Về tổ chức, biên chế, Bộ Nội vụ quy định, phòng Văn thư - Lưu trữ gồm có Trưởng phòng, không quá 02 Phó Trưởng phòng và các công chức.
Biên chế của Phòng Văn thư - Lưu trữ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định trong tổng số biên chế của Văn phòng bộ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-02-2016.
Quy trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thuế theo cơ chế một cửa
Tổng cục Thuế vừa có quyết định ban hành quy trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của người nộp thuế theo cơ chế một cửa tại cơ quan thuế.
Theo đó, cơ quan thuế các cấp khi thực hiện giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa, phải tuân thủ các nguyên tắc: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đúng thẩm quyền, phạm vi và đúng chức năng nhiệm vụ quyền hạn; Công khai đầy đủ thông tin, kịp thời các thủ tục hành chính thuế và tình trạng giải quyết hồ sơ của người nộp thuế; Bảo đảm giải quyết công việc, nhanh chóng, thuận tiện.
Việc yêu cầu bổ sung hồ sơ chỉ được thực hiện một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ tại cơ quan thuế một cấp, trừ trường hợp do lỗi của người nộp thuế; bảo đảm hồ sơ của người nộp thuế được giải quyết đúng thời hạn, trình tự theo quy định. Việc tiếp nhận và trả kết quả cho người nộp thuế bằng phương thức điện tử phải thực hiện theo quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận, đơn vị trong cơ quan thuế và các cơ quan khác có liên quan.
Cơ quan thuế bố trí địa điểm tiếp nhận và trả kết quả thuận tiện cho người nộp thuế. Công chức thuế tuân thủ theo đúng quy định và các quy trình nghiệp vụ; phong cách giao tiếp ứng xử văn minh, lịch sự, tận tình, tôn trọng người nộp thuế.
Quy trình cũng quy định cụ thể về thời hạn trả kết quả giải quyết hồ sơ cho người nộp thuế.
TP. Hồ Chí Minh: Nghiên cứu thí điểm bầu trực tiếp một số chức danh quận, huyện
Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh vừa trình UBND Thanh phố xem xét ban hành kế hoạch thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn trong năm 2016.
Dự thảo kế hoạch đề ra mục tiêu phấn đấu đưa chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của TP. Hồ Chí Minh năm sau đứng trong nhóm năm địa phương dẫn đầu cả nước, 100% thủ tục hành chính được cập nhật và công bố công khai trên cổng thông tin điện tử, tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn trên cổng thông tin một cửa điện tử đạt 85%...
Cũng theo dự thảo, trong năm 2016, TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai thí điểm cơ chế thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp phó sở, ngành của Thành phố, chức danh trưởng quận, huyện gắn với chuyên môn nghiệp vụ trong bộ máy hành chính các đơn vị sự nghiệp. Đồng thời, Thành phố cũng nghiên cứu đề xuất thực hiện thí điểm cử tri bầu trực tiếp một số chức danh ở phường, xã, thị trấn, quận, huyện.
Trong năm 2016, Thành phố cũng sẽ triển khai, mở rộng các ứng dụng giao dịch phục vụ hành chính công cho người dân và doanh nghiệp tại quận, huyện, sở, ngành theo mô hình hệ thống liên thông thống nhất, phục vụ qua nhiều kênh như máy tính, máy tính bảng, điện thoại, điện thoại thông minh. Song song đó sẽ có hệ thống đánh giá sự hài lòng của các tổ chức và người dân nhằm cải thiện chất lượng cung ứng dịch vụ công.
Ngoài ra dự thảo kế hoạch cũng nêu rõ nơi nào để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, hồ sơ trả lại nhiều lần thì sẽ xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức sai phạm, đồng thời sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó./.
Mười luật có hiệu lực từ ngày 01-01-2016  (28/12/2015)
Đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp và giao lưu nhân dân Nga - Việt Nam  (28/12/2015)
Hà Nội tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt chào năm mới 2016  (28/12/2015)
Bộ Y tế kịp thời chấn chỉnh công tác tiêm chủng dịch vụ  (28/12/2015)
- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao Quyết định về chức năng, nhiệm vụ của 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị ở Trung ương
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm