TCCSĐT - Với nụ cười rạng rỡ và cái bắt tay nồng ấm, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã gặp nhau tại đường ranh giới phân định hai miền vào ngày 27-4, chính thức mở màn cho sự kiện lịch sử: Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3, bước chuyển từ đối đầu sang đối thoại nhằm tìm kiếm hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Đây là sự kiện được cả thế giới trong đợi.

Tín hiệu lạc quan trước Hội nghị

Trước thềm cuộc gặp lần này, hai nhà lãnh đạo đã cam kết nỗ lực để đạt tiến triển thực chất tại cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử này, với "một thỏa thuận lớn” nhằm "viết nên một chương mới trong quan hệ hai nước". Hai cuộc gặp cấp cao trước đây giữa lãnh đạo hai miền, được tổ chức tại Bình Nhưỡng vào năm 2000 và 2007, đều không mang lại kết quả đáng kể trong việc kiềm chế tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và cũng không giúp cải thiện quan hệ song phương theo hướng bền vững và tốt đẹp. Điều quan trọng, hai nhà lãnh đạo đã thể hiện quyết tâm hướng tới người dân hai miền, như lời Tổng thống Moon Jae-in, là sẽ có một thỏa thuận để “tặng món quà lớn cho người dân hai miền”, còn nhà lãnh đạo Triều Tiên kêu gọi chấm dứt đối đầu trên bán đảo Triều Tiên và bày tỏ mong muốn cuộc gặp thượng đỉnh này "có thể hàn gắn vết thương của người dân".

Ông Moon Jae-in nhấn mạnh: "Hàn Quốc cam kết đối thoại thẳng thắn và đạt một thỏa thuận lớn, để có thể mang lại một món quà lớn cho toàn thể nhân dân hai miền Triều Tiên và những người mong muốn hòa bình".

Trước đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cam kết sẽ tiến hành "cuộc thảo luận tốt đẹp với Tổng thống Moon Jae-in với thái độ chân thành, thẳng thắn và trung thực, và sẽ đạt một kết quả tốt". Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tuyên bố sẽ ngừng thử hạt nhân và tên lửa trong thời gian diễn ra các nỗ lực ngoại giao. Tuyên bố này đã nhận được sự hoan nghênh của Hàn Quốc cũng như quốc tế.

Thiện chí của hai nhà lãnh đạo tại cuộc gặp lịch sử thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba làm dấy lên hy vọng về một giải pháp hiệu quả nhằm giảm căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên, đồng thời mở ra cơ hội tiến tới phi hạt nhân hóa.

Cuộc gặp này là kết quả của các nỗ lực kiên định hòa giải với Triều Tiên trong một năm qua của Tổng thống Moon Jae-in, bất chấp những căng thẳng leo thang đến đỉnh điểm khi Bình Nhưỡng tiến hành 2 vụ thử hạt nhân và hơn 20 vụ phóng tên lửa, trong đó có 2 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Ông Moon Jae-in là người ủng hộ "chính sách Ánh dương" mà các cố Tổng thống Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun từng theo đuổi. Tuy nhiên, ông cũng ủng hộ chủ trương cứng rắn của Mỹ, trừng phạt Bình Nhưỡng sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Chính sách kết hợp song song giữa trừng phạt và đối thoại của ông Moon dường như đang phát huy tác dụng, bằng chứng là cuộc gặp thượng đỉnh lien Triều lần thứ 3 ngày 27-4 và cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều được lên kế hoạch vào tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.

Mở ra con đường mới với nhiều hy vọng

Ngay trong ngày 27-4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã trở về Triều Tiên, chính thức kết thúc hội nghị mang tính lịch sử với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Hình ảnh phát sóng trực tiếp trên truyền hình cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên hạ kính xe ô tô, vẫy chào phái đoàn nước chủ nhà Hàn Quốc tại Khu vực Phi quân sự sau màn biểu diễn âm thanh và ánh sáng đầy sắc màu tại lễ bế mạc hội nghị.

Trước đó, tại bữa tiệc tối cùng ngày, lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã cùng nhau thưởng thức những món ăn mang tính biểu tượng về hòa giải và hòa bình. Hai nhà lãnh đạo đã nắm tay nhau, tái khẳng định mục tiêu chung về thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên vốn bị chia cắt lần đầu tiên bởi Chiến tranh Lạnh năm 1945 và sau đó là cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Tổng thống Hàn Quốc nêu rõ mặc dù trách nhiệm lịch sử nặng nề, song đây thực sự là một ngày có thành tựu lớn. Theo ông, làng đình chiến Panmunjom, vốn là biểu tượng của sự chia cắt, giờ đã trở thành nơi "khai sinh ra hòa bình thế giới". Ông nhấn mạnh cùng với nhà lãnh đạo Triều Tiên, hai bên đã mở ra con đường mới mà không còn bóng mây chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như đảm bảo việc cùng chung sống trong hòa bình và thịnh vượng.

Về phần mình, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho rằng đây là khung cảnh rất xúc động, tái khẳng định thực tế rằng hai miền Triều Tiên là một và không thể bị tách rời, đồng thời bày tỏ vui mừng vì điều này.

Cũng tại bữa tiệc này, Đệ nhất Phu nhân Triều Tiên Ri Sol Ju đã chúc mừng Tổng thống Moon Jae-in về thành công hội nghị, trong khi Đệ nhất Phu nhân Hàn Quốc Kim Jung-sook cho biết khi nhìn thấy hình ảnh hai nhà lãnh đạo cùng trồng cây trên truyền hình, bà tin rằng sẽ chỉ có thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên trong tương lai.

Tại lễ bế mạc hội nghị, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nắm tay nhau trong vài phút khi buổi biểu diễn chiếu màn bắt tay mang tính lịch sử và những hình ảnh khác trong các sự kiện trước đó cùng ngày. Kết thúc buổi lễ, phái đoàn hai nước đã chào tạm biệt nhau một cách ấm áp, trong khi phu nhân của hai nhà lãnh đạo ôm nhau chào từ biệt.

Trước đó, trước khi bắt đầu phiên họp chiều 27-4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng tham gia trồng lưu niệm một cây thông - loài cây được người dân ở cả hai miền Triều Tiên yêu thích - tại đường phân giới quân sự ở làng đình chiến Panmunjom. Được coi là biểu tượng của hòa bình và thịnh vượng, cây thông này được trồng trên đất được lấy từ cả hai miền Triều Tiên, ở khu vực núi cao nhất trên Bán đảo Triều Tiên. Nước dùng để tưới cho cây thông này cũng sẽ được tập hợp từ các con sông chảy qua hai thủ đô Seoul và Bình Nhưỡng.

Tại phiên họp sáng ngày 27-4 trong khuôn khổ cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề xuất tiến hành thường xuyên các cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông cũng đề xuất với lãnh đạo Triều Tiên thống nhất tuyến đường sắt giữa hai miền, nhấn mạnh việc này sẽ đóng góp đáng kể vào hợp tác kinh tế hai miền. Theo Thư ký báo chí của Tổng thống Hàn Quốc, tại cuộc thảo luận sáng 27-4, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Yo-jong, đã đề nghị đẩy nhanh tiến trình thống nhất hai miền. Ông Yoon Young-chan cũng thông báo rằng tại cuộc gặp, ông Kim Jong-un đã cam kết rằng "sẽ không đánh thức" Tổng thống Hàn Quốc bằng cách vụ phóng tên lửa, bởi trước đây các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên thường diễn ra vào sáng sớm.

Bước đi đầu tiên tới hòa bình

11 năm sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều gần nhất, lãnh đạo hai miền Triều Tiên mới lại tiến hành cuộc gặp ở cấp cao nhất để thảo luận về những vấn đề còn tồn đọng với niềm hy vọng mới về một nền hòa bình và ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

"Khi bước chân đến đây, tôi nghĩ, đến nơi đây có gì mà khó vậy? Vạch phân giới có cao lắm đâu mà cản trở bước chân, vậy mà chúng ta cũng phải mất đến 11 năm mới đến được đây". Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chia sẻ cảm nhận như vậy sau khi bước qua đường ranh giới quân sự để sang lãnh thổ Hàn Quốc và có cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Moon Jae-in. Có thể nói, hình ảnh hai nhà lãnh đạo cùng mỉm cười và bước đi cạnh nhau hoàn toàn đối lập với không khí căng thẳng, đe dọa và đối đầu sau các cuộc phóng tên lửa rầm rộ cùng vụ thử hạt nhân quy mô nhất của Triều Tiên hồi năm ngoái, những hành động khiến cộng đồng quốc tế gia tăng trừng phạt và làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột mới trên bán đảo Triều Tiên. Đặc biệt, "phút ngẫu hứng" bất ngờ khi ông Kim Jong-un đặt chân lên lãnh thổ Hàn Quốc, sau đó mời Tổng thống Hàn Quốc bước qua ranh giới để đi vào lãnh thổ Triều Tiên trong phút ngỡ ngàng của các quan chức chứng kiến, dường như phát đi thông điệp hòa giải giữa hai miền Triều Tiên, qua đó cho thấy sự cởi mở, chân thành của cả hai bên trước khi ngồi vào bàn đàm phán. Chuyên gia về Triều Tiên Paik Hak-soon bình luận: “Đó là một khoảnh khắc cực kỳ xúc động với tất cả mọi người”. Hình ảnh hai nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên tay trong tay, vai kề vai cùng bước qua ranh giới quân sự và tiến hành các cuộc gặp đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới toàn thế giới rằng họ sẵn sàng cùng nhau khởi xướng hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Tiếp sau đó, hình ảnh hai nhà lãnh đạo cùng tham gia trồng lưu niệm một cây thông - biểu tượng của hòa bình và thịnh vượng - tại đường phân giới quân sự ở làng đình chiến Panmunjom càng khiến dư luận quốc tế kỳ vọng về tương lai tươi sáng giữa hai miền Triều Tiên.

Với tinh thần trên, lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên đã tiến hành một cuộc đối thoại được đánh giá là “chân thành và thẳng thắn" nhằm tìm cách phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và thiết lập hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên, cũng như phát triển các quan hệ liên Triều. Quyết tâm thúc đẩy nền hòa bình được phản ánh rõ nét qua tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo với cam kết sẽ "không còn chiến tranh" trên bán đảo Triều Tiên và mở ra một kỷ nguyên hòa bình mới. Trong văn kiện mang tên "Tuyên bố Panmunjom vì hòa bình, thịnh vượng và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên", hai bên đã tái khẳng định cam kết thúc đẩy phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên, cam kết ngừng mọi hành động thù địch chống phá lẫn nhau, và biến Hiệp định đình chiến thành Hiệp ước hòa bình nhằm hướng đến chấm dứt chiến tranh trong năm nay. Hai bên cũng nhất trí tổ chức các cuộc thảo luận thường kỳ và thẳng thắn về những vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với dân tộc, nhằm tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và cùng cố gắng thúc đẩy động lực tích cực cho việc tiếp tục cải thiện quan hệ liên Triều cũng như hòa bình, thịnh vượng và thống nhất của bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố chung cũng bao gồm một loạt cam kết liên quan đến việc giải trừ quân bị, biến Khu phi quân sự (DMZ) thành "vùng hòa bình", tìm kiếm các cuộc đối thoại đa phương với các nước khác như với Mỹ, đồng thời nhất trí với đề xuất giải giáp hạt nhân theo từng giai đoạn và tổ chức đàm phán quân sự cấp tướng vào tháng 5 tới, và tổ chức cuộc sum họp cho các gia đình ly tán trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 vào tháng 8 năm nay.

Có thể thấy một bầu không khí lạc quan đang lan tỏa không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới. Ngay sau khi tuyên bố chung được công bố, Nga và Nhật Bản đã ngay lập tức đánh giá lạc quan về triển vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Người phát ngôn của tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov đã ca ngợi hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử là "tin tức rất tích cực", đồng thời cho rằng cuộc đối thoại trực tiếp về bán đảo bị chia cắt này là rất "khả quan", mang lại những triển vọng tích cực. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng hoan nghênh kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và cam kết của hai nhà lãnh đạo nhằm đạt được một bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân. Bên cạnh đó, Thủ tướng Abe còn bày tỏ hy vọng Triều Tiên có những hành động cụ thể hướng tới việc thực hiện những cam kết của nước này. Trung Quốc cũng hoan nghênh tuyên bố chung của Triều Tiên và Hàn Quốc. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đánh giá cuộc gặp này là "cuộc gặp lịch sử" giữa lãnh đạo hai miền Triều Tiên.

Mặc dù chưa thể ngay lập tức thống nhất 2 miền Triều Tiên, song cuộc hội đàm đã tạo ra cơ hội tiến tới xóa bỏ những căng thẳng quân sự không cần thiết giữa 2 miền, cũng như mở ra triển vọng về một hiệp ước hòa bình thay thế cho Hiệp định đình chiến sau chiến tranh, qua đó góp phần cải thiện quan hệ và sự trao đổi giữa 2 nước. Kết quả trên không nằm ngoài dự đoán trong bối cảnh ông Kim Jong-un và Moon Jae-in đang gặp nhau ở ý tưởng lớn là chấm dứt tình trạng đối đầu căng thẳng kéo dài nhiều năm nay ở bán đảo Triều Tiên. Là người kế thừa và ủng hộ chính sách Ánh dương trước đây, ông Moon Jae In là luôn muốn giải quyết hồ sơ Triều Tiên thông qua thúc đẩy hòa hợp dân tộc, thống nhất đất nước. Trong khi đó, ông Kim Jong Un kế thừa truyền thống của các cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành và Kim Jong Il là làm dịu vấn đề để cùng phát triển. Chuyên gia hàng đầu về Triều Tiên Leonid Petrov nhận định dù vẫn còn tồn tại những quan điểm và tính toán khác biệt, song hai nhà lãnh đạo dường như đã tìm thấy sự "đồng điệu" trong mục tiêu hướng tới nền hòa bình trong khu vực tại hội nghị thượng đỉnh lần này. Hai nhà lãnh đạo dường như đều nhận thức được rằng sẽ không có nền an ninh và thịnh vượng lâu dài trong toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương nếu hòa bình không được thiết lập trên bán đảo Triều Tiên.

Giới quan sát tại Hàn Quốc cũng nhìn nhận việc tăng cường các kênh liên lạc cũng như khôi phục sự tin tưởng giữa 2 miền Triều Tiên là nền tảng quan trọng để các bên có những bước đi chắc chắn tiếp theo, trong đó có cả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới. Thị trưởng thành phố Seongnam, tỉnh Gyeonggi của Hàn Quốc, ông Lee Jae-myeong lại đưa ra cái nhìn lạc quan và xa hơn về tương lai kinh tế của khu vực Đông Á: "Nếu Triều Tiên và Hàn Quốc khôi phục được sự tin tưởng lẫn nhau, và nếu Mỹ cũng thông qua nỗ lực này, thì việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, xây dựng bầu không khí hóa bình, thúc đẩy cộng đồng kinh tế chung khu vực Đông Á... là những điều hoàn toàn có thể”.

Tuy vậy, vẫn còn một số ý kiến thể hiện sự lạc quan thận trọng xen lẫn hoài nghi về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần này khi nhận định về khả năng các cam kết khó có thể được thực thi hoàn toàn. Thực tế cho thấy hai cuộc gặp 2000 và 2007 dù cũng đạt được những sự đồng thuận nhất định song những cam kết vẫn không được thực hiện một cách đầy đủ. Trong khi đó, vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, vốn được cả thế giới trông đợi, cũng là một bài toán khó bởi đây không chỉ là “hồ sơ nóng” của riêng Triều Tiên và Hàn Quốc mà còn có sự tham gia của Mỹ.

Con đường phía trước vẫn còn rất nhiều chông gai. Tuy nhiên, việc lãnh đạo Hàn - Triều hội đàm cùng nhau trong không khí thân mật và cởi mở, cùng với một tuyên bố chung chứa đầy những cam kết về khát vọng về một bán đảo Triều Tiên không còn chiến tranh, đã là một bước ngoặt lịch sử, được xem là một "bước đệm" quan trọng, đặt nền tảng ban đầu cho một nền hòa bình và củng cố những kỳ vọng tiếp theo cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un với Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp tới./.