Một số suy nghĩ về nền tảng và nội hàm của đổi mới tư duy đối ngoại Việt Nam
TCCS - Đổi mới tư duy đối ngoại Việt Nam là sự kế thừa truyền thống và bản sắc của dân tộc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, không ngừng được đúc rút, phát triển và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đổi mới tư duy đối ngoại Việt Nam luôn xuất phát từ lợi ích quốc gia - dân tộc, nhằm đưa đất nước vào vị trí có lợi nhất trong dòng chảy của thời đại và ứng phó linh hoạt với thực tiễn tình hình khu vực và thế giới.
Đổi mới tư duy là quá trình tất yếu
Đổi mới tư duy đối ngoại là nhận thức và tâm thế mới, đưa ra chính sách, phương cách thực hiện mới, hướng tới bước chuyển giai đoạn về chiến lược, tháo gỡ khó khăn tạo nguồn lực mới, động lực mới và cục diện mới.
Đổi mới tư duy luôn là khởi đầu cho mọi quá trình phát triển mới. Trong đó, các quốc gia đều đặc biệt lưu tâm đến đổi mới tư duy đối ngoại, thể hiện qua các học thuyết, văn bản chiến lược, chính sách đối ngoại qua từng thời kỳ. Thực tế cho thấy, các quốc gia đều cần theo dõi, phân tích và dự báo các xu thế lớn của thời đại, về chiến tranh và hòa bình, về định vị bản thân trong trật tự quốc tế, không gian chiến lược, xác định hệ thống đồng minh và kẻ thù..., từ đó xác lập đường hướng chiến lược đối ngoại trong từng giai đoạn cụ thể nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.
Ở Việt Nam, đổi mới tư duy đối ngoại luôn là một nội dung trọng tâm trong đường lối đối ngoại của Đảng. Xuyên suốt sự nghiệp cách mạng của dân tộc, bài học thành công của đổi mới tư duy đối ngoại Việt Nam là luôn nắm bắt thời cuộc, đánh giá đúng và trúng thời cơ trong từng giai đoạn cụ thể của cách mạng, xác định và phân biệt giữa đối tác và đối tượng, từ đó tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế, tận dụng thế và lực, nhằm bảo vệ thành quả của cách mạng.
Trong thời kỳ chiến tranh, nhiệm vụ của đối ngoại là bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, chống chủ nghĩa thực dân và đế quốc xâm lược. Tư duy của Đảng trong kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại xác định rõ “ngoại giao là một mặt trận” và phương châm kết hợp “vừa đánh, vừa đàm” đã góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối.
Trong thời kỳ đổi mới, quá trình đổi mới tư duy đối ngoại của Việt Nam do Đảng khởi xướng và trực tiếp lãnh đạo được thể hiện rõ nét và đặc sắc nhất. Trải qua hơn 35 năm đổi mới với 8 kỳ Đại hội Đảng, nhận thức và thực tiễn đổi mới tư duy đối ngoại của Việt Nam đã có những bước tiến lớn(1). Nếu như sự đổi mới tư duy của Đảng trong thập niên 80 của thế kỷ XX xuất phát từ nhu cầu đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội và bị bao vây cô lập, thì giai đoạn sau đó là sự chủ động đổi mới tư duy để tạo dựng vận hội mới, mở ra cơ hội phát triển mới trong thế giới toàn cầu hóa. Đó là quá trình đổi mới tư duy từ định hướng đổi mới bên trong nội bộ của quốc gia đến từng bước hội nhập vững chắc vào khu vực và thế giới. Quan tâm về chiều rộng và ngày càng đi vào chiều sâu, trọng tâm từ an ninh sang phát triển, nâng cao vị thế; với tâm thế từ tham gia sang chủ động đóng góp, định hình và dẫn dắt.
Có thể thấy, chỉ thông qua đổi mới tư duy, đối ngoại mới có thể vừa góp phần quan trọng trong bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của đất nước từ sớm, từ xa, xây dựng và củng cố môi trường chính trị, kinh tế, an ninh, đối ngoại thuận lợi và ổn định, vừa tranh thủ mọi nguồn lực cho phát triển và nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Nền tảng của đổi mới tư duy đối ngoại Việt Nam
Đổi mới tư duy đối ngoại Việt Nam là luôn nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ lớn giữa ổn định, đổi mới và phát triển. Đó là quá trình phát triển từng bước vững chắc, luôn được kiểm nghiệm trong thực tiễn và được đúc rút từ nhiều bài học kinh nghiệm, có sự kế thừa, bổ sung và tiếp nối, phù hợp với thế và lực của đất nước và bối cảnh bên ngoài. Để đổi mới và phát triển thì cần dựa trên nền tảng vững chắc. Có thể khái quát quá trình đổi mới tư duy đối ngoại Việt Nam dựa trên ba nền tảng sau:
Thứ nhất, kế thừa những tinh hoa về truyền thống ngoại giao của dân tộc.
Truyền thống ngoại giao Việt Nam là những triết lý ngoại giao được đúc kết xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta, luôn coi trọng hòa bình, hữu nghị, nhân văn, nhân nghĩa và thủy chung; quan hệ láng giềng thân thiện, “ngoại giao tâm công”, lấy lẽ phải, công lý, chính nghĩa để thuyết phục lòng người(2). Về đối nội, truyền thống dân tộc là sự chú trọng đồng thuận xã hội, “trong ấm, ngoài êm”, coi trọng “vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, nước nhà chung sức”. Về đối ngoại, ngoại giao của ông cha ta xem trọng việc giữ gìn hòa khí, khiêm nhường với nước lớn, hữu nghị với các nước lân bang, phấn đấu cho sự thái hòa(3). Trong Binh thư yếu lược, Trần Hưng Đạo đã viết: “Hòa mục là đạo rất hay trong việc trị nước, hành binh. Hòa ở trong nước thì ít phải dùng binh, hòa ở ngoài biên thì không sợ báo động”(4).
Khi buộc phải chiến đấu chống kẻ thù, nhân dân Việt Nam luôn có ý thức bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, gìn giữ từng tấc đất của tiền nhân để lại. Ông cha ta đã hết sức coi trọng đấu tranh bằng ngọn cờ chính nghĩa, trên cơ sở tiến hành phương pháp “ngoại giao tâm công”, thu phục lòng người bằng lẽ phải, đạo lý, nhân tính, “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, đem chí nhân để thay cường bạo”.
Thứ hai, trên cơ sở vận dụng sáng tạo, linh hoạt chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho đường lối đối ngoại Việt Nam, với phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Đó là lấy cái “bất biến” là lợi ích quốc gia - dân tộc, định hướng xã hội chủ nghĩa để làm căn cứ, điểm xuất phát cho đề xuất các chiến lược, sách lược, đối sách phù hợp với cái “vạn biến” là thực tiễn đang vận động không ngừng. Trong đó, quan trọng nhất là phép biện chứng duy vật cùng quan điểm toàn diện, hệ thống để tiếp cận quốc tế và giải quyết mối quan hệ giữa Việt Nam với thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, chuyển phong trào cách mạng từ tự phát sang tự giác, dẫn dắt dân tộc giành độc lập, thống nhất. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại được hun đúc và kết tinh từ giá trị truyền thống dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, được hình thành, bổ sung phát triển trong thực tiễn quá trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, tổ chức và lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nguồn gốc tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước, truyền thống văn hóa, truyền thống ngoại giao Việt Nam, kết hợp với tiếp thu tinh hoa nhân loại cũng như kinh nghiệm ngoại giao thế giới.
Thứ ba, kế thừa và phát triển nhận thức qua các kỳ Đại hội Đảng, gắn với thực tiễn trong nước và bối cảnh quốc tế trong từng thời kỳ.
Đối ngoại Việt Nam có đặc điểm riêng và là thế mạnh khác biệt: là nền đối ngoại dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện và thống nhất của Đảng. Đường lối đối ngoại của Việt Nam là thống nhất, liên tục và nhất quán, có sự kế thừa, phát huy và bổ sung qua các giai đoạn phát triển của đất nước.
Trải qua quá trình đó, tư duy, kinh nghiệm và lực lượng của đối ngoại từng bước được trưởng thành, hun đúc nên những bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là bài học về kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế; kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, kết hợp nhuần nhuyễn, biến hóa, sáng tạo giữa chiến lược và chiến thuật; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại nhằm tranh thủ tối đa ngoại lực, tạo sức mạnh cộng hưởng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó, tư duy đối ngoại của Việt Nam còn là sự tiếp thu có chọn lọc và phát triển sáng tạo những bài học lý luận và thực tiễn của ngoại giao thế giới, dựa trên thực tiễn tình hình và nhiệm vụ trong nước. Điều này càng được củng cố qua quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế. Sự tiếp thu có chọn lọc và phê phán các kinh nghiệm từ bên ngoài giúp Việt Nam hiểu hơn về sự vận động của thế giới, quan hệ đối ngoại giữa các quốc gia, qua đó đánh giá chính xác hơn về đối tác - đối tượng, hợp tác - đấu tranh, cơ hội - thách thức và xác định rõ hơn vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế để đưa ra những định hướng chính sách phù hợp.
Chính vì sự vận dụng sáng tạo và không ngừng đổi mới tư duy đó, lý luận của Đảng ta luôn được kế thừa và phát triển, giữ vững và phát huy giá trị trong thời đại mới trước những biến động nhanh chóng của thế giới.
Nội hàm của đổi mới tư duy đối ngoại thời kỳ đổi mới
Trên cơ sở ba nền tảng trên, có thể tổng kết năm nội dung của đổi mới tư duy đối ngoại Việt Nam.
Một là, đổi mới tư duy trong nhận thức thế giới. Đảng ta luôn chú trọng nhận thức về bản chất, cơ chế vận hành và những nhân tố tác động tới chiều hướng diễn biến của thế giới; đặc biệt, tập trung vào biến chuyển của cục diện thế giới, các dòng chảy chính và những mâu thuẫn của thời đại, về chiến tranh và hòa bình, tập hợp lực lượng và các xu thế lớn trong đời sống chính trị quốc tế, từ đó nhận diện những cơ hội và thách thức từ thế giới và thời đại đối với môi trường đối ngoại của Việt Nam.
Tháng 5-1988, Bộ Chính trị khóa VI đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-TW “Về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới”, đưa ra những quan điểm mới về an ninh và phát triển, khẳng định mục tiêu đối ngoại là “củng cố và giữ vững hòa bình để tập trung sức xây dựng và phát triển kinh tế”. Đó là sự đổi mới tư duy quan trọng bước đầu, mở đường cho Việt Nam có cơ hội và điều kiện để “biến nguy thành cơ”, phá thế bao vây cô lập, mở rộng quan hệ đối ngoại cả với những quốc gia có chế độ chính trị và kinh tế khác(5). Nghị quyết số 13/NQ-TW là một cuộc đổi mới mạnh mẽ tư duy trong đánh giá tình hình thế giới, đã đề ra mục tiêu và chuyển hướng chiến lược đối ngoại của Việt Nam.
Sau Chiến tranh lạnh, nhận thức về thế giới không còn là “hai phe, hai cực” mà là một thế giới với xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, chủ nghĩa đa phương, với các đặc điểm và xu thế thời đại mới được Việt Nam tiếp cận dưới góc độ mới. Đảng ta khẳng định rằng, chủ nghĩa xã hội hiện đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử. Đây là sự thể hiện lập trường vững vàng, nhất quán của Đảng đối với lý tưởng xã hội chủ nghĩa, chỉ rõ thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội là cả một thời kỳ lịch sử lâu dài, trải qua nhiều giai đoạn gay go, phức tạp.
Bên cạnh đó, đổi mới tư duy về thế giới quan (bao gồm việc xác định bốn nguy cơ, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc, tư duy mới về mối quan hệ giữa an ninh và phát triển,...) trở thành nền tảng cho đổi mới tư duy về cơ hội và thách thức đối với Việt Nam.
Hai là, đổi mới tư duy trong định vị đất nước. Đổi mới tư duy nhằm xác định vị thế và vai trò mới của đất nước, dựa trên thực tiễn thế và lực của đất nước luôn không ngừng được nâng cao, và nhận thức đúng đắn tình hình thế giới. Từ đó định hình mối quan hệ biện chứng về cái riêng và cái chung giữa đất nước và thế giới. Trong xác định mối quan hệ giữa Việt Nam với thế giới, đổi mới tư duy đã chuyển từ “muốn là bạn” sang “sẵn sàng là bạn” và “là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Việt Nam đã xác định rõ trọng tâm trong quá trình hội nhập quốc tế của mình, đó là hội nhập bắt đầu từ kinh tế và dần mở rộng sang các lĩnh vực khác, hướng tới hội nhập toàn diện và sâu rộng. Trong đó, đối ngoại đa phương cần phải được nâng tầm, từ tham gia ban đầu sang chủ động đóng góp, dẫn dắt, định hình, tùy theo khả năng và điều kiện cụ thể.
Ba là, đổi mới tư duy về đối tác - đối tượng. Trên cơ sở kế thừa, phát triển từ phương châm “thêm bạn, bớt thù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa IX (năm 2003) đã đưa ra quan điểm mới về “đối tác - đối tượng” và “hợp tác - đấu tranh”, thể hiện sự mềm dẻo, linh hoạt trong chiến lược ngoại giao, nhằm gia tăng điểm tương đồng, hóa giải sự khác biệt trong thúc đẩy quan hệ với các nước. Đây là mối quan hệ biện chứng, phù hợp với xu thế chung của thế giới là hợp tác và đấu tranh linh hoạt trên cơ sở bảo đảm về lợi ích và phù hợp về giá trị chung.
Tư duy này tạo tiền đề để gia tăng điểm đồng, hóa giải điểm khác biệt, qua đó đưa quan hệ với các nước đối tác đi vào chiều sâu, khéo léo cân bằng quan hệ nước lớn, nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện ngay cả khi vẫn còn tồn tại những bất đồng với các đối tác này. Việt Nam là một trong những nước sớm khởi động quá trình xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các nước trên thế giới, cũng là nước đầu tiên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) xây dựng khuôn khổ quan hệ này với các nước thành viên chủ chốt. Việt Nam đã xây dựng mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 30 quốc gia, trong đó bao gồm tất cả 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thành viên Nhóm các nền công nghiệp lớn nhất thế giới (G-7) và 16/20 nước trong Nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới (G-20), góp phần tạo nên cục diện đối ngoại vững chắc cho Việt Nam.
Bốn là, đổi mới tư duy về lợi ích quốc gia - dân tộc. Điều này bao gồm những nội hàm cụ thể của lợi ích quốc gia - dân tộc và mối quan hệ giữa lợi ích của Việt Nam với lợi ích chung của khu vực và quốc tế. Đổi mới tư duy ở đây liên quan đến việc cụ thể hóa lợi ích quốc gia - dân tộc trong từng thời kỳ, xác định ưu tiên lợi ích, cách thức xử lý hài hòa mối quan hệ biện chứng giữa các thành tố của lợi ích quốc gia - dân tộc để tạo ra được hiệu ứng cộng hưởng trong nhận thức và hành động.
Lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam là sự bảo đảm chủ quyền và an ninh quốc gia, chế độ xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy phát triển đất nước toàn diện và bền vững, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước. Đại hội XI của Đảng lần đầu tiên chính thức khẳng định mục tiêu về lợi ích quốc gia - dân tộc. Đại hội XII của Đảng xác định “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng cùng có lợi”. Trong quan hệ quốc tế hiện nay, hợp tác - đấu tranh dựa trên lợi ích chính là phương châm phù hợp với xu thế chung của quan hệ quốc tế. Lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam luôn phù hợp với lợi ích và giá trị chung của nhân loại.
Năm là, đổi mới tư duy về vai trò và phương thức triển khai đối ngoại. Đổi mới trên phương diện này chủ yếu tập trung vào vai trò, nhiệm vụ của đối ngoại trong tổng thể đường hướng chiến lược của đất nước. Mục tiêu của đường lối đối ngoại là phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đối ngoại phải làm thế nào để “nhìn trước, đi trước” nhằm đón thế, vận thế và tạo thế, mở ra vận hội mới cho đất nước. Từ đó, đối ngoại góp phần vào nỗ lực chung giải quyết những vấn đề đặt ra cả về đối ngoại lẫn đối nội, an ninh và phát triển, đặc biệt hóa giải từ sớm, từ xa mọi nguy cơ đối với đất nước và tạo dựng cũng như tận dụng mọi nguồn lực từ bên ngoài cho đất nước.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Đảng ta coi việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội là lợi ích cao nhất của Tổ quốc(6). Từ đó, phương hướng triển khai các hoạt động đối ngoại liên tục có sự đổi mới để phù hợp với yêu cầu cụ thể của đất nước trong mỗi giai đoạn, thể hiện qua các bước trưởng thành trong việc đề ra các nhiệm vụ chiến lược trong đối ngoại về song phương, đa phương, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, công tác bảo hộ công dân, công tác thông tin đối ngoại...
Bên cạnh năm nội dung trên, đổi mới tư duy đối ngoại luôn là quá trình tìm tòi, đúc kết từ thực tiễn và lý luận, như việc chỉ ra những nhận thức đã rõ, những vấn đề mới còn chưa rõ và những mối quan hệ lớn cần giải quyết.
Tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới tư duy đối ngoại
Đại hội XIII của Đảng là dấu mốc quan trọng, mở ra vận hội mới cũng như định hướng phát triển cho đất nước trên mọi phương diện trong thời gian tới. Văn kiện Đại hội đã thể hiện mạnh mẽ tinh thần đổi mới tư duy, phù hợp với thực tiễn luôn thay đổi không ngừng, tạo nên thế và lực mới của đất nước.
Đại hội XIII chỉ ra rằng sau 35 năm đổi mới, đất nước đã có thế và lực, uy tín và tiềm năng chưa từng có trong lịch sử, trở thành những tiền đề và cơ sở vững chắc để phát triển thuận lợi, phồn vinh, thịnh vượng và vươn xa hơn nữa. Việt Nam có đủ điều kiện để mở ra vận hội mới, gây dựng và tận dụng cơ hội để vượt qua thách thức, vừa hài hòa với thế giới hiện đại, vừa chủ động tham gia vận hành thế giới hiện đại.
Nhận thức về thế giới của Đại hội XIII của Đảng phản ánh khách quan thực tiễn thế giới trong 5 năm qua, với những chuyển biến rất phức tạp, với tính bất ổn, bất định và khó lường. Đại hội đã đánh giá tình hình một cách biện chứng, chỉ ra nhiều thách thức mới, có tác động sâu rộng và phức tạp tới Việt Nam, đồng thời cũng nêu bật những khác biệt về đặc điểm tình hình mới so với giai đoạn trước và các xu thế dòng chảy chính hiện nay. Việc dự báo những nguy cơ tiềm tàng trong Văn kiện Đại hội XIII cho thấy tư duy bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa được thể hiện rõ nét.
Về đường lối đối ngoại, Đại hội XIII của Đảng khẳng định tư tưởng chỉ đạo, đó là: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”(7).
Qua đó, Đại hội làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa ba nội dung lớn về độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế. Đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gia tăng như hiện nay, độc lập, tự chủ và đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ là con đường phù hợp và hiệu quả nhất để Việt Nam bảo vệ được lợi ích quốc gia - dân tộc. Độc lập, tự chủ là việc Việt Nam kiên định trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Độc lập về quyết sách, đường lối, hoạt động, chính sách và nhận định đánh giá tình hình. Tự chủ là tâm thế và khả năng để triển khai những quyết sách, đường lối đó. Đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế là điều kiện để bảo đảm độc lập, tự chủ hiệu quả và bền vững, mở ra những cơ hội phát triển và bảo vệ lợi ích của Việt Nam.
Về định vị đất nước với thế giới, tiếp nối các kỳ Đại hội trước, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra phương châm “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”(8). Đây là phương châm phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa như đã nêu ở trên, đồng thời là sự khẳng định giá trị của đối ngoại Việt Nam là “hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”. Yếu tố “tích cực” là điểm mới, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, hội nhập quốc tế, sẵn sàng tham gia đóng góp cho cộng đồng quốc tế cũng như giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, phản ánh tinh thần của Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8-8-2018, của Ban Bí thư, “Về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”.
Về lợi ích quốc gia - dân tộc, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”(9). Lợi ích quốc gia - dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là phương châm của đối ngoại. Việc khẳng định điều này ở phần “quan điểm chỉ đạo”, cho thấy sự thống nhất nhận thức cao nhất. Mọi phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn tới đều vì lợi ích quốc gia - dân tộc và mọi lợi ích khác đều phải phục tùng lợi ích quốc gia - dân tộc. Đồng thời, trong môi trường quốc tế với sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa cường quyền, Việt Nam không theo chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, hẹp hòi, mà thúc đẩy lợi ích của mình trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế(10).
Về vai trò và nhiệm vụ đối ngoại, điểm mới quan trọng trong Văn kiện Đại hội XIII là lần đầu tiên xác định “vai trò tiên phong” của đối ngoại trong tổng thể các nhiệm vụ chung của đất nước. Qua đó, chỉ ra nhiệm vụ thường xuyên của đối ngoại là “tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Trong đó, giữ vững hòa bình, ổn định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm; nâng cao vị thế và uy tín đất nước là nhiệm vụ quan trọng(11). Có thể thấy, sứ mệnh của đối ngoại là đưa đất nước vào vị trí có lợi nhất trong mọi diễn biến của tình hình thế giới, khu vực cũng như trong dòng chảy của các xu thế quốc tế và tương quan lực lượng chính trị thế giới, nhằm tạo ra bước đột phá mới và mở ra vận hội mới cho đất nước, đi đầu và đóng góp trực tiếp cho việc thực hiện và bảo vệ lợi ích an ninh và phát triển(12).
Đối ngoại vì thế phải toàn diện và hiện đại, thiết thực và hài hòa giữa tính thời đại với tính định hướng lâu dài. Lần đầu tiên vấn đề xây dựng “nền ngoại giao toàn diện, hiện đại” được đưa vào Văn kiện Đại hội XIII, với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đó là nền ngoại giao kiên định với lập trường quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, hướng tới mục tiêu triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng, tạo cục diện đối ngoại thuận lợi nhất, năng động, sáng tạo, thích ứng với mọi chuyển biến của tình hình, ngang tầm khu vực và vươn tầm quốc tế.
***
Xuyên suốt quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, đổi mới tư duy luôn là một yêu cầu tất yếu và bức thiết để Việt Nam vững bước đi lên, giúp đất nước tận dụng được cơ hội, nhìn trước và vượt qua thách thức để phát triển bứt phá.
Những đổi mới tư duy đối ngoại nêu trên bảo đảm cho định hình đường lối đối ngoại đúng đắn để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa./.
-----------
(1) Có thể chia làm ba giai đoạn: 1- Giai đoạn phá thế bao vây cấm vận (1986 - 1995), tập trung giải quyết vấn đề Cam-pu-chia, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Mỹ và gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); 2- Giai đoạn mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế (1996 - 2010), Việt Nam trở thành thành viên sáng lập Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), gia nhập Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; 3- Giai đoạn đưa quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện (từ năm 2011 đến nay), thúc đẩy mạng lưới đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đảm nhiệm vai trò kép là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
(2) Trần Minh Trưởng (Chủ biên): Vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh trong tình hình mới, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 23
(3) Nguyễn Dy Niên: Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 58
(4) Dẫn theo Phạm Bình Minh: “Phát huy vai trò của ngoại giao Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Tạp chí Cộng sản, số 955, tháng 12-2020, tr. 11
(5) Nguyễn Vũ Tùng: “Sự phát triển nhận thức về đường lối đối ngoại của Đảng ta”, Trang thông tin điện tử Hội đồng lý luận Trung ương, ngày 1-6-2019, http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/su-phat-trien-nhan-thuc-ve-duong-loi-doi-ngoai-cua-dang-ta.html
(6) Vũ Khoan: “Đổi mới tư duy và chính sách trong lĩnh vực đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam”, Trang thông tin điện tử Bộ môn Lịch sử, Khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên, ngày 27-2-2013, http://lichsu.tnus.edu.vn/chi-tiet/351-Vu-Khoan-Doi-moi-tu-duy-va-chinh-sach-trong-linh-vuc-doi-ngoai-cua-Dang-Cong-san-Viet-Nam
(7), (8), (9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, t. I, tr. 161 - 162, 162, 110
(10) Các nguyên tắc này bao gồm: bình đẳng về chủ quyền quốc gia, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị quốc gia, không đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, không can thiệp công việc nội bộ các nước, tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế và luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình. Đó là những nguyên tắc phổ quát và tiến bộ mà toàn thể nhân loại đang nỗ lực gìn giữ
(11) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc (tháng 12-2021), https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-doi-ngoại-toan-quốc.html
(12) Xem: Bùi Thanh Sơn: “Phát huy vai trò đối ngoại phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 8-6-2021, https://dangcongsan.vn/tieu-diem/phat-huy-vai-tro-doi-ngoai-phuc-vu-su-nghiep-phat-trien-dat-nuoc-vi-muc-tieu-dan-giau-nuoc-manh-dan-chu-cong-bang-van-minh-582594.html
Đối ngoại Việt Nam năm 2021: Khẳng định uy tín, vị thế của đất nước trong giai đoạn chiến lược mới  (16/04/2022)
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam luôn đề cao và ủng hộ tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế trong nỗ lực chung phòng, chống dịch bệnh  (15/03/2022)
Những nhận thức mới về quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng  (24/02/2022)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam