Phản bác những luận điệu xuyên tạc về đường lối ngoại giao và hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta qua tổ chức những sự kiện đối ngoại lớn tại Việt Nam
TCCS - Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện đối ngoại song phương và đa phương quan trọng. Việc hoàn thành xuất sắc vai trò chủ nhà của các sự kiện đối ngoại tổ chức tại Việt Nam có ý nghĩa to lớn trong việc cụ thể hóa và thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, không chỉ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn là những bằng chứng sinh động, thuyết phục, phản bác đanh thép những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch về đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta.
Do vị trí, tầm quan trọng và những thành tựu to lớn của đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, thời gian gần đây, trước những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, các thế lực thù địch gia tăng mũi nhọn tấn công xuyên tạc, chống phá đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam.
Thủ đoạn của các thế lực là gia tăng cường độ, tần suất và diện bao phủ của các thông tin xuyên tạc về đối ngoại, tập trung vào những nội dung:
1- Thông tin sai lệch việc triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Đảng, Nhà nước ta. Các thế lực thù địch xuyên tạc rằng, nền ngoại giao của Việt Nam còn lạc hậu, đường lối bị động, một mặt, hội nhập do thiếu bản sắc nên bị hòa tan, mặt khác, lại cục bộ, “chọn bên” nên chưa có sức ảnh hưởng, thiếu cả độ rộng lẫn chiều sâu, nên đối ngoại chưa đủ sức giữ vị trí tiên phong để bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc (?!).
2- Các thế lực thù địch tìm cách cản trở Việt Nam mở rộng quan hệ quốc tế, mặt khác, tác động, lôi kéo, mua chuộc các đối tác từ bên ngoài để gây sức ép, tác động vào bên trong đất nước; quốc tế hóa những vấn đề nội bộ của Việt Nam.
3- Lợi dụng các vấn đề đối ngoại để xuyên tạc các lĩnh vực có liên quan, âm mưu “một mũi tên trúng nhiều đích”, nhất là xuyên tạc các vấn đề nhạy cảm về chủ quyền, kinh tế, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo… Đơn cử, các thế lực thù địch bóp méo thông tin liên quan các vấn đề đối ngoại về chủ quyền, nhất là trong mối quan hệ với các nước lớn của ta, lợi dụng lòng yêu nước, tinh thần dân tộc để kích động người dân tạo nên các “phong trào” “bài”, “thoát” hay “thân”, “đồng minh”… với các nước lớn; trong quá trình đàm phán ký kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương của ta, các thế lực thù địch thường xuyên thông tin sai lệch tác động lên các đối tác của ta, gây sức ép để quá trình đàm phán bất lợi, hòng đan cài những vấn đề chính trị trong các nội dung kinh tế…
4- Chống phá trước, trong và sau các hội nghị ngoại giao lớn do Việt Nam tổ chức. Trước khi các hội nghị ngoại giao lớn diễn ra, các thế lực thù địch tung các thông tin sai lệch về tình hình đất nước, về công tác chuẩn bị, về đường lối ngoại giao của ta… gây nhiễu, rối thông tin, làm bất lợi việc tổ chức, kêu gọi “tẩy chay” sự kiện; trong hội nghị tiếp tục gửi các “thư ngỏ”, “kiến nghị” đến các đoàn, cơ quan ngoại giao nước ngoài yêu cầu can thiệp các vấn đề nhân quyền, dân tộc, tôn giáo…; sau hội nghị đưa ra các đánh giá hạ thấp, bôi đen, phủ định thành công của sự kiện, hạ thấp vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trước những sự chống phá trên, công tác đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch về đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế là yêu cầu cấp thiết, thực hiện bằng nhiều biện pháp, trong đó có việc đăng cai và tổ chức thành công những sự kiện, diễn đàn, hội nghị ngoại giao lớn. Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, việc tổ chức thành công những sự kiện ngoại giao lớn đã góp phần quan trọng nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài để củng cố, bồi đắp, gia tăng sức mạnh nội lực, tiềm lực đất nước…, qua đó tự nó là minh chứng sinh động, bằng chứng thuyết phục để bẻ gãy những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch về đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta.
Tuần lễ cấp cao APEC-2017 có sự hiện diện của lãnh đạo các nền kinh tế thành viên, trong đó có lãnh đạo các nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới, cùng một số lượng kỷ lục doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia (hơn 4.000 lượt doanh nghiệp). Những chuyến thăm mang tính lịch sử tới Việt Nam trong một sự kiện đối ngoại lớn này của các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới, cùng với việc đạt được nhiều thỏa thuận mang tầm chiến lược; có trên 50 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao của Việt Nam với các đối tác… đã mở ra những trang mới, nâng tầm quan hệ song phương, đa phương giữa Việt Nam với các đối tác, đưa quan hệ của ta với các đối tác lớn đi vào chiều sâu. Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn trong Năm APEC-2017, thông qua hàng loạt sáng kiến, nhằm góp phần nâng tầm hợp tác và xác lập hướng đi chiến lược của APEC trong trung và dài hạn. Nhiều văn kiện quan trọng được thông qua tại Tuần lễ cấp cao APEC-2017, trong đó quan trọng nhất là Tuyên bố cấp cao Đà Nẵng: “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Vị thế, uy tín của Việt Nam trong APEC lần này là vị thế, uy tín của một nước chủ nhà đã nỗ lực, quyết tâm góp phần rất quan trọng vào thành công của Tuần lễ cấp cao APEC và nhiều sự kiện mang tầm quốc tế khác. Thành công của Năm APEC-2017 được bạn bè quốc tế tôn trọng, ghi nhận và đánh giá cao. Điều đó không những khẳng định vị trí chiến lược của Việt Nam ở khu vực, mà còn nói lên sự quan tâm, tình cảm đặc biệt mà các nền kinh tế thành viên APEC và cá nhân các nhà lãnh đạo APEC dành cho Việt Nam.
Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần 2 là sự kiện quốc tế quan trọng, chưa có tiền lệ được tổ chức tại Việt Nam, thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí, dư luận khu vực và thế giới, có số lượng phóng viên nước ngoài vào Việt Nam tác nghiệp đông nhất. Trong 2 ngày sự kiện diễn ra tại Hà Nội, đã có 2.600 phóng viên nước ngoài của 218 hãng báo chí, từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 13 phóng viên từ 8 cơ quan báo chí của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ tham dự đưa tin. Những tin tức được truyền đi từ sự kiện không chỉ liên quan đến diễn biến của sự kiện, mà còn là thông tin, hình ảnh về một đất nước Việt Nam đổi mới và phát triển toàn diện, đất nước của khát vọng hòa bình. Đây chính là “cơ hội vàng” để hình ảnh đất nước, con người, thành tựu mọi mặt của Việt Nam đến với đông đảo công chúng thế giới.
Năm 2020 đánh dấu mốc lịch sử với đối ngoại, nhất là ngoại giao đa phương khi Việt Nam đồng thời là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Năm Chủ tịch ASEAN 2020 được coi là cơ hội quan trọng để thể hiện bản lĩnh, khả năng và trí tuệ của đối ngoại Việt Nam trong việc triển khai đường lối đối ngoại đa phương với phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại nhằm tạo đà để Việt Nam vững tin mở rộng, nâng tầm quá trình hội nhập quốc tế của đất nước. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã thể hiện và phát huy vai trò dẫn dắt, lãnh đạo ASEAN trong một năm thế giới đầy biến động, thông qua việc đưa ra và thống nhất nhiều sáng kiến và hợp tác nhằm ứng phó dịch bệnh COVID-19; đưa ra tuyên bố ủng hộ quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) cũng như lập trường nguyên tắc của ASEAN về đề cao thượng tôn pháp luật, tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế, mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... Qua những minh chứng cụ thể này cho thấy hình ảnh một Việt Nam chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong giải quyết các công việc chung của khu vực. Dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt khéo léo, linh hoạt, hài hòa, hiệu quả của Việt Nam, ASEAN đã thành công trong việc tiếp tục duy trì sự đoàn kết, thống nhất, giữ vững vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, tăng cường các mối quan hệ hợp tác của các cường quốc, các đối tác trên thế giới và khẳng định được vị thế, uy tín của Hiệp hội trên trường quốc tế. Những thành công của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 dưới sự dẫn dắt của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch là một đỉnh cao thắng lợi của đường lối đối ngoại đa phương của Đảng, thể hiện tầm vóc và vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam còn tổ chức thành công nhiều sự kiện đối ngoại lớn, như Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (2018), Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2019 (Vesak 2019)… Việc tổ chức các sự kiện ngoại giao lớn giúp Việt Nam đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm quý, cả thành công và những mặt còn hạn chế, từ đó tạo cơ sở để chúng ta tự tin có thể tiếp tục tổ chức thành công những sự kiện ngoại giao hàng đầu của thế giới. Với những dấu ấn đó, Việt Nam tự hào vững tin bước tiếp trong hành trình hội nhập và phát triển cùng cộng đồng quốc tế, triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng đề ra, để vị thế Việt Nam ngày càng lớn mạnh, thể hiện thực lực đất nước và khát vọng phát triển ngày càng lớn mạnh, phồn vinh.
Thành công của việc tổ chức các sự kiện đối ngoại lớn ghi những mốc son mới trong tiến trình hội nhập quốc tế và thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam, đồng thời cũng là một minh chứng hùng hồn, tự nó phản bác đanh thép lại những thông tin sai lệch, những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về đường lối đối ngoại và uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam.
Để tiếp tục phát huy thành công của các sự kiện đối ngoại được tổ chức ở Việt Nam, qua đó góp phần phản bác lại những thông tin, luận điệu xuyên tạc, sai trái, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch chống phá đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta, cần tập trung thực hiện một số định hướng:
Một là, cấp ủy các cấp quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức và triển khai thực hiện hiệu quả quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng ta, nhất là những điểm mới về đường lối đối ngoại tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
Đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại, góp phần củng cố đồng thuận xã hội, tăng cường sự ủng hộ và niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong triển khai chính sách đối ngoại, trong đó, chú trọng tuyên truyền những thành tựu của Việt Nam trong hội nhập quốc tế; những sáng kiến, đóng góp của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương; các hoạt động đối ngoại cấp cao của Việt Nam; vai trò và các đóng góp của Việt Nam đối với ASEAN và Liên hợp quốc nói riêng và trong các vấn đề khu vực cũng như quốc tế nói chung. Qua đó, khẳng định uy tín quốc gia, vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Hai là, cần bám sát tình hình thực tiễn, theo dõi sát tình hình quốc tế và trong nước, tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, xây dựng kịch bản, phương án định hướng, xử lý tình huống trong tổ chức sự kiện đối ngoại. Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dự báo tình hình khu vực và thế giới. Xây dựng cơ chế phối hợp xử lý nhanh chóng, chính xác, hiệu quả các vấn đề quan trọng, nhạy cảm, đột xuất trong tổ chức sự kiện đối ngoại để chủ động hơn nữa trong định hướng dư luận và đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trong vấn đề Biển Đông, tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền… Chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm hoạt động chống phá để đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng thù địch. Tận dụng đa dạng các kênh truyền thông, nhất là các phương tiện truyền thông mới, bằng các ngôn ngữ khác nhau để lan tỏa các thông tin đối ngoại; làm chủ việc cung cấp thông tin trong quá trình tổ chức sự kiện đối ngoại.
Ba là, tổ chức sự kiện đối ngoại tại Việt Nam phải được quan tâm, chỉ đạo, đầu tư xứng đáng, cần tăng cường triển khai các sự kiện đối ngoại lớn, có tầm cỡ. Tổ chức sự kiện đối ngoại lớn tại Việt Nam là một phương thức hữu hiệu để nâng tầm uy tín, vị thế của đất nước, do vậy cần được quan tâm, đầu tư thích đáng, ngày càng chuyên nghiệp hóa và nâng tầm công tác tổ chức các sự kiện đối ngoại quốc tế quy mô, tầm vóc lớn. Tránh để xảy ra những sai sót, sơ hở trong các khâu tổ chức, dễ bị các thế lực xấu lợi dụng phản tuyên truyền chống phá.
Bốn là, tổ chức các sự kiện đối ngoại lớn ở Việt Nam cần kết hợp đẩy mạnh thông tin về những thành tựu đạt được, những đóng góp của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.
Năm là, các cơ quan chỉ đạo, quản lý, các lực lượng thực hiện công tác tổ chức các sự kiện đối ngoại được tổ chức ở Việt Nam cần phát huy vai trò quan trọng của truyền thông quốc tế và vai trò của các phóng viên nước ngoài đến Việt Nam đưa tin, bài về sự kiện. Các tập đoàn, hãng thông tấn, báo chí nước ngoài uy tín giúp lan tỏa thông tin tích cực về Việt Nam với độ phủ thông tin rộng lớn đến dư luận quốc tế, từ đó góp phần phản bác lại những luận điệu sai lệch, xuyên tạc về Việt Nam của các thế lực thù địch một cách khách quan, thuyết phục.
Sáu là, phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái về Việt Nam hiện nay cần có phương thức phù hợp với từng thời điểm, giai đoạn nhất định. Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng không gian mạng, các phương tiện truyền thông xã hội chống phá, xuyên tạc đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta. Bởi vậy, ngoài hình thức đấu tranh thông tin truyền thống, cần bổ sung những hình thức đấu tranh mới, như đấu tranh trực tiếp, trực diện trên không gian mạng, thông qua các phương tiện truyền thông xã hội; kết hợp giữa lan tỏa thông tin chiều rộng với ngày càng chú trọng công tác thông tin lý luận đối ngoại - đấu tranh có chiều sâu bằng lý luận bẻ gãy những luận điệu xuyên tạc, sai trái từ gốc; tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin với các tập đoàn, hãng thông lớn của thế giới, cộng hưởng sức mạnh truyền thông trong nước và quốc tế trong thông tin đối ngoại./.
Xây dựng, quảng bá hình ảnh quốc gia trong chiến lược ngoại giao văn hóa  (23/11/2021)
Xây dựng Đảng bộ Học viện Chính trị trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới  (10/11/2021)
Nêu cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch  (03/11/2021)
Tăng cường quan hệ giữa Hà Nội và các thủ đô trên thế giới  (19/10/2021)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
- Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Thực tiễn và vấn đề đặt ra hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên