Lời thề trước Đảng, lời hứa trước dân
TCCS - Vào mùa lễ hội năm nay, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về Lễ hội Minh thề ở làng Hòa Liễu thuộc xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Hội thề diễn ra rất hấp dẫn, quy mô hoành tráng bởi lễ hội này đã có từ gần 500 năm nay, được khôi phục, tái dựng lại những nghi lễ để người có chức sắc trong làng thề trước dân sẽ làm việc thanh liêm, chính trực, không tham nhũng, tư túi của công và không dùng quyền uy bức ép nhân dân. Câu thề “ai lấy của công làm của tư xin thần linh đả tử” (nghĩa là thần linh đánh chết) quả thật rất có sức cuốn hút, khi mà vấn nạn tham nhũng, tiêu cực ở một bộ phận cán bộ, đảng viên đang hằng ngày hằng giờ làm xói mòn niềm tin của người dân vào những người lãnh đạo của mình.
Tuy nhiên, qua Hội thề này vẫn có những ý kiến thắc mắc là tại sao từ khi khôi phục lễ hội đến nay, không thấy “quan” thề mà chỉ thấy toàn dân thề? Nhiều người giải thích rằng, không phải là “quan” không thề mà là đã thề rồi, đã hứa rồi.
Lời thề là sự cam kết, hứa hẹn một cách rất trịnh trọng, viện ra những vật linh thiêng hay cái quý báu giá trị nhất trong đời con người, như danh dự, tính mạng... để bảo đảm một điều rất quan trọng nào đó. Đối với người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, lời thề được ví như “dao chém thớt”, như “đinh đóng cột”, không gì có thể xoay chuyển, thay đổi được lời thề. Tuy nhiên hiện nay, trên thực tế, có không ít trường hợp, hiện tượng mới thề đấy mà đã quên ngay, cứ dửng dưng, “nhẹ như lông hồng”. Vì vậy mà người ta thường có câu “Thề! Cá trê chui ống!”.
Còn lời hứa là lời nói của một tập thể hay một vài cá nhân với ý thức tự ràng buộc mình phải làm một việc cụ thể, một cam kết gì đó mà tập thể, cá nhân khác đang quan tâm, chờ đợi. Nói chung, so với lời thề, lời hứa ít thiêng liêng hơn, hệ trọng hơn, nó thường ít ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị cũng như mạng sống của một tập thể hay cá nhân. Vì vậy, việc thất hứa cũng vì thế mà dễ dàng xảy ra và được người khác bỏ qua. Và trên thực tế thường hay có những lời “hứa suông”, “hứa hão”.
Đối với người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, trước khi trở thành đảng viên họ đều phải đứng dưới cờ Đảng, đọc những lời thề danh dự nguyện “Suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân, nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân”; “gắn bó mật thiết với nhân dân”; “phục tùng tổ chức, kỷ luật đảng”,... Trải qua 84 năm, kể từ ngày Đảng ta ra đời, trải qua những chặng đường lịch sử vô cùng vẻ vang, oanh liệt nhưng cũng không kém phần khốc liệt, gian khổ, hy sinh, hàng triệu đảng viên của Đảng, hết lớp này đến lớp khác đã đứng dưới lá cờ Đảng, đã thề và luôn luôn khắc sâu lời thề, phấn đấu rèn luyện để giữ vững lời thề trước Đảng. Tám mươi tư năm qua đã có biết bao nhiêu đảng viên đã anh dũng hy sinh vì lý tưởng của Đảng, vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc, vì tính mạng, hạnh phúc của nhân dân. Có nhiều đảng viên hoạt động bí mật trong lòng địch, khi bị lộ và bị địch bắt, mặc dù bị địch tra tấn vô cùng dã man, tàn bạo, dù phải hy sinh tính mạng nhưng vẫn một mực giữ vững khí tiết của người cộng sản. Đã có không biết bao nhiêu đảng viên qua các thời kỳ cách mạng sống sắt son, thủy chung, gắn bó, gần gũi với nhân dân, giữ lời thề trước Đảng, lời hứa trước dân, suốt đời vì lợi ích của nhân dân mà phấn đấu, phục vụ, được nhân dân tin tưởng, thương yêu, đùm bọc, che chở, thậm chí có người dân đã sẵn sàng hy sinh thân mình, con em mình để bảo vệ những cán bộ, đảng viên của Đảng. Trong cơ chế thị trường hiện nay, phần lớn đảng viên của Đảng vẫn giữ vững lời thề của mình khi gia nhập Đảng, một lòng thủy chung son sắt vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hết lòng, hết sức vì hạnh phúc của nhân dân.
Tuy nhiên, trong thực tế công tác xây dựng Đảng những năm qua ở nước ta, trong nhiều trường hợp nghi thức kết nạp đảng trở nên hình thức, kém nghiêm túc, mất ý nghĩa thiêng liêng. Nhiều khi lời thề của đảng viên trước cờ Đảng chỉ còn là thủ tục, một chút tình cảm thoảng qua, không để lại dấu ấn gì trong tâm hồn người đảng viên trong khoảnh khắc được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tình trạng nhạt nhẽo, vô hồn, thậm chí giả tạo của không ít người khi thề trước Đảng ở nơi nọ, chỗ kia do nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân chính sau đây:
Thứ nhất, động cơ, mục đích vào Đảng của không ít đảng viên thiếu trong sáng, không lành mạnh, nhiều khi mang nặng tính vụ lợi. Hiện nay, có một xu hướng trong xã hội là vào Đảng cốt để “thăng quan, tiến chức”, để “vinh thân, phì gia”, “lên mặt làm quan cách mạng” như Bác Hồ đã từng phê phán.
Thứ hai, ở không ít tổ chức đảng việc vào Đảng một cách dễ dàng, không phải phấn đấu, thử thách qua gian khó, chỉ cần có “nguyện vọng” và sống sao cho “vừa lòng” mọi người, nhất là không làm “mất lòng” người lãnh đạo trực tiếp, chẳng những làm cho tiêu chuẩn đảng viên bị hạ thấp mà còn tạo ra tâm lý tầm thường hóa người đảng viên cũng như việc vào Đảng.
Thứ ba, có những người khi đã đứng trong hàng ngũ của Đảng, qua thời kỳ dự bị, trở thành đảng viên chính thức thì không nỗ lực, cố gắng phấn đấu nữa, cốt sao không vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống, không vi phạm nặng nề đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thậm chí có mặt còn kém hơn quần chúng. Điều này vô hình trung đã làm cho không ít tổ chức đảng “đông mà không mạnh”, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bị giảm sút.
Thứ tư, trong lễ kết nạp đảng viên, nhiều nơi tổ chức không chu đáo, không trịnh trọng và thiếu nghiêm trang, thậm chí đơn giản, sơ sài và chiếu lệ. Ngay từ buổi đầu như vậy khiến cho người được kết nạp Đảng cảm thấy kém vinh dự, kéo theo là không thấy trách nhiệm nặng nề, nhiệm vụ khó khăn hơn khi trở thành đảng viên. Nhiều người coi như vậy là đã “qua cầu”, buông lỏng sự phấn đấu, tu dưỡng trong chặng đường tiếp theo.
Bắt đầu từ một số nguyên nhân trên đây, cộng với sự rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu không tốt của đảng viên, đồng thời sự lỏng lẻo, yếu kém trong công tác kiểm tra, giám sát, giáo dục của tổ chức và quần chúng nhân dân mà không ít đảng viên rơi vào tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tức là họ đã quên đi lời thề khi vào Đảng, thậm chí làm ngược lại những lời thề trước đây. Trong những vụ án lợi dụng chức quyền để tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua thì phần lớn trong số đó là những đảng viên có chức, có quyền. Những đảng viên đã không giữ vững lời thề trước Đảng thì cũng không bao giờ làm và giữ đúng lời hứa trước dân. Không giữ được lời thề trước Đảng là có tội với Đảng, với biết bao nhiêu đồng chí đã hy sinh tính mạng của mình đấu tranh phấn đấu vì lý tưởng của Đảng, không xứng đáng là đảng viên của Đảng nữa. Không giữ được lời hứa trước dân là mắc tội lừa dối đồng bào mình. Đồng bào ta ở nhiều nơi đang gặp khó khăn, thiếu thốn, có nhiều vấn đề bức xúc cần được giải quyết, nhiều đoàn cán bộ của Trung ương và địa phương đến rồi lại đi, chỉ để lại lời hứa suông không hơn không kém. Trên nhiều diễn đàn Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, người dân cũng nhiều lần nhận được những lời hứa sẽ nghiên cứu, báo cáo, giải quyết vụ việc này, vấn đề nọ. Tuy nhiên thời gian thì cứ qua đi, nhiều vấn đề bức xúc, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân được tích tụ lại mà vẫn chưa được giải quyết, góp phần làm giảm niềm tin của người dân.
Cho đến nay, những hiện tượng bội thề, thất hứa trong các tổ chức đảng, chính quyền và trong xã hội đã khiến quần chúng, nhân dân cũng như cán bộ, đảng viên nhiều khi không còn tin vào lời thề, lời hứa của cán bộ, đảng viên nữa. Đây chính là nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Do đó, để lời thề trước Đảng, lời hứa trước dân giữ được giá trị thiêng liêng và độ tin cậy, xin có một số kiến nghị:
Một là, bằng nhiều biện pháp, Đảng, Nhà nước ta cần củng cố, tăng cường kỷ luật của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, coi trọng chữ tín của tổ chức, cá nhân người lãnh đạo trong giao tiếp, giao dịch dân sự, trên cơ sở xây dựng một Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Hai là, tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác đổi mới, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch tổ chức, đội ngũ đảng viên. Đặc biệt coi trọng việc nâng cao chất lượng đảng viên ngay từ “đầu vào” của mỗi tổ chức, chi bộ đảng theo tinh thần “thà ít mà tốt”. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giác ngộ để các tổ chức đảng và toàn xã hội nâng cao nhận thức rằng, được đứng trong hàng ngũ của Đảng là niềm vinh dự, tự hào đồng thời cũng là sự dấn thân vào con đường vô cùng khó khăn, nặng nề, phải chịu sự gian khổ, hy sinh, suốt đời phải phấn đấu vì lý tưởng của Đảng.
Ba là, tăng cường đổi mới công tác tổ chức - cán bộ trong hệ thống chính trị, trong đó ban hành, thực hiện quan điểm rằng, không nhất thiết tất cả các vị trí lãnh đạo chủ chốt của các tổ chức, cơ quan, đơn vị... đều phải do đảng viên đảm nhận. Tăng cường đại biểu không phải là đảng viên trong Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp và các tổ chức dân cử, đoàn thể quần chúng.
Bốn là, xây dựng và thực hiện quy chế, quy định việc kiểm tra, giám sát thực hiện lời thề trước Đảng, lời hứa trước dân của đảng viên và các đại biểu dân cử. Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, các cơ quan dân cử cần có cơ chế, bộ máy theo dõi, giám sát, xử lý việc hứa và thực hiện lời hứa của các đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ cũng như ủy ban nhân dân các cấp trước những vấn đề bức xúc của cử tri và nhân dân. Xây dựng tạo lập thói quen, lẽ sống, cách ứng xử văn minh, hiện đại.
Năm là, mọi cán bộ, đảng viên cần cân nhắc, cẩn trọng trước khi thề thốt, hứa hẹn với đồng chí, đồng bào mình, nhất là trên các diễn đàn, khi đến địa phương, cơ sở, với đồng bào các dân tộc thiểu số. Đã hứa với dân thì phải làm bằng được, nếu không thực hiện được cần có sự giải thích chu đáo, cụ thể. Đừng để “lời hứa gió bay”.
Sáu là, về lâu dài, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cần ban hành quy chế, quy định về việc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ... phải tuyên thệ nhậm chức và đọc lời thề dưới cờ Đảng, cờ Tổ quốc và dưới chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong lời thề, lời hứa, nhất thiết phải có nội dung: quyết tâm hành động quyết liệt, đẩy lùi tham nhũng có hiệu quả và bản thân sẽ không bao giờ phạm vào tội tham nhũng./.
Binh chủng Tăng - Thiết giáp đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (24/09/2014)
Việt - Lào trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực kinh tế, tầm nhìn 2030  (24/09/2014)
Việt Nam được bầu làm Chủ tịch Ủy ban điều phối WIPO  (24/09/2014)
Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về khí hậu  (24/09/2014)
Nâng cao chất lượng Giải báo chí Quốc gia  (24/09/2014)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Khát vọng mạnh mẽ hơn nữa, nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu
- Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới
- Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp, hội kiến Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Mishustin
- Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm