Những chuyển đổi kinh tế của Cuba nhằm thu hút đầu tư và sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam
Đồng chí Leonardo Andollo Valdés. Ảnh: baodautu.vn |
Mới đây, nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào giữa tháng 4-2019, đồng chí Leonardo Andollo Valdés, Phó Chủ tịch Ủy ban Triển khai và Phát triển Cuba, Hội đồng Bộ trưởng, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Đại biểu Quốc hội Cuba đã có buổi trả lời phỏng vấn báo chí về một số vấn đề liên quan đến việc chuyển đổi này. Tạp chí Cộng sản điện tử trân trọng giới thiệu một số nội dung chính trong bài phỏng vấn:
Phóng viên: Gần đây nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm đến các chuyển đổi của nền kinh tế Cuba, đồng chí có thể chia sẻ về những định hướng lớn của Nhà nước Cuba nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và mở rộng hợp tác đầu tư ?
Đồng chí Leonardo Andollo Valdés: Trong tiến trình cập nhật hóa mô hình kinh tế Cuba, Đại hội VII Đảng Cộng sản Cuba đã thông qua khái niệm hóa mô hình kinh tế và các cơ sở của Kế hoạch Phát triển đất nước đến năm 2030 với các định đề thể hiện trong bản Hiến pháp mới của nước Cộng hòa, được thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân mới đây và được Quốc hội ban hành ngày 10-4 vừa qua. Trên cơ sở các văn kiện Cương lĩnh và đường lối, chính sách kinh tế và xã hội của Đảng và Nhà nước Cuba, đầu tư nước ngoài được coi là một thành tố quan trọng để đạt được mức độ đầu tư theo yêu cầu trọng tâm và lĩnh vực chiến lược trong kế hoạch phát triển. Các kế hoạch phát triển của chúng tôi có tính đến bối cảnh khu vực và quốc tế phức tạp, đặc biệt là việc tăng cường bao vây kinh tế, thương mại và tài chính của chính phủ Hoa Kỳ chống lại Cuba và các biện pháp khác của các thế lực thù địch nhằm siết chặt vòng vây kinh tế chống Cuba và đặc biệt là ý đồ bóp nghẹt các nguồn tài chính quốc tế của Cuba.
Và ngay cả trong những điều kiện bất lợi như vậy, chúng tôi tiếp tục kiên định với các kế hoạch phát triển của đất nước và chúng tôi mời gọi các doanh nghiệp Việt Nam hãy đến Cuba đầu tư trong tất cả các lĩnh vực mở cửa cho đầu tư nước ngoài, điều này sẽ rất có lợi cho cả hai nước chúng ta, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ anh em giữa hai nước. Chúng tôi đã ban hành danh mục các dự án thu hút đầu tư nước ngoài vào Cuba, các doanh nghiệp có thể tra cứu tại các cổng thông tin điện tử của các tổ chức Cuba như ProCuba, Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài và của Bộ Ngoại giao Cuba (http://www.procuba.cu/en/invertir/oportunidadesneg). Chúng tôi cũng có khuôn khổ pháp lý mới cho đầu tư nước ngoài với Luật Đầu tư nước ngoài số 118 ban hành năm 2014 và Luật số 313 ban hành năm 2013 về Đặc khu Phát triển Mariel và chúng tôi tiếp tục có các biện pháp khác nhằm tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.
Phóng viên: Thưa đồng chí, những lĩnh vực nào hiện nay Cuba đang ưu tiên hợp tác đầu tư và lĩnh vực nào có triển vọng đầu tư đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là đối với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng như các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của SCIC?
Đồng chí Leonardo Andollo Valdés: Cuba hiện đã và đang mở cửa thu hút đầu tư trong các lĩnh vực xây dựng, năng lượng điện, sản xuất chế biến thực phẩm, du lịch, khai thác dầu khí, viễn thông, công nghệ thông tin, dịch vụ logistic, xây dựng và khai thác cơ sở hạ tầng, công nghiệp dược và công nghệ sinh học, công nghiệp chế biến đường và phụ phẩm từ cây mía, lĩnh vực công nghiệp, mỏ và hoạt động bảo hiểm. Tôi cho rằng trong phần lớn các lĩnh vực nêu trên, các doanh nghiệp nhà nước cũng như tư nhân của Việt Nam có tiềm năng đầu tư, tất nhiên là bao gồm cả những doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của SCIC.
Phóng viên: Trên cơ sở nội dung của chuyến thăm, đồng chí đánh giá như thế nào về mô hình hoạt động của SCIC và những kinh nghiệm nào theo đồng chí là có thể hữu ích đối với Cuba?
Đồng chí Leonardo Andollo Valdés: Những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong phát triển kinh tế là sự thật hiển nhiên và chúng tôi xin chúc mừng các bạn. Trong quá trình hoàn thiện các hoạt động và nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước, Việt Nam đã tiến hành quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp này một cách từ từ với kết quả tốt theo các số liệu đã được thống kê. Cuba hiện nay đang trong giai đoạn đầu của quá trình hoàn thiện hệ thống các doanh nghiệp, và tiếp tục được điều chỉnh để các doanh nghiệp có quyền tự chủ nhiều hơn. Nhưng chúng tôi cũng rất quan tâm tìm hiểu kinh nghiệm của SCIC, vì một trong những mục đích của quá trình này hiện nay ở Cuba là tách bạch chức năng quản lý nhà nước và hoạt động của doanh nghiệp. Con đường mà Việt Nam đã đi qua đã đạt được nhiều kết quả và mô hình quản lý của SCIC cũng gặt hái được nhiều thành công theo hướng này.
Mặt khác, qua mô hình quản lý doanh nghiệp của SCIC và các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của SCIC, chúng tôi thấy rất hay bởi mức độ tự chủ cao trong hoạt động của doanh nghiệp và cách thức ra quyết định. Chúng tôi đánh giá cao vai trò của SCIC trong công tác đầu tư kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp và mong muốn học hỏi những kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn của SCIC.
SCIC đã thực hiện nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa; tiến hành tái cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao năng lực và hiệu quả vốn nhà nước thông qua vai trò cổ đông nhà nước tại các doanh nghiệp; cổ phần hóa thành công các công ty TNHH một thành viên nhận bàn giao từ các bộ, ngành, địa phương. Việc quản trị doanh nghiệp, tái cơ cấu doanh nghiệp của SCIC được thực hiện chuyên nghiệp, bộ máy gọn nhẹ, tính chuyên môn cao; kết hợp hệ thống người đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được giám sát chặt chẽ... là những kết quả minh chứng cho tính hiệu quả của mô hình cải cách mà Việt Nam đã triển khai. Đây chính là những bài học quý đối với chúng tôi về tính đúng đắn của việc tách quản lý hành chính ra khỏi quản lý vốn nhà nước ở doanh nghiệp.
Mới đây, SCIC đã giúp đỡ chúng tôi tổ chức buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về vai trò của cải cách doanh nghiệp nhà nước đối với sự phát triển kinh tế - xã hội có sự tham gia của nhiều diễn giả đến từ các cơ quan của Việt Nam. Chúng tôi đã được chia sẻ nhiều nội dung quan trọng về quá trình đổi mới kinh tế Việt Nam, cơ chế chỉ đạo của nhà nước và khung pháp lý điều chỉnh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, các bài học về cân đối kinh tế vĩ mô trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường gắn với công bằng xã hội, vấn đề việc làm trong quá trình chuyển đổi hệ thống doanh nghiệp, phương thức bán cổ phần cho người lao động, mô hình hoạt động của SCIC, vai trò của SCIC trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoạt động quản lý danh mục của SCIC thông qua vai trò đại diện quyền sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.
Những thông tin mà các cơ quan Việt Nam và SCIC chia sẻ tại buổi tọa đàm là kinh nghiệm quý báu giúp Cuba trong quá trình thực hiện đổi mới và chúng tôi đánh giá rất cao sự hỗ trợ này của các cơ quan Việt Nam và SCIC.
Phóng viên: Thưa đồng chí, lĩnh vực y tế và sản xuất dược phẩm tại Cuba được đánh giá rất cao, vậy các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của SCIC có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này ?
Đồng chí Leonardo Andollo Valdés: Trong lĩnh vực công nghệ sinh học và công nghiệp dược nói chung, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm thấy cơ hội hợp tác với Cuba trong quá trình phát triển các dược phẩm mới và các biệt dược thế hệ mới, nhiều sản phẩm trong số này đã sẵn sàng cho thử nghiệm lâm sàng pha II và pha III và với cam kết hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam có thể đưa ra thị trường trong một thời gian tương đối ngắn và mang lại lợi ích cho hàng triệu người.
Theo tôi thấy, lĩnh vực dịch vụ y tế cũng là cơ hội hợp tác giữa hai nước, phương thức có thể là các doanh nghiệp chuyên làm dịch vụ gửi các bệnh nhân ra nước ngoài điều trị, hoàn toàn có thể gửi bệnh nhân sang Cuba điều trị, có thể là các chuyên gia y tế Cuba tham gia quá trình mở rộng dịch vụ y tế tại Việt Nam. Hiện nay có rất nhiều tiềm năng cho việc ký kết hợp đồng gửi các bác sỹ Cuba sang làm việc tại các bệnh viện ở Việt Nam để hỗ trợ cho các nỗ lực của Việt Nam nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại đây.
Phóng viên: Thưa đồng chí, đối với các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm hợp tác đầu tư tại Cuba, đâu là những vấn đề họ cần phải lưu ý và chuẩn bị? Sau chuyến thăm này, chúng ta có thể trông đợi gì vai trò kết nối của SCIC và đoàn Cuba?
Đồng chí Leonardo Andollo Valdés: Chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của SCIC và các doanh nghiệp Việt Nam khác sẽ quyết định tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh tại Cuba. Chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu danh mục các cơ hội đầu tư nước nước ngoài tại Cuba đăng trên công thông tin điện tử của ProCuba (http://www.procuba.cu/en/invertier/oportunidadesneg) gồm hơn 300 dự án thu hút đầu tư được đăng trên cổng thông tin này, tôi tin tưởng rằng các doanh nghiệp sẽ có thể tìm thấy một vài dự án mà họ quan tâm, và sau đó liên hệ với Đại sứ quán Cuba tại Hà Nôi và Văn phòng Thương mại của Đại sứ quán để được hỗ trợ thiết lập kết nối với các đối tác.
Tôi tin tưởng chắc chắn rằng có nhiều tiềm năng to lớn và điều kiện để tăng cường đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Cuba. Và ưu điểm quan trọng nhất đó là tình cảm và tình anh em thắm thiết giữa nhân dân hai nước, và vì thế những người Việt Nam luôn được chào đón như những người anh em của Cuba và cùng nhau chúng ta sẽ tìm ra cách thức và giải pháp để triển khai thực hiện các dự án mà hai Bên cùng quan tâm.
Các nhà đầu tư tại Cuba sẽ được đảm bảo bởi khuôn khổ pháp lý an toàn và minh bạch để yên tâm đầu tư, sự ổn định chính trị, xã hội và pháp lý, vị trí địa lý thuận lợi của Cuba nằm ở trung tâm của thị trường đang được mở rộng, tình hình an ninh tốt cho người nước ngoài, các chỉ số cao về sức khỏe, giáo dục và an toàn xã hội, nhân công có trình độ chuyên môn cao và có cơ sở hạ tầng tốt. Mặt khác, chúng tôi mong muốn tiếp tục phát triển hợp tác với SCIC để trao đổi kinh nghiệm và hy vọng rằng trong tương lai gần sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm tại Việt Nam hoặc tại Cuba./.
Coi trọng dự báo các vấn đề phát sinh của thương mại thế giới  (03/06/2019)
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Thanh toán dứt điểm các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản  (03/06/2019)
Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật một số cán bộ  (03/06/2019)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 27-5 đến ngày 02-6-2019  (03/06/2019)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 27-5 đến 02-6-2019)  (03/06/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển