TCCS - Sau gần ba thập niên gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam đã trở thành một trong những thành viên quan trọng của tổ chức này. Các cơ chế của ASEAN đã tạo điều kiện để Việt Nam thể hiện vai trò và nâng cao vị thế quốc tế của mình. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đang gây ra những biến động to lớn ở bình diện khu vực và thế giới, song cũng tạo ra những cơ hội để Việt Nam thể hiện vai trò mang tính quyết định trong ASEAN.
Sự tham gia của Việt Nam trong ASEAN giai đoạn trước đại dịch COVID-19
Kể từ khi gia nhập ASEAN (năm 1995), nhất là sau khi Cộng đồng ASEAN được thành lập (năm 2015), “phát huy vai trò trong ASEAN” đã trở thành một trong những đường lối đối ngoại quan trọng của Việt Nam. Đặc biệt, Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8-8-2018, của Ban Bí thư, “Về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030” đã đề ra mục tiêu cho công tác đối ngoại đa phương thời gian tới, đó là “nỗ lực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt hoặc hòa giải tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước”(1). Chỉ thị chỉ rõ, ASEAN nằm trong tầng nấc ưu tiên đối ngoại đa phương của Việt Nam, bên cạnh Liên hợp quốc.
Trong gần 30 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của tổ chức này. Sự tham gia của Việt Nam góp phần mở rộng ASEAN với việc Lào và Campuchia gia nhập Hiệp hội, đưa ASEAN thực sự trở thành đại diện cho khu vực Đông Nam Á trên trường quốc tế. Ngay sau đó, Việt Nam thể hiện vai trò kết nối thông qua việc đưa nhóm các nền kinh tế kém phát triển trong ASEAN như CLMV (bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) vào sự phát triển chung của cả khối thông qua Kế hoạch Hành động Hà Nội (năm 1997) và Tuyên bố Hà Nội về thu hẹp khoảng cách phát triển (năm 2001). Việt Nam cũng góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phối hợp cùng các quốc gia cho ra đời Hiến chương ASEAN; đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN (năm 2001) và Chủ tịch ASEAN (năm 2010) với nhiều dấu ấn tích cực. Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy tăng cường liên kết nội và ngoại khối, như thành lập cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) năm 2010, các cơ chế ASEAN+, mở rộng Hội nghị cấp cao Đông Á với sự tham gia của Nga và Mỹ (năm 2010), thành lập Cộng đồng ASEAN (năm 2015). Những nỗ lực này đã giúp tăng cường vị thế quốc tế của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, đem lại những lợi ích to lớn đối với Việt Nam trên các khía cạnh an ninh - chính trị và vị thế quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi giúp Việt Nam xử lý các thách thức trong khu vực và trên thế giới.
Có thể thấy, ngay từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam luôn thể hiện vai trò tích cực và có trách nhiệm của mình, giúp mở rộng và tăng cường tính cố kết trong ASEAN cũng như thúc đẩy khả năng của ASEAN trên mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, Việt Nam không ngừng cải thiện, nâng cao năng lực cũng như uy tín và tiếng nói của mình trên trường quốc tế thông qua các hình thức hội nhập quốc tế, như tham gia các tổ chức quốc tế, các diễn đàn đa phương khu vực, liên khu vực và toàn cầu, đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế quan trọng, trúng cử vào các vị trí quan trọng của các cơ chế quốc tế..., góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trong ASEAN và tạo điều kiện để Việt Nam có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho ASEAN. Tất cả những điều này chính là cơ sở quan trọng để Việt Nam có thể đảm nhiệm vai trò dẫn dắt trong ASEAN.
Một trong những mục tiêu cơ bản và xuyên suốt của Việt Nam khi tham gia ASEAN là mong muốn duy trì một môi trường an ninh hòa bình, ổn định tại khu vực. Tuy nhiên, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn thời gian qua tại khu vực đã và đang tác động không nhỏ tới vai trò trung tâm của ASEAN cũng như tác động tới vai trò dẫn dắt của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc bảo đảm hòa bình, an ninh tại Biển Đông và thúc đẩy hoàn tất đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đều có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, song việc đàm phán này hiện gặp nhiều khó khăn do sự bất đồng giữa các bên liên quan trên nhiều vấn đề (2). Vì vậy, để có thể gắn kết quan điểm của các nước ASEAN, Việt Nam cần nỗ lực đóng vai trò trong quá trình đàm phán COC. Đây sẽ là tiền đề để Việt Nam tiếp tục nâng cao vị thế và tiếng nói của mình trong quá trình xử lý các vấn đề quốc tế.
Cơ hội nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
Tình hình thế giới, khu vực
Ở cấp độ toàn cầu, thế giới đã và đang chịu những tác động sâu sắc từ đại dịch COVID-19 trên mọi khía cạnh. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu đã sụt giảm gần 3,6% (khoảng 2,9 nghìn tỷ USD) trong năm 2020 với ghi nhận mức tăng trưởng âm của hầu hết các quốc gia (3). Mặc dù kinh tế thế giới bắt đầu có dấu hiệu hồi phục nhưng với sự trở lại của các làn sóng COVID-19 với các biến thể virus mới, tổng quy mô nền kinh tế thế giới dự kiến vẫn sẽ thấp hơn khoảng 3,2% so với dự báo trước đại dịch COVID-19(4). Sự suy thoái kinh tế trong hai năm qua chủ yếu do các biện pháp phong tỏa của nhiều quốc gia nhằm ứng phó với sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 và bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Hệ quả tồi tệ nhất mà đại dịch COVID-19 gây ra đó là khiến hơn 540 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh và cướp đi sinh mạng của hơn 6,3 triệu người.
Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 cũng tác động nặng nề tới đời sống chính trị quốc tế, trong đó nổi bật nhất là làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn căng thẳng giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Cả Mỹ và Trung Quốc luôn duy trì triển khai các động thái tập hợp lực lượng riêng, khiến thế giới đứng trước nguy cơ chia rẽ và đe dọa tới hệ thống quản trị toàn cầu hiện hành. Trong khi đó, những biến động căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây xung quanh cuộc chiến Nga - Ukraine hiện đã gây ra những tác động sâu sắc đến đời sống quan hệ quốc tế. Cuộc chiến đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, làm gia tăng giá cả nhiên liệu do các lệnh trừng phạt lẫn nhau từ cả hai phía Nga và các nước phương Tây. Ngoài ra, cuộc xung đột cũng tác động đến giá lương thực, gây ra nạn đói tại nhiều khu vực do Nga và Ukraine là hai quốc gia xuất khẩu hàng đầu trên thế giới các mặt hàng ngũ cốc. Bên cạnh đó, cuộc chiến Nga - Ukraine cũng gây mất ổn định và an ninh toàn cầu, tạo ra sức ép đối với các nước, đặc biệt là những quốc gia vừa và nhỏ như các nước Đông Nam Á trong việc xác định lập trường và xử lý khéo léo các mối quan hệ xung quanh cuộc chiến này.
Ở cấp độ khu vực, ASEAN cũng phải chịu những tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19. Trong năm 2021, nhiều quốc gia ASEAN đã trở thành điểm nóng với hàng trăm nghìn ca nhiễm bệnh và tử vong được ghi nhận mỗi ngày, trong khi quy mô nền kinh tế suy giảm nghiêm trọng từ năm 2020. Gần như mọi quan tâm của các nước ASEAN giai đoạn này đều xoay quanh vấn đề giải quyết các thách thức do tác động của đại dịch COVID-19.
Cơ hội đối với Việt Nam
Đối với Việt Nam, những tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19 mang đến là điều không tránh khỏi, như kinh tế suy giảm, thiệt hại về người và của, sự đứt gãy, gián đoạn các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội... Hiện nay, Việt Nam đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế nhằm tạo động lực phát triển bên trong; tuy nhiên, sự gián đoạn của chuỗi tương tác toàn cầu đã trở thành một thách thức vô cùng to lớn đối với Việt Nam.
Trong bức tranh ảm đạm của toàn cầu và khu vực do tác động của đại dịch COVID-19, dường như Việt Nam lại có những cơ hội trong việc dẫn dắt các thành viên ASEAN góp phần nâng cao vai trò, vị thế của mình trong Hiệp hội. Năm 2020, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất tại Đông Nam Á và nằm trong số ít các quốc gia trên thế giới đạt mức tăng trưởng dương. Việt Nam luôn giữ được sự ổn định chính trị, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn. Mô hình chống dịch của Việt Nam được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế ghi nhận bởi sự ổn định về chính trị và xã hội, tinh thần đồng lòng, thống nhất cao độ từ Trung ương tới địa phương.
Hiện nay, tình hình kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực. Việt Nam thuộc 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất thế giới, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, bước vào giai đoạn đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Có thể nói, việc đạt được hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 không chỉ giúp bảo đảm nội lực cho Việt Nam, mà còn giúp duy trì và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.
Trong thời gian qua, Việt Nam được nhìn nhận như một nhân tố tích cực ở khu vực và thế giới, thể hiện thông qua việc đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai (năm 2019), tham gia đàm phán, ký kết các thỏa thuận thương mại đa phương lớn, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... Bên cạnh đó, sự kiện biểu thị rõ nhất cho sự gia tăng uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế chính là Việt Nam trúng cử là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu gần như tuyệt đối (192/193).
Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề “gắn kết, chủ động và thích ứng”; thúc đẩy nhiều sáng kiến quan trọng, như Quỹ ứng phó đại dịch COVID-19 để tiếp nhận những nguồn hỗ trợ cho hoạt động chống dịch của cả khu vực ASEAN(5); tổ chức nhiều hội nghị cấp cao nhằm đưa ASEAN vượt qua đại dịch. Các hoạt động của ASEAN vẫn diễn ra đều đặn dưới sự chủ trì của Việt Nam, bất kể khoảng cách về địa lý và những bất cập do đại dịch COVID-19 gây ra. Dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, phương thức hoạt động mới trong ASEAN - “ngoại giao số” - được thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ(6). Có thể thấy rằng, chính trong khó khăn, những nỗ lực và thành tựu mà Việt Nam đạt được lại càng trở nên nổi bật, có nhiều ý nghĩa và được cộng đồng quốc tế ghi nhận sâu sắc.
Đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Việt Nam không những góp phần nâng tầm vị thế của ASEAN mà còn nâng cao hình ảnh đất nước. Một trong những sáng kiến nổi bật của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an thời gian qua chính là đề xuất và thúc đẩy thông qua Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh là ngày 27-12 hằng năm, với số lượng nước đồng bảo trợ đạt kỷ lục (112 quốc gia). Ngoài ra, Việt Nam cũng chủ động phối hợp để các văn kiện của Hội đồng Bảo an nhấn mạnh tới vai trò, nỗ lực của ASEAN trong hỗ trợ giải quyết các vấn đề bất ổn của khu vực(7). Bên cạnh đó, Việt Nam đã đề xuất và vận động tổ chức thành công cuộc họp đầu tiên về thúc đẩy hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an(8). Những kết quả nổi bật này thể hiện trách nhiệm và nỗ lực của Việt Nam đối với ASEAN, nhằm nâng cao vai trò, hình ảnh và tiếng nói của ASEAN ở một diễn đàn lớn như Liên hợp quốc. Đây là những đóng góp to lớn của Việt Nam đối với ASEAN và được các thành viên ASEAN ghi nhận, giúp nâng cao hơn nữa vai trò và uy tín của Việt Nam trong ASEAN.
Không chỉ vậy, Việt Nam cũng đã tận dụng tốt cơ hội ghi đậm dấu ấn thông qua chiến lược “ngoại giao vaccine”. Từ những giai đoạn đầu bùng phát dịch bệnh COVID-19, Việt Nam đã có những viện trợ tích cực về vật tư, thiết bị y tế cho các hoạt động chống dịch của các quốc gia khác trong khu vực cũng như trên thế giới, trong đó có cả các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc. Đặc biệt, với một số nước ASEAN, như Lào và Campuchia, ngoài sự viện trợ về vật tư, thiết bị y tế, như máy thở, quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế, hệ thống xét nghiệm và bộ xét nghiệm (với trị giá lên tới hơn 7 tỷ đồng), Việt Nam còn cử các đoàn chuyên gia y tế sang hỗ trợ chống dịch (9).
Cơ hội để nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực trước hết đến từ bối cảnh khách quan khi hầu hết các quốc gia ASEAN đều chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch COVID-19. Điều đó tạo điều kiện để Việt Nam phát huy được các thế mạnh của mình ở khu vực và trở thành điểm sáng nổi bật. Trong ASEAN, vị thế đó không những được thể hiện thông qua các thành tựu về kinh tế, xã hội; khả năng ứng phó với đại dịch; những đóng góp của Việt Nam đối với ASEAN (trong khuôn khổ của ASEAN và trong các khuôn khổ lớn hơn như Liên hợp quốc), mà còn thể hiện thông qua hình ảnh của một quốc gia luôn thiện chí, nhân văn và có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế.
Vị thế của Việt Nam không chỉ được khẳng định trong khu vực mà còn được các cường quốc trên thế giới coi trọng. Việc Mỹ mở Văn phòng đại diện Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội là một ví dụ. Giám đốc CDC khu vực Đông Nam Á đã nhận xét: “Chúng tôi nhận thức được vai trò của Việt Nam trong ASEAN”(10). Các quốc gia thành viên ASEAN cũng luôn thể hiện sự ghi nhận đối với những đóng góp của Việt Nam về những vấn đề chung của khu vực và nhấn mạnh vai trò quan trọng của Việt Nam trong ASEAN.
Một số vấn đề đặt ra
Trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, Việt Nam đã và đang phát huy thế mạnh của mình, đồng thời, những nỗ lực và thành quả của Việt Nam đạt được nhờ đó cũng để lại dấu ấn nhiều hơn. Trong giai đoạn ứng phó với đại dịch COVID-19, thế mạnh của Việt Nam được bộc lộ rõ hơn, như sự ổn định và thống nhất về chính trị, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân đã đem lại hiệu quả mạnh mẽ trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong suốt thời gian qua. Những thành quả về kinh tế giúp Việt Nam có thể vừa tiếp tục chống dịch, vừa triển khai các hoạt động hỗ trợ quý báu cho các nước khác trong cộng đồng quốc tế. “Vai trò kép” của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tại ASEAN trong năm 2020 và năm 2021 đã tạo cơ hội để Việt Nam đề ra các sáng kiến kịp thời, hiệu quả và thiết thực. Tất cả những điều này tạo động lực giúp Việt Nam có thể thúc đẩy một chiến lược rõ ràng hơn để có được vai trò trung tâm trong ASEAN.
Việt Nam cần nỗ lực hoàn tất quá trình tự nghiên cứu, sản xuất vaccine, trước hết là để phục vụ cho chính người dân của mình và xa hơn là có thể tiến hành cung cấp vaccine cho các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Điều này vừa là trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, cũng là sự khẳng định của về vai trò và ảnh hưởng của Việt Nam trong quan hệ quốc tế.
Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục các nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Tái thiết nền kinh tế, tái lập các mối liên kết kinh tế quốc tế vốn bị đứt gãy do dịch bệnh sẽ là ưu tiên lớn của Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó, việc ưu tiên thúc đẩy quan hệ kinh tế trong ASEAN, tìm kiếm các biện pháp phối hợp với các nước ASEAN để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn sẽ giúp Việt Nam tạo dựng uy tín và vai trò hiệu quả, bởi phần lớn các nước ASEAN đều gặp nhiều khó khăn trong đại dịch và đều có nhu cầu nhận sự hỗ trợ. Thêm vào đó, với sự đa dạng của mạng lưới các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam có thể đóng vai trò cầu nối thắt chặt quan hệ kinh tế giữa ASEAN và các thị trường tiềm năng như Liên minh châu Âu (EU). Ngoài ra, một vấn đề được coi là thách thức thường trực đối với Việt Nam đó là tác động từ sự cạnh tranh giữa các nước lớn, đòi hỏi phải có những ứng xử linh hoạt, vừa mềm dẻo, vừa giữ vững nguyên tắc để không ngừng nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả khối, từ đó nâng cao được vị thế và vai trò của đất nước trong tổ chức. Những đóng góp nổi bật của Việt Nam trong nhiều năm qua cùng với thành tựu của đất nước trong giai đoạn hiện nay là động lực giúp Việt Nam có thể tự tin triển khai chính sách đối ngoại hướng tới vai trò ngày càng quan trọng đối với ASEAN trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, con đường này sẽ đầy khó khăn và thử thách. Ngoài việc phải hài hòa lợi ích của các nước thành viên, Việt Nam cũng cần cân nhắc thận trọng lực cản từ bên ngoài để có thể đưa ra những điều chỉnh phù hợp nhằm đạt được mục tiêu đề ra./.
-----------------------------
(1) Lê Hoài Trung: “Đối ngoại đa phương góp phần đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước”, Tạp chí Tuyên giáo điện tử, ngày 8-2-2019, https://tuyengiao.vn/dien-dan/van-de-quan-tam/doi-ngoai-da-phuong-gop-phan-day-manh-hoi-nhap-quoc-te-tang-cuong-suc-manh-tong-hop-cua-dat-nuoc-118777
(2) Carl Thayer: “A Closer Look at the ASEAN-China Single Draft South China Sea Code of Conduct”, ngày 3-8-2018, https://thediplomat.com/2018/08/a-closer-look-at-the-asean-china-single-draft-south-china-sea-code-of-conduct/
(3) Theo số liệu Ngân hàng thế giới,https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.MKTP.KD.ZG
end=2020&most_recent_value_desc=false&start=2020
(4) World Bank: “The Global Economy: on Track for Strong but Uneven Growth as COVID-19 Still Weighs”, ngày 8-6-2021,
https://www.worldbank.org/en/news/feature/2021/06/08/the-global-economy-on-track-for-strong-but-uneven-growth-as-covid-19-still-weighs
(5) Cho đến tháng 8-2021, Quỹ ứng phó đại dịch COVID-19 của ASEAN đã nhận được cam kết hỗ trợ 20,8 triệu USD từ các nước đối tác của ASEAN.
(6) Nguyễn Hùng Sơn: “Ngoại giao số: Xu thế tất yếu”, Báo Thế giới & Việt Nam điện tử, ngày 16-2-2021, https://baoquocte.vn/ngoai-giao-so-xu-the-tat-yeu-135654.html
(7) Thu Trang: “Việt Nam và Hội đồng Bảo an: Tiếp tục góp tiếng nói có trách nhiệm với các vấn đề thuộc quan tâm chung”, Báo Thế giới & Việt Nam điện tử, ngày 22-4-2021, https://baoquocte.vn/viet-nam-va-hoi-dong-bao-an-tiep-tuc-gop-tieng-noi-co-trach-nhiem-voi-cac-van-de-thuoc-quan-tam-chung-142941.html
(8) Song Minh: “Dấu ấn Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, Báo Lao động điện tử, ngày 21-12-2020, https://laodong.vn/the-gioi/dau-an-viet-nam-tai-hoi-dong-bao-an-lien-hop-quoc-864148.ldo
(9) P. Ngọc: “Việt Nam tích cực hỗ trợ các quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19”, Báo Dân tộc và Phát triển điện tử, ngày 15-5-2021, https://baodantoc.vn/viet-nam-tich-cuc-ho-tro-cac-quoc-gia-phong-chong-dich-benh-covid-19-1620817340740.htm
(10) Thanh Tâm: “Lý do CDC Mỹ đặt văn phòng khu vực tại Việt Nam”, ngày 27-8-2021, https://vnexpress.net/ly-do-cdc-my-dat-van-phong-khu-vuc-tai-viet-nam-4347219.html
Bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trong bối cảnh hiện nay  (27/05/2022)
Đối ngoại Việt Nam năm 2021: Khẳng định uy tín, vị thế của đất nước trong giai đoạn chiến lược mới  (16/04/2022)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam