APEC 2017: Dư luận quốc tế đánh giá cao công tác chuẩn bị và vai trò chủ nhà của Việt Nam
Chuyên gia Argentina đánh giá chính sách đối ngoại phát triển kinh tế của Việt Nam
Trả lời phỏng vấn, Giáo sư Giáo sư Guillermo Perez Cena thuộc Khoa Ngoại thương của Đại học Thế kỷ XXI, thành viên Hiệp hội Hợp tác và hội nhập châu Á- châu Mỹ cho biết ông vừa có chuyến làm việc 10 ngày tại Việt Nam và ông cảm nhận được không khí chuẩn bị sôi động cho Hội nghị Cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam. Theo ông, việc Việt Nam đăng cai tổ chức APEC, diễn đàn đa phương góp phần thúc đẩy các quan hệ liên kết giữa các nền kinh tế thành viên, lần này là một thách thức. Hiện nay, APEC đang đối mặt với nhiều thách thức lớn trong việc thúc đẩy kết nối giữa tất cả các nền kinh tế thành viên, toàn cầu hóa và tự do thương mại. Đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam đưa ra chính sách đối ngoại hướng tới việc quốc tế hóa hoàn toàn.
Theo Giáo sư Cena, thứ nhất, ở Đông Nam Á, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh nhất trong những năm qua và một trong những yếu tố quan trọng đó là việc Việt Nam phát triển nguồn nhân lực hướng tới nền kinh tế kỹ thuật số. Yếu tố thứ hai, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mà doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò chủ đạo. Điều đó phản ánh Việt Nam đang phát triển dựa trên sự đóng góp và tham gia tích cực của doanh nghiệp vừa và nhỏ vào nền kinh tế trong nước. Ông cũng cho rằng Việt Nam đang theo đuổi một chính sách đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế. Việt Nam là quốc gia vô cùng thân thiện và chắc chắn sẽ đóng góp cũng như tham gia tích cực vào APEC. Việt Nam dành nhiều mối quan tâm trong việc đăng cai tổ chức APEC 2017 sau khi đã tổ chức thành công sự kiện này trong năm 2006.
Về triển vọng phát triển quan hệ giữa Argentina và Việt Nam trong bối cảnh Argentina muốn gia nhập Liên minh Thái Bình Dương mà trong đó 3 trong 4 nước là thành viên của APEC, Giáo sư Cena khẳng định chính sách đối ngoại của Argentina đã thay đổi trong gần 2 năm trở lại đây, hướng nhiều tới khu vực Đông Nam Á. Trao đổi thương mại tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương chiếm 49% tổng kim ngạch thương mại trên toàn thế giới, bởi vậy Argentina không mong muốn bị loại khỏi thị trường này. Ông nhấn mạnh thế giới cần rất nhiều lương thực, thực phẩm và Argentina, quốc gia sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới, có rất nhiều tiềm năng để đáp ứng nhu cầu này. Do đó, thị trường Đông Nam Á là thách thức với hàng nông phẩm của Argentina. Vì vậy, Argentina bắt đầu tiếp cận các nước châu Á, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nhiều thỏa thuận khác. Tổng thống Mauricio Macri đã thực hiện chuyến thăm tới Colombia và Chile để bày tỏ mong muốn trở thành quan sát viên của Liên minh Thái Bình Dương. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu tiên. Giáo sư Cena cho rằng thách thức thật sự đó là khả năng hợp tác giữa khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Argentina không những cần đưa ra các chính sách để có thể tạo giá trị gia tăng trong sản xuất lương thực mà còn cần phải đưa ra các chính sách liên quan tới hậu cần, đó là tuyến hành lang nối hai bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Việc xây dựng tuyến hành lang giữa Brazil, Argentina và Chile sẽ là chìa khóa trong tiến trình kết nối trao đổi giữa các nước châu Á-Thái Bình Dương với Mercosur. Là thành viên của Mercosur, Argentina quan tâm đến các thị trường truyền thống như khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, Giáo sư Cena tin rằng trong năm nay và năm tới, các nước Mercosur sẽ bắt đầu triển khai nhiều thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp Đông Nam Á, đặc biệt với các doanh nghiệp Việt Nam và Indonesia.
Đề cập đến triển vọng TPP sau khi Mỹ quyết định rút khỏi hiệp định này, Giáo sư Cena cho biết 11 nước còn lại trong TPP đang tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện thỏa thuận đã được ký kết mà không có sự tham gia của Mỹ. Theo ông, trên thực tế, Việt Nam là nước đang phát triển với tốc độ rất nhanh, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 6-6,5% mỗi năm. Trong những năm gần đây, Mỹ là thị trường xuất khẩu rất quan trọng của Việt Nam. Mỹ thúc đẩy quan hệ song phương với Việt Nam vì sự phát triển có lợi cho cả hai nước. Ông cho rằng trong mối quan hệ với Việt Nam, một hiệp định song phương với Mỹ sẽ quan trọng hơn, ngoài khuôn khổ TPP. Tuy nhiên, TPP sẽ giúp Việt Nam tăng cường liên kết kinh tế với 11 nước còn lại tham gia ký kết TPP, thúc đẩy phát triển kinh tế vi mô, thực thi những chính sách và triển vọng kinh tế vĩ mô. Mặc dù vậy, Giáo sư Cena tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục chính sách đàm phán hướng tới mở rộng quan hệ thương mại và kinh tế với các quốc gia Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển vững chắc nhất. Theo ông, Việt Nam đang củng cố chặt chẽ chính sách đối ngoại trong lĩnh vực thương mại quốc tế.
Báo chí Campuchia đề cao tầm nhìn và vị thế mới của Việt Nam
Nhật báo Kampuchea Thmey (Campuchia Mới) ngày 03-11 đã đăng bài viết “APEC 2017: Tầm nhìn và vị thế mới của Việt Nam”.
Bài báo nhận định sự ủng hộ và tham gia tích cực của các nền kinh tế APEC, các tổ chức khu vực và quốc tế đối với Năm APEC 2017 sẽ là đòn bẩy giúp Việt Nam phát huy được “sức mạnh mềm", thể hiện vai trò năng động, dẫn dắt và trách nhiệm của thành viên diễn đàn hợp tác kinh tế quan trọng hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhật báo cũng nhấn mạnh nhìn vào những gì đã đạt được, bạn bè và đối tác trong cũng như ngoài diễn đàn đều trân trọng, đánh giá cao từ công tác tổ chức chu đáo, chuyên nghiệp, đến những đề xuất, sáng kiến chủ động, tích cực của Việt Nam thúc đẩy hợp tác, liên kết APEC.
Đây là lần thứ hai Việt Nam tổ chức Năm APEC vào thời điểm tình hình thế giới và khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp. Đúng vào lúc APEC đang bước vào giai đoạn nước rút hoàn thành các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020, lại nổi lên không ít lực cản đối với tiến trình toàn cầu hóa và liên kết kinh tế. Thực tế đó đặt những người "chèo lái con thuyền" APEC trước trọng trách phải chung tay hành động nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn cho diễn đàn, góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Vì lẽ đó, bạn bè quốc tế nhìn nhận Năm APEC Việt Nam 2017 vừa là thử thách, vừa là cơ hội rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và liên kết ở châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới.
Đánh giá về tầm nhìn chiến lược đối ngoại của Việt Nam qua sự kiện APEC, nhật báo Kampuchea Thmey nhận định Năm APEC 2017 là cơ hội rất quan trọng để khẳng định ảnh hưởng và trí tuệ của đối ngoại Việt Nam, đặc biệt là công tác đối ngoại đa phương trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng. Thành công của Năm APEC 2006 và uy tín quốc tế ngày càng cao qua việc đảm nhận tốt các trọng trách ở nhiều tổ chức, diễn đàn những năm qua đã giúp Việt Nam bước vào Năm APEC 2017 với một tâm thế mới.
Nhật báo nhận định thêm không phải ngẫu nhiên chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” của Năm APEC 2017 được bạn bè, đối tác đánh giá cao và đồng lòng hưởng ứng. Trên cơ sở tiếp nối các thành quả của hợp tác APEC thời gian qua, Việt Nam đã đề ra 4 ưu tiên lớn về thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Vị thế của Việt Nam đang ngày càng gia tăng và APEC là một trong những diễn đàn đa phương quan trọng, mang lại nhiều lợi ích thực chất nhất, do diễn đàn này hội tụ 13/25 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, cùng nhiều đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam. 18 thành viên APEC là các đối tác quan trọng trong các Hiệp định Tự do Thương mại song phương và nhiều bên của Việt Nam. Do đó, Năm APEC 2017 là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam và là đóng góp quan trọng nhất của Việt Nam đối với hợp tác APEC trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng.
Nhật báo một lần nữa nhấn mạnh việc Việt Nam là chủ nhà APEC 2017 và được mời tham dự các cuộc họp của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) trong năm nay thể hiện sự tin cậy, đánh giá cao của bạn bè quốc tế đối với những sáng kiến, ý tưởng hợp tác vượt lên trên tầm khu vực mà Việt Nam đã đề xuất cho APEC. Rõ ràng, các hoạt động Năm APEC 2017 sẽ góp phần khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của diễn đàn cũng như vị thế xứng đáng của Việt Nam trong quản trị khu vực và toàn cầu.
Giáo sư Carl Thayer đánh giá Việt Nam là nhân tố quan trọng trong hòa bình và ổn định của khu vực
Ngày 03-11, trang mạng “Thayer Consultancy” đăng tải bài viết của Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á và Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Australia, với nội dung nhận định Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương 2017 là cơ hội để Việt Nam nâng cao vai trò trên trường quốc tế.
Theo Giáo sư Carl Thayer ngay từ năm 1991, Việt Nam đã chủ trương “đa dạng hóa và đa phương hóa” các quan hệ đối ngoại để tránh sự cô lập trong các vấn đề quốc tế. Năm 1995, Việt Nam đã trở thành thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và sau đó là APEC. Là thành viên trong các tổ chức đa phương, Việt Nam cũng từng tổ chức thành công các cuộc họp bộ trưởng và một số hội nghị thượng đỉnh như Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Pháp ngữ năm 1997 và một năm sau đó tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 6. Đặc biệt, thành công tốt đẹp của Hội nghị Cấp cao APEC 2006 đã cho thấy khả năng dẫn dắt của Việt Nam, cũng như vai trò tích cực góp phần vào việc thúc đẩy tự do hóa thương mại khu vực. Kết quả của hội nghị lần đó đã nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam và là bàn đạp ngoại giao quan trọng giúp Việt Nam ứng cử Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với tư cách là thành viên không thường trực vào cuối năm 2007. Thời điểm đó, Việt Nam là lựa chọn đồng thuận của khối châu Á làm ứng cử viên và giành được lá phiếu áp đảo trong Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Cũng theo Giáo sư Carl Thayer, tiếp nối những thành quả ấy, trong Tuần lễ Cấp cao APEC lần này, Việt Nam sẽ đón tiếp lãnh đạo các cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nga thăm chính thức Hà Nội; cho thấy vai trò và tầm ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực ngày càng tăng. APEC rõ ràng đóng vai trò như một nơi gặp gỡ của các nhà lãnh đạo thế giới để thúc đẩy các mục tiêu thương mại, tự do hóa đầu tư và hội nhập kinh tế cũng như thảo luận bên lề một loạt các vấn đề phi kinh tế được quan tâm. Là chủ tịch APEC 2017, Việt Nam sẽ đóng vai trò ngoại giao trong việc thúc đẩy các mục tiêu của APEC trong một khung cảnh đa phương. Khi Việt Nam đón tiếp các chuyến thăm chính thức của các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đến Hà Nội, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ các mối quan hệ song phương. Bởi vì, mỗi lãnh đạo nước ngoài thăm chính thức Hà Nội sẽ thừa nhận vai trò của Việt Nam như một nhân tố quan trọng trong hòa bình và ổn định của khu vực.
Việt Nam đã chọn chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Đây là một chủ đề quan trọng thể hiện sự cấp bách của việc phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bằng cách hội tụ sự đồng thuận trong các nước thành viên APEC để thúc đẩy các nỗ lực tăng trưởng và hội nhập kinh tế khu vực thông qua thương mại và đầu tư. Vì Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi phụ thuộc vào tiếp cận thị trường của các nền kinh tế tiên tiến, nước này có những điều kiện để xác định các trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế. Việt Nam đã nhấn mạnh cải cách cơ cấu và đổi mới trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chủ đề của APEC 2017 cũng sẽ thúc đẩy mục tiêu chung và dài hạn của APEC là xây dựng một cộng đồng hòa bình, ổn định, hội nhập và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Chuyên gia Hàn Quốc đánh giá cao vai trò tích cực của Việt Nam trong hội nhập kinh tế thế giới
Trả lời phỏng vấn, Giáo sư Park Tae-kyun, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thực phẩm Đại học Korea, đồng thời là Chủ tịch Diễn đàn lương thực Hàn Quốc thuộc Bộ Nông nghiệp, chăn nuôi và thực phẩm Hàn Quốc, nhận định Việt Nam là nền kinh tế thành viên tích cực và có nhiều sáng kiến cũng như đóng góp tại nhiều cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực như Tổ chức Thương mại thế giới, APEC, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á... Ông đánh giá cao sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm (gồm kinh tế, tài chính và xã hội) mà Việt Nam đưa ra, đồng thời cho rằng những sáng kiến cùng vai trò dẫn dắt của nước chủ nhà Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, góp phần giúp APEC đẩy nhanh tiến trình hoàn thành mục tiêu Bogor 2020, trở thành cơ chế hợp tác kinh tế thương mại hiệu quả trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có xu hướng gia tăng. Theo ông Park Tae-kyun, đây là lần thứ hai Việt Nam được chọn là chủ nhà tổ chức các sự kiện APEC, chứng tỏ Việt Nam nhận được sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế. Ông kỳ vọng rằng với những kinh nghiệm tổ chức, cùng với việc chuẩn bị chu đáo, chuyên nghiệp, chủ động đưa ra những sáng kiến thúc đẩy hợp tác và liên kết, Việt Nam sẽ tổ chức thành công APEC 2017.
Ông Park Tae-kyun còn bày tỏ ngạc nhiên trước sự thay đổi ngoạn mục của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua và lạc quan cho rằng với những cải cách kinh tế mà Chính phủ Việt Nam đang theo đuổi, Việt Nam trong những năm tới sẽ tiếp tục có những bước phát triển nhanh, bền vững.
Liên quan đến quan hệ song phương Việt Nam - Hàn Quốc, Giáo sư Park Tae-kyun cho biết kể từ khi Việt Nam - Hàn Quốc ký Hiệp định thương mại tự do năm 2015, hai bên đã trở thành đối tác kinh tế lớn của nhau với kim ngạch thương mại không ngừng tăng. Ông nhận định Việt Nam đang là một thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn với nhiều cơ hội để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh thời gian tới./.
APEC 2017: Việt Nam rộng mở vòng tay chào đón bạn bè  (05/11/2017)
Cựu Đại sứ David Shear: Quan hệ Mỹ-Việt Nam ngày càng phát triển  (05/11/2017)
10 ngày rung chuyển thế giới  (05/11/2017)
10 ngày rung chuyển thế giới  (05/11/2017)
Chương trình nghệ thuật "Bài ca Tháng Mười Nga - Mãi mãi một niềm tin"  (05/11/2017)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên