Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 - biểu hiện sinh động về vấn đề “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”
TCCS - Thắng lợi của Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 thể hiện sự chủ động của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với dự đoán chính xác việc Mỹ sẽ điều B-52 đánh phá bầu trời Hà Nội và chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội, từ đó, sớm chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân tìm ra cách đánh máy bay B-52 và chuẩn bị trận địa phòng không ba thứ quân, nòng cốt là bộ đội phòng không - không quân, giành thế chủ động ngay từ ngày đầu, làm nên Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”. Thắng lợi đã để lại những kinh nghiệm quý cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong giai đoạn hiện nay.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”; đồng thời nhấn mạnh “có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển” (1). Tư duy chiến lược đó là sản phẩm kết tinh những kinh nghiệm quý báu trong quá trình dựng nước và giữ nước lâu dài của dân tộc, đồng thời thể hiện sự sáng tạo, nhạy bén trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta. Sau 50 năm nhìn lại, Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là một biểu hiện rất sinh động của tư duy bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thủ đô Hà Nội - trung tâm của hậu phương lớn ở miền Bắc - có vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ chi viện sức người, sức của…, mà còn “chia lửa” với miền Nam ruột thịt. Vì thế, việc bảo vệ Thủ đô Hà Nội là một nhiệm vụ rất quan trọng của sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nói riêng, sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung. Tầm quan trọng của Thủ đô Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo: “Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội” (2). Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề bảo vệ bầu trời thủ đô đã được Quân chủng Phòng không - Không quân quan tâm ngay từ đầu thập niên 60 của thế kỷ XX.
Bảo vệ bầu trời Hà Nội từ sớm
Bảo vệ bầu trời Hà Nội từ sớm là nhấn mạnh đến sự chủ động chuẩn bị trước về thời gian. Bảo vệ bầu trời Hà Nội “từ sớm” là sớm về tư duy, nhận thức, sớm có quan điểm chỉ đạo, phương châm hành động, sớm trong nhận diện nguy cơ uy hiếp, sớm có phương án, lực lượng, phương tiện bảo vệ. Quá trình xây dựng, củng cố, phát triển cũng là quá trình triển khai các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ, tự bảo vệ từ trước. Như vậy, bảo vệ bầu trời Hà Nội từ sớm có nghĩa là phải có chiến lược bảo vệ, tự bảo vệ bên trong, từ bên trong; ngăn ngừa, triệt tiêu các nhân tố xâm lược, phá hoại, mất ổn định bên trong lẫn bên ngoài. Vì thế, ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Hà Nội chưa có pháo cao xạ như nhà chưa có nóc”. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Người và đáp ứng yêu cầu cách mạng, từ năm 1954 đến năm 1964, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định thành lập nhiều đơn vị pháo phòng không: Trung đoàn 210, 220, 230, 240, 250, 260, 280; trong đó, có ba trung đoàn pháo phòng không bảo vệ Hà Nội là 220, 230 và 260.
Ngay từ năm 1962, khi Mỹ chưa sử dụng máy bay B-52 ở chiến trường Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến vũ khí tối tân, hiện đại bậc nhất này của Mỹ và đã chỉ thị cho lực lượng phòng không chủ động nghiên cứu để tiêu diệt nó.
Cùng với việc tự chuẩn bị về tư duy, quan điểm, lực lượng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ động đề nghị Liên Xô giúp Việt Nam xây dựng lực lượng tên lửa phòng không nhân dịp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Kô-xư-ghin thăm Hà Nội, tháng 2-1965. Hai trung đoàn tên lửa 236 và 238 được thành lập, trong đó Trung đoàn 236 - đơn vị tên lửa đầu tiên - được triển khai chiến đấu tại khu vực Suối Hai, Bất Bạt, Hà Tây (nay là Hà Nội), để đối phó với không quân Mỹ đang leo thang đánh ra miền Bắc.
Để tạo thêm lưới lửa bảo vệ Hà Nội, ngày 19-5-1965, Bộ Tổng Tư lệnh ra quyết định số 67/QĐ-QP, thành lập Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Nội, trực thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân. Sự ra đời của Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Nội, cùng các lực lượng phòng không khác, mở đầu cho việc hình thành lực lượng phòng không ba thứ quân ở Thủ đô, trong đó lực lượng phòng không Sư đoàn Phòng không 361 làm nòng cốt, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ. Đồng thời, sự kiện này còn đánh dấu một bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng kịp thời yêu cầu tác chiến phòng không bảo vệ Thủ đô Hà Nội - trái tim thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngày 18-6-1965, đế quốc Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B-52 ném bom rải thảm khu vực Bến Cát (phía tây bắc Sài Gòn). Trước hành động phiêu lưu quân sự mới của Mỹ, ngày 19-7-1965, khi đến thăm Quân chủng Phòng không - Không quân, tại Trung đoàn 234 (Đoàn pháo cao xạ Tam Đảo), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-57, B-52, hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng” (3). Trước hành động Mỹ dùng B-52 đánh ra Quảng Bình, sau đó đánh rộng ra Vĩnh Linh - Quảng Trị năm 1966, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị lực lượng phòng không - không quân phải tìm ra cách đánh B-52.
Quán triệt tinh thần đó, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo lực lượng vũ trang, trực tiếp là Quân chủng Phòng không - Không quân xây dựng kế hoạch tác chiến phòng không chống địch tập kích B-52 đánh vào Hà Nội. Với quan điểm “muốn bắt cọp thì phải vào tận hang”, Trung đoàn Tên lửa 238 đã được đưa vào tuyến lửa Vĩnh Linh để nghiên cứu cách đánh B-52.
Sau nhiều lần hội thảo khoa học và rút kinh nghiệm trong chiến đấu, Quân chủng Phòng không - Không quân đã tìm ra cách đánh và quyết tâm đánh bại âm mưu của đế quốc Mỹ. Tất cả sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, về ý chí, quyết tâm đã thể hiện ta “không để bị bất ngờ”, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của địch. Năm 1968, Quân chủng Phòng không - Không quân đã bắt tay xây dựng kế hoạch đánh trả cuộc tập kích bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội.
Với những kinh nghiệm ban đầu, với quyết tâm cao độ, trong khoảng thời gian từ năm 1968 đến giữa năm 1972, Quân chủng Phòng không - Không quân tiếp tục điều động 4 trung đoàn tên lửa cùng một số máy bay MiG vào Khu 4 để chi viện cho Chiến dịch Trị - Thiên và tiếp tục nghiên cứu cách đánh B-52. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch tác chiến đánh trả cuộc tập kích bằng B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng. Đến tháng 9-1972, Quân chủng đã chính thức xây dựng được phương án đánh máy bay B-52 bằng việc phổ biến trong bộ đội phòng không cuốn “cẩm nang đỏ” là cuốn sách “Cách đánh B-52 của Bộ đội Tên lửa”. Đây là kết quả của quá trình tìm tòi, khảo nghiệm, tổng kết thực tiễn chiến đấu, sáng tạo cách đánh của lực lượng phòng không - không quân. Trên cơ sở tài liệu này, ngày 31-10-1972, Quân chủng tổ chức hội nghị cán bộ để thảo luận phổ biến cách đánh B-52, sau đó tổ chức huấn luyện cho các kíp chiến đấu; tiến hành công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, xây dựng quyết tâm; đôn đốc kiểm tra mọi mặt chuẩn bị, đánh trả cuộc tập kích đường không của địch.
Với khí thế cách mạng tiến công, từ năm 1971 - 1972, quân dân miền Nam mở cuộc tiến công chiến lược lớn trên khắp chiến trường miền Nam. Vùng giải phóng ở các khu vực: Trị - Thiên, đồng bằng Khu 5, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ mở rộng, tạo thành thế bao vây, chia cắt địch. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản. Để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ phải dùng phần lớn hỏa lực của không quân và hải quân, “Mỹ hóa” trở lại cuộc chiến tranh ở miền Nam, đồng thời chuẩn bị ném bom trở lại miền Bắc. Tổng thống Mỹ Ních-xơn quyết định mở cuộc tập kích đường không chiến lược mang tên Linebacker-II, chủ yếu bằng các “siêu pháo đài bay B-52” đánh phá Hà Nội, Hài Phòng và một số địa phương ở miền Bắc.
Trước âm mưu của Mỹ, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bộ Tổng tham mưu, Quân chủng Phòng không - Không quân gấp rút củng cố, bổ sung lực lượng và phương án tác chiến để đáp ứng các yêu cầu chiến lược. Tại Hà Nội, Hải Phòng có 5 trung đoàn tên lửa, 6 trung đoàn pháo cao xạ (không kể 8 trung đoàn cao xạ của Quân khu 3, Quân khu Việt Bắc), 4 trung đoàn không quân, trong đó chỉ có 2 trung đoàn MiG-21, Ra-đa chỉ có 4 trung đoàn rải khắp miền Bắc. Ngoài ra, lực lượng phòng không của dân quân tự vệ 9 tỉnh có 1.316 khẩu pháo cao xạ các loại. Do yêu cầu và tính chất chiến đấu, Bộ Quốc phòng điều chỉnh một số đơn vị chủ lực và thành lập những đơn vị phòng không mới. Trên địa bàn Hà Nội, Sư đoàn 361 được bổ sung 3 trung đoàn pháo cao xạ 57 và 37 ly (mới thành lập). Đến tháng 6 năm 1972, việc bố trí hỏa lực phòng không trên miền Bắc và Hà Nội đã có nhiều điểm mới để tập trung cho các trận địa ở Hà Nội.
Tháng 11-1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định, âm mưu của Mỹ cho B-52 đánh Thủ đô Hà Nội - linh hồn của cuộc kháng chiến - sẽ là hành động gây sức ép cuối cùng để buộc chúng ta phải nhân nhượng. Vì vậy, chúng ta phải kiên quyết đánh thắng chúng trên bầu trời Thủ đô... Ngày 25-11-1972, Quân ủy Trung ương ra chỉ thị: “Tăng cường sẵn sàng chiến đấu”. Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho các lực lượng vũ trang tăng cường các mặt chuẩn bị chiến đấu, đồng thời nhận định có nhiều khả năng địch đánh phá trở lại toàn miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, kể cả việc dùng máy bay B-52 đánh ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng. Do đó: “Nhiệm vụ trung tâm đột xuất trước mắt của Bộ đội Phòng Không - Không quân là tập trung mọi khả năng nhằm đối tượng chính là B-52 mà tiêu diệt” (4).
Như vậy, việc xác định Mỹ sẽ điều B-52 đánh phá bầu trời Hà Nội và chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội giúp chúng ta có quá trình chuẩn bị công phu 10 năm từ trước khi Mỹ đưa B-52 ra đánh phá bầu trời Hà Nội. Sự chuẩn bị từ sớm về thời gian, lực lượng, huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, cải tiến vũ khí trang bị, chuẩn bị sẵn sàng về tâm thế, sớm tìm ra cách đánh máy bay B-52 và chuẩn bị một trận địa phòng không ba thứ quân, nòng cốt là bộ đội phòng không - không quân, giúp ta giành thế chủ động ngay từ ngày đầu, trận đầu. Trong 12 ngày đêm, quân, dân Hà Nội và quân, dân các tỉnh miền Bắc đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân lớn nhất của đế quốc Mỹ, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay chiến lược B-52, lập nên một kỳ tích chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, là kết quả rực rỡ của tư duy bảo vệ bầu trời Hà Nội từ sớm.
Bảo vệ bầu trời Hà Nội từ xa
Bảo vệ bầu trời Hà Nội từ xa là nhấn mạnh đến sự chủ động, cảnh giác, sớm phát hiện, triệt tiêu các nhân tố bất lợi từ xa về không gian địa lý và cả thời gian, triệt tiêu ngay từ nguyên nhân, điều kiện hình thành nguy cơ đe dọa, uy hiếp. Được sự cảnh báo từ sớm về nguy cơ đương đầu với cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn của Mỹ bằng máy bay B-52, cùng với quá trình chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt, từ đầu năm 1968, Quân chủng Phòng không - Không quân xây dựng kế hoạch đánh trả cuộc tập kích bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, đã xác định được cụ thể không gian cần bảo vệ. Việc Mỹ dùng máy bay B-52 đánh phá bầu trời Hà Nội có mối quan hệ chặt chẽ với tiến trình Hội nghị Paris. Sau một thời gian rất dài đàm phán (từ ngày 13-5-1968 đến ngày 17-10-1972), văn bản hiệp định cơ bản đã được hoàn tất theo tinh thần Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam và dự kiến thời điểm ký kết Hiệp định là ngày 31-10-1972. Tuy nhiên, ngày 7-11-1972, sau khi đắc cử Tổng thống, Ních-xơn đã lật lọng, tráo trở đòi sửa đổi rất nhiều nội dung trong Hiệp định nhằm có lợi cho Mỹ. Đồng thời, để gây sức ép với ta trong việc ký Hiệp định, Ních-xơn đã quyết định huy động phần lớn siêu pháo đài bay B-52 ném bom rải thảm, bắn phá Hà Nội.
Quyết định tăng cường Trung đoàn tên lửa 238 vào “tuyến lửa” Vĩnh Linh, cùng lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương vừa trực tiếp đánh trả, vừa nghiên cứu cách đánh B-52 của Quân ủy Trung ương từ tháng 5-1966 là quyết định đúng đắn, có tầm nhìn xa trông rộng. Xác định kinh nghiệm chiến đấu chỉ có được khi tác chiến trực tiếp với địch, từ đó những nghiên cứu kỹ đặc điểm kỹ chiến thuật, phương tiện chiến tranh, nắm quy luật hoạt động của máy bay B-52 mới đánh giá được mức độ, hiệu quả, vì thế, việc cử những cán bộ chỉ huy, tham mưu, quân báo, khoa học quân sự và phi công có nhiều kinh nghiệm vào Vĩnh Linh nghiên cứu quy luật hoạt động của máy bay B-52 để tìm cách đánh là một quyết tâm rất cao thể hiện tư tưởng tích cực, chủ động, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của các đơn vị trong Quân chủng Phòng không - Không quân. Với khẩu hiệu “Dọn đường mà đi, đánh địch mà tiến”, thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Muốn bắt cọp thì phải vào tận hang”, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 238 đã nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, vừa hành quân, vừa chiến đấu, vượt qua muôn vàn gian khó để đưa khí tài vào chiến trường đánh Mỹ. Ngày 15-3-1967, máy bay B-52 xuất hiện, lần đầu tiên Trung đoàn 238 tổ chức trận đánh tập trung để diệt B-52 nhưng không thành. Địch đánh phá ác liệt nhằm hủy diệt cả con người và khí tài của ta, nhưng nhân dân Vĩnh Linh và cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn vẫn không chùn bước. Từ thất bại ban đầu đó, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn càng sục sôi ý chí quyết tâm đánh B-52 của Mỹ. Đến ngày 17-9-1967, sau một thời gian dày công nghiên cứu, nhận dạng, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 84 - Trung đoàn 238 đã bắn rơi một chiếc B-52. Đây là lần đầu tiên ta bắn rơi “Siêu pháo đài bay B-52” của đế quốc Mỹ. Chiến công này tác động rất lớn đến tư tưởng và quyết tâm chiến đấu của quân và dân ta, khẳng định ta có khả năng đánh thắng các cuộc tập kích đường không bằng B-52 của địch, củng cố lòng tin, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của bộ đội và nhân dân, đồng thời làm cơ sở để biên soạn tài liệu, hướng dẫn cách đánh máy bay B-52. Chiến công bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên của Trung đoàn 238 ở Vĩnh Linh cách xa Hà Nội khoảng 600km, đã trở thành nguồn động lực tinh thần vô giá và chứa đựng một số kinh nghiệm thực tiễn ban đầu cần thiết, để Quân chủng Phòng không - Không quân tiếp tục nghiên cứu, tìm ra cách đánh B-52 hiệu quả nhất.
Ngày 4-6-1972, đế quốc Mỹ huy động lực lượng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc lần thứ hai. Ngày 13-7-1972, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho Quân chủng Phòng không - Không quân: “Thực hiện gấp việc tiếp tục nghiên cứu và triển khai kế hoạch đánh B-52, biên soạn tài liệu huấn luyện và tiến hành tập huấn bộ đội đánh B-52 trong các tình huống phức tạp” (5). Trên cơ sở phán đoán Mỹ sẽ tập trung B-52 kết hợp với máy bay chiến thuật đánh lớn ra miền Bắc, chủ yếu là Hà Nội, Hải Phòng, để sẵn sàng đối phó với máy bay B-52, ngày 24-11-1972, Kế hoạch đánh B-52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng của Quân chủng Phòng không - Không quân đã được phê chuẩn, yêu cầu mọi công tác chuẩn bị bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất, trước ngày 3-12-1972. Trong đó, việc dự kiến hướng tập kích và đường bay chủ yếu của B-52 là nhiệm vụ quan trọng nhằm điều chỉnh lại đội hình chiến đấu của bộ đội tên lửa và pháo phòng không.
Xác định hướng tập kích và đường bay chủ yếu của B-52 sẽ là hướng tây bắc và tây nam Hà Nội, Quân chủng Phòng không - Không quân đã chỉ đạo: “Phải bố trí lực lượng tên lửa chốt ở vòng kết hợp với pháo 100mm để đánh B-52. Tập trung lực lượng và hoả lực vào hướng chủ yếu, đường bay chủ yếu của B-52” (6). Do đó, các đơn vị tên lửa được điều chỉnh bố trí trên hướng chủ yếu; lực lượng pháo phòng không ở Hà Nội, Hải Phòng được bố trí ôm sát các mục tiêu trọng yếu để có thể đánh địch khi bay bằng và bổ nhào ném bom, nhất là ném bom có điều khiển bằng tia lade. Các đơn vị không quân, ngoài lực lượng tham gia đánh địch theo phương án tác chiến bảo vệ Hà Nội, đại đội bay đêm là lực lượng nòng cốt đánh B-52. Đội hình mạng ra-đa được điều chỉnh, kiện toàn để vừa đáp ứng nhiệm vụ bảo đảm ra-đa cho tác chiến phòng không bảo vệ miền Bắc, trọng tâm là Hà Nội, Hải Phòng, vừa có thể phát hiện B-52 từ xa.
Nửa thế kỷ đã đi qua, song Chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" vẫn luôn là niềm tự hào của các thế hệ người dân Việt Nam, là minh chứng sinh động nhất cho sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vai trò của lực lượng phòng không, không quân. Đó là kết quả tất yếu của sự chủ động bảo vệ bầu trời Thủ đô Hà Nội từ sớm, từ xa, với thời gian khoảng một thập kỷ để chuẩn bị lực lượng mọi mặt, xây dựng kế hoạch và phương án tác chiến chính xác, hiệu quả.
Ngày nay, với sự phát triển nhanh của khoa học - kỹ thuật và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó, những thành tựu mới nhất về khoa học - công nghệ đã được ứng dụng vào lĩnh vực quân sự, tạo ra nhiều loại phương tiện, vũ khí tiến công đường không có tốc độ nhanh, tầm bắn xa, độ chính xác cao, có thể tiến công từ xa, không trực tiếp, tiếp xúc, đánh áp đảo ngay từ đầu; lấy không quân và tên lửa hành trình là lực lượng tiến công chủ yếu, đồng thời kết hợp chặt chẽ với tác chiến điện tử rộng khắp trên các môi trường trên không, trên bộ, trên biển, vũ trụ và chiến tranh mạng ngày càng trở nên ác liệt… Thắng lợi “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 để lại những bài học về sự chủ động chuẩn bị, dự báo sớm tình hình, lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt mang tầm chiến lược để có nhiều biện pháp tích cực, thiết thực xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, phòng không nhân dân rộng khắp, liên hoàn, vững chắc, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
-------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 156 - 157
(2) Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Hồ Chí Minh - Biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr. 203
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 14, tr. 574
(4) Công điện số 420A, ngày 24-12-1972 của Bộ Tổng tham mưu gửi Quân chủng Phòng không - Không quân
(5) Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Quân đội nhân dân Việt Nam (biên niên sự kiện), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002, tr. 294
(6) Lịch sử Bộ Tham mưu Phòng không - Không quân (1963 - 2003), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003, tr. 216
Chiến thắng trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Bài học về công tác dự báo chiến lược để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa  (15/12/2022)
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972” - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại  (09/12/2022)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển