Cái gạch ngang

Nguyễn Tiến
22:37, ngày 26-03-2013
TCCS - Ông bạn thân của tôi tâm sự: Trong đợt sinh hoạt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI vừa rồi, mình là người đứng đầu cấp ủy địa phương nên phải làm trước. Mình viết bản tự kiểm điểm, tự phê bình rất kỹ theo phương châm thật thà, thẳng thắn và nghiêm túc. Điều đó có nghĩa là ưu điểm và khuyết điểm đến đâu nói đến đó; phân tích rõ nguyên nhân của những ưu điểm, khuyết điểm và đề ra phương hướng phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm rất cụ thể.

Sau phần tự kiểm điểm, tự phê bình của mình là những ý kiến đóng góp của các thành viên trong Ban Thường vụ. Nhìn chung, đó đều là những ý kiến chân thành, bổ ích. Các khuynh hướng tiêu cực, như vuốt ve, ca tụng, mạt sát, xúc phạm hay “ngậm miệng ăn tiền”,... đều không thấy xuất hiện. Không vuốt ve, ca tụng, song những ý kiến đóng góp cho mình chủ yếu vẫn là khen. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi vì bản tự kiểm điểm, tự phê bình của mình rất thật thà, thẳng thắn và nghiêm túc; mình lại là Bí thư cấp ủy tới hai khóa liên tục; tuổi đời so với các đồng chí trong Ban Thường vụ cũng cao hơn do đó họ có phần vị nể. Sau đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình, mình cảm thấy hài lòng về bản thân và càng thêm quý trọng những cán bộ dưới quyền.

Trong số những ý kiến đóng góp, mình đặc biệt chú ý tới ý kiến của một đồng chí ủy viên Ban Thường vụ còn rất trẻ. Anh ấy nhận xét về mình như thế này: “Đồng chí là người đứng đầu có năng lực và phẩm chất tốt. Đó là mặt mạnh rất cơ bản cần khẳng định. Song, tôi có một gợi ý nhỏ để đồng chí xem xét, suy nghĩ. Đánh giá cán bộ là vấn đề rất hệ trọng, rất nhạy cảm, tế nhị và cũng rất phức tạp. Nó là tiền đề để đi tới những quyết định đúng hay sai, chính xác hay không chính xác trong việc xây dựng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật,... đối với cán bộ. Khách quan, công tâm và chính xác sẽ dẫn đến những kết quả tốt. Ngược lại, sẽ dẫn đến những hậu quả xấu khôn lường. Ở đồng chí, nhìn chung không có những biểu hiện lệch lạc trong công tác cán bộ, nhưng chúng tôi mong muốn trong việc nhận xét, đánh giá cán bộ, đồng chí nên chú ý sao cho thật khách quan trong cái đã tương đối khách quan; thật chính xác trong cái đã tương đối chính xác; thật công bằng trong cái đã tương đối công bằng”. Ngừng một lát rồi anh ấy tiếp tục phân tích làm rõ thêm ý kiến của mình: “Nếu dùng một cái gạch ngang để phân định phần trên là khách quan, phần dưới là thiếu khách quan thì ở đồng chí không có cái phần dưới đó. Song ở ngay phần trên cũng có điểm cần rút kinh nghiệm. Tôi xin nêu thí dụ cụ thể. Đối với anh Nguyễn Văn A. (Giám đốc sở X), đồng chí thường nhận xét, đánh giá rất đúng với những gì anh ấy vốn có (kể cả ưu điểm và khuyết điểm). Nhưng đối với chị Đoàn Thị B. (giám đốc sở Y), đồng chí lại nhận xét, đánh giá về ưu điểm cao hơn những gì chị ấy vốn có, còn về khuyết điểm thì có phần nhẹ đi rất nhiều. Việc này nếu không nhận ra và khắc phục kịp thời rất dễ làm cho mọi người nhìn đồng chí với con mắt khác. Họ buộc lòng phải nghi ngờ về tính khách quan, chính xác, công bằng trong những nhận xét, đánh giá cán bộ của đồng chí”.

Anh ấy phát biểu rất từ tốn, hoàn toàn với tinh thần xây dựng, không khen mình quá lời, cũng không phê phán mình quá gay gắt. Toàn bộ nội dung phát biểu của anh ấy toát lên sự thật thà và sâu sắc đến không ngờ. Đặc biệt mình rất thấm thía với cái từ “cái gạch ngang” mà anh ấy dùng. Bởi vì nghiêm túc nhìn lại bản thân với hai trường hợp cụ thể mà anh ấy nêu ra mình cảm thấy quả là có như thế thật.

Ôi, cái gạch ngang!!