TCCSĐT - Hội nghị thường niên APPF lần thứ 26 với chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững” diễn ra từ ngày 18 đến 21-01-2018 tại Hà Nội đã thành công tốt đẹp. Đây là một sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng, mở đầu cho hoạt động ngoại giao của Nhà nước Việt Nam trong năm 2018.

Đây là lần thứ hai Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức APPF. Việc đăng cai Diễn đàn APPF góp phần làm nổi bật thành tựu ngoại giao Nhà nước ta, thể hiện vai trò, trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong APPF. Hội nghị APPF-26 diễn ra trong bối cảnh APPF tròn 25 năm hình thành và phát triển, sẽ là một dấu ấn mới trong lịch sử của APPF, đồng thời đặt ra yêu cầu phải đổi mới chương trình nghị sự, xác định tầm nhìn mới cho APPF trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Hội nghị APPF- 26 thúc đẩy vai trò của các nghị viện đối với hoạt động hợp tác của APEC, phát huy những kết quả của Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, Việt Nam trên kênh nghị viện.

APPF-26 cũng có ý nghĩa quan trọng khi thông tin rộng rãi đến nhân dân cả nước, người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài và bạn bè quốc tế về Quốc hội Việt Nam, các hoạt động đối ngoại mà Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm vai trò chủ nhà; giới thiệu về đất nước Việt Nam hội nhập, phát triển; con người Việt Nam năng động, thân thiện; văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hội nghị đã hoàn thành chương trình nghị sự đề ra

Sau ba ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi với tinh thần trách nhiệm trong bầu không khí hữu nghị, hiểu biết, tin cậy, Hội nghị APPF 26 đã hoàn thành 4 phiên thảo luận toàn thể, họp Ban Chấp hành và các phiên họp Ủy ban Soạn thảo và các Nhóm Công tác, với nhiều cuộc thảo luận, trao đổi ý kiến thẳng thắn, bổ ích về những vấn đề cùng quan tâm chung của khu vực và trên thế giới.

Cuộc họp Nữ Nghị sĩ đã diễn ra ngày 18-01 với chủ đề "Thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung”. Cuộc họp đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử hình thành, phát triển của APPF khi đạt được sự đồng thuận cao về việc chính thức hóa phiên họp nữ nghị sĩ tại mỗi Kỳ họp thường niên của APPF bằng việc bổ sung Quy chế APPF; tin tưởng đó là diễn đàn chung đáp ứng kỳ vọng của nữ nghị sĩ trong khu vực, tạo cơ chế hữu hiệu trao đổi, thảo luận, góp phần giải quyết những vấn đề các nghị sĩ trong khu vực quan tâm.

Phiên họp Uỷ ban Chấp hành do Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì đã thông qua Chương trình Nghị sự, Chương trình hoạt động; đề xuất sửa đổi điều lệ hoạt động APPF của Nhật Bản liên quan đến cuộc họp của các nữ nghị sĩ. Đối với đề xuất của Việt Nam về Tuyên bố APPF Hà Nội tại Hội nghị lần này, các nước thể hiện sự ủng hộ và đề nghị trong Tuyên bố Hà Nội cần thể hiện những thành tựu đáng chú ý nhất của APPF, trong đó nhấn mạnh việc sửa đổi Qui chế Hội nghị nữ nghị sĩ APPF thành cơ chế hoạt động thường niên của Tổ chức. Tại cuộc họp, Fiji đồng ý thay thế New Zealand tại Ủy ban Chấp hành trong nhiệm kỳ tới.

Từ ngày 19 đến 20-01, bốn phiên họp toàn thể đã diễn ra với các nội dung chính: Phiên toàn thể 1 về các vấn đề chính trị và an ninh; Phiên toàn thể 2 về vấn đề kinh tế và thương mại; Phiên toàn thể 3 về hợp tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương; Phiên toàn thể 4 về các vấn đề của APPF, thảo luận về vai trò của APPF trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác vì phát triển bền vững và tăng trưởng cho tất cả ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hội nghị đã nhất trí Quốc hội Campuchia sẽ giữ chức Chủ tịch APPF và đăng cai tổ chức Hội nghị APPF-27 vào tháng 01-2019 tại Siemriep. Tại phiên thứ 4 này, các nước đã nhất trí thông qua Nghị quyết, Tuyên bố APPF Hà Nội và Trưởng đoàn các nước đã ký Thông cáo chung.

Diễn ra song song với các phiên toàn thể là cuộc họp của Ủy ban Soạn thảo và các Nhóm công tác. Ủy ban Soạn thảo văn kiện đã thảo luận và nhất trí về 13 dự thảo Nghị quyết, 1 sửa đổi Qui chế Hội nghị nữ nghị sĩ APPF, Thông cáo chung và Tuyên bố Hà Nội. Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 4, Hội nghị APPF-26 đã thông qua các Nghị quyết và văn kiện trên với sự đồng thuận cao của các đại biểu. Trưởng đoàn các nước Nghị viện thành viên đã ký Thông cáo chung và tiến hành Lễ Bế mạc vào chiều 20-01-2018.

Bên lề Hội nghị đã diễn ra các hoạt động tiếp xúc song phương của các đồng chí lãnh đạo Nhà nước và Quốc hội Việt Nam với các vị Trưởng đoàn các nước thành viên, quan sát viên của APPF và khách mời của nước chủ nhà.

Tuyên bố Hà Nội

Kết quả nổi bật trong Hội nghị lần này là đã thông qua Tuyên bố Hà Nội "Tầm nhìn mới cho Quan hệ đối tác Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương”. Tuyên bố gồm 14 điểm, đánh dấu 25 năm thành lập APPF và định hướng phát triển của Diễn đàn tới năm 2030.

Tuyên bố nhấn mạnh việc thành lập kịp thời của APPF vào năm 1993 đã đáp ứng nhu cầu đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia thành viên và khu vực vào sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và APPF đã kiên trì thực hiện các mục tiêu chung về thúc đẩy đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng tại khu vực. Các hoạt động hợp tác và đối thoại của APPF đã góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.

APPF đã góp phần vào các nỗ lực chung của các cơ chế khu vực và quốc tế, bao gồm Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), Hội đồng Hợp tác Kinh tế lưu vực Thái Bình Dương (PBEC) trong việc duy trì môi trường hòa bình và ổn định vì hợp tác và phát triển bền vững ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

APPF nhận thức rằng cục diện khu vực và quốc tế, cũng như hợp tác đa phương đang chứng kiến những thay đổi căn bản, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen với những tác động sâu rộng. Những chuyển biến căn bản trên toàn cầu ngày càng khó lường và nhanh hơn. Trong bối cảnh đó, việc duy trì và thúc đẩy hơn nữa vai trò của các diễn đàn và cơ chế đa phương trong cấu trúc khu vực và xử lý các thách thức đan xen là hết sức quan trọng.

Tuyên bố ghi nhận rằng APPF hiện đang đứng ở thời điểm chuyển đổi quan trọng, và Diễn đàn sẽ cần phải cải cách để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đối thoại và hợp tác giữa các thành viên và đóng góp nhiều hơn nữa vào các nỗ lực đa phương ở khu vực và toàn cầu, bao gồm thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững và thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu.

Phát huy những thành tựu của APPF và nắm bắt những cơ hội mà kỷ nguyên số và tiến trình toàn cầu hóa mang lại, Tuyên bố Hà Nội bày tỏ tin tưởng rằng APPF sẽ xây dựng định hình một tầm nhìn chiến lược, hoài bão, góp phần duy trì và củng cố hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, đồng thời thúc đẩy các nỗ lực đa phương để ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức mới. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, Tuyên bố tái khẳng định rằng hòa bình, ổn định và an ninh là điều kiện tiên quyết của phát triển bền vững.

Tuyên bố nhấn mạnh các cam kết của các nghị viện thành viên đối với các mục tiêu và lợi ích chung, trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đa dạng về thể chế chính trị, văn hóa, tôn giáo của nhau, đặc biệt nhấn mạnh nguyên tắc pháp quyền và luật pháp quốc tế; tái khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác trên tinh thần đối thoại thẳng thắn, xây dựng, bao dung, hòa hợp, hỗ trợ lẫn nhau, tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Tuyên bố ủng hộ các nỗ lực và khuyến nghị các nước thành viên APPF triển khai các hành động sau nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và bao trùm, và tăng cường liên kết kinh tế khu vực sâu rộng.

Trong một thế giới ngày càng gắn kết và tuỳ thuộc lẫn nhau, Tuyên bố hoan nghênh các kết quả cụ thể của năm APEC Việt Nam 2017 trong việc khẳng định các giá trị cốt lõi của APEC về thương mại và đầu tư tự do và mở, và tuyên bố tiếp tục ủng hộ hệ thống thương mại đa phương; ủng hộ vai trò lãnh đạo của APEC trong giải quyết các thách thức kinh tế toàn cầu và xây dựng cấu trúc kinh tế khu vực.

Họp báo về kết quả Hội nghị

Ngay sau khi bế mạc Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF-26; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị APPF-26; Trưởng đoàn đại biểu Campuchia (nước chủ nhà APPF-27), Phó Chủ tịch Thượng viện Campuchia Tep Ngorn; Trưởng đoàn Nghị viện Nhật Bản Takuji Yanagimoto, đại diện Chủ tịch danh dự APPF; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu; Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì họp báo.

Tại họp báo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã báo cáo tóm tắt kết quả Hội nghị APPF-26. Theo đó, Hội nghị thường niên APPF lần thứ 26 với chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững” diễn ra từ ngày 18 đến 21-01-2018 tại Hà Nội là một sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng, mở đầu cho hoạt động ngoại giao của Nhà nước trong năm 2018.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, thành công lớn nhất và là dấu ấn của Hội nghị lần này là các nghị viện thành viên đã thông qua Tuyên bố APPF Hà Nội về “Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á-Thái Bình Dương". Tuyên bố Hà Nội đánh dấu 25 năm thành lập và định hướng tương lai của Diễn đàn trong thập niên tiếp theo đến năm 2030; đánh giá những thành tựu nổi bật trong 25 năm qua, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì hợp tác, phát triển bền vững ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về kết quả của Hội nghị APPF-26, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Hội nghị lần này nhận được sự ủng hộ của nhiều đoàn nghị viện các nước thành viên. Cụ thể, 22 đoàn nghị viện với tổng số hơn 300 người trong đó có 7 đoàn cấp Chủ tịch, 10 đoàn cấp Phó Chủ tịch… Hội nghị đã mời Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới IPU, nguyên Chủ tịch IPU và Tổng Thư ký IPU. Quan sát viên của APPF là Hội đồng lập pháp của Brunei và Quốc hội Maroc tham dự với tư cách khách mời.

Bên cạnh đó, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố APPF Hà Nội “Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương” với sự thống nhất rất cao; thông qua 14 nghị quyết quan trọng. Đặc biệt, việc sửa đổi Quy chế hoạt động của APPF là điểm nhấn đáng chú ý.

Về những điểm mới của Tuyên bố Hà Nội: “Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á-Thái Bình Dương”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Tuyên bố Hà Nội kế thừa các tuyên bố trước về APPF, trong đó có phát triển dựa trên tình hình mới, bám sát chủ đề của Hội nghị lần này và nội dung của 4 phiên họp trước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Nghị viện các nước thành viên sẽ có kế hoạch triển khai thực hiện những vấn đề đã được thống nhất và thông qua, đặc biệt là 14 nghị quyết để biến lời nói thành hành động đối với nghị viện các nước APPF…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Hội nghị Nữ Nghị sĩ trở thành cơ chế hoạt động chính thức trong APPF là nỗ lực của nghị viện các nước thành viên trong sự nghiệp thúc đẩy bình đẳng giới. Quốc hội Việt Nam ủng hộ sáng kiến của Nghị viện Nhật Bản. Tại Việt Nam, các chính sách pháp luật đều hướng tới mục tiêu bình đẳng giới. Trong khuôn khổ APPF, nhiều nghị quyết đều có mục tiêu hỗ trợ cho sự nghiệp bình đẳng giới, hỗ trợ phụ nữ trong các vấn đề phát triển bền vững, hướng tới công bằng xã hội, nhất là phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn...

Về việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật nhằm thúc đẩy thực thi hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang tham gia cũng như ký kết trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đối với những cam kết mà Việt Nam là thành viên, Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn các Hiệp định đã ký kết, tham gia; rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật để đảm bảo rằng, Việt Nam đã nội luật hóa các vấn đề cam kết quốc tế theo chương trình nghị sự của Quốc hội Việt Nam.

Bên cạnh đó, Quốc hội Việt Nam tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật, xem xét, sửa đổi, bổ sung những vấn đề trong quá trình hội nhập, cam kết thông qua tuyên bố, thông cáo hội nghị. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Việt Nam cam kết thực hiện đúng trách nhiệm của nước thành viên đối với những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã, đang là thành viên.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, Trưởng đoàn Nghị viện Nhật Bản Takuji Yanagimoto cho biết: APPF đã từng có các tuyên bố trong quá khứ như: Tuyên bố Tokyo (1993) thành lập APPF; Tuyên bố Vancouver (1997) về tầm nhìn thế kỷ 21 của APPF. Tuyên bố Hà Nội đã nêu bật những thách thức APPF cần giải quyết và cho thấy những định hướng tương lai của APPF.

Trưởng đoàn Nhật Bản bày tỏ vui mừng khi đề xuất của Nhật Bản về việc sửa đổi Quy chế hoạt động của APPF đối với Hội nữ nghị sĩ được thông qua, góp phần định hình cơ chế hoạt động quan trọng của các nữ nghị sĩ tại APPF. Quy chế được thông qua đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm thành lập APPF. Đây là dấu mốc quan trọng của Diễn đàn này, mở ra hướng đi mới trong tương lai của APPF.

Theo Trưởng đoàn Nghị viện Campuchia Tep Ngorn, chủ đề cho APPF-27 sẽ được đưa ra theo hướng tiếp nối kết quả thành công của APPF-26. Những nghị quyết, thông cáo chung của APPF-27 cũng sẽ được thảo luận mạnh mẽ trong giới lãnh đạo Campuchia. Nghị viện Campuchia sẽ phối hợp chặt chẽ với Quốc hội Việt Nam, học hỏi kinh nghiệm tổ chức thành công của APPF-26 tại Việt Nam./.