Phát triển mô hình nông nghiệp - dịch vụ ở Hải Phòng

Nguyễn Xuân Quang
11:20, ngày 24-03-2010

Anh Phạm Năng Hiển ở xã Hiệp Hòa huyện Vĩnh Bảo
(Hải Phòng) làm giàu từ mô hình nuôi ba ba.
Ảnh: TTXVN
TCCS - Sau hơn 23 năm đổi mới, cùng với những thành tựu về công nghiệp và dịch vụ, Hải Phòng đã có sự chuyển biến tích cực, làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã có sự dịch chuyển cơ bản theo hướng tích cực. Nhưng thực tế đang đòi hỏi một hướng đi mới cho nông nghiệp để khắc phục những hạn chế, thách thức đang đặt ra nơi đây.

1 - Những thách thức đối với phát triển nông nghiệp ở Hải Phòng

Thứ nhất, diện tích đất đai cho sản xuất nông nghiệp không nhiều.

Đất dành cho sản xuất nông nghiệp hiện nay khoảng 67.800 ha, trong đó, đất trồng cây lương thực chiếm 41.808 ha và khoảng 23.000 ha bãi bồi ngập triều có thể nuôi trồng thủy sản. Diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp lại. Theo số liệu chưa đầy đủ, trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, số diện tích đất chuyển sang phát triển công nghiệp và đất ở đô thị Hải Phòng trong 20 năm qua khoảng 19.000 ha. Đáng chú ý là, số diện tích đó lại rơi vào những vùng đất đai màu mỡ, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Riêng huyện Thủy Nguyên, trong ba năm trở lại đây, diện tích đất chuyển mục đích sử dụng cho công nghiệp bằng cả mười năm trước cộng lại.

Thứ hai, phát triển nông nghiệp vẫn trong tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và mang tính tự phát.

Tỷ trọng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp còn thấp, chủ yếu là sản xuất mang tính tự cung, tự cấp. Chất lượng nông sản không cao, sức cạnh tranh kém do mức độ đầu tư khoa học và công nghệ chưa nhiều.

Thứ ba, tình trạng nông dân bỏ ruộng có xu hướng gia tăng.

Trước tình trạng giá vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng, các loại dịch vụ tăng cao, nhiều nông dân bỏ ruộng hoặc cho người khác thuê. Nguyên do là thu không đủ bù chi.

Thứ tư, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trồng cây lương thực không thuận lợi.

Hải Phòng không có ưu thế để phát triển nông nghiệp như một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Đất, không khí bị nhiễm mặn, tình trạng khan hiếm nước ngọt, bão lũ miền duyên hải, là những rủi ro thường xuyên đối với sản xuất nông nghiệp và người dân nơi đây. Số diện tích đất chua mặn chiếm tỷ lệ khoảng 20% số diện tích đất đang canh tác nên năng suất và chất lượng sản phẩm thấp. Đặc điểm đó đã chi phối và tác động trực tiếp đến phương hướng hoạch định chiến lược và các giải pháp đối với phát triển sản xuất nông nghiệp của Hải Phòng.

Thứ năm, "đầu ra" và "đầu vào" cho sản xuất đều không ổn định.

Khó khăn này bắt nguồn từ nội tại của sản xuất nông nghiệp. Khác với các ngành sản xuất khác, sản xuất nông nghiệp rất bấp bênh, luôn bị động vì chịu tác động của thiên tai, dịch bệnh, ảnh hưởng nhiều đến năng suất cây trồng, vật nuôi. Không chỉ thị trường đầu ra mà cả đầu vào cũng không ổn định. Ngay lĩnh vực chế biến thủy, hải sản là thế mạnh của Hải Phòng, nhưng cả năm 2008 và 2009 đều thiếu nguyên liệu, buộc phải nhập hàng nghìn tấn mới duy trì được sản xuất. Những nhân tố này rất khó lượng định nên độ rủi ro cao, gây ra những thua thiệt không đáng có mà người nông dân và cả các doanh nghiệp phải gánh chịu.

Khác với hàng hóa dịch vụ và công nghiệp, mặc dù nông sản (lương thực, thực phẩm) đều là các sản phẩm thiết yếu nhưng đây lại là sản phẩm có độ "cầu" kém co giãn. Theo quy luật kinh tế, khi thu nhập của các gia đình tăng lên thì tỷ lệ chi tiêu của họ cho lương thực, thực phẩm không vì thế mà tăng theo. Tiêu dùng hàng nông sản không tăng lên tương ứng với sự gia tăng thu nhập, thậm chí giảm đi về số lượng, nhưng chất lượng lại đòi hỏi cao hơn. Hệ quả là được mùa thì mất giá và được giá lại mất mùa - một hiện tượng mang tính quy luật trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay.

Khó khăn và trở ngại nói trên có cả yếu tố chủ quan và khách quan đang chi phối và ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn Hải Phòng trong những năm qua.

2 - Có thể làm giàu từ nông nghiệp

Câu trả lời là có thể.

Nhưng, với một điều kiện duy nhất là phải chuyển nền sản xuất nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao. Thời gian qua, một số hộ nông dân do biết cách làm ăn, biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mà thoát nghèo và giàu lên. Song, đó là cách làm giàu mang tính tự phát và không bền vững. Chỉ một thời gian sau, khi những mô hình làm giàu này đã trở nên phổ biến, nhiều người trong số họ lại trở về vạch xuất phát ban đầu. Không quá khó để thấy rằng, thị trường đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp vẫn đang bế tắc. Người nông dân không thể dự báo được thị trường và tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Bế tắc thị trường đầu ra của nông sản là một trong những nguyên nhân làm cho sản xuất nông nghiệp rơi vào cái vòng luẩn quẩn không lối thoát.

Mặt khác, với cách tổ chức sản xuất phân tán, manh mún như hiện nay, không thể làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn. Với những hộ thuần nông, bình quân ruộng đất mà họ được nhận để canh tác khoảng 2 sào Bắc Bộ/người (360 m2/sào). Cứ cho rằng, năng suất mỗi sào (Bắc Bộ) 2 tạ lúa, một năm làm hai vụ lúa, thêm một vụ xen canh tính bằng một vụ lúa, thu nhập một năm được 6 tạ thóc, quy ra tiền khoảng 4,2 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 40% thì thu nhập thực tế còn lại khoảng 2,6 triệu đồng. Bình quân mỗi tháng thu nhập khoảng 220.000đ/người, vừa trên ngưỡng chuẩn nghèo hiện nay. Hãy giả định vào lúc nông nhàn, người nông dân tìm kiếm thêm nghề phụ để tăng thu nhập bằng chừng ấy nữa cũng không vì thế mà khá lên, và không phải ai cũng tìm được việc làm thêm. Trong những năm qua, mặc dù giá trị sản lượng của sản xuất nông nghiệp tuy có tăng song do chi phí đầu vào tăng nhanh, năng suất lao động lại thấp nên giá trị gia tăng không lớn. Nghịch lý này kéo dài không chỉ đối với nông nghiệp Hải Phòng, mà cả với nền nông nghiệp nước ta. Do đó, đa số nông dân vẫn nghèo.

Bên cạnh đó, một số cơ chế chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn hiện nay như chính sách hạn điền đã gây trở ngại cho sự hình thành đội ngũ các nhà kinh doanh trong nông nghiệp và phát triển kinh tế hàng hóa nông nghiệp. Theo quy luật phổ biến, muốn đưa sản xuất nông nghiệp thành sản xuất hàng hóa thực sự phải có sự tích tụ và tập trung ruộng đất trong nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư để sản xuất nông sản với quy mô lớn nhưng không thể (mặc dù khả năng có thể). Do ruộng đất manh mún, lại nằm trong tay các hộ nông dân nhỏ lẻ nên không thể tiến hành sản xuất lớn, đầu tư khoa học - công nghệ nhằm tạo ra một khối lượng nông phẩm có chất lượng đủ sức cạnh tranh. Thời gian qua, một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Huy Quang, Công ty Sơn Trường đã thử áp dụng mô hình "thuê" ruộng đất của nông dân để tiến hành chăn nuôi, trồng rau sạch theo phương pháp tiên tiến, song hiệu quả đạt được còn khiêm tốn. Nguyên nhân chủ yếu là, nông dân chỉ cho thuê đất theo vụ, mà như vậy, doanh nghiệp không thể chủ động trong đầu tư lớn.

Sau cùng, còn gì đó chưa được ổn khi nhận thức về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, Hải Phòng cũng theo đuổi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Song công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn không đồng nhất với việc đưa công nghiệp về địa bàn nông nghiệp, nông thôn, càng không phải lấy đất canh tác nông nghiệp để xây dựng ồ ạt các khu công nghiệp. Đó là kiểu tư duy cơ học. Điều quan trọng và chủ yếu nhất là phải chuyển sản xuất nông nghiệp từ phương thức phân tán, thủ công lạc hậu sang phương thức sản xuất công nghiệp. Những năm qua, số diện tích canh tác đất nông nghiệp ngày càng suy giảm, nhường chỗ cho công nghiệp và đô thị hóa. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp vẫn trong tình trạng canh tác manh mún và lạc hậu, mức độ cơ giới hóa chưa cao, sản phẩm hàng hóa chưa nhiều. Do vậy, khoảng cách về thu nhập giữa dân cư khu vực nông nghiệp, nông thôn so với khu vực thành thị ngày càng tăng lên.

3 - Thử phác thảo một mô hình phát triển

Không giống như các ngành sản xuất vật chất khác, nông nghiệp là ngành sản xuất có giao diện rất rộng bao gồm nông, lâm, ngư nghiệp và ngành nghề nông thôn. Phát triển nông nghiệp toàn diện không nhất thiết phải phát triển tất cả các lĩnh vực, bởi như vậy sẽ không phát huy được lợi thế so sánh của từng địa phương, dẫn đến sự đầu tư dàn trải, làm lãng phí nguồn lực và không có hiệu quả. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay cho nông nghiệp, nông thôn Hải Phòng là phải dựa trên các đặc điểm đặc thù và lợi thế để xác định mô hình phát triển.

Với cách tiếp cận như trên, phát triển nông nghiệp, nông thôn Hải Phòng không thể áp dụng mô hình nông nghiệp truyền thống, mà là mô hình nông nghiệp - dịch vụ. Phải phát triển dịch vụ ở nông nghiệp, nông thôn mới kỳ vọng cải thiện được đời sống người dân, mới sớm đạt được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Phát triển dịch vụ trên địa bàn nông thôn và vùng ven đô sẽ mang lại nhiều cái lợi:

Một là, do đặc điểm của loại hình dịch vụ là vốn đầu tư thấp nhưng giá trị gia tăng rất lớn nên hiệu quả kinh tế cao. Dịch vụ lại sử dụng nhiều lao động nên tạo ra rất nhiều công ăn, việc làm, giải quyết lao động dư thừa do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông nghiệp, nông thôn gây ra.

Hai là, lĩnh vực dịch vụ ít phải chịu những "sự cố" về môi trường, cũng không đòi hỏi sử dụng một diện tích đất đai rất lớn như công nghiệp. Cùng với đà tăng trưởng kinh tế, thu nhập của dân cư ngày càng cao nên cầu tiêu dùng về các sản phẩm hàng hóa dịch vụ ngày càng gia tăng. Sản phẩm hàng hóa dịch vụ có đặc điểm là sản xuất đến đâu tiêu dùng đến đó, không phải dùng các kho chứa bảo quản như sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp nên mức độ rủi ro thấp, hiệu quả kinh tế cao.

Ba là, phát triển mạnh lĩnh vực dịch vụ trên địa bàn nông thôn là biện pháp phi truyền thống để thực hiện tích tụ và tập trung ruộng đất mà không gây ra những tổn thương về mặt xã hội. Đây là tiền đề quan trọng để chuyển sản xuất nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa.

Theo đó, trước hết, mô hình nông nghiệp - dịch vụ lấy khu vực nội đô và các khu công nghiệp là đối tượng phục vụ chính. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp ở đây đã được xác định một cách rõ ràng. Hệ thống các siêu thị, khách sạn, nhà hàng, các khu công nghiệp và dân cư đô thị là thị trường ổn định và đầy tiềm năng của nông nghiệp - dịch vụ. Khi đã xác định được thị trường, nông nghiệp - dịch vụ mới tiến hành quy hoạch các vùng chuyên canh, sản xuất lương thực, thực phẩm phục vụ cho nhu cầu phát triển công nghiệp, đô thị và xuất khẩu. Cũng trên cơ sở này, cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn sẽ có sự thay đổi căn bản.

Trong nông nghiệp sẽ hình thành những nhóm người có đầu óc kinh doanh giỏi, tập trung làm các trang trại, mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng các công nghệ mới, khép kín quy trình từ sản xuất đến chế biến, phân phối và tiêu thụ. Họ thực sự trở thành những "nhà kinh doanh nông nghiệp". Nhóm khác bao gồm những người đã rời khỏi nông thôn, chuyển sang lao động công nghiệp và dịch vụ. Nhóm còn lại là những người vẫn sống ở nông thôn nhưng chuyển sang các hoạt động lao động phi nông nghiệp bao gồm các hoạt động dịch vụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và các khu công nghiệp đang ngày càng phát triển.

Với mô hình này, nông nghiệp, nông thôn Hải Phòng sẽ trở thành bệ đỡ cho công nghiệp, dịch vụ phát triển. Ngoài việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho nội đô và xuất khẩu, nó giống như khu dự trữ sinh quyển, là nơi dự trữ quỹ đất để sẵn sàng phát triển công nghiệp và mở rộng không gian đô thị, xây dựng đô thị sinh thái. Đây chính là mô hình phát triển bền vững, dài hạn của nông nghiệp, nông thôn Hải Phòng trong tương lai./.