Các nước khẳng định quyết tâm thực thi đầy đủ thỏa thuận CPTPP
Khẳng định quyết tâm thực thi đầy đủ thỏa thuận CPTPP
Sau khi Mỹ chính thức rút khỏi
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 nước còn lại tiếp tục
thúc đẩy và đạt được thỏa thuận về tên gọi mới của TPP là CPTPP. CPTPP
được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, không
chỉ đề cập các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng
hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên
quan đến thương mại v.v., mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền
thống như lao động, môi trường, mua sắm của chính phủ, doanh nghiệp nhà
nước...
Tại cuộc họp, các bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung, khẳng định quyết tâm thực thi đầy đủ CPTPP nhằm gửi đi thông điệp mạnh mẽ trong việc ủng hộ thương mại tự do, đặt ra các tiêu chuẩn cao và cân bằng cho hoạt động giao thương ở thế kỷ XXI cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, các bộ trưởng đã thông qua 4 quyết định quan trọng, gồm Quyết định về cơ chế hoạt động của Hội đồng CPTPP; Quyết định về quy trình, thủ tục và điều kiện xem xét, kết nạp các thành viên mới; Quyết định về quy trình và thủ tục của hội đồng trọng tài liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước với nhà nước; Quyết định về bộ quy tắc ứng xử của trọng tài viên liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với nhà nước.
Họp báo sau phiên họp của Hội đồng CPTPP.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định quyết tâm của các nước thành viên đang làm hết sức để CPTPP đóng vai trò là ngọn cờ đầu cho tự do thương mại, trong bối cảnh các nước bị cuốn vào chủ nghĩa bảo hộ. Thủ tướng Abe cho biết cánh cửa đã mở đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ mong muốn gia nhập CPTPP - một hiệp định tiêu chuẩn chất lượng cao, đồng thời kỳ vọng CPTPP sẽ có sự tham gia của nhiều quốc gia đang tìm kiếm thương mại tự do và công bằng.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết các nước đều đã có sự chuẩn bị kỹ càng nên quá trình triển khai các cam kết trong giai đoạn đầu tiên này rất tích cực, nghiêm túc và đầy đủ. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tin tưởng các nước thành viên CPTPP sẽ thực thi hiệp định một cách hiệu quả, từ đó mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp trên đất nước của mình. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, 3 thách thức chủ yếu đối với Việt Nam là sức ép trong việc thực thi; mức độ cạnh tranh, vốn sẽ gia tăng không chỉ ở lĩnh vực hàng hóa mà còn ở lĩnh vực dịch vụ; và cuối cùng là cách thức tận dụng hiệu quả các cơ hội mà CPTPP mang lại.
CPTPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng ngoại thương và đầu tư của Việt Nam
Giáo sư Koichi Ishikawa, Viện Nghiên cứu châu Á, Đại học châu Á, đã chia sẻ về triển vọng tăng trưởng cũng như tác động của hiệp định đối với các nền kinh tế thành viên CPTPP nói chung và với Việt Nam nói riêng.
Ông Ishikawa cho biết các chuyên gia Mỹ dự đoán đến năm 2030, ngoại thương của 11 nền kinh tế tham gia CPTPP sẽ tăng 11,5%, trong khi vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,5%. Trong đó, tỷ lệ tăng trưởng ngoại thương của Việt Nam được dự đoán cao nhất, ở mức 30,1% và đầu tư nước ngoài được dự đoán tăng 14,4%.
Ông bày tỏ tin tưởng chắc chắn về triển vọng tăng trưởng đầu tư và ngoại thương của các nước CPTPP, mặc dù việc Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của CPTPP, đã khiến tỷ lệ tăng trưởng giảm bớt. Theo Giáo sư Ishikawa, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của CPTPP ở mức 1,4%, trong đó tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6%. Hiện tổng GDP của CPTPP là trên 10.000 tỷ USD, gần tương đương với Trung Quốc; Kim ngạch nhập khẩu là 2.330 tỷ USD, vượt qua cả Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Dự đoán, CPTPP sẽ tăng số nước thành viên và do vậy quy mô của hiệp định này sẽ còn lớn hơn nữa.
CPTPP chính thức có hiệu lực sẽ tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa giữa các nước thành viên.
Liên quan vấn đề các hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương đạt được giữa các nước tham gia CPTPP, chuyên gia Nhật Bản nhận định rằng các FTA song phương này không thể là trở ngại của CPTPP. Ví dụ giữa Việt Nam và Nhật Bản có 3 FTA gồm FTA Việt Nam - Nhật Bản, FTA Nhật Bản- ASEAN và CPTPP. Tuy nhiên, các FTA này vốn có sự khác biệt về danh mục hàng hóa được tự do hóa, tỷ lệ tự do hóa, chương trình tự do hóa, quy tắc xuất xứ sản phẩm. Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ khai thác FTA nào mang lại lợi ích nhất, phụ thuộc vào danh mục hàng hóa ngoại thương, hình thức ngoại thương hoặc chuỗi cung cấp của doanh nghiệp mà doanh nghiệp sẽ thực hiện. Do vậy, các FTA được doanh nghiệp khai thác sẽ khác nhau.
Đề cập triển vọng của CPTPP khi hiện nhiều nước bày tỏ ý định tham gia hiệp định, ông Ishikawa tin tưởng CPTPP có thể tạo ra một định chế tự do thương mại đa phương có sức mạnh và tầm ảnh hưởng trên thế giới. Với nhận định số lượng thành viên tham gia CPTPP sẽ tăng lên trong tương lai, chuyên gia Nhật Bản cho rằng sự phát triển này sẽ mang ý nghĩa quan trọng. Đầu tiên, sự phát triển của CPTPP sẽ đem lại thông điệp mạnh mẽ về thương mại tự do trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng lan rộng. Điều thứ hai, CPTPP càng phát triển, tỷ lệ tăng trưởng đầu tư và ngoại thương càng tăng lên, hiệu quả kinh tế sẽ rất lớn. Điều thứ ba là các doanh nghiệp tại các nước không tham gia CPTPP sẽ gặp bất lợi do bị ảnh hưởng từ tác động chệch hướng thương mại. Theo ông, các quy định do CPTPP khởi xướng có thể trở thành quy định cho thế giới như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Về những lĩnh vực của Việt Nam sẽ gặp thuận lợi hoặc vẫn còn vướng mắc khi thực thi CPTPP, ông Ishikawa cho rằng những lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam được dự đoán tăng trưởng là dệt may, giày dép, các sản phẩm công nghiệp cần nhiều lao động, nông thủy sản, thực phẩm… CPTPP được kỳ vọng sẽ giúp tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đến những quốc gia không có FTA song phương với Việt Nam, như Canada, Mexico, Peru… Kể cả đối với những quốc gia ký FTA song phương với Việt Nam, CTPP giúp mở rộng tự do hóa thương mại, vì vậy sẽ tạo ra tăng trưởng xuất khẩu đến những quốc gia này.
Tuy nhiên, theo ông Ishikawa, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam sẽ gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện CPTPP vì Việt Nam hiện vẫn đang phụ thuộc lớn vào máy móc thiết bị nhập khẩu do ngành này vẫn chưa phát triển. Theo kết quả điều tra năm 2018 do Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản JETRO phối hợp thực hiện với các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam, có tới 58,1% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trả lời khó khăn về phát triển nguyên liệu và phụ tùng, linh kiện tại địa phương./.
Kinh tế Việt Nam sẽ có bứt phá mới trong năm 2019  (20/01/2019)
Nhiều địa phương tổ chức Tết sum vầy năm 2019  (19/01/2019)
Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc tại Ninh Thuận  (19/01/2019)
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội thăm, tặng quà Tết cho hộ nghèo trên cả nước  (19/01/2019)
Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 2 của Tiểu ban kinh tế xã hội  (19/01/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên