Việt Nam được đánh giá là mô hình phát triển thành công
Việt Nam - Mô hình phát triển thành công
Trả lời phỏng vấn phóng viên tại Indonesia, Tiến sĩ Arisman cho rằng các nền kinh tế thành viên APEC đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định trong việc hoàn thành các mục tiêu về tự do hóa thương mại và đầu tư do có sự chênh lệch lớn về phát triển giữa một số nền kinh tế thành viên như Mỹ và một số nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tuy nhiên, ông khẳng định khó khăn và những thách thức này cũng chính là cơ hội lớn để các nền kinh tế thành viên APEC có sự chuyển mình, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hướng tới mục đích sau cùng là được hưởng lợi từ tiến trình đó. Lấy Việt Nam làm ví dụ điển hình, Tiến sĩ Arisman cho rằng Việt Nam có nền tảng vững chắc cho quá trình hội nhập phát triển như lực lượng lao động dồi dào, giá nhân công ở mức vừa phải, kinh tế xã hội đang có sự chuyển biến tích cực. Theo ông, các doanh nghiệp trong nước của Việt Nam cần chuẩn bị tâm lý tốt, cũng như kiến thức về luật pháp quốc tế để có thể tham gia và cạnh tranh với các doanh nghiệp đến từ các quốc gia khác nếu không muốn bị thua ngay trên sân nhà và thị trường bị các doanh nghiệp nước ngoài thao túng.
Đánh giá về những cơ hội của Việt Nam, cũng như việc Việt Nam làm chủ nhà APEC 2017, Tiến sĩ Arisman cho rằng nước chủ nhà Việt Nam được đánh giá cao trong công tác chuẩn bị cho APEC năm nay, có rất nhiều cuộc họp của APEC được tổ chức, trong đó có Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng với sự tham dự của lãnh đạo các nền kinh tế thành viên, do đó đây cũng là cơ hội để Việt Nam quảng bá, nâng cao hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Đối với nhiều quốc gia, Việt Nam cũng được đánh giá là mô hình phát triển thành công với thế mạnh là nền kinh tế phát triển liên tục ở mức cao trong nhiều năm, có sự cải tổ, thay đổi tích cực để thu hút đầu tư, đặc biệt là từ sau khi gia nhập APEC.
Tạp chí Diplomat đánh giá cao khả năng của Việt Nam ứng phó với những thay đổi
Tạp chí Diplomat mới đây đã có bài viết về sự hội nhập kinh tế không ngừng của Việt Nam kể từ thời điểm lần đầu tiên đóng vai trò nước chủ nhà của Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2006.
Theo bài viết, trong quá trình tập trung phát triển kinh tế thông qua tự do hóa thương mại, Việt Nam đã gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 1995, từ đó hưởng lợi từ thương mại và đầu tư gia tăng với các nước láng giềng ASEAN. Thành tựu lớn nhất của những nỗ lực phát triển kinh tế của Việt Nam là trở thành thành viên trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào đầu năm 2007.
Kể từ màn xuất hiện đầu tiên của Việt Nam trên "sân khấu kinh tế thế giới" tại APEC 2006, Việt Nam đã tiếp tục theo đuổi hội nhập kinh tế với các nước láng giềng liền kề và các đối tác thương mại ở xa hơn. Quan hệ được cải thiện đã thúc đẩy thương mại, đầu tư nước ngoài và tăng trưởng kinh tế. Việt Nam và các thành viên ASEAN đã mở rộng phạm vi của Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) thành một Cộng đồng Kinh tế ASEAN, tiếp đó là đàm phán để củng cố các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand thành Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Việt Nam cũng đã hoàn tất các FTA song phương với Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Chile và Liên minh Kinh tế Á-Âu. Cuối cùng, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương tại khu vực, và đã khởi động đàm phán FTA (thông qua ASEAN) với Hong Kong (Trung Quốc), Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (Thụy Sĩ, Na Uy, Lichtenstein và Iceland) cũng như EU. Thông qua việc hội nhập kinh tế gia tăng này, Việt Nam đã đa dạng hóa thành công các thị trường xuất khẩu của mình, trong đó Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất. Sự hội nhập kinh tế gia tăng cũng đã đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2016 tăng gấp 3 lần so với năm 2006 lên hơn 200 tỷ USD.
Mặc dù kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh chóng kể từ sự kiện APEC 2006, song môi trường khu vực và toàn cầu của đã có những thay đổi mạnh mẽ, trong đó có sự nổi lên của xu hướng chống toàn cầu hóa tại một số nền kinh tế. Do đó, Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017 là cơ hội để Việt Nam thể hiện khả năng ứng phó với những thay đổi này. Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng còn khiến cho sự kiện này mang tính lịch sử đặc biệt. Trong bối cảnh còn nhiều thách thức như hiện nay, Việt Nam sẽ cần vạch ra kế hoạch phát triển kinh tế mới để đảm bảo sự ổn định và phồn thịnh lâu dài của đất nước.
Nhà ngoại giao, doanh nhân uy tín của Hàn Quốc tin tưởng vào triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam
Ông Kim Sang Yeol, Tổng lãnh sự danh dự Việt Nam tại Gwangju-Chonnam, Tổng Giám đốc tập đoàn xây dựng Hoban, Chủ tịch Đài truyền hình KBC đã có những nhận định tích cực về thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam cũng như bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng phát triển của kinh tế nước ta.
Theo nhận định của ông Kim Sang Yeol, Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu lớn trên lĩnh vực kinh tế, xã hội sau khi thực hiện những chính sách cải cách mở cửa suốt hơn 30 năm qua. Với nhiều chính sách đổi mới được thực hiện trong thời gian này, nền kinh tế Việt Nam đã có được động lực phát triển, giúp quốc gia này thoát khỏi vị thế một nước nghèo trên thế giới. Ông ghi nhận tăng trưởng GDP bình quân trên 6% mỗi năm đã giúp Việt Nam trở thành nước có tốc độ phát triển nhanh hàng đầu khu vực ASEAN+3, đồng thời bày tỏ tin tưởng những nỗ lực cải cách mà Chính phủ Việt Nam theo đuổi sẽ tiếp tục thúc đẩy để kinh tế Việt Nam có những bước phát triển nhanh trong thời gian tới.
Ông Kim Sang Yeol cho rằng việc Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao 25 năm trước đã mở ra một trang mới trong quan hệ giữa hai nước. Theo ông, Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa và truyền thống, hiện quan hệ hợp tác giữa hai nước đang tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực, mối quan hệ song phương gần gũi được duy trì thông qua nhiều hoạt động giao lưu giữa chính phủ và nhân dân hai nước, cũng như các hoạt động hợp tác hỗ trợ lẫn nhau và một trong những điểm nổi bật nhất trong quan hệ song phương hiện nay là phát triển trên lĩnh vực kinh tế và thương mại. Ông cho biết đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam năm 2017 đã vượt mức 50 tỷ USD, cao gấp 3 lần so với năm 2012 và đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Quy mô giao dịch thương mại hai chiều cũng tăng gấp 2 lần, đạt mức 42 tỷ USD. Trong 5 năm vừa qua, số du khách của hai nước thăm viếng lẫn nhau cũng tăng gấp đôi và đạt mức kỷ lục 1,75 triệu lượt trong năm 2016. Bên cạnh đó, tại Hàn Quốc hiện có khoảng 150.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc và đây cũng là con số của cộng đồng người Hàn Quốc tại Việt Nam. Ông bày tỏ tin tưởng với quyết tâm và nỗ lực chung của chính phủ và nhân dân hai nước, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc thời gian tới sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ hơn và đi vào chiều sâu trên mọi lĩnh vực.
Ông Kim Sang Yeol đánh giá Việt Nam đang là một thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn với nhiều cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh thời gian tới trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhiều nỗ lực đẩy mạnh cải cách kinh tế, thủ tục hành chính, đồng thời đưa ra nhiều chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư. Ông coi đây là những cơ hội rất thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực thế mạnh như xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ khí - điện tử, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tài chính – ngân hàng, công nghiệp phụ trợ... Ngoài ra, theo ông, Việt Nam đang ở trong giai đoạn dân số vàng, nguồn nhân lực dồi dào và chi phí thuê nhân công có tính cạnh tranh.
Về vai trò, vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn hợp tác quốc tế và khu vực, đặc biệt là tại APEC 2017, ông Kim Sang Yeol nhận định Việt Nam là nền kinh tế thành viên tích cực và có nhiều sáng kiến cũng như đóng góp quan trọng tại nhiều cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực. Đặc biệt, tại các hội nghị trong khuôn khổ APEC 2017, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến được các thành viên ủng hộ và đánh giá cao, như việc thống nhất 4 ưu tiên hợp tác của Năm APEC 2017 gồm: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm trên các lĩnh vực lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội; thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tổng Biên tập báo Trung Quốc đánh giá tích cực về triển vọng quan hệ kinh tế Việt-Trung
Ông Lý Cương, Tổng Biên tập “Mạng thương hiệu quốc gia Trung Quốc” gửi lời chúc mừng Việt Nam đã có sự chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC 2017. Theo ông, Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực phát triển tương đối nhanh và sôi động nhất trong nền kinh tế toàn cầu. Để duy trì phát triển kinh tế và thương mại của các nền kinh tế, các bên nên tạo sự thuận lợi, thuận tiện cho nhau để cùng nhau tiến lên, có thế mới gìn giữ được môi trường kinh tế-thương mại tốt đẹp và lành mạnh. Ông nhấn mạnh APEC chính là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cũng là “vật cản đường” đối với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, vốn đang gây khó khăn và trở ngại cho sự phát triển kinh tế và thương mại của mỗi nền kinh tế thành viên. Cùng với sự đồng thuận cao giữa lãnh đạo các nền kinh tế và các lĩnh vực hợp tác ngày càng sâu sắc, vai trò tổ chức của APEC sẽ ngày càng quan trọng hơn khi các nguyên tắc được hoàn thiện.
Về triển vọng quan hệ hợp tác kinh tế Việt- Trung trong thời gian tới, ông Lý Cương cho biết sau Hội nghị Cấp cao APEC 2017, quan hệ kinh tế Trung - Việt được kỳ vọng sẽ có những cải thiện đáng kể, triển vọng vô cùng tích cực và lạc quan, trong đó gồm có những điều kiện thuận lợi trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam nói riêng. Sau Đại hội XIX, Trung Quốc sẽ chú trọng nhiều hơn đến quan hệ với các nước láng giềng, trong đó gồm có Việt Nam và khu vực Đông Bắc Á. Hiện hai nước Trung Quốc và Việt Nam đều có chung nền tảng chế độ là nhà nước xã hội chủ nghĩa, đều đã tiến hành cải cách và mở cửa thành công. Trên bình diện chung, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Trung Quốc, những mâu thuẫn giữa các nền kinh tế lớn trong APEC sẽ được giảm thiểu, và thay vào đó là hợp tác sẽ gia tăng, quan hệ giữa các bên không ngừng được cải thiện.
Ông Lý Cương hy vọng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ hướng tới tương lai lâu dài và tập trung vào lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước. Theo ông, trong chiến lược phát triển kinh tế, Việt Nam cần đặc biệt chú trọng tới uy tín của doanh nghiệp, chất lượng của sản phẩm và xây dựng thương hiệu.
Chuyên gia Nga đánh giá Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia hàng đầu khu vực
Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia hàng đầu khu vực và việc tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 sẽ củng cố hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là nhận định của chuyên gia Maria Zelenkova trong bài phân tích đăng trên trang mạng của Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga.
Bài báo cho biết trong những năm gần đây Việt Nam đã trở thành trung tâm chú ý trong số những quốc gia hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này là do vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao và nhiều nguyên nhân khác, trong đó có mong muốn của Việt Nam trở thành quốc gia tích cực tham gia các hoạt động của khu vực, thúc đẩy hội nhập kinh tế tối đa, điều mà Việt Nam rất cần để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế tối ưu và thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và tham gia các khuôn khổ hội nhập khác nhau từ các hội nghị thượng đỉnh và diễn đàn đến khu vực thương mại tự do. Hơn nữa, Việt Nam vẫn rất cởi mở với những sáng kiến mới. Ví dụ, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến ý tưởng hồi sinh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương do Nhật Bản đề xuất.
Năm 2006, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 14. Có ý kiến cho rằng thành công này đã góp phần thúc đẩy việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và cải thiện quan hệ với Mỹ. Chuyên gia Nga nhận định năm 2017, Hội nghị Cấp cao APEC một lần nữa được tổ chức tại Việt Nam sẽ lại càng củng cố hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Hiện những nhiệm vụ chính đang đặt ra cho Việt Nam là thu hút đầu tư nước ngoài, bảo đảm an ninh năng lượng và lương thực. Chính vì thế, những nỗ lực của Việt Nam khi chuẩn bị và tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 2017 nhằm giải quyết những nhiệm vụ này. Theo chuyên gia Zelenkova, Việt Nam đã tận dụng tốt vai trò Chủ tịch APEC nhằm kêu gọi đầu tư vào Việt Nam. Trong thời gian gần đây, giới chuyên gia đang chờ đợi những hiệp định mới giữa các công ty Việt Nam và các nhà đầu tư khu vực trong lĩnh vực thương mại, cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghệ.
Báo Hong Kong (Trung Quốc) kỳ vọng quan hệ Việt - Trung bước lên tầm cao mới
Tờ “Đại Công báo” của Hong Kong (Trung Quốc) ngày 11-11 có bài viết “APEC thúc đẩy hợp tác Trung - Việt bước lên một tầm cao mới”, đánh giá cao những thành tựu phát triển của Việt Nam sau mở cửa, cũng như tương lai hợp tác giữa Việt Nam-Trung Quốc trong thời gian tới.
Bài viết nhận định Việt Nam là nước chủ nhà của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 và địa điểm được lựa chọn tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC là Đà Nẵng, thành phố lớn thứ tư ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam mong muốn thông qua việc tổ chức các sự kiện quốc tế lớn để nâng cao uy tín quốc tế và hình ảnh của Việt Nam, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực miền Trung Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam coi việc tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC là công tác trọng tâm trong năm nay, đây cũng là công việc ưu tiên chiến lược trong quá trình hội nhập toàn diện vào cộng đồng quốc tế và nâng cao công tác đối ngoại đa phương của Việt Nam.
Tác giả bài báo nhận định trong hơn 30 năm tiến hành cải cách mở cửa, Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. Do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ năm 2011 đến năm 2015 chỉ đạt mức 5,9%. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của thế giới, đây vẫn là mức tăng trưởng cao. Về quy mô kinh tế, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người năm 2016 của Việt Nam đạt 2.300 USD. Về đầu tư nước ngoài, trong năm 2016, Việt Nam cấp phép đầu tư đối với 2.526 dự án mới, với số vốn đăng ký đạt 15,1 tỷ USD, ngoài ra có 1.225 dự án tăng vốn đầu tư, với tổng số vốn đầu tư tăng thêm là 5,76 tỷ USD. Trong tương lai, đầu tư nước ngoài của Việt Nam sẽ tập trung vào chất lượng, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến bảo vệ môi trường và kinh tế mới.
Bài báo nhận định thông qua Hội nghị Cấp cao APEC và chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình lần này, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ bước lên bậc thềm mới./.
Bài phát biểu của Chủ tịch nước tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25  (11/11/2017)
Chủ tịch Quốc hội dự lễ kỷ niệm 100 năm trường THCS Trưng Vương  (11/11/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình  (11/11/2017)
Thủ tướng Campuchia đánh giá cao Việt Nam đăng cai tổ chức APEC 2017  (11/11/2017)
Chủ tịch nước gặp lãnh đạo Lào, Campuchia và Hàn Quốc  (11/11/2017)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển