Thế hệ của một lời thề

Trung tướng Phạm Hồng Cư
12:08, ngày 31-08-2012
TCCSĐT - Hằng năm, cứ mỗi độ thu về, nhân dịp Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Ngày Quốc khánh 2-9, chúng tôi, những đội viên Tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu năm xưa, nay đều là những lính già đầu bạc cùng nhau họp mặt, ôn lại những kỷ niệm của một thời để nhớ.
Đội Tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu là đơn vị bộ đội tập trung đầu tiên của Hà Nội, do Thành uỷ Hà Nội tổ chức ngay sau Cách mạng Tháng Tám, có nhiệm vụ cùng với các lực lượng vũ trang cách mạng khác bảo vệ chính quyền nhân dân mới thành lập.

Bảo vệ Lễ đài Ngày Độc lập

Ngày 2 - 9 - 1945 là một ngày lịch sử - Đội Tự vệ chiến đấu có vinh dự bảo vệ lễ đài tại Quảng trường Ba Đình. Cuộc mít tinh diễn ra vào chiều 2-9, nhưng Đội Tự vệ chiến đấu đã có mặt từ đêm hôm trước, bố trí bảo vệ địa bàn, rà soát bảo đảm không có vật liệu nổ.

Sáng 2-9, đồng chí Đỗ Đức Kiên trong Ban Chỉ huy Đội Tự vệ chiến đấu cử một trung đội có nhiệm vụ đặc biệt lập hàng rào danh dự để đón lãnh đạo và trực tiếp bảo vệ lễ đài. Một trung đội khác rải quân dọc đường Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ) và các ngả đường hai bên quảng trường, bố trí các tổ trinh sát trên các nhà cao tầng xung quanh quảng trường để quan sát và bảo vệ từ xa.

Ông cụ là Nguyễn Ái Quốc

Chiều mùng 2-9, nắng thu vàng rực rỡ. Một biển người gồm mọi thành phần xã hội: công nhân áo trắng quần xanh, dân quân ngoại thành áo nâu thắt lưng chẽn, tay cầm côn kiếm, phụ nữ nông dân áo tứ thân thắt lưng hoa lý, phụ nữ thủ đô lộng lẫy trong tà áo dài, thanh niên gọn gàng áo sơ mi ngắn tay, quần cộc, thiếu nhi rộn ràng nhịp trống ếch, các cụ phụ lão, các nhà tu hành đều có mặt.

Đội danh dự xếp thành hàng ngũ chỉnh tề quanh lễ đài gồm các chiến sĩ Giải phóng quân từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, sát cánh cùng đội ngũ tự vệ công nhân, thanh niên và lao động thủ đô bảo vệ lễ ra mắt của Chính phủ lâm thời.

Từ phía đường Cột Cờ, một đoàn ô-tô cùng nhiều xe đạp đi hai bên hộ tống tiến vào khu vực lễ đài. Mọi người hồi hộp nhìn về phía đoàn xe. Đoàn Chủ tịch buổi lễ bước lên lễ đài, dẫn đầu là một ông cụ mặc bộ ka-ki giản dị, chân đi dép cao su, dáng đi nhanh nhẹn. Mọi người chưa biết cụ là ai. Đến khi nghe giới thiệu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập và nghe giọng nói của cụ vang như chuông có pha âm sắc tiếng Nghệ An, thì đồng chí Hoàng Phương (sau này là Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân) lúc đó đứng cạnh tôi, ghé sát vào tai tôi nói: “Ông cụ là Nguyễn Ái Quốc!”.

Không thể tả xiết nỗi xúc động dâng trào trong tâm hồn tôi. Đối với thế hệ thanh niên chúng tôi, Nguyễn Ái Quốc tượng trưng cho tinh thần đấu tranh bất khuất vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sau bao nhiêu năm bôn ba tìm đường cứu nước, hôm nay Người đã về!

Thế hệ Lời thề Độc lập


Cả biển người im phăng phắc lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Lời Bác điềm đạm đầm ấm. Và theo lời của nhạc sỹ Văn Cao thì “tiếng Người còn dịu dàng hơn tiếng đất trời”. Tuy nhiên, lời lẽ của Bác rất cương quyết. Bác khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thực sự đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cải tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cả để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Đang đọc, bỗng dưng Bác dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Tức thì cả biển người đồng thanh đáp lại như sấm dậy: “Có!”. Như nhiều người lần đầu tiên gặp Bác, tôi không ngờ Bác lại giản dị và gần gũi đến thế. Từ phút đó, Bác và người dân đã hòa làm một.

Khi đọc Lời thề Độc lập, không khí thật trang nghiêm và xúc động. Nhiều người giơ tay hô: “Xin thề” mà nước mắt tràn mi. Bởi lẽ từ thân phận “vong quốc nô” mà nay dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ đã vùng dậy đứng lên làm chủ đất nước, trở thành người dân của nước Việt Nam độc lập, điều đó là niềm hạnh phúc vô biên mà chỉ những ai đã trải qua thời nô lệ mới thấu hiểu và cảm nhận hết.

Từ buổi tuyên thệ ấy, thế hệ chúng tôi, thế hệ của Lời thề Độc lập, mang theo lời thề trong trái tim mình, đã cùng với toàn thể dân tộc đáp lời “Kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Bác Hồ, bước vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ dài 30 năm tức mười nghìn ngày chiến đấu không ngưng nghỉ cho tới ngày toàn thắng 30 tháng Tư 1975 thì thực hiện trọn vẹn Lời thề Độc lập.

Đó là thế hệ “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, là thế hệ “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Trải qua bao nhiêu hy sinh gian khổ, thế hệ Lời thề Độc lập đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử mà Tổ quốc giao cho. Chúng ta tri ân các đồng đội và đồng bào đã ngã xuống trên các chiến trường chống Pháp và chống Mỹ vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Lời nhắn nhủ của một thế hệ

Nếu thế hệ Lời thề Độc lập đã cùng với toàn dân rửa sạch cái nhục mất nước, thì thế hệ ngày nay, thế hệ của thời kỳ đổi mới và hội nhập có nhiệm vụ lịch sử cùng với toàn dân xóa cái nhục nghèo nàn lạc hậu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa tiến lên “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong muốn.

Đó là thông điệp của thế hệ Lời thề độc lập nhắn gửi thế hệ Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay./.