Tăng cường quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn thông tin trong truyền thông xã hội ở Việt Nam hiện nay
TCCS - Ở Việt Nam, truyền thông xã hội có những đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những ích lợi to lớn, mặt trái của truyền thông xã hội đã có những tác động tiêu cực đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân; đến tình hình an ninh, trật tự xã hội. Từ đó, đặt ra những yêu cầu mới trong quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn thông tin trong truyền thông xã hội hiện nay.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nền tảng là công nghệ thông tin đang chuyển hóa một phần thế giới thực thành thế giới số và cùng song song tồn tại. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ số, đặc biệt là truyền thông xã hội, đã và đang tạo điều kiện cho sự phát triển các lĩnh vực đời sống xã hội nhằm phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống con người.
Với khả năng tương tác, kết nối cao hơn so với các loại hình truyền thông truyền thống, truyền thông xã hội đang đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Với truyền thông xã hội, thông tin được truyền tải trên môi trường in-tơ-nét, người đọc có thể phản hồi, tương tác, chia sẻ thông tin với nhau, qua đó tạo môi trường đa chiều trong tiếp cận thông tin. Sự thay đổi trong cách truyền tải, tiếp cận, chia sẻ thông tin của truyền thông xã hội đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận, truyền thông xã hội cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức liên quan đến an ninh thông tin. Đây là vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu một cách có hệ thống nhằm cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ công tác xây dựng chính sách, pháp luật; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn thông tin trên các phương tiện truyền thông xã hội; định hướng cho người dân trong việc tiếp cận, chia sẻ thông tin trên môi trường số.
Tác động của truyền thông xã hội đến các lĩnh vực đời sống xã hội
Truyền thông xã hội (social communication) là một loại hình truyền thông được thực hiện thông qua các phương tiện truyền thông xã hội (social media). Các phương tiện truyền thông xã hội là các công cụ, ứng dụng giao tiếp đại chúng dựa vào không gian trực tuyến (online space) trên nền tảng in-tơ-nét và các công nghệ truyền thông hiện đại khác nhằm chuyển tải thông tin, kết nối mọi người ở mọi nơi có thể trao đổi với nhau một cách nhanh chóng và thuận tiện với sự chủ động của người dùng, hình thành nên các mối quan hệ xã hội, cộng đồng tương tác xã hội đa dạng, có tác động sâu rộng vào mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống cá nhân của mỗi người dùng.
Các loại phương tiện truyền thông xã hội chủ yếu gồm: mạng xã hội (social network); diễn đàn (forums); dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền in-tơ-nét (OTT); các tiểu blog (microblogging); trang chia sẻ link và tin tức xã hội (social bookmarking and social news); trang chia sẻ hình ảnh, video (social sharing),... Trong đó, mạng xã hội là phổ biến và có tác động lớn nhất trong các phương tiện truyền thông xã hội(1).
Theo số liệu thống kê của tổ chức Internet World Stats, tính đến ngày 30-6-2021, Việt Nam là quốc gia có số lượng người sử dụng in-tơ-nét cao thứ 15 trên thế giới và đứng thứ 8 trong tổng số 35 quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực châu Á(2). Tính đến tháng 1-2021, Việt Nam có 68,72 triệu người dùng in-tơ-nét, tương ứng với 70,3% dân số cả nước; 72 triệu người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, chiếm 73,7% dân số; có tới hơn 154,4 triệu thiết bị kết nối mạng dữ liệu di động, chiếm 157,9% dân số (có nghĩa là mỗi người Việt Nam có thể sử dụng nhiều thiết bị kết nối mạng dữ liệu di động để thực hiện công việc, giải trí,...). Hằng ngày, mỗi người Việt Nam dành 6 giờ 47 phút để truy cập in-tơ-nét (gần tương đương với mức bình quân của thế giới là 6 giờ 54 phút), trong đó, khoảng 2 giờ 21 phút sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, gần tương đương với mức trung bình của thế giới (2 giờ 25 phút)(3).
Tại Việt Nam, các phương tiện truyền thông xã hội có số lượng người sử dụng lần lượt từ cao đến thấp là: Youtube - Facebook - Zalo - Facebook Messenger - Instagram - Tiktok - Twitter - Skype - Pinterest - Linkedln - Viber - Whatsapp - Wechat - Line - Twitch - Snapchat(4).
Sự ra đời của truyền thông xã hội đã làm thay đổi cách thức và chủ thể truyền thông. Với các phương tiện truyền thông truyền thống, như báo in, đài phát thanh, truyền hình, phương thức truyền thông chủ yếu là một chiều, một nguồn phát tin - nhiều nguồn tiếp nhận, người nhận tin không có hoặc có rất ít cơ hội để phản hồi, truyền tin trở lại, thì trong truyền thông xã hội, các thành viên tham gia với cả hai tư cách: vừa là người nhận tin, vừa là chủ thể truyền tin. Do đó, khác với các loại hình truyền thông truyền thống, truyền thông xã hội có sự tương tác rõ rệt giữa chủ thể truyền tin và chủ thể nhận tin; người nhận tin có thể trở thành chủ thể truyền tin và ngược lại; các cá nhân, tổ chức trong xã hội đều có thể trở thành chủ thể truyền thông thông qua các mạng xã hội, các dịch vụ trực tuyến, các công cụ phản hồi báo chí, trang tin điện tử...
Dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, điện tử, các tiện ích trên in-tơ-nét, các thiết bị, phương tiện nhận và truyền thông tin cố định, di động, viễn thông, truyền thông xã hội giúp mỗi người có thể đưa và nhận thông tin ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Các phương tiện kết nối có khả năng tích hợp các chức năng, dịch vụ để thực hiện tất cả các loại hình truyền thông cá nhân, liên cá nhân, nhóm hay cả xã hội một cách thuận lợi với chi phí ngày càng thấp; tích hợp các ứng dụng thông minh, tiện ích phục vụ các nhu cầu khác của con người, như mua bán, giao dịch, đầu tư, tìm địa chỉ, học tập...
Truyền thông xã hội có đầy đủ các chức năng thông tin - liên kết xã hội; giáo dục, tư tưởng, đạo đức; giải trí; giám sát - phản biện xã hội... Sự ra đời của truyền thông xã hội đã tác động tới các lĩnh vực của đời sống xã hội, đến các đối tượng, thành phần của xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Đa số người dùng ở Việt Nam hiện nay có thái độ ứng xử tích cực trên môi trường truyền thông xã hội, sử dụng các tiện ích để cập nhật thông tin, quảng bá hình ảnh, liên lạc, làm quen, kết bạn, chia sẻ kinh nghiệm, giải trí. Truyền thông xã hội giúp thúc đẩy quá trình tự giáo dục đạo đức của mỗi người, góp phần bồi đắp giá trị, hoàn thiện nhân cách, đặc biệt là giới trẻ. Với kho tài nguyên tri thức khổng lồ, truyền thông xã hội góp phần tác động tích cực đến việc trang bị tri thức cho người dùng.
Truyền thông xã hội trở thành một kênh truyền thông quan trọng để vận động, huy động và tập hợp sức mạnh to lớn của quần chúng. Các ý kiến góp ý về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản biện về những vấn đề kinh tế - xã hội có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng tận dụng khả năng tương tác, kết nối vượt trội của truyền thông xã hội trong quảng bá thương hiệu, sản phẩm, xúc tiến thương mại và đầu tư, thông qua ý kiến phản hồi của người tiêu dùng để hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Nhiều thanh niên biết tận dụng truyền thông xã hội như một công cụ để lập thân, lập nghiệp, khẳng định mình.
Với tính năng kết nối gần như không giới hạn và số lượng người sử dụng đông đảo, truyền thông xã hội đã trở thành công cụ hữu hiệu để các cơ quan nhà nước sử dụng trong tiếp cận người dân. Đến nay, nhiều cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để tăng cường kết nối với người dân, doanh nghiệp; truyền tải các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân mọi lúc, mọi nơi. Không chỉ để tiếp nhận phản hồi, góp ý của người dân và doanh nghiệp, nhiều cơ quan nhà nước đã sử dụng truyền thông xã hội như là một công cụ để cung cấp dịch vụ công, như từ tháng 10-2015, Chính phủ đã lập hai tài khoản Facebook là “Thông tin Chính phủ” và “Diễn đàn Cạnh tranh quốc gia”; ngoài ra, Cổng thông tin điện tử Chính phủ cũng có kênh giao tiếp trên Zalo...
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, truyền thông xã hội cũng có những tác động tiêu cực và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh, trật tự xã hội. Truyền thông xã hội sử dụng môi trường mạng, mang tính “ảo”, nặc danh, khó xác định, khả năng bảo mật thông tin có giới hạn. Những người tham gia truyền thông xã hội thường ẩn danh dưới các nick, tài khoản ảo; vì vậy, những mối quan hệ phát sinh ẩn chứa nhiều rủi ro. Đồng thời, tính bảo mật thông tin của những người tham gia quá trình truyền thông xã hội phụ thuộc vào chất lượng bảo mật của ứng dụng - phần mềm được sử dụng và nhận thức của người dùng... Thông tin của người sử dụng truyền thông xã hội có thể bị các đối tượng xấu khai thác, chiếm đoạt, phục vụ ý đồ xấu. Hơn nữa, với sự tham gia của nhiều người, truyền thông xã hội là công cụ hữu hiệu để tạo ra dư luận xã hội theo các chiều hướng khác nhau. Những vấn đề nhạy cảm lan truyền trên truyền thông xã hội có thể dễ dàng tác động đến tư tưởng, tình cảm của công chúng, hướng lái dư luận xã hội. Nếu không kiểm soát được những thông tin độc hại, truyền thông xã hội có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến một nhóm, một bộ phận, thậm chí cả xã hội. Trên thực tế, một bộ phận người tham gia truyền thông xã hội, nhất là giới trẻ do thiếu kinh nghiệm, nhận thức xã hội còn hạn chế, lại bị tác động từ lượng lớn, đa chiều các thông tin xấu, độc hại, đã bị ảnh hưởng tiêu cực về tư tưởng, lối sống, có những hành vi lệch lạc, nhiều trường hợp vi phạm pháp luật.
Thời gian qua, lợi dụng tâm lý đám đông, tính tò mò của một bộ phận công chúng, một số đối tượng xấu đã sử dụng thủ đoạn thêu dệt, vu khống, bịa đặt thông tin, cắt - ghép vi-đê-ô làm hình ảnh minh họa để phao tin đồn thất thiệt, gây dư luận xã hội tiêu cực. Việc người dùng các phương tiện truyền thông xã hội có thể dễ dàng và nhanh chóng đưa ra những phát ngôn thiếu kiểm soát cũng có thể mang lại những hậu quả khôn lường. Tác động xấu từ truyền thông xã hội có thể dẫn đến những hậu quả trực tiếp, tức thì, nhưng cũng có những hậu quả lâu dài, len lỏi, tích tụ vào ứng xử, lối sống, dần dần phá vỡ những hệ giá trị văn hóa và đạo đức tốt đẹp. Những đổ vỡ về giá trị, những tổn thương về tâm lý ảnh hưởng đến đời sống mỗi cá nhân, từ đó, tác động đến ổn định chính trị, xã hội của quốc gia(5). Bên cạnh đó, có một vấn đề đáng quan tâm là, nhiều người dùng truyền thông xã hội hiện nay đang nhầm lẫn ranh giới giữa phản biện cá nhân, nói ra chính kiến, quan điểm, sự góp ý mang tính phản biện với việc đưa ra những bình luận, phát ngôn bôi nhọ, nói xấu, tạo nên sự thù nghịch. Ngoài ra, không ít người còn lầm tưởng rằng, các phương tiện truyền thông xã hội ở nước ngoài, như Facebook, Youtube,... không chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam nên họ không bị cấm hay hạn chế, không chịu trách nhiệm trong việc “tự do” đưa ra các phát ngôn, bình luận thiếu suy nghĩ(6).
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn thông tin trong truyền thông xã hội
Nền tảng pháp lý được coi là một trong những chìa khóa của sự phát triển kinh tế số, trong đó có truyền thông xã hội. Trước sự tác động hai mặt của truyền thông xã hội, nhiều nước trên thế giới đã chủ động có những biện pháp nhằm phát huy những mặt tích cực, hạn chế những tác động tiêu cực từ truyền thông xã hội, xây dựng các quy định cụ thể để tăng cường quản lý, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lợi dụng loại hình truyền thông mới này.
Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong bảo đảm an toàn thông tin trên in-tơ-nét nói chung và truyền thông xã hội nói riêng. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để ngăn chặn, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật trong việc sử dụng in-tơ-nét nói chung, truyền thông xã hội nói riêng; chủ động ngăn chặn, vô hiệu hóa việc lợi dụng truyền thông xã hội gây nguy hại đến an ninh, trật tự xã hội. Trong năm 2019, thực hiện yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, Facebook đã gỡ bỏ 207 tài khoản, trong đó có 46 tài khoản giả danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước; còn lại là các tài khoản đưa thông tin giả mạo, nói xấu, kích động chống phá Nhà nước Việt Nam; gỡ bỏ 2.444 link rao bán sản phẩm bất hợp pháp; 271 link phát ngôn gây thù hận, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân và tổ chức; gỡ bỏ 330 fanpages quảng cáo game cờ bạc, đổi thưởng. Youtube gỡ bỏ 9.501 video vi phạm, ngăn chặn truy cập từ Việt Nam vào 19/62 kênh Youtube phản động thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Nhà nước Việt Nam, chứa khoảng 5.000 video clip; tiếp tục xem xét, ngăn chặn các kênh còn lại. Trên Google Play, Google đã gỡ 108/111 game trong đó có 104 game bài và một game có tên “Lấy lại quê hương” có nội dung phản động, chống phá Nhà nước Việt Nam và các game không phép(7)...
Tuy nhiên, công tác giám sát, ngăn chặn, vô hiệu hóa các thông tin độc hại trên truyền thông xã hội còn gặp nhiều khó khăn, bất cập:
Một là, trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ, tội phạm mạng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, ứng dụng các thành tựu khoa học hiện đại để tiến hành các chiến dịch tấn công mạng, dẫn dắt dư luận trên truyền thông xã hội, khiến công tác phòng ngừa, ngăn chặn của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.
Hai là, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác bảo đảm an ninh mạng đã được xây dựng nhưng chưa hoàn thiện; vai trò và hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực an ninh mạng nói chung, truyền thông xã hội nói riêng còn bất cập.
Ba là, ý thức của một số cơ quan, đơn vị và người dùng về công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ bí mật riêng tư trên môi trường in-tơ-nét, truyền thông xã hội chưa cao, chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng; kiến thức, kỹ năng bảo đảm an ninh mạng còn hạn chế. Không ít cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa chú trọng áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
Bốn là, các hệ thống mạng thông tin ở nước ta chưa theo một tiêu chuẩn thống nhất, nhiều nơi chưa có thẩm định về an ninh mạng; nhiều cơ quan, bộ, ngành sử dụng các thiết bị mạng lõi của một số tập đoàn công nghệ vẫn tồn tại lỗ hổng bảo mật, có nguy cơ bị theo dõi, giám sát, thu thập thông tin từ xa; hầu hết linh kiện điện tử giá rẻ tại Việt Nam đều có nguồn gốc từ nước ngoài, chứa nhiều lỗ hổng bảo mật hoặc bị cài sẵn các tài khoản truy cập “cửa hậu” (backdoor), khiến Việt Nam luôn nằm trong danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng bởi các “mạng máy tính ma” lớn nhất thế giới(8).
Năm là, công tác bảo vệ an toàn thông tin, an ninh mạng chưa được đầu tư tương xứng và thỏa đáng. Sự phát triển như vũ bão về khoa học và công nghệ đã khiến cho vòng đời của sản phẩm an ninh mạng ngắn lại; yêu cầu đầu tư để theo kịp sự phát triển, không bị lạc hậu trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn là một trong những thách thức đang đặt ra. Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ vào bảo đảm an ninh mạng ở nước ta chưa theo kịp tốc độ phát triển khoa học - công nghệ của thế giới; chưa tự chủ, sản xuất được các thiết bị công nghệ thông tin, dẫn đến lệ thuộc nhiều vào các sản phẩm nước ngoài.
Sáu là, công tác đào tạo nguồn nhân lực, chuyên gia an ninh mạng chưa theo kịp yêu cầu về số lượng và chất lượng, thiếu lực lượng chuyên gia chuyên trách bảo vệ an ninh mạng; chính sách đãi ngộ còn nhiều bất cập nên chưa phát huy hết năng lực chuyên môn của đội ngũ này.
Thời gian tới, sự phát triển của những công nghệ mới mang tính đột phá về truyền dẫn in-tơ-nét sẽ có những tác động trực tiếp tới sự phát triển của truyền thông xã hội, đặt ra yêu cầu cần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn thông tin trong các hoạt động truyền thông xã hội, theo đó cần tập trung vào một số nội dung sau:
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; cần cụ thể hóa và có cách tiếp cận đúng đắn, đầy đủ về thuật ngữ “truyền thông xã hội”, vì hiện nay các quy định pháp luật mới tập trung điều chỉnh đối với các hành vi liên quan đến mạng xã hội, trong khi đó, mạng xã hội chỉ là một loại phương tiện truyền thông xã hội.
Thứ hai, xây dựng chế tài phù hợp với thông lệ quốc tế trong quản lý nhà nước đối với các phương tiện truyền thông xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ cho người dùng tại Việt Nam. Tăng cường quản lý thị trường cung cấp dịch vụ và ứng dụng trên các phương tiện truyền thông xã hội; kiên quyết thực hiện nguyên tắc các nhà mạng, cung cấp, khai thác dịch vụ mạng, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài, phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp Việt Nam, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam. Có chính sách đầu tư, hỗ trợ các phương tiện truyền thông xã hội có nền tảng công nghệ trong nước phát triển; khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức trong nước xây dựng mạng xã hội nội bộ.
Thứ ba, trước lượng thông tin khổng lồ trên truyền thông xã hội, cần tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại để phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các thông tin sai sự thật, xấu, độc có ảnh hưởng đến ổn định chính trị, xã hội; chú trọng sử dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo để xử lý, phân loại thông tin. Nâng cao năng lực phân tích, điều tra, nghiên cứu công chúng, đo lường thái độ của người sử dụng in-tơ-nét tham gia truyền thông xã hội đối với những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm.
Thứ tư, tăng cường các biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật, ý thức, trách nhiệm khi tham gia các nền tảng truyền thông xã hội của mọi công dân. Định hướng giáo dục giá trị để giới trẻ biết và tránh được các biểu hiện lệch lạc về nhận thức và hành vi sai trái trên truyền thông xã hội; trang bị cho học sinh, sinh viên kỹ năng tự bảo vệ thông tin cá nhân, cách thức chắt lọc, tiếp nhận thông tin một cách đúng đắn, phù hợp. Phát huy vai trò của các tổ chức và cá nhân, nhất là những người điều hành website, blog, fanpage, các KOL (Key Opinion Leader), influencers, giới trẻ trong xây dựng môi trường in-tơ-nét, mạng xã hội lành mạnh(9).
Thứ năm, phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông chính thống trong định hướng, dẫn dắt truyền thông xã hội đi đúng hướng, nhất là trước những sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều người; trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tạo dựng được một “thế trận” truyền thông mạnh, đủ sức lấn át các dòng thông tin độc hại trên truyền thông xã hội; bảo đảm dòng thông tin chất lượng, chính xác, kịp thời từ truyền thông chính thống là thông điệp chủ đạo, là bộ lọc tin cậy về các vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm./.
---------------
(1) Xem: Lê Hải: Phương tiện truyền thông xã hội với giới trẻ Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017
(2) Xem: https://www.internetworldstats.com/stats3.htm
(3), (4) Xem: “Digital 2021: Vietnam”, https://data-reportal.com/reports/digital-2021-vietnam
(5) Xem: Võ Văn Thưởng: “Sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm”, báo Tuổi trẻ điện tử, ngày 17-6-2019, https://tuoitre.vn/su-dung-mang-xa-hoi-co-trach-nhiem-20190616170545024.htm
(6) Xem: Bộ Thông tin và Truyền thông: “Báo cáo tổng kết năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2019”, Hà Nội, 2018
(7) Xem: Thủy Diệu: “Sẽ có biện pháp cứng rắn hơn để Facebook tuân thủ pháp luật Việt Nam”, tạp chí điện tử Vneconomy, ngày 18-12-2019, http://vneconomy.vn/se-co-bien-phap-cung-ran-hon-de-facebook-tuan-thu-phap-luat-viet-nam-20191218134833497.htm
(8) Xem: Bộ Thông tin và Truyền thông: Sách trắng về công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam 2017, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2017
(9) Xem: Võ Văn Thưởng: “Sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm”, Tlđd
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong giai đoạn hiện nay  (30/10/2021)
Hà Nội thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục  (05/10/2021)
Nghệ An thực hiện đột phá chiến lược phát triển nguồn nhân lực nhằm hiện thực hóa “Khát vọng sông Lam”  (05/10/2021)
Hà Nội áp dụng công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến  (22/09/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển