Phát huy sức mạnh tinh thần của bộ đội Phòng không - Không quân trong đại thắng mùa Xuân năm 1975
TCCS - Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã tạo ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, mở đầu kỷ nguyên mới huy hoàng chưa từng có - kỷ nguyên độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội. Thời gian ngày càng lùi xa, những thắng lợi vĩ đại đó vẫn còn nguyên giá trị lịch sử to lớn và ý nghĩa thời đại sâu sắc, vượt qua mọi không gian và sẽ trường tồn mãi mãi với thời gian. Đặc biệt, những bài học quý giá từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 nói chung, bài học về phát huy sức mạnh tinh thần của Bộ đội Phòng không - Không quân nói riêng vẫn còn nguyên giá trị.
Cùng với khí thế “cả nước ra quân, toàn dân đánh giặc”, Quân chủng Phòng không - Không quân đã phát huy sức mạnh tổng hợp, nhất là sức mạnh tinh thần của Bộ đội Phòng không - Không quân (lực lượng nòng cốt của phòng không ba thứ quân) đề cao quyết tâm chiến đấu, tranh thủ thời gian, mưu trí, sáng tạo, linh hoạt, táo bạo để giành thắng lợi, tạo động lực to lớn cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu đánh thắng không quân Mỹ, ngụy trên tiền tuyến lớn miền Nam và bảo vệ vững chắc bầu trời hậu phương miền Bắc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thắng lợi “mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những chiến công chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng”(1).
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, các đơn vị phòng không, không quân đã tích cực giáo dục, động viên bộ đội quán triệt sâu sắc tình hình, nhiệm vụ cách mạng, quyết tâm và tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị, nhất là Nghị quyết Hội nghị ngày 25-3-1975 và Nghị quyết Hội nghị ngày 31-3-1975 của Bộ Chính trị; quyết tâm của Quân ủy Trung ương, nhiệm vụ chiến đấu cơ bản của Quân chủng; không ngừng nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, tích cực rèn luyện nâng cao chất lượng toàn diện, “xác định quyết tâm, trách nhiệm sẵn sàng đi chiến trường, trên mọi chiến trường đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”(2). Cùng với đó, Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân thường xuyên quán triệt sâu sắc chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, chủ động nghiên cứu nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của địch, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng ý chí và bản lĩnh chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ. Nhờ đó, khi có lệnh điều động tham gia chiến đấu, 100% cán bộ, chiến sĩ của “6 sư đoàn, lữ đoàn pháo phòng không, 2 trung đoàn tên lửa, 2 tiểu đoàn A72, 1 trung đoàn ZCY-23mm, 1 trung đoàn và 1 tiểu đoàn ra-đa tham gia các chiến dịch trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và bảo vệ các vùng trời mới giải phóng ở miền Nam”(3). Chỉ còn 2 Sư đoàn Phòng không 361 và 363 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và miền Bắc.
Quán triệt sâu sắc phương châm chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, mỗi cán bộ, chiến sĩ nêu cao ý chí sắt đá, tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, trực tiếp tham gia chiến đấu, cùng toàn quân, toàn dân làm nên những chiến công oanh liệt. Trong tổng tiến công, Bộ đội Phòng không - Không quân đã phát huy được uy lực của vũ khí, trang bị, hạn chế được các hoạt động đường không của địch, tiêu diệt kẻ thù cả trên không và mặt đất, mặt nước, chủ động đánh địch, yểm hộ đắc lực và có hiệu quả cho bộ đội hợp thành tấn công địch giải phóng thành phố Sài Gòn, Gia Định. Các lực lượng phòng không - không quân của ta càng đánh, càng mạnh, vận dụng và phát triển những kinh nghiệm tích lũy được từ trước, hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho, vinh dự góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc qua 55 ngày đêm liên tục chiến đấu, chiến thắng. Đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ trong tham gia Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân khẳng định: “Quân chủng đã hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao, có nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc như trận chiến đấu của Phi đội Quyết thắng ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất, công tác tiếp quản, thu hồi, sử dụng vũ khí, khí tài của địch, công tác vận chuyển đường không… đã góp phần vào thắng lợi vĩ đại của cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”(4). Thắng lợi đó đã khẳng định sự trưởng thành và lớn mạnh của quân đội ta nói chung, thể hiện sinh động về sức mạnh chính trị - tinh thần của cán bộ, chiến sĩ các lực lượng trong Quân chủng Phòng không - Không quân nói riêng.
Kế thừa và phát huy sức mạnh tinh thần của Bộ đội Phòng không - Không quân trong tình hình mới, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ toàn Quân chủng hiểu rõ lịch sử, truyền thống hào hùng của dân tộc, quân đội và của Bộ đội Phòng không - Không quân.
Đây là cơ sở quan trọng, nhân tố quyết định đến việc hình thành tâm lý, tư tưởng, tình cảm, bản lĩnh của mọi cán bộ, chiến sĩ trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Vũ khí tốt mà tinh thần hèn, thì cũng vô dụng”(5). Người nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố chính trị - tinh thần trong cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù: “Vật chất cố nhiên là trọng, tinh thần cũng là trọng. Có khi địch vật chất hơn ta mà ta tinh thần hơn nó, nên ta thắng nó”(6). Giá trị “tinh thần” mà Hồ Chí Minh khẳng định ở đây là ý chí, niềm tin chiến thắng, bản lĩnh chiến đấu ngoan cường, tinh thần vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thử thách ác liệt và tàn khốc của chiến tranh. Chính tinh thần đoàn kết, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo của Bộ đội Phòng không - Không quân đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Phát huy truyền thống cách mạng anh hùng của Quân chủng, trong tình hình mới, cần đẩy mạnh giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc, của Đảng, những tấm gương yêu nước tiêu biểu, những anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong các cuộc kháng chiến cứu nước. Đa dạng hóa nội dung và hình thức tuyên truyền, cung cấp kiến thức lịch sử, truyền thống của Quân chủng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thông qua hệ thống sách, báo, tranh ảnh, tư liệu, phim, nhạc để cán bộ, chiến sĩ hứng thú, say mê tìm tòi, nghiên cứu các sự kiện lịch sử, các chiến lệ hào hùng thể hiện tinh thần chiến đấu của Bộ đội Phòng không - Không quân trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Đẩy mạnh việc sử dụng các hình thức tuyên truyền, giới thiệu truyền thống như: tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, diễn đàn, thi tìm hiểu, tuyên truyền, biểu dương người tốt, việc tốt trong học tập, lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, ý chí kiên cường, dũng cảm cho cán bộ, chiến sĩ. Tăng cường các hoạt động tham quan các di tích lịch sử; căn cứ địa cách mạng để mỗi cán bộ, chiến sĩ thấu hiểu truyền thống quý báu của dân tộc, của các thế hệ cha anh, từ đó, nhận rõ trách nhiệm của mình với Tổ quốc, với gia đình và xã hội. Thường xuyên thăm hỏi và chia sẻ với gia đình có công với cách mạng; tổ chức giao lưu, nói chuyện truyền thống để thế hệ trẻ tìm hiểu về những tấm gương anh dũng trong huấn luyện và chiến đấu, làm cho thế hệ trẻ hiểu rõ các giá trị của độc lập, tự do của dân tộc, tự hào với truyền thống của các thế hệ cha anh, soi mình vào những tấm gương tiêu biểu trong xã hội, từ đó, đặt ra cho mình mục tiêu, lý tưởng sống, xây dựng ý thức, động cơ đúng đắn, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.
Hai là, thường xuyên giáo dục, quán triệt đặc điểm, tình hình nhiệm vụ, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, xây dựng cho bộ đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt diễn ra trên mặt trận đối không với kẻ thù hùng mạnh, được trang bị vũ khí hiện đại, Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn Quân chủng tập trung giáo dục làm cho: “Cán bộ, chiến sỹ luôn kiên định, nêu cao tinh thần yêu nước, giác ngộ giai cấp xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa, trách nhiệm chính trị, ý chí chiến đấu, tư tưởng cách mạng tiến công, dũng cảm mưu trí, kiên quyết khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ trong mọi lĩnh vực, hoàn cảnh, trên mọi chiến trường”(7). Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Dù có bao nhiêu khí giới tinh xảo mà con người không có lập trường vững, quan điểm đúng, thiếu tinh thần trong sạch, một lòng một dạ phục vụ nhân dân thì súng đó cũng bỏ đi”(8), các đơn vị phải chú trọng giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ thông qua thực tiễn chiến đấu, làm cho bộ đội nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của địch, xây dựng ý chí quyết tâm dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng, hình thành phẩm chất tâm lý và bản lĩnh vững vàng cho bộ đội.
Trước yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, các đơn vị của Quân chủng phải tổ chức tốt nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, cần thường xuyên giáo dục cho bộ đội nhận thức sâu sắc nhiệm vụ của Quân chủng, nhiệm vụ của đơn vị và âm mưu, thủ đoạn tinh vi của các thế lực thù địch, rèn luyện cho bộ đội có ý chí quyết tâm cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, không sợ khó khăn, gian khổ, hy sinh, tổn thất, kiên quyết đánh bại kẻ địch dù chúng có vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại. Đồng thời, coi trọng giáo dục, học tập nghệ thuật quân sự, nghệ thuật tác chiến phòng không, kỹ chiến thuật, kịp thời điều chỉnh, bổ sung những nội dung mới vào quá trình huấn luyện chiến đấu. Đẩy mạnh tổng kết kinh nghiệm từ các cuộc chiến tranh gần đây kết hợp với kinh nghiệm trong các cuộc kháng chiến trước đây của quân và dân ta, xây dựng thành những tài liệu để giáo dục cán bộ, chiến sĩ.
Ba là, phát huy trí tuệ sáng tạo trong việc khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị, kỹ thuật.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, dù còn muôn vàn khó khăn, nhưng Bộ đội Phòng không - Không quân đã phát huy tối đa nhân tố con người, làm chủ vũ khí trang bị, nhất là đối với những loại vũ khí của địch ta thu hồi được. Tiêu biểu là trận đánh của “Phi đội Quyết thắng”, sử dụng 5 máy bay A-37 thu được của địch tiến công vào sân bay Tân Sơn Nhất hồi 16 giờ 25 phút, ngày 28-4-1975. Mặc dù phi công và thợ máy mới được huấn luyện chuyển loại máy bay A-37 trong vòng 6 ngày, nhưng với trí thông minh và hành động quả cảm, táo bạo, bất ngờ, Phi đội đã nhanh chóng làm chủ bầu trời Sài Gòn. “Ném 18 quả bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy 24 máy bay, diệt hàng trăm sĩ quan và binh lính địch”(9). Với quyết tâm đánh thẳng vào căn cứ không quân đầu não, nơi tập trung nhiều máy bay, lực lượng của Mỹ - ngụy, làm tê liệt cầu hàng không của địch, phá tan kế hoạch di tản của địch trước khi Sài Gòn thất thủ, trận đánh đã kết thúc thắng lợi giòn giã, đạt hiệu suất ném trúng cao, thực hiện đúng ý định về thời cơ và yêu cầu về thời gian của Bộ Chỉ huy Chiến dịch, góp phần “Thúc đẩy nhanh chóng quá trình di tản của đế quốc Mỹ ra khỏi Sài Gòn, làm cho ngụy quân, ngụy quyền hoang mang, suy sụp về tinh thần, nhanh chóng tan rã và sụp đổ”(10).
Thắng lợi của “Phi đội Quyết thắng” trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã ghi thêm vào lịch sử của Không quân nhân dân Việt Nam chiến công “Dùng máy bay lấy được của địch đánh thắng địch” góp phần vào thắng lợi của trận quyết chiến cuối cùng chống Mỹ và bè lũ tay sai của quân và dân ta. Chiến công đó càng tô thắm và làm dày thêm truyền thống “Trung thành vô hạn, kiên quyết tiến công, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể” của Bộ đội Phòng không - Không quân. Hiện nay, để sử dụng có hiệu quả vũ khí, phương tiện, khí tài được trang bị, cần thường xuyên làm tốt công tác giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, giữ tốt dùng bền, an toàn, tiết kiệm, khai thác, sử dụng có hiệu quả các loại vũ khí trang bị hiện có, đồng thời nhanh chóng tiếp thu làm chủ các vũ khí trang bị mới, hiện đại. Chú trọng xây dựng các phương án tác chiến, tổ chức huấn luyện cho bộ đội sát với điều kiện thực tiễn.
Bốn là, kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 cũng như trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Bộ đội Phòng không - Không quân luôn nhận được sự giúp đỡ to lớn, yêu thương đùm bọc, cổ vũ động viên, chia sẻ của các cấp, các ngành, các đoàn thể và nhân dân các địa phương trên địa bàn đóng quân và nơi đơn vị thực hiện nhiệm vụ, đã tạo mọi điều kiện để Quân chủng Phòng không - Không quân hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, quân đội sinh trưởng, thắng lợi là nhờ nhân dân ra sức giúp đỡ. Vì thế, bộ đội rất biết ơn và yêu mến nhân dân: “Phải làm thế nào để khi mình chưa đến, thì dân trông mong, khi mình đến thì dân giúp đỡ, khi mình đi nơi khác thì dân luyến tiếc”(11). Thực hiện lời dạy của Người, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ đội Phòng không - Không quân luôn gắn bó, tôn trọng, giúp đỡ nhân dân, đồng thời luôn quý trọng, nâng niu những tình cảm của nhân dân, không phung phí nhân lực, vật lực của nhân dân.
Trong tình hình hiện nay, với những âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt, nhất là núp dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền..., các thế lực thù địch ra sức chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, đặc biệt là phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ giữa Đảng với nhân dân, giữa quân đội với nhân dân. Do đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân chủng tiếp tục nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng, tham gia xây dựng địa phương, địa bàn đóng quân vững mạnh về chính trị, phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi việc làm, hành động của cán bộ, chiến sĩ phải làm cho dân tin, dân yêu, dân phục. Đúng như lời dặn của Hồ Chí Minh: “Toàn quân ta phải ra sức học tập chính trị, quân sự và văn hóa; phải thi đua làm tròn nhiệm vụ bảo vệ biên giới, bảo vệ bờ biển, bảo vệ thành thị, và giữ gìn trật tự an ninh cho nhân dân”(12). Cán bộ, chiến sĩ của Quân chủng cần quán triệt và hiện thực hóa tư tưởng này, góp phần củng cố, phát huy tình đoàn kết gắn bó máu thịt giữa quân đội và nhân dân.
Năm là, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế và nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới, giải quyết hài hòa các mối quan hệ quốc tế.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung và trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 nói riêng, Bộ đội Phòng không - Không quân đã nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, phát huy tối đa sức mạnh nội lực, giải quyết hài hòa các mối quan hệ quốc tế, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của bè bạn quốc tế và nhân loại yêu chuộng hòa bình, tiến bộ. Hiện nay, trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu thường xuyên, Quân chủng Phòng không - Không quân cần tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế trong phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, đào tạo nguồn nhân lực, tiếp thu và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật quân sự, củng cố và tăng cường mối quan hệ tốt đẹp với các nước có quan hệ truyền thống, các nước láng giềng hữu nghị.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, các đơn vị trong Quân chủng Phòng không - Không quân cần thực hiện đồng thời các giải pháp nhằm xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, thật sự xứng đáng là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đối không trong thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.
---------------------------
(1) Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 37, tr. 471
(2) Quân chủng Phòng không - Không quân: Tổng kết công tác đảng, công tác chính trị trong chiến dịch, chiến đấu của Quân chủng Phòng không - Không quân (1965 - 1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội 2016, tr. 375
(3) Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân: Tổng kết chiến đấu và xây dựng của Quân chủng Phòng không - Không quân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1992, tr. 96
(4) Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân: Lịch sử Đảng bộ Quân chủng Phòng không - Không quân, tập 1 (1963 - 1977), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014, tr. 427
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 460
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 580-581
(7) Quân chủng Phòng không - Không quân, Tổng kết công tác đảng, công tác chính trị trong chiến dịch, chiến đấu của Quân chủng Phòng không - Không quân (1965 - 1975), Sđd, tr. 595
(8) Bộ Quốc Phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Hồ Chí Minh - Biên niên sự kiện quân sự (1919 - 1969), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr. 370
(9) Quân chủng Phòng không - Không quân: Tổng kết công tác đảng, công tác chính trị trong chiến dịch, chiến đấu của Quân chủng Phòng không - Không quân (1965 - 1975), Sđd, tr. 574.
(10) Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, Lịch sử Đảng bộ Quân chủng Phòng không - Không quân, tập 1 (1963 - 1977), Sđd, tr. 424
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 76
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 324
Hoạt động đối ngoại của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam giai đoạn 1960 - 1975  (13/12/2021)
Đường Hồ Chí Minh trên biển - Kỳ tích lịch sử và biểu tượng sáng ngời của ý chí và khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước  (21/10/2021)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm, làm việc với Sư đoàn Phòng không Hà Nội  (09/02/2021)
Nam Bộ kháng chiến - ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử  (21/11/2020)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam