Lòng tin trong quan hệ quốc tế và xây dựng lòng tin trong bối cảnh mới
TCCS - Sau đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga - U-crai-na, thế giới đứng trước hai thách thức lớn là sự chia tách và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Để bảo đảm độc lập, tự chủ, các nước cần làm chủ một số công nghệ thiết yếu đối với an sinh xã hội và an ninh quốc gia. Tuy nhiên, để nắm được công nghệ thiết yếu, giữa các quốc gia phải có lòng tin ở cấp độ cao. Do đó, các nước, trong đó có Việt Nam, cần có cách tiếp cận mới để tăng cường lòng tin với các đối tác, nhất là các đối tác hàng đầu thế giới về công nghệ.
Một số vấn đề về lý thuyết
Khái niệm “lòng tin”
Nghiên cứu về “lòng tin” trong quan hệ quốc tế đã được phát triển thành một dòng nghiên cứu riêng. Trên thế giới, học giả thuộc các trường phái lý thuyết hiện thực, thể chế, kiến tạo,... đều đi sâu nghiên cứu vấn đề này. Ở trong nước, kế thừa các nghiên cứu quốc tế, một số học giả đã đưa ra kiến nghị về cách tiếp cận và các nhóm biện pháp mà Việt Nam cần thực hiện để xây dựng và tăng cường lòng tin với các đối tác. Đề cập đến các thuộc tính của lòng tin, một số học giả quan niệm, đó là “thái độ sẵn sàng gửi gắm lợi ích của mình vào những đối tượng khác”, là sự kỳ vọng vào việc đối phương sẽ hành động “có đi có lại”...(1); trong khi, những nguyên nhân gây mất lòng tin, bao gồm lời nói không đi đôi với việc làm, chính sách và hành động thiếu minh bạch, thiếu cơ chế bảo đảm các cam kết được thực hiện nghiêm túc...(2). Song, chưa có nghiên cứu nào đưa ra khái niệm “lòng tin”.
Vậy, “lòng tin” trong quan hệ quốc tế là gì? Theo Từ điển tiếng Việt, lòng tin là “đặt hy vọng vào người nào hay điều gì đó”(3); là “sự tin tưởng vào những giả thuyết mà lúc này người ta chưa thể chứng minh bằng thực nghiệm”(4). Theo Từ điển tiếng Anh, lòng tin là “sự tin tưởng vào lòng trung thực, sự tốt đẹp của một con người, một tổ chức hoặc điều gì đó”(5). Vận dụng các khái niệm này vào quan hệ quốc tế, có thể hiểu, lòng tin (vào đối tác) là sự kỳ vọng (tin tưởng) vào việc đối tác sẽ làm những điều mình muốn và khả năng đối tác có đủ năng lực làm những điều mình muốn.
Lòng tin mang tính “tích cực”, thuộc phạm trù hợp tác; loại “kỳ vọng” về việc đối phương sẽ “đáp trả” đối với hành vi của mình, không thuộc khái niệm này. Không có lòng tin thì không có hợp tác(6). Lòng tin được các nước xem xét trước khi ra quyết định hợp tác và bị tác động bởi phản hồi của đối tác đối với quyết định đó. Trước khi ra quyết định hợp tác với đối tác, các nước xem xét mức độ cao, thấp của lòng tin. Lòng tin ở mức độ cao sẽ quyết định hợp tác nhiều và dài hạn. Lòng tin ở mức độ thấp sẽ quyết định hợp tác ít và mang tính thời vụ. Phản hồi của đối tác đối với quyết định đó sẽ gia tăng hoặc làm suy giảm lòng tin vào đối tác. Nếu mức độ phản hồi bằng hoặc cao hơn mức độ kỳ vọng thì lòng tin được tăng cường và ngược lại.
Yếu tố tác động đến “lòng tin”
Lòng tin là sự kỳ vọng nên chịu sự tác động của nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là lịch sử, văn hóa và những tính toán lợi ích. Trong ba yếu tố này, tính toán lợi ích là yếu tố mang tính quyết định.
Các mâu thuẫn có nguồn gốc từ lịch sử thường gây nghi ngờ và cản trở việc xây dựng lòng tin giữa các quốc gia. Tuy nhiên, nếu các tính toán lợi ích cho thấy khả năng chắc chắn có lợi thì các bên vẫn có thể tin nhau và hợp tác. Lịch sử bình thường hóa và phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ kể từ sau năm 1975 là một minh chứng rõ nét cho lập luận này. Bắt đầu từ sự kỳ vọng về việc đối tác sẽ đáp lại “thiện chí” của mình trong việc hợp tác giải quyết các vấn đề nhân đạo sau chiến tranh, hai bên đã hợp tác trong vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA), tiếp đó là tăng dần giao lưu, hợp tác,... và trong quá trình như vậy, lòng tin giữa hai nước cũng dần được nâng lên.
Sự khác biệt về văn hóa, nhất là hệ giá trị, cũng là nguyên nhân khiến các nước nghi ngờ lẫn nhau. Song, nếu những tính toán về lợi ích cho thấy có căn cứ về việc đối tác sẽ hành động như mình mong đợi, các nước vẫn có thể tin nhau và hợp tác. Mỹ và A-rập Xê-út không tương đồng về văn hóa và hệ giá trị, nhưng vẫn thúc đẩy hợp tác chiến lược về an ninh, quân sự, do hai nước có những tính toán lợi ích tương đối giống nhau ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi. Tương tự, lợi ích là nhân tố quyết định việc Trung Quốc chọn Gi-bu-ti - quốc gia ở khu vực Đông châu Phi (sừng châu Phi), là nơi đặt căn cứ quân sự đầu tiên của mình trên thế giới.
Khi tính toán lợi ích trong quan hệ với đối tác, có ba yếu tố chính thường được đưa ra xem xét, đó là: 1- Mức độ trùng hợp về lợi ích; 2- Lịch sử quan hệ của đối tác; 3- Sự tồn tại của các yếu tố bảo đảm đối tác sẽ hành động như họ đã cam kết(7). Mức độ trùng hợp về lợi ích là yếu tố quan trọng để các quốc gia tin rằng, đối tác sẽ hành xử phù hợp với lợi ích của mình (ít nhất là trong phạm vi lợi ích của hai bên trùng hợp với nhau). Sự trùng hợp càng sâu, càng rộng về những lợi ích (càng quan trọng) thì mức độ lòng tin càng cao. Về lịch sử quan hệ, nếu đối tác luôn giữ chữ “tín” và luôn thực hiện nghiêm chỉnh những cam kết thì càng có cơ sở để tin rằng, đối tác cũng sẽ làm như vậy trong hiện tại.
Các yếu tố nền tảng để tin rằng đối tác sẽ hành xử như đã cam kết, bao gồm cái giá phải trả của việc bội ước, mức độ minh bạch về chính sách và hành vi, các cơ chế trong nội bộ đối tác và các cơ chế quốc tế buộc đối tác phải thực hiện cam kết. Trong quan hệ hợp tác, các quốc gia đều tối đa hóa lợi ích của mình, lòng tin sẽ được xác định trên cơ sở nhận thức rằng, đối tác sẽ mất nhiều hay ít nếu bội ước. Mức độ minh bạch về chính sách và hành vi cũng là nhân tố quan trọng tạo nên lòng tin. Minh bạch sẽ giảm bớt nghi ngại về “âm mưu”. Minh bạch hóa cũng tạo cho đối tác sức ép phải thực hiện đúng các cam kết. Sự tồn tại và hiệu quả của các cơ chế trong nội bộ đối tác kiểu như cơ chế “kiểm soát và cân bằng” ở nhiều nước cũng là căn cứ để đánh giá mức độ lòng tin vì chúng tạo nên sức ép nội bộ buộc chính quyền phải thực hiện những điều họ đã cam kết trong quan hệ quốc tế. Các cơ chế quốc tế, bao gồm những luật lệ, quy tắc của các tổ chức quốc tế mà đối tác là thành viên, cũng là cơ sở để xác định lòng tin. Nếu đối tác là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế uy tín thì vì sự ràng buộc của những luật lệ, quy tắc của các tổ chức quốc tế, họ phải thực hiện nghiêm túc những gì đã cam kết với mình. Bên cạnh việc tạo nên cơ sở của lòng tin, các cơ chế trong nội bộ đối tác và các cơ chế quốc tế còn tạo nên thói quen tuân thủ nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế.
Cấp độ lòng tin: tiếp cận từ lợi ích
Liên quan đến xác định mức độ lòng tin, một số học giả nước ngoài(8) và trong nước(9) đã đưa ra ba thước đo để xác định mức độ tin cậy lẫn nhau: 1- Số lượng vấn đề còn tồn tại trong lịch sử và hiện tại; 2- Mức độ tương đồng lợi ích; 3- Số lượng và hiệu quả các công cụ, cơ chế để giám sát, đánh giá hành vi; các quy tắc, luật lệ và thể chế đa phương để điều chỉnh hành vi (của đối tác).
Có thể thấy, các mâu thuẫn, nghi ngờ bắt nguồn từ lịch sử, văn hóa, hệ giá trị,... tuy cản trở việc xây dựng lòng tin(10), nhưng không triệt tiêu khả năng xây dựng lòng tin, không quyết định việc tạo dựng và củng cố lòng tin. Trên cơ sở các yếu tố chính tác động tới lòng tin, có thể xác định điều kiện đi kèm với các cấp độ lòng tin và mức độ hợp tác tương đương với các cấp độ đó như sau:
Cấp độ cao (tin nhiều): Nếu nhận thấy đối tác có sự trùng hợp lợi ích cơ bản, lâu dài với mình; đối tác có lịch sử ứng xử tốt, nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết với mình (và với các đối tác khác); đối tác có mức độ minh bạch hóa chính sách và hành vi cao; trong nội bộ đối tác có các cơ chế giám sát hành vi hiệu quả; đối tác là thành viên các tổ chức quốc tế uy tín. Ở cấp độ này, có thể tiến tới liên minh quân sự, hợp tác sản xuất vũ khí, mua bán, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng, công nghệ lõi....
Cấp độ trung bình (tin bình thường): Nếu nhận thấy đối tác có sự trùng hợp lợi ích với mình; đối tác có lịch sử ứng xử khá tốt, khá nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết với mình (và với các đối tác khác); đối tác có mức độ minh bạch hóa chính sách và hành vi khá cao; trong nội bộ đối tác có các cơ chế giám sát hành vi khá hiệu quả; đối tác là thành viên các tổ chức quốc tế uy tín. Ở cấp độ này có thể có hợp tác an ninh, hợp tác quân sự, mua bán, chuyển giao công nghệ thông thường.
Cấp độ thấp (tin ít): Nếu nhận thấy đối tác không có sự trùng hợp lớn về lợi ích với mình; đối tác đã có lúc không nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết với mình (và với các đối tác khác); đối tác không minh bạch hóa chính sách và hành vi; trong nội bộ đối tác không có các cơ chế giám sát hành vi hiệu quả; đối tác chưa là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín. Ở cấp độ này, có thể có hợp tác về an ninh, chia sẻ thông tin, nhưng khó có thể thực hiện mua bán, chuyển giao công nghệ cao, cũng như mua bán, chuyển giao công nghệ quốc phòng, công nghệ lưỡng dụng.
Với cách xác định cấp độ như trên, có thể hiểu “lòng tin chiến lược” là cấp độ cao nhất của lòng tin, nó tồn tại khi các quốc gia nhận thấy đối tác có sự trùng hợp về lợi ích chiến lược với mình; lịch sử chứng tỏ đối tác luôn tôn trọng cam kết với mình; trong nội bộ đối tác có các cơ chế kiểm soát hành vi hiệu quả và đối tác là thành viên của các tổ chức quốc tế uy tín.
Trên thực tế, giữa các quốc gia không có lòng tin tuyệt đối vì không có sự trùng hợp hoàn toàn và thường xuyên về lợi ích. Anh và Mỹ là đồng minh thân cận, chia sẻ gần như hoàn toàn về văn hóa và hệ giá trị, nhưng giữa hai bên không tồn tại lòng tin tuyệt đối. Nhiều bằng chứng cho thấy, Anh và Mỹ không tin nhau trong vấn đề giữa I-xra-en và Pa-le-xtin, đặc biệt là dưới thời kỳ Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm(11). Cũng ít có tình trạng mất lòng tin tuyệt đối giữa các quốc gia.
Các biện pháp xây dựng lòng tin
Các yếu tố tác động đến lòng tin, các điều kiện đi kèm với từng cấp độ lòng tin là cơ sở để xác định các biện pháp xây dựng lòng tin. Muốn đối tác tin mình ở cấp độ nào thì phải đáp ứng được những điều kiện đi cùng với cấp độ đó. Có hai nhóm biện pháp xây dựng lòng tin. Nhóm thứ nhất là các biện pháp tự mình làm và nhóm thứ hai là các biện pháp mình làm với đối tác và các đối tác khác(12).
Các biện pháp thuộc nhóm thứ nhất, bao gồm tạo dựng và gia tăng mức độ đan xen lợi ích với đối tác; giữ chữ “tín” trong quan hệ với đối tác (và các đối tác khác); tạo dựng (và chứng tỏ cho đối tác thấy) các cơ chế giám sát hành vi trong nội bộ của mình; tham gia và thực hiện nghiêm túc những luật lệ, quy tắc của các tổ chức quốc tế mà mình là thành viên.
Các biện pháp thuộc nhóm thứ hai, bao gồm tạo cho nhau các lợi ích cơ bản, lâu dài ở trong nhau; giảm thiểu, tiến tới triệt tiêu các yếu tố gây nghi ngờ; cùng tham gia và hợp tác chặt chẽ với nhau trong các tổ chức quốc tế uy tín.
Bối cảnh mới và yêu cầu mới về lòng tin trong quan hệ quốc tế
Thế giới đang chuyển sang một cục diện mới. Về quan hệ quốc tế, cục diện mới có hai đặc điểm lớn, đó là cạnh tranh, căng thẳng giữa các nước lớn và nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, phân phối toàn cầu.
Đề cập đến cạnh tranh, có thể thấy mức độ cạnh tranh giữa các nước lớn về nhiều mặt còn gay gắt hơn cả thời kỳ Chiến tranh lạnh; phạm vi cạnh tranh toàn diện, bao gồm từ kinh tế, tài chính - tiền tệ, cho đến khoa học - công nghệ, thông tin...(13). Kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, chưa lúc nào, vấn đề cấm vận lại trở nên phổ biến như hiện nay. Sau khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” với U-crai-na (tháng 2-2022), Mỹ và hơn 30 quốc gia đã đồng loạt áp đặt lệnh cấm vận đối với Nga. Tính đến nay, số lượng lệnh cấm vận áp đặt lên các cá nhân và tổ chức của Nga đã lên tới hơn 13 nghìn, khiến Nga trở thành nước chịu số lệnh cấm vận cao nhất thế giới, vượt xa nước thứ hai là I-ran với hơn 4 nghìn lệnh cấm vận(14). Với xu hướng diễn biến hiện nay của cuộc xung đột Nga - U-crai-na, nhiều khả năng với số lượng lệnh cấm vận áp đặt lên Nga sẽ tiếp tục gia tăng. Đối với Trung Quốc, Mỹ và các nước phương Tây cũng áp đặt hàng trăm lệnh cấm vận. Phần lớn các lệnh cấm vận liên quan đến vấn đề Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Công (Trung Quốc). Ngày 7-10-2022, Mỹ đã áp đặt lệnh cấm về kiểm soát xuất khẩu chip và thiết bị bán dẫn nhằm hạn chế khả năng mua và sản xuất chíp cao cấp của Trung Quốc. Trong bối cảnh ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn gần như hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ và các nước liên kết với Mỹ về thiết kế, sản xuất, chế tạo các máy móc, công cụ sản xuất chip, lệnh cấm vận này được cho là ảnh hưởng nghiêm trọng tới chiến lược tự chủ về công nghệ của Trung Quốc. Đáp lại, Nga và Trung Quốc cũng áp đặt hàng loạt lệnh cấm vận lên các cá nhân, tổ chức của Mỹ và phương Tây. Hệ quả tất yếu của các lệnh cấm vận là xu hướng chia rẽ và phân tách giữa một bên là Mỹ, phương Tây và bên kia là Nga, Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực, từ tài chính - tiền tệ, thương mại - đầu tư đến khoa học - công nghệ.
Về sự đứt gãy chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu, đại dịch COVID-19 chính là hồi chuông cảnh báo đối với tất cả các nước lớn, nhỏ về nguy cơ thường xuyên đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Một trong những tác nhân quan trọng dẫn đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu là giá cước vận tải biển tăng đột biến. Vận tải biển chiếm khoảng 90% số lượng lưu chuyển hàng hóa toàn cầu. Khi đại dịch COVID-19 lan rộng, giá vận chuyển một container từ 1.362 USD (tháng 11-2019) đã tăng lên 9.628 USD (tháng 2-2022). Các tuyến vận tải biển đắt nhất, như Trung Quốc/Đông Á đi Bờ Đông, Bắc Mỹ tăng lên 16.893 USD; Trung Quốc/Đông Á đi Bờ Tây, Bắc Mỹ lên 15.218 USD(15). Giá cước vận chuyển tăng lên 10 lần đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, những biện pháp phong tỏa của các nước mới thực sự gây ra sự đứt gãy hoàn toàn chuỗi cung ứng toàn cầu. Ở các mức độ khác nhau, nhiều nước đã áp dụng các biện pháp phong tỏa, trong đó có hầu hết các trung tâm chế tạo lớn của thế giới, như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Việt Nam...
Sau đại dịch COVID-19, nhất là khi xảy ra cuộc xung đột Nga - U-crai-na, các nước lớn chia rẽ, cạnh tranh gay gắt hơn và thế giới chịu không ít tác động tiêu cực từ những vấn đề này. Ở tầm quốc gia, dư luận quan tâm nhiều đến khái niệm tự chủ và tự chủ chiến lược. Các khái niệm này không mới, song điểm mới chính là phương cách bảo đảm tự chủ, tự chủ chiến lược. Trong một thế giới toàn cầu hóa, tự chủ hoàn toàn với nghĩa là đóng cửa, tự sản xuất mọi hàng hóa và dịch vụ cho mình là điều không thể và không nên đối với tất cả các nước, kể cả Mỹ - quốc gia có sức mạnh tổng hợp quốc gia hàng đầu thế giới cùng vị trí địa - chiến lược hết sức đặc thù. Do đó, hầu hết các nước bảo đảm tự chủ theo hai phương cách: tự sản xuất các loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu; đồng thời, tạo ra và duy trì các kênh cung cấp bền vững những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu thông qua mạng lưới đồng minh, bạn bè, đối tác. Chiến lược này đã mang lại thành công cho nhiều nước, nhất là các nước vừa và nhỏ, trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa phát triển, đặc biệt là từ sau Chiến tranh lạnh đến trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Chính đại dịch COVID-19 và tiếp đó là những hậu quả của cuộc xung đột Nga - U-crai-na đã chỉ ra rằng, nếu xảy ra đứt gãy các chuỗi cung ứng thì đồng minh, bạn bè hay đối tác cũng không giúp được các nước bảo đảm tự chủ và rằng, các nước phải tự chủ trong điều kiện sự đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Để tự chủ được trong điều kiện đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, các quốc gia cần phải tự bảo đảm được những hàng hóa cơ bản, như lương thực, năng lượng, thuốc chữa bệnh và một số sản phẩm thiết yếu về quốc phòng, an ninh,... do đó, công nghệ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ngày 23-9-2022, chủ trì Hội nghị “Phát triển thị trường khoa học, công nghệ: Đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề cập đến chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ lõi với mục đích “để giải mã, hấp thu, làm chủ, nhằm đẩy mạnh tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp”(16). Quyết tâm chính trị và chi ngân sách nhà nước để nhập khẩu công nghệ tiên tiến là yếu tố hết sức quan trọng để sở hữu, làm chủ các công nghệ thiết yếu. Tuy nhiên, các đối tác có bán và chuyển giao công nghệ cho mình hay không, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có lòng tin. Khi xu hướng cạnh tranh, đối đầu giữa một bên là Mỹ cùng đồng minh với bên kia là Nga và Trung Quốc ngày càng gia tăng, Mỹ và đồng minh đẩy mạnh siết chặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ(17); Nga và Trung Quốc cũng có những hành động tương tự. Để có thể nhập khẩu được công nghệ, các quốc gia cần có lòng tin (ở cấp độ cao) của đối tác. Trong các yếu tố tác động đến lòng tin, yếu tố quan trọng là phải làm sao để đối tác tin rằng giữa hai bên có sự trùng hợp về lợi ích chiến lược lâu dài, không sử dụng công nghệ của đối tác chống lại họ; không chuyển giao công nghệ cho đối tác khác khi chưa có sự đồng ý của họ; đồng thời, đủ năng lực để bảo đảm công nghệ của họ không bị đánh cắp.
Định hướng xây dựng lòng tin trong bối cảnh mới
Kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam luôn nhất quán triển khai đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế, là bạn, đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế; đồng thời, thực hiện nhiều biện pháp xây dựng lòng tin với các đối tác. Cụ thể, Việt Nam đã: 1- Từng bước tạo dựng và gia tăng mức độ đan xen lợi ích với các đối tác, nhất là các đối tác lớn, đối tác quan trọng đối với lợi ích an ninh và phát triển của mình; 2- Minh bạch hóa chính sách, quy trình hoạch định và triển khai chính sách, trong đó có việc định kỳ công bố Sách Trắng quốc phòng, Sách Xanh ngoại giao, nguyên tắc “bốn không” (không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế); 3- Tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế lớn và nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết quốc tế. Những biện pháp này đã đóng góp tích cực để các đối tác ngày càng tin tưởng Việt Nam hơn. Đặc biệt, Việt Nam đã có hợp tác khá sâu về khoa học - công nghệ với một số đối tác, đồng thời đã được “chuyển giao” và làm chủ một số công nghệ sản xuất vũ khí(18). Tuy nhiên, để đối tác bán hoặc chuyển giao các công nghệ (cao) thiết yếu trong bối cảnh thế giới chia tách và nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam phải tiếp cận các biện pháp xây dựng lòng tin ở cấp độ khác trước. Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin với tinh thần chủ động hơn, tích cực hơn, Việt Nam cần:
Thứ nhất, lựa chọn một số đối tác nắm giữ những công nghệ hàng đầu mà Việt Nam cần và có thể bán hoặc chuyển giao công nghệ cho Việt Nam; tập trung đánh giá mức độ lòng tin của đối tác đối với Việt Nam; xác định và thực hiện các biện pháp cần triển khai để giảm thiểu các yếu tố nghi ngờ, gia tăng các yếu tố làm cho đối tác tin Việt Nam ở cấp độ cao. Trong quá trình này, Việt Nam cần chọn các đối tác có tiềm năng nhất, sở hữu các công nghệ tiên tiến nhất mà Việt Nam cần mua hoặc chuyển giao để tự bảo đảm được các sản phẩm thiết yếu khi xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ hai, có quyết sách để gia tăng mức độ đan xen lợi ích chiến lược với các đối tác thông qua việc nâng cấp quan hệ, tăng cường trao đổi thực chất ở cấp cao, tạo cho đối tác sự gắn kết lợi ích lâu dài ở Việt Nam về kinh tế, đầu tư, thông qua các dự án đầu tư lớn, tuổi thọ dự án dài...; đồng thời, tăng cường đầu tư vào các đối tác để các đối tác thấy rõ mức độ gia tăng gắn kết lợi ích từ cả hai bên.
Thứ ba, thúc đẩy quan hệ với các đối tác thân cận của họ, các tập hợp lực lượng đối tác tham gia và thúc đẩy ở khu vực cũng như toàn cầu. Đây là những biện pháp gián tiếp, nhưng có tác động rất lớn tới lòng tin của đối tác đối với Việt Nam. Giữa các đối tác và trong các tập hợp lực lượng đó, họ chia sẻ luật lệ, tiêu chí chung. Việc Việt Nam tham gia và nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết với các đối tác, các “luật chơi” chung sẽ góp phần quan trọng vào việc gia tăng lòng tin của đối tác đối với Việt Nam.
Thứ tư, tăng cường năng lực của Việt Nam. Sức mạnh tổng hợp của Việt Nam ngày càng gia tăng, các đối tác sẽ đặt lợi ích của đối tác vào Việt Nam. Tiềm lực mạnh mới đủ năng lực tạo dựng sự trùng hợp, đan xen lợi ích lâu dài và thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết. Do đó, khi Việt Nam có tiềm lực mạnh thì đối tác sẽ tin tưởng vào việc Việt Nam có thể bảo đảm công nghệ không bị đánh cắp; có thể sử dụng hiệu quả, đúng mục đích các công nghệ mà đối tác sẽ bán hoặc chuyển giao cho Việt Nam.
Lòng tin trong quan hệ quốc tế là khái niệm không dễ đoán định, nhưng hết sức quan trọng, bởi vì không có lòng tin thì khó có thể có hợp tác. Có nhiều yếu tố tác động tới lòng tin (và sự nghi ngờ), nhưng quan trọng nhất là mức độ trùng hợp về lợi ích. Khi mức độ trùng hợp về lợi ích đủ lớn, đủ sâu thì dù tồn tại những vấn đề gây nghi ngờ lẫn nhau, giữa các nước vẫn có lòng tin vào nhau và hợp tác với nhau. Đặc biệt, khi mức độ trùng hợp về các lợi ích chiến lược đủ lớn, hai bên có thể thực hiện mua bán, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng - yếu tố thiết yếu để bảo đảm tự chủ trong bối cảnh luôn phải đối mặt với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Ở mức độ khác nhau, đến nay, các đối tác đều đặt lòng tin vào Việt Nam. Song, các đối tác sở hữu những công nghệ hàng đầu thế giới tin tưởng Việt Nam đến mức đủ để thực hiện mua bán và chuyển giao công nghệ hay chưa, vẫn là câu hỏi khó có thể trả lời thỏa đáng. Do vậy, để tăng cường lòng tin với các đối tác đó, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, nhưng phải ở một tầm mức mới chọn lọc hơn và quyết đoán hơn./.
--------------------------
* Bài viết là kết quả nghiên cứu của Đề tài KX.04.08/21-25
(1) Xem: Vũ Lê Thái Hoàng: “Lòng tin và “Quan hệ tin cậy lẫn nhau” trong quan hệ quốc tế”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 75, tháng 12-2008, tr. 96 - 103
(2) Xem: Đặng Đình Quý - Nguyễn Vũ Tùng: “Lòng tin trong quan hệ quốc tế và định hướng chiến lược xây dựng lòng tin của Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 76, tháng 3-2009, tr. 105 - 122
(3) Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2012
(4) Từ điển Triết học, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2002
(5) Cambridge International Dictionary of English, Cambridge University Press, 1995
(6) Xem: David A. Baldwin: “The Concept of Security” (Tạm dịch: Khái niệm về an ninh), Review of International Studies, Vol. 23, 1997, tr. 5 - 26
(7) Xem: Vũ Lê Thái Hoàng: “Lòng tin và “Quan hệ tin cậy lẫn nhau” trong quan hệ quốc tế”, Tlđd; Xem: Đặng Đình Quý - Nguyễn Vũ Tùng: “Lòng tin trong quan hệ quốc tế và định hướng chiến lược xây dựng lòng tin của Việt Nam”, Tlđd
(8) Xem: Aaron M. Hoffman: “A Conceptualization of Trust in International Relations” (Tạm dịch: Khái niệm về lòng tin trong quan hệ quốc tế), European Journal of International Relations, Vol. 8, No. 3 (2002), tr. 384 - 393
(9), (10) Xem: Vũ Lê Thái Hoàng: “Lòng tin và “Quan hệ tin cậy lẫn nhau” trong quan hệ quốc tế”, Tlđd
(11) Xem: Holly Ellyatt: “Is the US - UK ‘special relationship’ still special?” (Tạm dịch: ‘Mối quan hệ đặc biệt’ Mỹ - Anh có còn đặc biệt?), CNBC, ngày 12-7-2018, https://www.cnbc.com/2018/07/11/is-the-us-uk-special-relationship-still-special.html
(12) Xem: Đặng Đình Quý - Nguyễn Vũ Tùng: “Lòng tin trong quan hệ quốc tế và định hướng chiến lược xây dựng lòng tin của Việt Nam”, Tlđd
(13) Xem: Vũ Khoan: “Một thời đại mới đang dần hình thành”, Tạp chí Cộng sản, số 1.001, tháng 11-2022, tr. 95 - 103
(14) Xem: “Number of international sanctions imposed worldwide as of January 12, 2023, by target country” (Tạm dịch: Số lệnh trừng phạt quốc tế được áp dụng trên toàn thế giới tính đến ngày 12-1-2023, theo mục tiêu quốc gia), Statista Research Department, ngày 17-1-2023, https://www.statista.com/statistics/1294726/number-of-global-sanctions-by-target-country/
(15) Xem: Federico Suárez Ricaurte: “Understanding Supply Chain Disruptions During the COVID-19 Pandemic” (Tạm dịch: Hiểu về sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong đại dịch COVID-19), McGill Business Law Platform, ngày 22-2-2022, https://www.mcgill.ca/business-law/article/understanding-supply-chain-disruptions-during-covid-19-pandemic
(16) Xem: Viết Tuấn: “Thủ tướng: “Sẽ có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhập công nghệ lõi””, Trang thông tin điện tử Vnexpress, ngày 23-9-2022, https://vnexpress.net/thu-tuong-se-co-chinh-sach-khuyen-khich-doanh-nghiep-nhap-cong-nghe-loi-4515111.html
(17) Xem: Gregory C. Allen - Emily Benson - William Alan Reinsch: “Improved Export Controls Enforcement Technology Needed for U.S. National Security” (Tạm dịch: Công nghệ thực thi kiểm soát xuất khẩu được cải thiện cần thiết cho an ninh quốc gia của Mỹ), Center for Strategic and International Studies (CSIS), ngày 30-11-2022, https://www.csis.org/analysis/improved-export-controls-enforcement-technology-needed-us-national-security
(18) Xem: Sơn Hà: “Việt Nam làm chủ nhiều công nghệ sản xuất vũ khí”, Trang thông tin điện tử Vnexpress, ngày 9-12-2022, https://vnexpress.net/viet-nam-lam-chu-nhieu-cong-nghe-san-xuat-vu-khi-4546205.html
Tiếp cận lý thuyết về vấn đề năng lượng trong quan hệ quốc tế  (25/03/2023)
Một số vấn đề nổi bật của thế giới hiện nay  (15/02/2023)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
- Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Thực tiễn và vấn đề đặt ra hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên