Hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng, hoạt động khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Quân khu 7
TCCS - Khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, khu chế xuất có đặc thù riêng vì phần lớn lao động nơi đây là những công dân từ địa phương khác nhập cư, thiếu tính ổn định nên công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội gặp rất nhiều rất khó khăn. Để xây dựng KVPT vững mạnh ở các tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Quân khu 7 rất cần đến hoạt động có sự phối hợp nhịp nhàng của các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) nhằm tạo thành sức mạnh tổng hợp.
Nghiêm túc quán triệt chủ trương của Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động có hiệu quả
Các tổ chức CT-XH là sự tập hợp đoàn kết các lực lượng quần chúng để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các tổ chức này được thành lập nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ do Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra, là “cánh tay nối dài” của Đảng, cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, lực lượng nòng cốt để phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần, xây dựng “thế trận lòng dân” trong KVPT nhằm thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, động viên các nguồn lực của xã hội cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành, quản lý của Nhà nước, các tổ chức CT-XH cùng với Đảng, Nhà nước hợp thành hệ thống chính trị nhằm tổ chức, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam thông qua các hình thức hoạt động khác nhau của mình.
Do xây dựng và hoạt động KVPT tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, khu chế xuất mang tính tổng hợp cao, có rất nhiều thành phần và lực lượng cùng tham gia, nên hoạt động đấu tranh đòi hỏi phải kết hợp nhiều nội dung, hình thức, biện pháp, trong đó có đấu tranh chính trị và hoạt động của các tổ chức CT-XH. Vì vậy, ngay từ thời bình, việc tổ chức các đoàn thể CT-XH ở địa phương tham gia hoạt động quản lý, bảo vệ địa bàn, giữ vững ổn định chính trị, duy trì hoạt động sản xuất trong các khu công nghiệp, khu chế xuất là một trong những giải pháp hết sức quan trọng. Trên cơ sở kinh nghiệm xây dựng, hoạt động KVPT tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Quân khu thời gian qua đã tập trung thực hiện xây dựng, hoạt động KVPT tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, khu chế xuất, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã phối hợp với tỉnh ủy, thành ủy các địa phương quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức CT-XH thực hiện tốt vai trò tập hợp quần chúng vào tổ chức đoàn, hội. Nhờ vậy, tỷ lệ hội viên tham gia trong các tổ chức CT-XH đạt bình quân 68,21%; trong đó đoàn viên, hội viên nòng cốt đạt 47,50%. Quân khu đã tổ chức được 8.630 lớp tuyên truyền cho 280.370 lượt đơn vị, doanh nghiệp với sự tham gia của 11.800.200 lượt người; thành lập 182 tổ chức đảng với 1.535 đảng viên trong doanh nghiệp có vốn nước ngoài; 40.136 tổ chức đoàn thanh niên; 9.231 chi hội phụ nữ trong các công ty, nhà máy, xí nghiệp, các khu nhà trọ; 9/9 tỉnh, thành phố đều xây dựng được lực lượng chính trị nòng cốt để tổ chức và hoạt động có hiệu quả. Cụ thể:
Thứ nhất, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để tăng cường củng cố lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa, vai trò quản lý điều hành của Nhà nước, nâng cao cảnh giác cách mạng, đấu tranh phòng, chống có hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, các tổ chức CT-XH đã phối hợp tốt với chính quyền ở cơ sở và ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện nghiêm chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những quy định cụ thể ở địa phương và nơi làm việc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng cho các đối tượng theo đúng quy định. Đồng thời, lựa chọn lực lượng chính trị nòng cốt trong tổ chức để bồi dưỡng, tập huấn trở thành những tuyên truyền viên tích cực trên mặt trận chính trị tư tưởng, góp phần giáo dục, nâng cao hiểu biết về pháp luật, nhận thức, trách nhiệm đối với nhiệm vụ xây dựng KVPT, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới cho các tầng lớp nhân dân. Thường xuyên tổ chức phong trào thi đua yêu nước trong các tổ chức đoàn, hội; tổ chức giới thiệu, tuyên truyền, tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua ở địa phương để đoàn viên, hội viên và mọi người dân tham gia; vận động cán bộ đoàn viên, hội viên, công nhân, viên chức và người lao động ra sức học tập, rèn luyện theo gương người tốt, việc tốt, phấn đấu trở thành đảng viên, đoàn viên, hội viên ưu tú. Qua đó, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, gắn bó chặt chẽ trong xây dựng, hoạt động KVPT, sẵn sàng tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để bảo vệ vững chắc địa bàn.
Thứ hai, nắm chắc tình hình, trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động của các tổ chức. Các tổ chức CT-XH hoạt động ở địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất với phần lớn là người lao động. Vì vậy, để làm tốt nhiệm vụ xây dựng, hoạt động KVPT, từng thành viên, hội viên phải thường xuyên giữ mối liên hệ với người lao động; nắm vững tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động của cơ sở sản xuất, điều kiện sống; làm tốt công tác phối hợp, trao đổi với chính quyền địa phương để nắm những thông tin có liên quan đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; quan tâm đến hoạt động của đoàn viên, hội viên để có dự báo chính xác về khả năng tham gia các hoạt động xã hội, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong xây dựng kế hoạch, xác định nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức các hoạt động và chủ động đề xuất sử dụng lực lượng tham gia cùng với các lực lượng chức năng trong nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Thứ ba, thực hiện nhất quán chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức CT-XH tại địa phương. Để triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các tổ chức CT-XH đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, điều hành và triển khai thực hiện kế hoạch phù hợp với định hướng phát triển của từng tổ chức ở địa phương; thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh trong KVPT; triển khai thực hiện tốt các quy định về công tác quản lý, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Nghiên cứu, quán triệt các văn bản quy định về việc xây dựng lực lượng, việc tổ chức các hoạt động trong xây dựng và hoạt động KVPT, trong các trạng thái quốc phòng; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời ban hành nghị quyết và các quyết định phù hợp, giải quyết kịp thời những phát sinh, vướng mắc liên quan đến hoạt động của đoàn viên, hội viên và tổ chức.
Thứ tư, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên tham gia xây dựng địa bàn vững mạnh về chính trị là trách nhiệm của các tổ chức CT-XH tại địa phương. Các tổ chức CT-XH trên địa bàn Quân khu đã tập trung xây dựng lực lượng chính trị nòng cốt, xây dựng tổ chức của mình vững mạnh; quan tâm đặc biệt đến địa bàn phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các trọng điểm về quốc phòng, an ninh của địa phương. Trong quá trình thực hiện, đã tập hợp được lực lượng, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các quy định cụ thể tại địa phương và nơi làm việc. Tích cực vận động gia đình, người thân gương mẫu tham gia vào các hoạt động xã hội, xây dựng tổ chức đảng, chính quyền và các cấp hội vững mạnh toàn diện. Thường xuyên thực hiện tốt các lớp bồi dưỡng, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng công tác tổ chức, xây dựng lực lượng trong các đoàn thể; tập hợp quần chúng tích cực hưởng ứng các phong trào tại địa phương; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trong KVPT. Đẩy mạnh hoạt động giao lưu giữa các tổ chức đoàn thể để tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các đoàn viên, hội viên nhằm tăng cường hiểu biết, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong các hoạt động xã hội.
Thứ năm, xử trí tốt các tình huống về quốc phòng, an ninh. Các đoàn thể CT-XH sử dụng lực lượng chính trị nòng cốt của mình hình thành các tổ để tuyên truyền, giải thích giúp cho quần chúng phân định rõ đúng sai, tham gia phân hóa, tách số quần chúng hiếu kỳ ra khỏi khu vực xảy ra bạo loạn, định hướng dư luận xã hội, đấu tranh vạch rõ những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; sẵn sàng tham gia cùng với lực lượng vũ trang ngăn chặn không cho lây lan “điểm nóng” sang các khu vực khác hoặc hỗ trợ bắt giữ, xử lý những tên cầm đầu quá khích có vũ trang, tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương... Sự kiện tháng 5-2014 và tháng 6-2018 là minh chứng, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức CT-XH đã sử dụng lực lượng chính trị nòng cốt tham gia tích cực trong công tác vận động nhân dân, giúp lực lượng chức năng phát hiện nhiều tên chủ mưu, cầm đầu, bọn quá khích, tham gia ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả nhiều tình huống phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc phát huy vai trò của các tổ chức CT-XH trong xây dựng KVPT cũng còn một số hạn chế nhất định, đó là:
1- Việc quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xây dựng và hoạt động KVPT của tổ chức CT-XH ở một số địa phương còn thiếu chiều sâu.
2- Công tác giáo dục quốc phòng, an ninh được tiến hành khá đồng bộ nhưng hiệu quả có nơi còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân còn mơ hồ mất cảnh giác, bị kẻ xấu lợi dụng, kích động, lôi kéo tham gia các hoạt động biểu tình, bạo động làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
3- Một số tổ chức CT-XH cấp cơ sở hoạt động còn kém hiệu quả, việc phối hợp tham mưu giải quyết các vấn đề xã hội còn kéo dài đã và đang tác động làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với chế độ, làm suy yếu thế trận lòng dân KVPT...
Tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành trên địa bàn Quân khu để tăng cường xây dựng, hoạt động khu vực phòng thủ
Phối hợp hoạt động của các tổ chức CT-XH trong xây dựng, hoạt động KVPT tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, khu chế xuất là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động KVPT. Vì vậy, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu luôn đề cao vai trò của tổ chức CT-XH trong củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần KVPT và thực hiện công tác quốc phòng địa phương; đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, tăng cường đối thoại để các tổ chức CT-XH tham gia phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện ở địa phương; tạo điều kiện để thành viên trong các tổ chức CT-XH được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh, diễn tập KVPT và nâng cao nhận thức về quan điểm, đường lối chính trị, quân sự, quốc phòng của Đảng; vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh ở địa phương. Từ kinh nghiệm xây dựng, hoạt động KVPT tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, khu chế xuất, để các tổ chức CT-XH hoạt động tốt, trong thời gian tới Quân khu 7 sẽ phối hợp với các tỉnh, thành trên địa bàn triển khai thực hiện tốt một số biện pháp cụ thể sau:
Một là, thường xuyên quán triệt đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và của cấp ủy, chính quyền địa phương về xây dựng, hoạt động của các tổ chức CT-XH trong xây dựng, hoạt động KVPT. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức để tích cực, chủ động trong công tác phối hợp khi thực hiện nhiệm vụ; định hướng và xác định rõ trách nhiệm đối với các hoạt động tại địa phương, sẵn sàng tham gia, nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Hai là, thông qua hoạt động thực tiễn để nghiên cứu cách thức tổ chức và sử dụng lực lượng, biện pháp triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nhiệm vụ xây dựng, hoạt động KVPT để xác định rõ nhiệm vụ của từng tổ chức trong các trạng thái quốc phòng ở địa phương; nghiên cứu nội dung, biện pháp cụ thể để thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa bàn; tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành các quyết định phù hợp với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của tổ chức.
Ba là, công tác phối hợp giữa các tổ chức CT-XH đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, tạo được sự đồng thuận, gắn bó mật thiết giữa các tổ chức, các lực lượng. Quán triệt và thực hiện tốt quy chế phối hợp hoạt động giữa các tổ chức từ Trung ương đến các địa phương; quy chế phối hợp trong thực hiện từng nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn để thực hiện thống nhất khi có tình huống. Hằng năm, tiến hành sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện để kịp thời điều chỉnh, bổ sung quy chế hoạt động cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, làm tốt công tác thi đua, khen thưởng để động viên, khích lệ kịp thời những cá nhân, tổ chức có thành tích trong thực hiện từng nhiệm vụ.
Với vị trí trong xã hội ngày càng cao, các tổ chức, các đoàn thể CT-XH đang có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội ở nước ta. Nhiệm vụ xây dựng các tổ chức này hoạt động đúng chức năng là rất quan trọng trong xây dựng và hoạt động KVPT. Để phát huy tốt vai trò của các tổ chức CT-XH đòi hỏi các tổ chức cơ sở đảng, hệ thống chính quyền và lực lượng vũ trang các cấp phải nắm vững đặc điểm, đặc thù hoạt động của từng tổ chức, có chương trình, nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động sát hợp với thực tế từng địa bàn. Trong phối hợp xử lý tình huống phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành chặt chẽ, phải tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong các tầng lớp nhân dân. Đây là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, là mục tiêu cần đạt được trong xây dựng, hoạt động KVPT./.
Tỉnh Long An quyết tâm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị để phát triển bền vững  (31/05/2019)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến ký kết hợp tác về xây dựng Chính phủ điện tử; tiếp Tỉnh trưởng Vân Nam (Trung Quốc)  (30/05/2019)
Quốc hội thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, đi thẳng vào những vấn đề "nóng" được dư luận quan tâm  (30/05/2019)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 20 đến 26-5-2019)  (30/05/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển