Vận dụng “Tư duy chiến lược Hồ Chí Minh” trong việc định vị sự phát triển của Việt Nam trong thế giới hiện nay
TCCS - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong ước “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Thực hiện ước nguyện này của Người, Đại hội XIII của Đảng (tháng 1-2021) đã đặt ra ba mục tiêu cụ thể đến năm 2025, năm 2030 và năm 2045. Để đạt được các mục tiêu này, trước hết cần định vị - xác định đúng vị thế hiện tại của đất nước theo ba khía cạnh chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại và văn hóa - xã hội trong thời đại ngày nay để từ đó tìm được cơ chế và biện pháp “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại;... phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”(1).
Về chính trị - ngoại giao
Hiện nay, các quốc gia vẫn là những chủ thể chính trên trường quốc tế và các nước lớn vẫn có ảnh hưởng rất lớn tới an ninh và phát triển của thế giới. Vị thế chính trị - ngoại giao của một quốc gia được xác định qua “thương hiệu quốc gia”: siêu cường, cường quốc thế giới, cường quốc khu vực, quốc gia tầm trung, quốc gia vừa và nhỏ... Sức mạnh tổng hợp và toàn diện của quốc gia quy định vị thế chính trị - ngoại giao của quốc gia, trong đó sức mạnh kinh tế vô cùng quan trọng nhưng chưa phải là tất cả. Chẳng hạn, Nhật Bản đã từng là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và bây giờ là thứ ba, nhưng vẫn chưa phải là cường quốc thế giới vì chưa là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và chưa có sức mạnh quân sự ngang tầm. Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Z. Brê-din-xki đã sử dụng cách tiếp cận “bàn cờ lớn” để phân tích vị trí, ảnh hưởng và “cách chơi” của các nước lớn trên thế giới. Đối với Việt Nam, “Tư duy chiến lược Hồ Chí Minh” - hệ thống các tư tưởng và quan điểm, kế sách và biện pháp về thế giới và quan hệ quốc tế, chiến lược và sách lược cách mạng Việt Nam, là kim chỉ nam để định vị đất nước trên trường quốc tế.
Một là, mỗi quốc gia là một thành tố của hệ thống thế giới luôn thay đổi khó lường và chịu sự chi phối của các quy luật khách quan, do đó để định vị Việt Nam về chính trị - ngoại giao, trước hết phải “nhận rõ thấy luật thiên hạ tiến hóa” và “đường chính đạo”(2).
Ngay từ năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy: “Xét về nguyên tắc, tiến bộ chung phụ thuộc vào việc phát triển chủ nghĩa quốc tế; và văn minh chỉ có lợi khi các quan hệ quốc tế được mở rộng và tăng cường”(3). Tháng 12-1946, trong khi phải tập trung trí tuệ để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược không thể tránh được và rất cần kíp, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tranh thủ viết bài: “Bắc Cực: Một địa điểm quan trọng cho chiến lược quân sự sau này”. Ngoài đánh giá về vai trò quyết định của khoa học đối với sự phát triển của thế giới và cạnh tranh chiến lược ở khu vực Bắc Cực, bài viết còn có một dự báo về thế giới tương lai: “Khoa học càng phát triển, xe cộ, tàu bò càng tinh xảo, đường giao thông càng tiện lợi. Hàng ngàn trùng dương rút gần như gang tấc. Núi cao rừng rậm không còn là hiểm trở. Không trung rộng lớn bao la cũng coi là bé nhỏ. Hàn đới, băng tuyết quanh năm cũng chẳng phải là nơi người không thể để chân đến được. Rồi đây, bốn bể một nhà”(4). Ý tưởng “Rồi đây bốn bể một nhà” đã được thể hiện trong các quan niệm khoa học về “toàn cầu hóa” và “làng toàn cầu” vào cuối thế kỷ XX. Tư tưởng của Người về “Trăm đều phải có thần linh pháp quyền” bao gồm cả pháp quyền trong nước và pháp quyền quốc tế vẫn là mệnh lệnh của thời đại.
Như vậy, trước hết cần phải hướng việc xác định vị thế chính trị - ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế theo dòng chủ lưu phát triển của thế giới vì “tư tưởng nhất định phải hợp với quy luật khách quan. Không hợp thì trong lúc thực hành sẽ bị thất bại”(5). Hiện nay, đó là chủ nghĩa quốc tế chân chính và thời đại trí tuệ nhân tạo (AI), cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0) và kinh tế số; toàn cầu hóa số cùng xu thế pháp quyền, hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững... Ứng phó với đại dịch COVID-19 cũng là một mệnh lệnh về chủ nghĩa quốc tế vì về một phương diện, nó đã đặt ra vấn đề “tồn tại hay không tồn tại” (to be or not to be) cho toàn nhân loại do tới đây khó có thể lường hết được những dịch bệnh nguy hiểm.
Hai là, từ tiếp cận quan hệ quốc tế trong bài “Học đánh cờ” của Người, cần xác định đúng vị thế hiện nay của Việt Nam trên bàn cờ quan hệ quốc tế: “Nghìn quân muôn ngựa cùng rong ruổi”(6), và mục tiêu cần vươn tới trong tương lai sao cho: “Trên trường quốc tế, làm thế nào cho nước mình không bị cô lập mà vẫn giữ được địa vị ưu thắng”(7).
Kiên trì chủ nghĩa quốc tế chân chính, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 nước, trong đó có khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước gồm tất cả các nước lớn, là thành viên của Liên hợp quốc (năm 1977). Việt Nam đã hai lần được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2021, lần đầu tiên Việt Nam đưa ra dự thảo Nghị quyết thành lập Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh là ngày 27-12-2020, được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua với sự ủng hộ cao. Trong bối cảnh vô cùng khó khăn, phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Việt Nam đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020 với chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”.
Trong quan hệ với các nước lớn, mặc dù Việt Nam đã xác lập được khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Anh và Pháp... quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ, nhưng cấu trúc quan hệ với các nước lớn chưa bền vững, sức mạnh khoa học - công nghệ và kinh tế vẫn còn hạn chế... Do đó, theo khía cạnh chính trị - ngoại giao trên bàn cờ quan hệ quốc tế, Việt Nam mới là một quốc gia có uy tín và tiềm năng, còn để trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, có sức mạnh khoa học - công nghệ, kinh tế và chính trị - ngoại giao tương xứng vẫn là mục tiêu phải phấn đấu với hành trình dài phía trước (năm 2045).
Ba là, sách lược và biện pháp để đạt vị thế chính trị - ngoại giao trong tương lai phải linh hoạt theo nguyên tắc “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Đất nước Việt Nam hình cong chữ S nằm trọn trên bán đảo Đông Dương ở khu vực Đông Nam Á, phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây và Tây Nam giáp Lào và Cam-pu-chia, phía Đông và Đông Nam là Biển Đông. Vị trí địa lý này luôn đặt ra cho Việt Nam những thách thức rất lớn trong việc giữ nước. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt, do vị trí địa - chính trị quan trọng và truyền thống độc lập tự chủ đã được khẳng định, giá trị chiến lược của Việt Nam trên “bàn cờ lớn” gia tăng, đồng thời cũng có những rủi ro lớn do sức mạnh tổng hợp quốc gia luôn có giới hạn so với đối phương. Để hóa giải thách thức này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra kế sách tạo “thế thắng lực”: “Quả cân chỉ một kilôgam, ở vào thế lợi thì lực của nó tăng lên nhiều, có sức mạnh làm bổng được một vật nặng hàng trăm kilôgam. Đó là thế thắng lực”(8).
Nhưng muốn tạo dựng được “thế lợi” cho đất nước, cần phải dự đoán và biết cách chớp thời cơ: “Lạc nước, hai xe cũng thành vô dụng,/Gặp thời, một tốt có thể thành công”(9). Trong quan hệ quốc tế, thời cơ và thách thức luôn đan xen và có vượt được thách thức mới tận dụng được thời cơ. Ngay từ năm 1941, khi thuyết châu Âu là trung tâm vẫn đang ngự trị, trong bài “Đông Dương và Thái Bình Dương”, Nguyễn Ái Quốc đã dự báo xu hướng chuyển dịch trung tâm chính trị thế giới về Thái Bình Dương và yêu cầu chuẩn bị lực lượng để đón thời cơ cách mạng ở Đông Dương(10).
Về vai trò của các nước lớn ở châu Á, ngoài Trung Quốc và Nhật Bản, Người rất chú ý tới Ấn Độ và thường nhấn mạnh: “Ấn Độ là một nước lớn”. Thực tế hiện nay cho thấy, Ấn Độ đã trở thành một cường quốc khu vực, có vị trí và tầm ảnh hưởng ngày càng quan trọng ở châu Á. Dự báo đến năm 2030, ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương sẽ có bốn nền kinh tế hàng đầu thế giới: Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và khu vực này sẽ trở thành trung tâm địa - chính trị toàn cầu trong thế kỷ XXI. Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn và cũng có những cơ hội thuận lợi. Kiên trì phương châm: “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”(11), tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ, quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện với Liên minh châu Âu (EU), đồng thời, thực hiện kế sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng cấu trúc quan hệ hợp tác bền vững với Ấn Độ ở khu vực Nam Á, Lào và Cam-pu-chia ở bán đảo Đông Dương và quốc đảo In-đô-nê-xi-a, sẽ tối đa hóa được sức mạnh đoàn kết quốc tế và “thế lợi” của Việt Nam trên thế giới, củng cố và gia tăng sự bền vững của cấu trúc cài thế đan xen, ràng buộc lợi ích lẫn nhau trong quan hệ của Việt Nam với các trung tâm quyền lực trên bàn cờ quốc tế. Riêng đối với Đông Nam Á, cần thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Người: “phải nghiên cứu TẤT CẢ một cách chính xác, và phải tạo ra cái gì đó nếu chưa có gì”(12). Tình thế mới ở khu vực đòi hỏi những sáng kiến ngoại giao mới. Nền ngoại giao Hồ Chí Minh đã được thử thách trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, đang được tiếp tục xây dựng theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó ngoại giao quốc phòng và ngoại giao an ninh đóng vai trò rất quan trọng đối với việc giữ nước từ sớm, từ xa. Theo Người, “dùng binh giỏi nhất, là đánh bằng mưu. Thứ hai là đánh bằng ngoại giao. Thứ ba mới là đánh bằng binh...”(13). Còn chính sách ngoại giao phải “rất mềm mỏng, có thể lợi dụng hoặc trung lập được quân thù trong một lúc nào, dù chỉ trong chốc lát, cũng không bỏ qua”(14).
Về kinh tế - thương mại
Sức mạnh kinh tế là nền tảng của sức mạnh tổng hợp quốc gia. Vị trí địa lý và tài nguyên của mỗi quốc gia đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, nhưng “địa lý chỉ cung cấp bối cảnh cho những sự lựa chọn của con người”(15). Ở châu Á, Nhật Bản nghèo về tài nguyên và thiếu đất đai trồng trọt, nhưng ngay từ năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy Chính phủ Nhật Bản “khôn khéo..., có các phương tiện rất đầy đủ, được trang bị tốt để tiến hành đấu tranh kinh tế” và Người đã nêu ra một chủ trương xuyên thế kỷ là Việt Nam cần phải tranh thủ sự ủng hộ quốc tế để “tự chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh gay go... đối với... nước ngoài”(16). Theo khía cạnh kinh tế - thương mại, có thể định vị Việt Nam trên trường quốc tế hiện nay:
Thứ nhất, định vị cấu trúc kinh tế - thương mại của Việt Nam trong so sánh với các nước phát triển phương Tây. Từ năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy ở nhiều nước châu Á “về mặt cấu trúc kinh tế, không giống các xã hội phương Tây thời Trung cổ, cũng như thời cận đại...”(17).
Sau 35 năm đổi mới, cơ cấu kinh tế của Việt Nam đã có những thay đổi tích cực. Bên cạnh những thành tựu kinh tế đã đạt được, Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ: “cơ cấu lại nền kinh tế... còn chậm, chưa tạo được chuyển biến căn bản về mô hình tăng trưởng; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao”(18). Năng suất lao động là tiêu chí cuối cùng để đánh giá hiệu quả của cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng, nhưng so với các nước ASEAN hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn từ hai lần so với Phi-líp-pin, 14 lần so với Xin-ga-po(19) và thấp hơn rất nhiều so với các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Năng suất lao động thấp tác động trực tiếp tới cơ cấu thương mại. Hiện nay, tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giá trị gia tăng còn thấp. Các chuỗi giá trị hàng nông sản của Việt Nam có quy mô nhỏ và vị thế thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nhìn chung, hàng hóa xuất khẩu chỉ chủ yếu mới khai thác được lợi thế tài nguyên, thâm dụng nhân công giá rẻ và vốn, chưa chủ động tạo ra được lợi thế cạnh tranh(20). Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do công nghiệp vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, tỷ lệ nội địa hóa thấp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả còn hạn chế; chất lượng nhiều dịch vụ còn thấp. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài công nghệ trung bình, gia công, lắp ráp, thiếu gắn kết, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển(21).
Thứ hai, để tạo ra năng suất lao động cao, cần phải định hướng ưu tiên hợp tác phát triển với các nền kinh tế lớn, như Mỹ, Nhật Bản, Đức và Trung Quốc... Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “nhân dân Mỹ là một dân tộc tài năng, đã có nhiều cống hiến cho khoa học”(22). Hiện nay và đến năm 2050, Mỹ sẽ vẫn là cường quốc khoa học - công nghệ cao hàng đầu thế giới, do đó việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ là hoàn toàn phù hợp với lợi ích phát triển lâu dài của Việt Nam.
Thứ ba, từ kế sách tạo “thế lợi” nêu trên, có thể vận dụng tiếp cận hệ thống - cấu trúc để lựa chọn cấu trúc tối ưu (khi kết nối “hai viên pin” có điện thế chẳng hạn là 5v; nếu kết nối theo cấu trúc song song, điện thế tổng chỉ là: (5+5) : 2 = 5 (v); nhưng nếu kết nối theo cấu trúc nối tiếp, điện thế tổng tăng gấp hai lần: 5+5 = 10 (v)) để tìm cấu trúc kết nối hệ thống tối ưu nhằm đạt kết quả lớn nhất trong quan hệ kinh tế của Việt Nam với hơn 220 thị trường nước ngoài và cả trong các mối quan hệ hợp tác đa phương, như hợp tác Việt Nam - Nhật Bản - Ấn Độ trong dự án “Hành lang kinh tế Đông - Tây” và các khuôn khổ hợp tác Mê Công với các đối tác...
Thứ tư, Việt Nam đã tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào năm 1998 và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2006. Đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 FTA khu vực và song phương, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) và hai FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam - EU (EVFTA); đang đàm phán ba FTA với các đối tác. Trong thế giới phát triển kinh tế số và toàn cầu hóa số, để nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, Việt Nam cần tạo đột phá trong xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức, kỹ năng nghề và kỹ năng hội nhập, còn các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh đổi mới mô hình quản lý và quản trị theo hướng có thể phản ứng nhanh và hiệu quả trước những biến đổi khó lường trên thế giới.
Về văn hóa - xã hội
Con người là chủ thể sáng tạo tiến bộ khoa học - công nghệ và quản trị quốc gia, chủ thể của các thành phần kinh tế, lực lượng sản xuất, lực lượng quốc phòng và an ninh nhân dân... Đồng thời, mỗi cá nhân lại thuộc các giai tầng - xã hội, như trí thức, văn nghệ sỹ, công nhân, nông dân, lãnh đạo, quản lý và công chức... có nghề nghiệp, lợi ích, văn hóa và lối sống khác nhau, trong đó “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, còn văn hóa là cốt lõi của lối sống. Truyền thống đoàn kết dân tộc và “thương người như thể thương thân” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở lúc sinh thời đã trở thành điểm tựa cho chính sách và hành động của Đảng, Chính phủ, lực lượng y tế, quân đội, công an và người dân trong đối phó với dịch bệnh COVID-19 hết sức nhân văn và hiệu quả, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Vì vậy, với khía cạnh văn hóa - xã hội, có thể định vị Việt Nam trên trường quốc tế theo hướng sau:
Một là, đánh giá đúng thực trạng văn hóa - xã hội của đất nước và mục tiêu cần phấn đấu trong thời đại trí tuệ nhân tạo, trong đó trước hết cần chú trọng tới trình độ khoa học - công nghệ vì theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, khoa học là động lực phát triển chính của thế giới và “Cách mạng chủ nghĩa xã hội gắn liền với sự phát triển khoa học và kỹ thuật, với sự phát triển vǎn hóa của nhân dân”(23).
Sau 35 năm đổi mới, trình độ khoa học - công nghệ của đất nước đã được nâng cao, nhưng với năng suất lao động xã hội như đã nêu trên cùng những tồn tại khác. Phát biểu của Người tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam vào ngày 18-5-1963 vẫn giữ nguyên ý nghĩa chỉ đạo cấp thiết: “Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp kém. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều. Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó”(24).
Hai là, để đạt được trình độ văn hóa - xã hội theo mức “nước phát triển” vào năm 2045, cần tạo bước phát triển nhảy vọt trong chính sách thu hút, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, và sử dụng hiệu quả những người tài đức của đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi “trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc” và ngay từ tháng 11-1945 đã khẳng định: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”(25). Để đào tạo nhân tài, trong bức thư gửi Ngoại trưởng Mỹ Giêm Biếc-nơ (ngày 1-11-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ nguyện vọng được gửi một phái đoàn khoảng 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ để thiết lập mối quan hệ văn hóa hữu nghị với thanh niên, nhưng chủ yếu là để “xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”(26). Hiện nay, riêng ở Mỹ, Việt Nam đã có gần 30.000 và ở các nước khác cũng có hàng chục nghìn sinh viên, thực tập sinh và nghiên cứu sinh học tập. Ngoài ra còn hàng trăm nhà khoa học, kỹ sư người Việt Nam đang làm việc ở các trường đại học và viện nghiên cứu danh tiếng trên thế giới. Đó là nguồn lực vô cùng quý báu có thể giúp đất nước phát triển và hội nhập quốc tế trong bối cảnh thế giới toàn cầu hóa số.
Ở trong nước, ngày 20-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Thông lệnh tìm người tài đức” trong đó nhấn mạnh: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”(27). Trong “Thư gửi các học sinh” nhân ngày khai trường 5-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tầm quan trọng của sự học tập của học sinh đối với vận mệnh tương lai của đất nước và yêu cầu xây dựng một nền giáo dục “đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam,... làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”(28).
“Thông lệnh tìm người tài đức” và “Thư gửi các học sinh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là “những việc cần làm ngay” trong quá trình quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhằm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng được những người Việt Nam tài đức cả ở trong nước và nước ngoài đặng chung sức với toàn dân thực hiện thành công khát vọng dân tộc thịnh vượng và hạnh phúc vào năm 2045.
Ba là, từ kế sách tạo “thế lợi”, có thể nghiên cứu vận dụng “quy tắc tối ưu hình bình hành lực lợi ích” để hoạch định chính sách, đặt véc-tơ lợi ích của các thành phần kinh tế và của các giai tầng xã hội với mức độ tối ưu cùng phương và cùng chiều với véc-tơ lợi ích quốc gia - dân tộc nhằm tạo hợp lực lợi ích phát triển chung lớn nhất, làm cơ sở vững chắc, lâu bền cho xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân - sức mạnh bách chiến, bách thắng của dân tộc Việt Nam trong mọi tình thế và hoàn cảnh quốc tế.
“Sức mạnh mềm” của dân tộc còn được nhân lên do nhân dân Việt Nam “được giáo dục theo tinh thần quốc tế chân chính”(29), có tinh thần hòa bình hữu nghị và hào khí Đông A: “vĩnh viễn không xâm lược nước khác” nhưng cũng “vĩnh viễn không để cho bất cứ kẻ nào xâm lược nước mình”(30) và có truyền thống nhân văn, kiên cường: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” (Nguyễn Đình Chiểu).
Bốn là, trong các giai tầng xã hội, đội ngũ cán bộ là “then chốt của then chốt”, quyết định thành bại của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì vậy, cần “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”(31).
Yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ lãnh đạo: “Muốn thành công: thì phải biết trước mọi việc”(32), “Tầm nhìn phải rộng, suy nghĩ phải sâu”, “Tính kế đánh hay giữ không sơ hở” và “Tấn công, lui giữ đều phải thần tốc”(33) vẫn là tiêu chuẩn để lựa chọn, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược của Đảng và Nhà nước trong thời đại AI, công nghệ mới thay đổi nhanh chóng và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ còn kéo dài. Đồng thời, Người còn yêu cầu cán bộ “trước hết phải đánh thắng lòng tà là kẻ thù trong mình”, phải “chính tâm tu thân”(34) và trường kỳ gian khổ cải tạo bản thân(35). Có như vậy, cán bộ mới thực hành được dân chủ rộng rãi và bảo đảm “bao nhiêu lợi ích là của dân”. Khi được nhân dân tin tưởng thì “khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Từ cục diện thế giới và khu vực, có thể dự báo giai đoạn 2021 - 2030 là thời cơ chiến lược phát triển thuận lợi của Việt Nam. Để thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược đến năm 2025, năm 2030 và năm 2045, cần có Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Chiến lược phát triển của Việt Nam trong thời kỳ mới”. Nghị quyết này có ý nghĩa chiến lược như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, tháng 1-1959, về đường lối cách mạng Việt Nam./.
----------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, t. I, tr. 110 - 111
(2) Nguyễn Dy Niên: Tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 206
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 1, tr. 14
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 506
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 122
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 325
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 343
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 567
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 325
(10) Xem: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 263
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 256
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 273
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 562
(14) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 6, tr. 752
(15) Robert D. Kaplan: Sự minh định của địa lý, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2017, tr. 170
(16), (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 14, 509
(18) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 80
(19) Xem: Trương Văn Phước: “Một hướng nhìn về đổi mới mô hình tăng trưởng”, https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/mot-huong-nhin-ve-doi-moi-mo-hinh-tang-truong-622199/
(20) Xem: Nguyễn Thị Thu Thủy: “Giải pháp chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hướng tới tăng trưởng kinh tế”, http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/giai-phap-chuyen-dich-co-cau-hang-hoa-xuat-khau-cua-viet-nam-huong-toi-tang-truong-kinh-te-79514.htm
(21) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Sđd, t. I, tr. 80 - 81
(22) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 304
(23) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 371
(24) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 96
(25), (26), (27) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 114, 91, 504
(28) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 34
(29) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 148
(30) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 11
(31) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 96
(32), (33) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 588, 325
(34), (35) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 142, 113
"Khát vọng phát triển đất nước" - Bài học nhìn từ thế giới và lịch sử phát triển Việt Nam  (20/07/2021)
Phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội  (19/07/2021)
Biểu tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền giấy Việt Nam  (18/07/2021)
Đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững  (08/07/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên