TCCS - Châu Âu hiện đang đối mặt với phép thử khó khăn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Một loạt rủi ro đang đe dọa đến sự tăng trưởng, ổn định của châu lục này. Khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, có thể đặt dấu chấm hết cho sự phục hồi kinh tế của khu vực sau đại dịch COVID-19, kéo theo nguy cơ bất ổn chính trị - xã hội gia tăng. Bối cảnh này đang đặt các nhà hoạch định chính sách của châu Âu trước những bài toán nan giải.
Khủng hoảng năng lượng
Sau khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine hồi tháng 2-2022, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã tiến hành áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga, khiến quan hệ Nga - EU suy giảm nghiêm trọng, nguồn cung năng lượng của Nga cho châu Âu trở nên khan hiếm. Không chỉ đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc 2" bị bỏ hoang, mà đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc 1" tới Đức cũng đã ngừng hoạt động vô thời hạn. Tình trạng khan hiếm nguồn cung đã khiến giá năng lượng tăng mạnh, giá khí đốt tự nhiên đạt mức 3.100 USD/1000m3 vào giữa tháng 8-2022, tăng 610% so với cùng kỳ năm 2021. Với mức giá này, nhiều trạm phát điện không đủ khả năng hoạt động lâu dài. Do chi phí nhiên liệu đầu vào tăng cao, giá điện ở châu Âu đã tăng gần 300% vào năm 2022, phá vỡ mọi kỷ lục. Nhìn chung, giá năng lượng hiện nay tăng hơn gấp 10 lần so với mức giá trung bình trong 5 năm qua (1).
Nhiều quốc gia châu Âu bắt đầu lo ngại về trữ lượng khí đốt tự nhiên và than đá trong mùa đông năm nay, thậm chí Na Uy, quốc gia trước đó từng xuất khẩu năng lượng sang châu Âu, bắt đầu hạn chế xuất khẩu điện vào tháng 8-2022. Toàn bộ châu Âu đang chìm trong tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng. Đức - nền kinh tế lớn nhất EU - đã phải chi 100,2 tỷ euro (tương đương 2,8% GDP) khi nước này bị ảnh hưởng nặng nề do phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Ngày 21-9-2022, Đức tuyên bố quốc hữu hóa Tập đoàn khí đốt khổng lồ Uniper do đang gặp khó khăn. Pháp chi 53,6 tỷ euro, tương đương 2,2% GDP được phân bổ, kể từ khi nước này bảo vệ người tiêu dùng trước việc tăng giá điện và khí đốt vào tháng 11-2021. Về tổng thể, kể từ tháng 9-2021 đến nay, các nước EU đã chi khoảng 314 tỷ euro để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng (2).
Khủng hoảng năng lượng châu Âu còn trở nên nghiêm trọng hơn do sự suy giảm của thanh khoản. Các sàn giao dịch, công ty thanh toán bù trừ và công ty môi giới đã nâng tỷ lệ ký quỹ ban đầu lên 100 - 150% giá trị hợp đồng, khiến việc bảo hiểm rủi ro trở nên quá tốn kém. Tập đoàn khí đốt hàng đầu của châu Âu Equinor (Na Uy) cho biết, các công ty năng lượng châu Âu, ngoại trừ Anh, cần ít nhất 1.500 tỷ USD để trang trải chi phí do giá khí đốt tăng cao. Con số này có thể so sánh với 1.300 tỷ USD các khoản vay thế chấp dưới chuẩn của Mỹ vào năm 2007, vốn đã gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (3). Deutsche Bank dự báo, một cuộc suy thoái “dài hơn và sâu hơn” sẽ diễn ra ở châu Âu, trong khi cuộc khủng hoảng năng lượng diễn biến theo chiều hướng ngày một tồi tệ hơn.
Nội bộ châu Âu chia rẽ, bất đồng
Năng lượng là một chủ đề chính gây bất hòa giữa các nước châu Âu, là tâm điểm của các cuộc tranh luận chính trị và kinh tế tại châu lục này trong thời gian qua. Ngày 9-9-2022, Bộ trưởng Năng lượng các nước EU đã tiến hành họp tại Brussels (Bỉ) để tìm kiếm thỏa thuận về các biện pháp bảo vệ người dân trước giá năng lượng tăng cao và ngăn chặn các công ty năng lượng phá sản. Các nước thành viên EU nhìn chung ủng hộ đề xuất giúp các nhà cung cấp điện không bị phá sản do khó khăn về thanh khoản nhưng vẫn chia rẽ về kế hoạch áp mức giá trần đối với khí đốt của Nga. Các nước Baltic nằm trong số những nước ủng hộ ý tưởng này vì cho rằng điều này sẽ giảm nguồn thu của Nga trong tài trợ cho chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Tuy nhiên, Hungary phản đối việc áp mức giá trần đối với khí đốt của Nga bởi điều này sẽ khiến Nga ngừng cung cấp khí đốt sang châu Âu ngay lập tức, đi ngược lại với lợi ích của Hungary. Bỉ cũng cho rằng, hiện kim ngạch xuất khẩu khí đốt của Nga đến châu Âu là rất ít, vì vậy giá trần khí đốt không gây ảnh hưởng đối với Nga.
Một thách thức khác có thể đe dọa đến sự đoàn kết, làm chia rẽ các nước thành viên EU, đó là Ủy ban châu Âu (EC) sẽ phải làm thế nào để bảo đảm việc sử dụng dự trữ khí đốt một cách kiểm soát. Ngày 27-6-2022, EU nhất trí từ nay đến ngày 1-11-2022 phải lấp đầy ít nhất 80% kho dự trữ khí đốt của toàn khối để đề phòng khi Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt. Mặc dù đến cuối tháng 8-2022, mức dự trữ khí đốt của châu Âu đã vượt 80%, nhưng thỏa thuận của EU không quy định rõ trong trường hợp thiếu khí đốt, các nước sẽ sử dụng kho dự trữ theo quy tắc nào. Đây cũng là một thách thức mà nếu không giải quyết kịp thời sẽ là nguồn cơn tiếp tục gây chia rẽ châu Âu.
Vấn đề cấp thị thực cho công dân Nga cũng gây tranh cãi. Sau khi xảy ra chiến sự Nga - Ukraine, EU đã đình chỉ một phần thỏa thuận năm 2007 về tạo điều kiện cấp thị thực cho công dân Nga. Phần Lan, Đan Mạch, Hà Lan, Séc và một số nước Baltic khác tuyên bố sẽ đình chỉ hoặc giảm số lượng thị thực cấp cho khách du lịch Nga; cho rằng EU cần phải thống nhất trong nội bộ. Tuy nhiên, các quốc gia EU khác như Đức và Pháp đều phản đối việc dừng cấp thị thực cho toàn bộ người Nga, bởi họ lập luận rằng, những thường dân không phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh này. Bên cạnh đó, khả năng thực hiện vấn đề này cũng gặp nhiều khó khăn. Thực tế hiện nay cho thấy, cả Estonia và Phần Lan đều có biên giới trực tiếp với Nga, do đó người Nga vẫn có thể dễ dàng đến cả hai quốc gia trên bằng đường bộ. Thậm chí sau đó, người Nga không cần xin thị thực mà vẫn có thể tự do di chuyển trong nội bộ 27 quốc gia thành viên EU.
Việc duy trì sự hỗ trợ cho Ukraine hiện nay cũng phải đối mặt với trở ngại do tâm lý mệt mỏi lan rộng trong EU cùng với khó khăn kinh tế của hầu hết các nước thành viên. Về mặt chính trị, EU lên án mạnh mẽ chiến dịch quân sự của Nga và thông qua hàng loạt đợt trừng phạt. Về kinh tế, EU đang duy trì viện trợ nhân đạo, tránh để nền kinh tế Ukraine sụp đổ, đồng thời chuẩn bị cho công cuộc tái thiết quốc gia này. Trên bình diện quân sự, vấn đề đặt ra là tiếp tục cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự mà Ukraine cần để đối phó với Nga. Sau nhiều tháng diễn ra xung đột Nga - Ukraine, sự hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine cũng có dấu hiệu sụt giảm khi Viện Kiel về kinh tế thế giới có trụ sở tại Đức cho biết, 6 quốc gia hàng đầu châu Âu không đưa ra cam kết viện trợ quân sự nào cho Ukraine trong tháng 7-2022. Trong tháng 7-2022, Ukraine chỉ nhận tổng cộng 1,5 tỷ euro cam kết hỗ trợ mới (4). Các quan chức châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thừa nhận, việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine là không hề dễ dàng. Hậu quả của các lệnh trừng phạt, việc Nga sử dụng năng lượng làm vũ khí là “cái giá châu Âu đang phải gánh trả”. Các quan chức cấp cao của EU thậm chí còn lo ngại rằng, những thách thức trong mùa đông năm nay sẽ gây cản trở việc viện trợ thêm cho Ukraine.
Nợ công gia tăng
Chiến sự Nga - Ukraine, giá năng lượng tăng cao, giá cả leo thang cùng tình trạng lạm phát đang buộc các chính phủ châu Âu phải tăng cường hỗ trợ sức mua cho người dân trong nước. Dữ liệu do Reuters và Tổ chức tư vấn Bruegel tổng hợp cho thấy, chính phủ các nước EU đã cam kết 282 tỷ euro (tương đương 2,3% GDP của cả khối) cho các biện pháp cứu trợ và một số nước còn có kế hoạch chi thêm hàng tỷ euro. Ngày 4-9-2022, Chính phủ Đức đã đề xuất một gói hỗ trợ thứ ba trị giá 65 tỷ euro. Bộ Tài chính Pháp ước tính, các biện pháp được thực hiện kể từ năm 2021 đến nay đã tiêu tốn 67 tỷ euro, bao gồm 24 tỷ euro để bù đắp cho giá khí đốt và điện đang gia tăng, cũng như các khoản giảm giá có trợ cấp đối với nhiên liệu xe. Italia cũng không “thua kém” với các biện pháp hỗ trợ cam kết đã lên tới 52 tỷ euro và đang có kế hoạch cho một gói mới trị giá ít nhất 10 tỷ euro. Tương tự, Chính phủ Tây Ban Nha cho biết họ đã huy động được hơn 30 tỷ euro cho mục đích này (5). Tuy nhiên, chi tiêu mạnh tay hơn đồng nghĩa với nợ công gia tăng. Trong quý I-2022, nợ công tương đương tới 189% GDP ở Hy Lạp, 152,6% ở Italia, 127% ở Bồ Đào Nha, 117,7% ở Tây Ban Nha, 107,9% ở Bỉ và 114,4% ở Pháp. Chi tiêu cao hơn cũng đi kèm với chi phí đi vay ngày một tăng (6). Tháng 7-2022, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn một thập niên qua để chống lại lạm phát phi mã - vốn là một hệ quả từ giá năng lượng tăng cao.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Pháp kỳ hạn 10 năm cũng đạt mức cao nhất trong 8 năm là 2,5% vào ngày 20-9-2022, trong khi trái phiếu Đức hiện có mức lợi suất 1,8% sau khi lợi suất âm trong đầu năm 2022. Đáng chú ý, lợi suất của trái phiếu Italia đã tăng gấp 4 lần - từ 1% vào đầu năm 2022 lên 4% hiện nay. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) kêu gọi EU cần phải cải cách các quy tắc ngân sách, đồng thời nhấn mạnh khu vực châu Âu phải tránh để xảy ra các cuộc khủng hoảng nợ vốn gây nhiều bất ổn lớn và khiến chính EU gặp rủi ro. Hiện nay, EU đã đình chỉ các quy tắc hạn chế thâm hụt ngân sách của các nước ở mức tương đương 3% GDP và nợ ở mức 60% GDP cho đến năm 2023 (7). Dự kiến, trong tháng 10-2023, EC sẽ đưa ra đề xuất cải cách các quy tắc ngân sách của khối.
Khan hiếm lương thực, thực phẩm
Một thực tế là, năng lượng được sử dụng trong suốt quá trình sản xuất thực phẩm từ phân bón đến thu hoạch, làm lạnh, do vậy, người nông dân không chỉ phải gánh chi phí năng lượng tăng cao, mà còn chi nhiều hơn cho phân bón, đóng gói và vận chuyển. Tổng chi phí sản xuất nông nghiệp đã tăng nhanh hơn bao giờ hết. Ngành sản xuất sữa và bánh mì bị ảnh hưởng lớn bởi quá trình thanh trùng và tạo sữa bột cũng tốn nhiều năng lượng. Nhiều nông dân trồng rau quả đã giảm diện tích trồng cho vụ thu hoạch tiếp theo vì chi phí vận hành nhà kính cao hơn nhiều so với số tiền mà họ có thể kiếm được. Hiện nay, khoảng 40% trong số 3.000 thành viên của Tổ chức Glastuinbouw Nederland (đại diện cho những nông dân trồng rau trong nhà kính tại Hà Lan) đang gặp khó khăn về tài chính (8). Sản lượng nông sản được trồng trong các nhà kính có hệ thống sưởi của Anh trong năm nay được dự báo giảm một nửa so với mức trung bình các năm do chi phí năng lượng tăng cao. Copa - Cogeca, liên minh nông dân và hợp tác xã nông nghiệp ở EU, Food Drink Europe và PFP, hai trong số các hiệp hội sản xuất thực phẩm lớn nhất khu vực này cho biết, các thành viên bắt đầu phải đóng cửa nhà máy hoặc giảm sản lượng. Pháp cũng đang phải chuẩn bị cho tình trạng thiếu lương thực và giá cả tăng cao sau đợt nắng nóng khắc nghiệt vào mùa hè vừa qua. Liên đoàn Legumes de France ước tính, thiệt hại từ 25 - 35% sản lượng rau và giá rau tươi đã tăng 4,9% trong hơn một năm qua (9).
Lạm phát tăng phi mã, nguy cơ suy thoái kinh tế
Số liệu do Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 16-9-2022 cho thấy, tỷ lệ lạm phát tại EU đã tăng lên mức kỷ lục 10,1% trong tháng 8-2022, so với mức 9,8% của tháng 7-2022. Tại khu vực Eurozone, tỷ lệ lạm phát trong tháng 8-2022 là 9,1%, cao hơn mức 8,9% trong tháng 7-2022. Các tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2021 khi lạm phát tại Eurozone chỉ là 3% và toàn EU là 3,2%. Pháp là quốc gia có tỷ lệ lạm phát thấp nhất với 6,6%, tiếp theo là Malta (7%) và Phần Lan (7,9%). Lạm phát vẫn cao nhất tại 3 quốc gia Baltic với lần lượt Estonia (25,2%), Latvia (21,4%) và Litva (21,1%) (10). Viện Nghiên cứu kinh tế IFO của Đức dự báo, trong năm 2022, tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế Đức sẽ ở mức 8,1% và năm 2023 là 9,3% (11). Giá năng lượng tăng vọt ở châu Âu kết hợp với sự suy thoái rõ rệt trong chi tiêu tiêu dùng và hoạt động kinh doanh ở các quốc gia khu vực Eurozone khiến các nhà kinh tế lo ngại rằng nền kinh tế Eurozone đang bước vào suy thoái. Để giải quyết thách thức này, ECB buộc phải tăng thêm lãi suất, chống lạm phát. Tuy nhiên, việc chống lạm phát sẽ khiến chi phí sử dụng vốn tăng lên, ảnh hưởng đến các nhà đầu tư lớn cùng các quỹ phòng hộ có giao dịch ký quỹ. Tín dụng tiêu dùng tăng cũng sẽ làm giảm nhu cầu của người dân.
Theo các nhà phân tích, nguyên nhân chính khiến lạm phát tại EU gia tăng chủ yếu do những cú sốc kinh tế của đại dịch COVID-19 cùng cuộc xung đột Nga - Ukraine dẫn tới giá năng lượng tăng phi mã. Tuy nhiên, việc tìm lời giải cho bài toán hạ giá năng lượng của EU gặp nhiều khó khăn, nhất là khi nguồn cung khí đốt từ Nga tiếp tục gián đoạn và nhu cầu sưởi ấm dự kiến tăng cao trong mùa đông sắp tới. Ngoài ra, các yếu tố như giá thực phẩm tăng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nắng nóng kéo dài… cũng là những nguyên nhân khiến tình trạng lạm phát tại EU càng trở nên nghiêm trọng.
Nguồn cung năng lượng đang bị thiếu hụt trầm trọng, trong khi giá lại liên tục thiết lập những kỷ lục mới. Hậu quả là các nhà máy công nghiệp lần lượt phải đóng cửa do chi phí quá cao, trong khi đời sống sinh hoạt của người dân cũng bị ảnh hưởng nặng nề (12). Hàng nghìn nhân viên có thể bị nghỉ việc và không có việc làm. Trước viễn cảnh đó, hầu hết các dự báo đều cho rằng, nền kinh tế châu Âu sẽ thu hẹp lại trong năm 2022. Ngân hàng JPMorgan Chase dự báo, kinh tế Eurozone sẽ giảm 2% trong quý IV-2022. Một bài báo trên tạp chí The Economist (Anh) thậm chí còn cho rằng, kinh tế EU đang rơi vào suy thoái (13).
Dấu hiệu bất ổn xã hội
Dấu hiệu bất ổn đã xuất hiện ở châu Âu và đang dần lan rộng. Từ đầu tháng 9-2022 đến nay, tại nhiều nước châu Âu liên tục xuất hiện tình trạng người dân xuống đường biểu tình phản đối chính phủ do lạm phát, giá cả sinh hoạt và năng lượng leo thang. Ngày 18-9-2022, tại Moldova, hàng nghìn người tập trung bên ngoài tòa nhà chính phủ yêu cầu Tổng thống Moldova Maia Sandu và nội các từ chức vì để xảy ra tình trạng lạm phát và giá năng lượng tăng cao. Moldova mua khí đốt từ Tập đoàn Gazprom của Nga theo hợp đồng được ký kết năm 2021. Giá cả biến động hằng tháng, được tính theo giá khí đốt và dầu giao ngay tùy theo mùa. Hiện dân số 3,5 triệu người của Moldova đang phải chịu khó khăn kinh tế nghiêm trọng do giá năng lượng vốn tăng 29% trong tháng 9-2022 sau khi tăng gần 50% trong tháng 8-2022. Lạm phát ở Moldova đang ở mức cao kỷ lục 34,3% và lãi suất đã được điều chỉnh tăng tới 21,5%. Nước này đã cắt giảm ước tính tăng trưởng xuống mức 0% năm 2022 và theo ước tính của Thủ tướng Moldova Natalia Gavrilita, nền kinh tế nước này dự kiến sẽ tăng trưởng chỉ 1,5% trong năm 2023 (14). Tương tự, ngày 17-9-2022, hơn 30.000 người đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối giá cả tăng cao ở Áo, trong đó có khoảng 20.000 người đã xuống đường ở Thủ đô Vienna (15). Những người biểu tình gây sức ép với liên minh Xanh - Bảo thủ, cáo buộc nhiều doanh nghiệp lớn đang bóc lột người tiêu dùng tư nhân khi họ phải vật lộn trước chi phí năng lượng, sưởi ấm và thực phẩm tăng vọt.
Trước đó, ngày 9-9-2022, tại Đức cũng diễn ra biểu tình ở hai bang Thuringia và Sachsen với quy mô lên tới hàng nghìn người, đòi chính quyền phải hỗ trợ chi phí cho các hộ dân, phản đối chính sách thắt chặt năng lượng của chính phủ. Tại Séc, ngày 3-9-2022, hơn 70.000 người biểu tình yêu cầu nội các của Thủ tướng Séc Petr Fiala từ chức vì để lạm phát leo thang nghiêm trọng (16). Các chuyên gia lo ngại, trong mùa đông sắp tới, nhiều khả năng bất ổn xã hội sẽ tràn ngập khắp châu Âu. Đối mặt với tình trạng giá cả leo thang và khả năng phải áp định mức tiêu thụ, Chính phủ Pháp lo ngại sẽ kích động một làn sóng bất mãn mới tương tự như phong trào Áo vàng cách đây vài năm.
Khủng hoảng di cư đang manh nha trở lại
Châu Âu giờ đây còn phải đối mặt với làn sóng di cư mới. Số liệu của Frontex, cơ quan về biên giới của EU công bố cho thấy, số lượng người di cư đã tăng lên 117.720 người trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng người nhập cảnh qua Tây Balkan tăng gần 200%. Dự kiến, khoảng 60.000 người sẽ đi thuyền vượt biển trái phép để đến châu Âu trong năm 2022, tăng gấp đôi so với năm 2021. Đáng chú ý, những con số này không bao gồm hàng triệu người Ukraine đã xin tị nạn ở EU kể từ tháng 2-2022 (17). Hầu hết những người tị nạn gần đây đến từ Syria, Afghanistan, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus, Bangladesh, Ai Cập và châu Phi cận Sahara. Cuộc xung đột tiếp tục diễn ra ở Syria, mối đe dọa về các cuộc tấn công quân sự xuyên biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ vào các khu vực của người Kurd, các cuộc xung đột khác ở Trung Đông và châu Phi, cùng với đó là hậu quả cuộc chiến ở Iraq, đang làm gia tăng vấn đề nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu. Séc không phải là điểm đến cuối cùng của những người tị nạn. Chỉ trong tháng 6-2022, khoảng 2.000 người đã cố gắng nhập cảnh vào Đức bất hợp pháp sau khi đi qua Séc, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2021. Nhưng kỷ lục này đã nhanh chóng bị phá vỡ, với gần 3.000 vụ vượt biên trái phép trong tháng 8-2022 (18).
Có thể thấy, khó khăn, thách thức của châu Âu hiện nay là khá bộn bề. Châu Âu nói chung, EU nói riêng sẽ phải đổi mới một cách mạnh mẽ, toàn diện và tăng cường đoàn kết hơn nữa để tạo ra một “đòn bẩy” đủ mạnh giúp “lục địa già” ổn định lại kinh tế - xã hội. Và ở khía cạnh khác, cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu hiện nay cũng được xem là cơ hội, động lực giúp châu Âu quyết tâm hơn trong việc giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga./.
------------------
(1) The Times: “Europe's energy crisis is going to get worse. The world will bear the cost” (Tạm dịch: Cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu sẽ trở nên tồi tệ hơn. Thế giới sẽ phải trả giá), ngày 30-8-2022, https://time.com/6209272/ europes-energy-crisis-getting-worse/
(2) The Local: “How european countries are spending billions on easing energy crisis” (Tạm dịch: Các nước châu Âu chi hàng tỷ USD để giảm bớt khủng hoảng năng lượng như thế nào), ngày 22-9-2022, https://www.thelocal.it/20220922/ how-european-countries-are-spending-billions-on-avoiding-energy-crisis/
(3) Reuters: “Analysis: Europe energy crisis may deepen with looming liquidity crunch” (Tạm dịch: Phân tích: Khủng hoảng năng lượng châu Âu có thể trở nên sâu sắc hơn với sự suy giảm thanh khoản thấp), ngày 21-9-2022, https://www.reuters.com/markets/europe/europe-energy-crisis-may-deepen-with-looming-liquidity-crunch-2022-09-21/
(4) Kiel Institute for the world economy: “Ukraine support tracker: Newly committed aid for Ukraine drops to almost zero” (Tạm dịch: Bộ theo dõi hỗ trợ Ukraine: Viện trợ mới được cam kết cho Ukraine giảm xuống gần như bằng 0), ngày 18-8-2022, https://www.ifw-kiel.de/publications/media-information/2022/ ukraine-support-tracker-newly-committed-aid-for-ukraine-drops-to-almost-zero/
(5) The Euronews: “These countries in Europe have spent €300 billion combined to ease the cost of living crisis” (Tạm dịch: Các quốc gia ở châu Âu đã chi 300 tỷ euro để giảm bớt khủng hoảng chi phí sinh hoạt), ngày 9-9-2022, https://www.euronews.com/next/2022/09/09/these-countries-in-europe-are-spending-300-billion-combined-to-ease-the-cost-of-living-cri
(6) Project Syndicate: “Is Europe heading for another crisis” (Tạm dịch: Châu Âu đang hướng tới một cuộc khủng hoảng khác), ngày 8-9-2022, https://www.project-syndicate.org/onpoint/is-europe-heading-for-another-crisis
(7) Getmelivenews: “Europe spends billions on energy crisis” (Tạm dịch: Châu Âu chi hàng tỷ USD cho khủng hoảng năng lượng), ngày 22-9-2022, https://getmelivenews.com/europe-spends-billions-on-energy-crisis/62832/
(8) The Euronews: “No tulips from Amsterdam? Gas crisis hits Dutch greenhouses” (Tạm dịch: Không có hoa tulip từ Amsterdam? Khủng hoảng khí đốt tấn công nhà kính Hà Lan), ngày 8-9-2022, https://www.euronews.com/ 2022/09/07/ukraine-crisis-netherlands-greenhouses
(9) Morning Star: “France bracing for ‘catastrophic’ food shortages following drought, farmers and unions warn” (Tạm dịch: Pháp chuẩn bị cho tình trạng thiếu lương thực sau hạn hán, nông dân và các nghiệp đoàn cảnh báo), ngày 9-9-2022, https://morningstaronline.co.uk/article/w/france-bracing-catastrophic-food-shortages-following-drought-farmers-and-unions-warn
(10) Eurostat: “Inflation in the euro area” (Tạm dịch: Lạm phát trong khu vực đồng euro), ngày 16-9-2022, https://ec.europa.eu/eurostat/statistics-explained/ index.php?title=Inflation_in_the_euro_area#Euro_area_annual_inflation_rate_and_its_main_components
(11) Ifo Institute: “Expects Germany to face recession and inflation” (Tạm dịch: Kỳ vọng Đức sẽ đối mặt với suy thoái và lạm phát), ngày 12-9-2022, https://www.ifo.de/en/press-release/2022-09-12/ifo-institute-expects-germany-face-recession-and-inflation
(12) Newsunrolled: “A disaster is coming. Europe’s largest factories closed en masse” (Tạm dịch: Một thảm họa đang đến gần. Các nhà máy lớn nhất châu Âu đóng cửa hàng loạt), ngày 29-8-2022, https://newsunrolled.com/economy/ 88972.html
(13) DW: “EU recession fears spark concern in Southeast Asia” (Tạm dịch: Lo ngại suy thoái của EU làm dấy lên lo ngại ở Đông Nam Á), ngày 9-9-2022, https://www.dw.com/en/eu-recession-fears-spark-concern-in-southeast-asia/a-63072169
(14) Euractiv: “Thousands take part in anti-government protest in Moldova” (Tạm dịch: Hàng nghìn người tham gia cuộc biểu tình chống chính phủ ở Moldova), ngày 19-9-2022, https://www.euractiv.com/section/enlargement/ news/thousands-take-part-in-anti-government-protest-in-moldova/
(15) Euractiv: “More than 30,000 Attend Protests against Rising Prices in Austria” (Tạm dịch: Hơn 30.000 người tham dự các cuộc biểu tình chống lại giá cả tăng cao ở Áo), ngày 19-9-2022, https://www.tasnimnews.com/en/ news/2022/09/19/2776347/more-than-30-000-attend-protests-against-rising-prices-in-austria
(16) DW: “Czech Republic: Thousands take part in Prague anti-government demonstration” (Tạm dịch: Cộng hòa Séc: Hàng nghìn người tham gia biểu tình chống chính phủ ở Praha), ngày 3-9-2022, https://www.dw.com/en/czech-republic-thousands-take-part-in-prague-anti-government-demonstration/a-63012178
(17) The Guardian: “A new wave of migration is coming - and Europe is not ready for it” (Tạm dịch: Một làn sóng di cư mới đang đến và châu Âu chưa sẵn sàng cho điều đó), ngày 24-7-2022, https://www.theguardian.com/ commentisfree/2022/jul/24/europe-migration-new-wave
(18) Hungarian Conservative: “Illegal Migrants Finding New Ways into Europe” (Tạm dịch: Những người di cư bất hợp pháp tìm cách mới vào châu Âu), ngày 10-9-2022, https://www.hungarianconservative.com/articles/current/ illegal-migrants-finding-new-ways-into-europe/
Nguồn lực và động lực cho thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội trong điều kiện mới  (05/11/2022)
Kinh tế Hà Nội phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch  (28/10/2022)
Một số giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển  (15/10/2022)
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên