Nâng cao hiệu quả sử dụng phương tiện truyền thông mới - “sức mạnh mềm” góp phần thúc đẩy văn hóa đối ngoại
TCCSĐT - Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, các phương tiện truyền thông mới có vai trò ngày càng to lớn đối với xã hội hiện đại, vừa thể hiện sự phát triển của dân trí, khoa học - công nghệ,… vừa là phương tiện triển khai, thúc đẩy, góp phần nâng cao tiềm lực văn hóa, trong đó có văn hóa đối ngoại.
Phương tiện truyền thông mới và “sức mạnh mềm” của quốc gia
Theo học giả Hoa Kỳ, J. Nai-ơ (J. Nye), sức mạnh tổng hợp của một quốc gia gồm có “sức mạnh cứng” (gồm sức mạnh quân sự, kinh tế, khoa học công nghệ, hạ tầng kỹ thuật, tài nguyên…) và “sức mạnh mềm” (gồm sức mạnh của văn hóa, thương hiệu quốc gia, thể chế xã hội và các chính sách đối nội, đối ngoại của quốc gia đó). “Sức mạnh cứng” chi phối, tác động các quốc gia khác bằng quân đội, quân sự, kinh tế, khoa học - công nghệ, tài nguyên…; còn “sức mạnh mềm” là khả năng lôi cuốn, thu phục, cảm hóa người khác bằng sức hấp dẫn của các giá trị về văn hóa, về thể chế, chính sách được thực thi hiệu quả ở nước mình, uy tín thương hiệu quốc gia; thông qua đó nhận được cảm tình, sự nể phục, trân trọng và hợp tác bền vững, lâu dài của các quốc gia khác. Ba thành tố nguồn gốc của “sức mạnh mềm” là văn hóa, thể chế chính trị và chính sách ngoại giao của quốc gia. Ngoài ra, “sức mạnh mềm” còn được tạo lập, nhân rộng bởi nhiều yếu tố khác, như sự phát triển của truyền thông hiện đại, của khoa học - công nghệ, trong đó có sự phát triển các phương tiện truyền thông mới.
Ngày nay, “sức mạnh mềm” đang là một trụ cột quan trọng, có thể góp phần nâng cao sức cạnh tranh quốc gia và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của một quốc gia cả trong khu vực và quốc tế… Vì thế, từ các cường quốc đến các nước nhỏ, các nước đang phát triển đều quan tâm, nghiên cứu tìm biện pháp để tăng cường, phát huy “sức mạnh mềm” của mình.
Hiện nay, “phương tiện truyền thông mới” đang là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên “sức mạnh mềm” của mỗi quốc gia. Thuật ngữ “phương tiện truyền thông mới” được đề cập từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX và ngày càng thông dụng. Tuy nhiên, cho đến nay quan niệm về phương tiện truyền thông mới vẫn là quan niệm mở. Một số học giả cho rằng, phương tiện truyền thông mới là phương tiện truyền thông hội tụ, là sự kết hợp của 3 yếu tố chính: công nghệ điện toán, mạng truyền thông và nội dung thông tin. Các học giả khác lại coi phương tiện truyền thông mới là nội dung tích hợp đa dạng các dữ liệu: chữ viết, âm thanh, hình ảnh tĩnh/động..., được lưu trữ trong các định dạng kỹ thuật số, được phân phối thông qua các mạng lưới, như cáp quang, vệ tinh, hệ thống truyền tải siêu thanh...
Có thể thấy, các hình thức truyền thông không chỉ trở thành phương tiện chính để cung cấp thông tin và kiến thức mà còn tạo ra các khuôn khổ thiết yếu để lưu trữ, tăng cường đối thoại và giao lưu giữa các nền văn hóa. Phương tiện truyền thông mới ngày càng dễ tiếp cận vượt qua giới hạn về không gian, thời gian, góp phần làm đa dạng các kênh giao tiếp của công chúng, cung cấp các loại thông tin và giải trí hấp dẫn, thu hút nhiều đối tượng, nhất là giới trẻ trên thế giới với các trang và công cụ, như blog, website, fanpage, e-mail, skype, facebook… có khả năng chia sẻ thông tin thuận tiện, nhanh chóng. Truyền thông mới cũng giúp các chính sách của nhà nước được đến gần và nhanh hơn với nhân dân, giảm thiểu chi phí truyền phát, quảng bá. Truyền thông mới cũng có ý nghĩa đối với nhiều cơ quan công quyền và khu vực tư bên cạnh báo chí và phương tiện truyền thông khác.
Truyền thông mới nên nằm trong mối quan hệ chặt chẽ với các ý tưởng mới về chi phí cũng như cấu trúc của truyền thông bao gồm những tài khoản mã hóa, tài khoản bảo mật, tìm kiếm dữ liệu, nâng cấp cơ sở vật chất, thư tín, phân vùng địa lý, giao thông, điện thoại gọi tự động… Vì đông đảo “cư dân số” chủ yếu là lớp trẻ có học vấn, giỏi công nghệ, cũng chính là những người sử dụng và quan tâm chính nên nhà nước cần chú ý cân bằng các nguồn lực để bảo đảm khả năng tiếp cận công bằng cho mọi công dân.
Phương tiện truyền thông mới bản thân cũng là thước đo thể hiện “sức mạnh mềm” quốc gia bởi sự đầu tư khoa học - công nghệ cao, kinh tế dịch vụ mang tính tri thức cao, góp phần thể hiện thương hiệu quốc gia, trình độ học thức công dân quốc gia mình. Phương tiện truyền thông mới là công cụ hữu hiệu, góp phần truyền đạt, chia sẻ, trau dồi kiến thức mọi mặt, trong đó có văn hóa nói chung và văn hóa đối ngoại nói riêng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Phát triển phương tiện truyền thông mới góp phần thúc đẩy văn hóa đối ngoại
Đảng và Nhà nước ta xác định, để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đòi hỏi phải chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, làm giàu thêm văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh Việt Nam, mở rộng ảnh hưởng, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia. Do đó, công tác văn hóa đối ngoại là một bộ phận quan trọng đặc biệt của nền văn hóa quốc gia, thể hiện sức mạnh nội sinh của dân tộc, có vai trò tích cực trong việc nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, con người và văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc hội nhập quốc tế của đất nước cũng như bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
Văn hóa đối ngoại được thực hiện bởi mọi tầng lớp nhân dân, Nhà nước đóng vai trò chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ về cơ chế, chính sách, trong đó có các chính sách liên quan tới các phương tiện truyền thông mới; nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, khi trên lĩnh vực văn hóa, quá trình “toàn cầu hóa” diễn ra sôi động với sự hỗ trợ đắc lực của các phương tiện truyền thông, sự bùng nổ của thông tin, sự phát triển của khoa học - công nghệ gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh đó, hiện nay, “sức mạnh mềm”, “quyền lực mềm” đang là nhân tố cơ bản để nâng cao sức cạnh tranh quốc gia cũng như để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của một nước trong khu vực và trên thế giới. Cũng vì vậy, việc gia tăng “sức mạnh mềm” (thể hiện ở sức hấp dẫn, lan tỏa từ các giá trị văn hóa của quốc gia) được nhiều nước coi là trọng điểm trong chiến lược phát triển quốc gia và các phương tiện truyền thông mới đang là một trong những nhân tố quan trọng góp phần thực hiện thành công chiến lược đó. Vì thế, cần những giải pháp đồng bộ, căn cơ để nâng cao hiệu quả sử dụng các phương tiện truyền thông mới với tư cách là một trong những nhân tố tạo nên “sức mạnh mềm”, góp phần phát triển văn hóa đối ngoại của nước nhà, cụ thể là:
Thứ nhất, tích cực chủ động xây dựng kết cấu hạ tầng khoa học - công nghệ cho phương tiện truyền thông mới nói riêng và công nghệ truyền thông hiện đại nói chung.
Bản thân phương tiện truyền thông mới là thành tố góp phần tạo nên thương hiệu, lợi thế và “sức mạnh mềm” quốc gia; các nước đi sau như Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm các nước thành công đi trước để xây dựng kết cấu hạ tầng khoa học - công nghệ cho phương tiện truyền thông mới. Cần có chính sách đúng nhằm động viên, khuyến khích các nhà đầu tư công nghệ mới dành những khoản tài chính nhất định cho đầu tư phương tiện truyền thông mới và nhân rộng các mô hình đúng đắn, có khả năng tiến xa ra thị trường nước ngoài. Đó cũng là cách xây dựng văn hóa, bản lĩnh doanh nghiệp thời kỳ mới.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả quản lý các phương tiện truyền thông mới nhằm phục vụ mục tiêu chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa quốc gia, trong đó có văn hóa đối ngoại; định hướng việc sử dụng phương tiện truyền thông mới đúng đắn, bảo đảm cho các mục tiêu của cá nhân không ảnh hưởng lợi ích quốc gia. Các cấp chính quyền, ngành chức năng, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội có thể phát động những phong trào thiết thực, mang tính văn hóa, tiến bộ, có hiệu quả kinh tế - xã hội cho đông đảo người dân trong và ngoài nước tham gia nhờ sự kết nối của phương tiện truyền thông mới, thông qua đó tạo sự lan tỏa và hiệu ứng tích cực.
Thứ ba, thúc đẩy thực hiện các giải pháp quảng bá văn hóa nước ta thông qua các hoạt động truyền thông, đặc biệt là các phương tiện truyền thông mới. Đa dạng hóa các sản phẩm, hình thức truyền thông ra quốc tế bằng tiếng nước ngoài; sản xuất các ấn phẩm sách, báo, báo điện tử, các cơ quan truyền thông lớn của Việt Nam có chuyên trang bằng tiếng nước ngoài; xây dựng chương trình truyền hình đối ngoại giới thiệu văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, sản xuất băng đĩa, phim, ảnh... có phụ đề bằng tiếng nước ngoài; xây dựng thư viện trên mạng bằng tiếng Việt và bằng tiếng nước ngoài, áp dụng các loại hình truyền thông mới như mạng xã hội... để vươn tới phục vụ đông đảo cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Phát huy mạng lưới thông tin đối ngoại của các cơ quan truyền thông chính thống để phát triển văn hóa đối ngoại của Việt Nam bằng tất cả các loại hình thông tin. Sử dụng các loại hình truyền thông mới để nâng cao hiệu quả truyền thông khi tổ chức các hoạt động văn hóa đối ngoại tại nước ngoài, thu hút sự tham gia của các hãng truyền thông uy tín tại địa bàn nước sở tại và các hãng truyền thông lớn trong khu vực và trên thế giới; tăng cường về phạm vi, mức độ, quy mô và chất lượng các hoạt động quảng bá văn hóa, nghệ thuật Việt Nam tới cộng đồng quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục và đào tạo.
Trong bối cảnh nền kinh tế số và toàn cầu hóa hiện nay, nếu muốn mỗi người dân trở thành một “đại sứ” luôn biết vì quyền lợi quốc gia, biết vận dụng “sức mạnh mềm” trong đối ngoại, văn hóa đối ngoại thì mỗi người dân cần không ngừng được nâng cao dân trí, được tăng cường giáo dục về việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tốt đẹp tiêu biểu, đã qua sàng lọc, lựa chọn, góp phần đưa các giá trị đó vào đời sống. Phát triển khoa học - công nghệ hướng tới việc người dân có thể làm chủ công nghệ, sử dụng hiệu quả phương tiện truyền thông mới trong việc nâng cao vốn văn hóa, bồi đắp những hệ giá trị văn hóa tốt đẹp, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần nâng cao sức mạnh mềm của dân tộc.
Thứ năm, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế ở lĩnh vực thông tin và truyền thông; tích cực học tập kinh nghiệm quốc tế; đổi mới phương thức hợp tác quốc tế theo hướng thiết thực, hiệu quả, tiếp thu và ứng dụng công nghệ tiên tiến, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển hệ thống truyền thông theo kịp với sự phát triển và các bước tiến công nghệ mới của truyền thông trên thế giới./.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp toàn diện vào phát triển nông nghiệp Việt Nam hiện nay  (14/03/2019)
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức hội nghị thăm dò, khai thác năm 2019  (14/03/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển