Bộ đội Biên phòng Đồng Tháp: "Chung tay vì đồng bào nghèo nơi biên giới"
TCCS - Bảo vệ biên giới là trách nhiệm của toàn xã hội trong đó có đồng bào vùng biên. Chỉ có dựa vào đồng bào nơi biên giới mới giữ yên biên cương của Tổ quốc. Muốn có chỗ dựa tốt, phải giúp đỡ họ có cuộc sống ổn định, trước hết là một mái nhà...
Tháng 10-2008, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) phối hợp với ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và Báo Quân đội nhân dân phát động cuộc vận động "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo". Đây là một trong những hoạt động nhằm thực hiện Chỉ thị số 881/CT-CP của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 23/CT-BBT của Ban Bí thư về tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm truyền thống BĐBP và sơ kết 20 năm thực hiện "Ngày Biên phòng toàn dân". Đến ngày 31-6-2009, sau gần 10 tháng triển khai thực hiện đợt vận động, Bộ đội Biên phòng đã xây dựng được gần 2.000 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo và 25 công trình dân sinh với tổng trị giá hơn 68 tỉ đồng.
Ở Đồng Tháp, trước khi cuộc vận động "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới" được phát động trên toàn quốc, thì ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và một số ban ngành có liên quan có chủ trương xóa nhà tạm, dột nát, xây nhà Đại đoàn kết cho người nghèo nơi biên giới trên địa bàn tỉnh. Chủ trương này xuất phát từ thực trạng rất nhiều đồng bào nghèo nơi biên giới phải ở trong những căn nhà tạm bợ dột nát; vấn đề đặt ra đối với các cơ quan chức năng là phải sớm giải quyết dứt điểm. Xóa những nhà tạm dột nát cho đồng bào nghèo nơi biên giới, một mặt, chính là để tri ân đối với đồng bào nơi biên giới và mặt khác là xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Ngay từ tháng 3-2008, một cuộc họp liên tịch gồm Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các ban, ngành có liên quan được tổ chức để hiện thực hóa chủ trương xóa nhà tạm bợ, dột nát, xây nhà Đại đoàn kết cho người nghèo nơi biên giới. Theo đó, kế hoạch triển khai thực hiện từ tháng 4-2008 và kết thúc vào ngày 3-3-2009. Đồng chí Nguyễn Hải Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh nhấn mạnh: Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực giúp đồng bào nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đặc biệt đồng bào nghèo nơi biên giới... do vậy kết quả đạt được của đợt vận động sẽ mang ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc, tạo sức lan tỏa và những ấn tượng tốt đẹp trong lòng mỗi người dân nghèo nơi biên giới.
Có thể nói, chương trình "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới" ở tỉnh Đồng Tháp được tiến hành một cách quy mô, có hiệu quả. Chương trình đã tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của cán bộ, nhân dân, các ngành, các hội, đoàn thể, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tích cực hưởng ứng tham gia. Được sự nhất trí của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Tháp khảo sát toàn bộ số nhà ở tạm bợ, dột nát cần xây dựng. Qua khảo sát cho thấy, hiện có 463 căn nhà cần phải sớm xây dựng cho đồng bào nghèo nơi biên giới. Do đó, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Tháp đã đưa chương trình xóa 463 căn nhà tạm bợ, dột nát, "Xây dựng mái ấm cho người nghèo nơi biên giới" vào Nghị quyết lãnh đạo quý II-2008, thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Chỉ huy Trưởng làm trưởng ban, đồng chí Chính ủy làm Phó Trưởng ban thường trực và các thành viên là chỉ huy các phòng, ban và đồn biên phòng.
Để đồng bào gặp khó khăn nơi biên giới có ngôi nhà khang trang kiên cố; Đồng Tháp đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh tham gia đóng góp sức người sức của. Bộ đội Biên phòng Đồng Tháp tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã nhiệt tình tham gia hiệu quả vào công việc này.
Chủ trương xóa nhà tạm, dột nát, xây nhà Đại đoàn kết cho người nghèo nơi biên giới đã gặp một số khó khăn đặt ra đó là kinh phí để triển khai thực hiện, làm sao để mỗi căn nhà Đại đoàn kết khi được bàn giao đưa vào sử dụng phải bảo đảm chất lượng công trình bền chắc, hình thức đẹp, tránh được đỉnh lũ mỗi khi vào mùa nước nổi... Chương trình xóa nhà tạm, dột nát, xây nhà đại đoàn kết ở Đồng Tháp đang triển khai thì được tiếp sức thêm bằng Cuộc vận động "Mái ấm cho người nghèo nơi biến giới, hải đảo" được phát động trên toàn quốc. Chính vì lẽ đó, quy mô, mức độ của công việc này đã được đẩy thêm một chất mới. Quán triệt kế hoạch và hướng dẫn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh vừa tiếp tục thực hiện kế hoạch xóa nhà tạm, dột nát, xây nhà Đại đoàn kết cho người nghèo nơi biên giới, vừa tiếp tục vận động huy động vốn, đồng thời triển khai, giám sát, kiểm tra chặt chẽ quá trình xây dựng bảo đảm đúng đối tượng cũng như chất lượng công trình.
Ban Chỉ đạo chương trình đã phối hợp với các cơ quan báo, đài trong tỉnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục của tuần, tháng để tuyên truyền sâu rộng chủ trương, ý nghĩa hoạt động này. Mặt khác chú trọng công tác huy động vốn: Có thể nói, nguồn kinh phí để thực hiện kế hoạch xóa 463 căn nhà tạm, dột nát, xây nhà Đại đoàn kết cho người nghèo không nhỏ, thời gian thực hiện không dài. Tỉnh đã thành lập Ban Vận động vốn gồm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các thành viên là lãnh đạo các ban, ngành có liên quan. Trong thời gian hơn một tháng, đã vận động được 2 tỉ 530 triệu đồng và tính đến ngày 5-2-2009 tổng số tiền vận động được là 4 tỉ 659,461 triệu đồng, vượt xa so với chỉ tiêu đặt ra; trong đó, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã ủng hộ hàng trăm triệu đồng.
Trên cơ sở khảo sát 463 căn nhà tạm, dột nát trên địa bàn 8 xã biên giới cần xây dựng, Ban Vận động phối hợp chặt chẽ với hai huyện Tân Hồng và Hồng Ngự chỉ đạo các xã, ấp bình xét, lựa chọn công khai dân chủ, đúng đối tượng để đầu tư xây dựng cho hộ nào trước, hộ nào sau, tránh tình trạng làm ồ ạt không bảo đảm chất lượng và tạo sự ỷ lại, không tích cực huy động vốn của gia đình, dòng họ; và giao cho 8 xã biên giới trực tiếp thực hiện. Các hộ gia đình cũng đóng góp thêm để xây Nhà đại đoàn kết bảo đảm chất lượng và hình thức. Mỗi đồn biên phòng lập từ 1 đến 2 tổ với 5 đến 7 đồng chí, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể địa phương giúp công xây nhà.
Tính đến ngày 5-2-2009, 8 xã biên giới của tỉnh Đồng Tháp đã xây xong 444 căn cho 444 hộ gia đình, giá trị mỗi căn thấp nhất là 15 triệu đồng (chưa kể công xây dựng), có căn trị giá 30 - 50 triệu đồng. Với phương pháp tuyên truyền liên tục và sâu rộng, sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Vận động và từng hộ dân nghèo đã đem lại kết quả cao, tránh được sự ỷ lại hoàn toàn của các hộ gia đình, tạo được ấn tượng tốt trong lòng nhân dân nơi biên giới. Qua đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng Đồng Tháp đã tạo điểm sáng mới trong mối quan hệ máu thịt quân dân, góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, tham gia tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Các chiến sĩ biên phòng và đồng bào các dân tộc ở biên giới đều yên tâm phấn khởi, luôn thấy hậu phương vững chắc ở bên mình, cùng nhau gìn giữ biên cương Tổ quốc.
Để tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của đợt vận động từ 3-3-2009 đến 31-12-2009, Bộ đội Biên phòng sớm hoàn thành và vượt chỉ tiêu 25 căn nhà Đại đoàn kết và 2 công trình dân sinh mà Ban tổ chức đợt vận động Trung ương giao cho, Ban Chỉ đạo sơ kết và quyết tâm:
Một là, tăng cường và làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, cán bộ và nhân dân trong việc xác định đây vừa là truyền thống, đạo lý của dân tộc vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi người đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là với đồng bào các dân tộc thiểu số nơi biên giới đang gặp nhiều khó khăn, lạc hậu.
Hai là, chủ động và phối hợp chặt chẽ, toàn diện giữa Mặt trận Tổ quốc và Bộ đội Biên phòng trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, vận động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm tiếp tục đóng góp, ủng hộ kinh phí.
Ba là, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, không máy móc dập khuôn; phát huy tính chủ động của mỗi hộ dân nghèo để phối hợp chặt chẽ "trên dưới cùng làm" tránh sự trông chờ ỷ lại. Sự giúp đỡ của Ban Vận động cùng với sự tham gia nhiệt tình của chính mỗi hộ dân nghèo tô đậm thêm giá trị của công trình cũng như ý nghĩa của mỗi căn nhà thấm đẫm ý nghĩa chính trị và tính nhân văn của đợt vận động. Đó là sự tri ân đối với đồng bào nghèo nơi biên giới chứ không phải là sự ban tặng.
Bốn là, không chỉ dừng lại ở việc làm nhà cho các hộ nghèo ở khu vực biên giới, hải đảo, cần chủ động khảo sát, đề xuất với địa phương triển khai các chương trình dự án xây dựng công trình dân sinh thiết thực cho các xã, thôn, bản biên giới, hải đảo như: phòng học, cầu cống, đường giao thông nông thôn, phòng khám kết hợp quân dân y, nhà văn hóa thôn, bản... gắn nội dung thực hiện đợt vận động với triển khai các mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực biên giới.
Năm là, phát huy tính dân chủ đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc đặc biệt là việc sử dụng kinh phí và chất lượng công trình; làm điểm, sơ kết rút kinh nghiệm kịp thời để nhân rộng điển hình và có chủ trương biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; kịp thời khen thưởng những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc./.
Hai mươi năm Việt Nam phê chuẩn Công ước quốc tế Quyền trẻ em  (23/02/2010)
Đồng chí Tô Huy Rứa thăm và chúc Tết Tạp chí Cộng sản  (23/02/2010)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên