TCCSĐT - Sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 13 tháng 6 năm 2010, Bỉ vẫn chưa thành lập được chính phủ chính thức. Trọng trách chèo lái con thuyền quốc gia được xem là “thủ phủ” của Liên minh châu Âu (EU) thuộc về Chính phủ lâm thời. Cuộc khủng hoảng chính trị chưa có hồi kết. Mâu thuẫn khó dung hòa giữa vùng nói tiếng Hà Lan và vùng nói tiếng Pháp đã cản trở đà hồi phục nền kinh tế của Bỉ sau khủng hoảng chính trị trong nước và khủng hoảng tài chính toàn cầu trước nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công đang bao trùm châu Âu.

Vương quốc Bỉ được thành lập năm 1830 do sự kết hợp giữa ba cộng đồng ngôn ngữ có quốc hội và chính phủ riêng: Cộng đồng nói tiếng Hà Lan, chiếm khoảng 60% diện tích ở phía bắc nước Bỉ với 5,6 triệu dân, kinh tế phát triển dựa vào công nghệ, giao thông và xuất khẩu. Cộng đồng nói tiếng Pháp, khoảng 4,5 triệu dân (3,6 triệu sống ở vùng Oa-lô-ni ở phía nam và đông thành phố Brúc-xen), tập trung phát triển công nghiệp nặng, công nghiệp chế biến). Cộng đồng nói tiếng Đức, gồm 500.000 dân sống gần biên giới nước Đức. Trên ba chính phủ vùng là chính phủ liên bang, thủ đô chung là Brúc-xen. Về địa lý, Brúc-xen thuộc vùng Fla-măng nói tiếng Hà Lan, nhưng 85% dân số của thành phố lại nói tiếng Pháp. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự đối đầu của hai cộng đồng người nói tiếng Hà Lan và tiếng Pháp nhằm giành quyền quản lý Brúc-xen. Để giải quyết tình trạng này, Vương quốc Bỉ đã lập ra vùng Brúc-xen và phụ cận với một chính phủ riêng, tiếng Hà Lan và Pháp là ngôn ngữ chính thức trong giao dịch hành chính, pháp luật, kinh tế. Trước năm 2000, đời sống chính trị nước Bỉ từ cấp quận đến cấp vùng và cấp liên bang được kiểm soát bởi các nhóm chính trị như: Dân chủ Cơ đốc giáo, Xã hội chủ nghĩa, Tự do, Nhóm Xanh. Mỗi nhóm gồm hai đảng cùng chung ý thức hệ nhưng hoạt động ở hai cộng đồng khác nhau. Đặc biệt là sau bầu cử Quốc hội ngày 13 tháng 6 năm 2010, sự khác biệt của hai cộng đồng bộc lộ một cách sâu sắc trên nhiều vấn đề cũng như khuynh hướng chính trị. Đại đa số cử tri Fla-măng nghiêng hẳn về các đảng phái bảo thủ như đảng Dân chủ Cơ đốc giáo, đảng Tự do, và các đảng có khuynh hướng cực hữu khép kín, trong khi cử tri phía cộng đồng nói tiếng Pháp ở Oa-lô-ni và Brúc-xen thì có phần nghiêng về các đảng cánh tả là đảng Xã hội và đảng Xanh.

Nguyên nhân khủng hoảng hiện nay: Bỉ là quốc gia quân chủ lập hiến, Quốc hội nắm vai trò quan trọng trong việc tín nhiệm và kiểm soát Chính phủ liên bang. Quốc hội Bỉ có 150 nghị sĩ do dân bầu qua danh sách các đảng phái tiến cử. Từ hơn 30 năm nay, tất cả các thủ tướng chính phủ liên bang đều là người Fla-măng nói tiếng Hà Lan. Bình thường, sau khi bầu cử quốc hội liên bang, các đảng phái thắng cử liên lạc với nhau qua người trung gian do Vua Bỉ chỉ định. Sau thời gian đàm phán với các đảng phái, nhà trung gian sẽ nhường chỗ cho một người đứng ra thành lập chính phủ và là người nắm chức thủ tướng nhiệm kỳ bốn năm. Cuộc khủng hoảng tại Bỉ hiện nay diễn ra khi Chính phủ liên minh của Thủ tướng Y.Lơ-téc-mơ buộc phải giải tán vì không giải quyết được mẫu thuẫn xung quanh tranh chấp ở khu vực hai vùng nói tiếng Fla-măng và tiếng Pháp. Ngày 3 tháng 6 năm 2010, Bỉ đã buộc phải tiến hành bầu cử quốc hội, nhưng kết quả bầu cử không có đảng nào chiếm đa số (86 nghị sĩ Fla-măng và 64 nghị sĩ Oa-lô-ni). Căn cứ vào kết quả bầu cử, hai đảng Liên minh mới (NVA) của người Fla-măng (33% phiếu, tương đương 27 nghị sĩ) và đảng Xã hội (PS) của người nói tiếng Pháp (30% phiếu, 26 nghị sĩ) thắng cử, được quyền thỏa hiệp thành lập Chính phủ liên minh. Điểm đáng chú ý, đây là lần đầu tiên ở Bỉ phong trào theo chủ nghĩa dân tộc người Fla-măng vượt qua các chính đảng truyền thống, để có thể đứng ra thành lập một chính phủ liên hiệp. Tuy nhiên, tính tới thời điểm này hai đảng vẫn chưa thành lập được chính phủ dù nhà vua Bỉ An-be Đệ nhị đã chỉ định nhiều người làm trung gian hòa giải, từ chủ tịch các đảng phái thắng cử cho đến người có uy tín nhất trong chính trường Bỉ. Theo giới phân tích, nguyên nhân chủ yếu của cuộc khủng hoảng là do hai đảng có ý thức hệ đối lập nhau nên khó thỏa hiệp, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền lợi các cử tri mà hai bên bảo vệ khi cuộc bầu cử cấp quận đang đến gần (tháng 6-2012). Hơn nữa, ngoài bất đồng về nguyện vọng bảo tồn, phát triển văn hoá, ngôn ngữ, các đảng phái Fla-măng mà đứng đầu là NVA muốn chia tách đất nước, phân quyền nhiều hơn cho các vùng do sợ gánh trách nhiệm (quỹ người già, giải quyết vấn đề an sinh xã hội...) đối với vùng nói tiếng Pháp vốn nghèo khó hơn. Trong khi đó, Bỉ lại không thể tổ chức trưng cầu dân ý về tương lai quốc gia vì hiến pháp Bỉ không đưa trưng cầu dân ý làm giải pháp do số phiếu của người Fla-măng chiếm đa số (trên 60%) dẫn đến tình trạng mất công bằng. Vì vậy, những diễn biến hiện nay trên chính trường Bỉ khiến người ta khó đoạn định hồi kết sáng sủa cho một tương lai thống nhất trên toàn nước Bỉ.

Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay đã tác động sâu sắc đến đời sống chính trị, kinh tế, xã hội nước Bỉ, nhất là việc hồi phục nền kinh tế nước này sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Từ vị thế một nước giàu có trong khu vực Tây-Bắc Âu, Bỉ đang đối diện với nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng nợ công như Hy Lạp, Bồ Đào Nha. Đầu tháng này, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã bày tỏ quan ngại tình trạng “vô chính phủ” hiện nay sẽ cản trở nền kinh tế Bỉ đang dần phục hồi từ sự suy thoái và dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Bỉ sẽ giảm xuống 1,7%. Mặc dù đánh giá cao nỗ lực của Bỉ trong việc giảm tỷ lệ nợ trên GDP nhiều hơn cam kết từ mức 9% GDP năm 2009 xuống 4,6% GDP vào năm 2010, nhưng IMF vẫn nhấn mạnh "sự bế tắc chính trị làm suy yếu lòng tin của thị trường ở đất nước quyết tâm đưa nợ công vào tầm kiểm soát” và cho rằng dự thảo ngân sách năm 2011 do Chính phủ của Thủ tướng Y.Y.Lơ-téc-mơ soạn thảo sẽ "chủ yếu dựa vào các công cụ đặc biệt", để đạt được mục tiêu cân bằng ngân sách vào năm 2015 đòi hỏi nỗ lực lớn của liên bang về tài khóa, hạn chế chi tiêu công và an sinh xã hội cũng như các biện pháp về ngân sách. Bên cạnh đó, khủng hoảng chính trị cũng ảnh hưởng đến vai trò của nước Bỉ tại châu Âu khi nước này nhận chuyển giao chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) từ Tây Ban Nha vào tháng 7 tới. Người ta hoài nghi liệu Bỉ có đảm đương tốt vai trò Chủ tịch EU hay không khi mà tình hình “đối nội” đang rối bời và chưa có lối ra./.