Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng

Mai Thị Lệ Quyên TS, Học viện Cảnh sát, Bộ Công an
22:45, ngày 14-07-2017

TCCSĐT - Trong thời gian qua, cùng với nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước, lĩnh vực ngân hàng đã góp phần thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này có những diễn biến phức tạp. Phổ biến là một số tội phạm, như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản, vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng… Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng, cần triển khai nhiều hơn nữa những giải pháp quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát kinh tế (CSKT), từ năm 2006 đến tháng 5-2017, lực lượng CSKT đã phát hiện 1.161 vụ với 2.184 đối tượng vi phạm về kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng; trong đó khởi tố, điều tra 646 vụ với 1.675 bị can… Tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt và phức tạp, gây hậu quả, thiệt hại lớn. Việc quản lý thanh toán, quản lý tiền mặt và quản lý tín dụng còn bị buông lỏng; một số đối tượng thoái hóa, biến chất trong ngành lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, phương tiện, kỹ thuật hiện đại, bằng các thao tác nghiệp vụ được trang bị, dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản của ngân hàng hoặc không thực hiện đúng các quy định, gây hậu quả nghiêm trọng.

Một số phương thức, thủ đoạn phạm tội

Thứ nhất, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng là cán bộ ngân hàng.

- Lợi dụng nhiệm vụ huy động tiền gửi tiết kiệm, giả mạo chữ ký của khách hàng gửi tiền, không hạch toán vào tài khoản của khách hàng mà vào tài khoản của cá nhân, thông qua tài khoản chuyển tiền đi ngân hàng khác để rút tiền tham ô. Ví dụ, vụ Lê Hoài Phương, nguyên Trưởng phòng giao dịch Đông Ngạc của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Cầu Giấy (Hà Nội) làm giả chữ ký người gửi tiền, giả chữ ký các giao dịch viên, lấy cắp mật khẩu truy cập và mã giao dịch để đăng nhập vào chương trình quản lý tiền của ngân hàng trong thời gian 6 tháng, tham ô 27,3 tỷ đồng.

- Tẩy xóa, sửa chữa số dư trên sổ tiết kiệm lên gấp nhiều lần số dư thật, đem thế chấp ngân hàng vay tiền và chiếm đoạt; sửa trực tiếp dữ liệu trên máy tính làm tăng số dư tiền gửi cá nhân của bản thân và một số khách hàng khác, sau đó rút tiền mặt. Đối tượng sử dụng thủ đoạn này thường là cán bộ kế toán theo dõi tiền vay, lợi dụng chức vụ của mình để hủy chứng từ nộp tiền của khách, thay vào đó là giấy nộp tiền mặt vào tài khoản mang tên chính mình, sửa chữa trực tiếp vào file dữ liệu cân đối để lấy tiền từ các tài khoản có cùng tính chất với tài khoản tiền gửi cá nhân, như tài khoản thu nhập về lãi tiền vay, tài khoản dự chi trả lãi, tài khoản chi phí.

- Lập hồ sơ vay vốn giả của khách hàng, rút tiền ngân hàng để tham ô, như vụ Nguyễn Thanh Hà, cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh Tam Trinh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã làm giả chứng từ của 51 khách hàng và 59 sổ tiền gửi tiết kiệm, không nhập kho quỹ và không hạch toán vào hệ thống của ngân hàng để chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng.

- Làm giả hợp đồng huy động vốn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ví dụ, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và Võ Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương, chi nhánh Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh đã làm giả con dấu, hợp đồng, chữ ký của Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương, chi nhánh Nhà Bè và một số doanh nghiệp khác để lừa đảo, chiếm đoạt hơn 4.900 tỷ đồng của 2 ngân hàng, công ty chứng khoán, 33 doanh nghiệp và nhiều cá nhân khác.

Thứ hai, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng ngoài ngân hàng.

- Lập dự án không có thật rồi thế chấp vay vốn ngân hàng để chiếm đoạt, như vụ Hoàng Anh Thư, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Tùng Thư lập giả hồ sơ vay vốn với phương án kinh doanh mua bán đồ dùng nội thất sắt mỹ thuật. Hợp đồng đầu vào mua 4.800 sản phẩm đồ dùng nội thất sắt mỹ thuật, trị giá 8,8 tỷ đồng với Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Khánh Dương. Hợp đồng đầu ra cho toàn bộ số hàng nói trên trị giá 12 tỷ đồng được ký với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển nhà Hồ Gươm. Với hồ sơ trên, Công ty Tùng Thư đã được Ngân hàng Phát triển Việt Nam chấp nhận bảo lãnh vay vốn 4,8 tỷ đồng; sau đó Hoàng Anh Thư dùng bảo lãnh của VDB vay thành công 4,8 tỷ đồng của HDBank, rồi chiếm đoạt.

- Làm thủ tục vay vốn ngân hàng nhưng tài sản thế chấp thực có chiếm tỷ lệ thấp, móc nối với cán bộ ngân hàng lập hợp đồng kinh tế khống, hợp đồng thuê kho khống, hóa đơn giá trị gia tăng khống. Dùng tài sản giả để thế chấp cùng lúc cho nhiều ngân hàng nhằm vay vốn, chiếm đoạt tài sản. Vụ Nguyễn Xuân Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Nguyễn Đăng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Trường Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) ký hợp đồng thế chấp khoảng 24.000 tấn cà-phê hạt cho 7 ngân hàng để vay hơn 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, trong kho chỉ có hơn 8.000 tấn cà-phê (kê khống 16.000 tấn).

- Làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở, giấy tờ có giá giả để thế chấp vay tiền ngân hàng rồi chiếm đoạt.

- Thế chấp ngân hàng bằng hàng hóa hình thành từ vốn vay, ngân hàng giám sát không chặt chẽ để khách hàng bán tài sản nhưng không trả nợ…

Tình hình tội phạm kinh tế lĩnh vực ngân hàng diễn biến phức tạp thời gian qua xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản sau:

Một là, do những bất cập từ cơ chế, hệ thống chính sách và pháp luật của Nhà nước. Một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan còn thiếu, chưa đồng bộ, thậm chí gây khó khăn cho quá trình phát hiện, điều tra.

Hai là, trong hệ thống ngân hàng còn bộc lộ nhiều sơ hở, bất cập, như một số ngân hàng nới lỏng điều kiện tín dụng, không tuân thủ trình tự, thủ tục, quy định cho vay; còn có tình trạng xem nhẹ hệ thống công nghệ, bảo đảm an ninh, bảo mật thông tin. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa thực sự được chú trọng. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát con người và tài sản của các ngân hàng còn nhiều sơ hở, yếu kém. Một bộ phận cán bộ, nhân viên ngân hàng còn hạn chế về trình độ, năng lực, thậm chí tha hóa, suy thoái về đạo đức, đã trực tiếp thực hiện hoặc móc nối với các đối tượng ngoài xã hội dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản của ngân hàng.

Ba là, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế thuộc lĩnh vực ngân hàng của các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng CSKT còn nhiều tồn tại, hạn chế. Việc tiến hành công tác nghiệp vụ cơ bản phục vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế còn mang tính hình thức, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa thường xuyên, liên tục, do đó việc phát hiện, điều tra còn mang tính thụ động. Mối quan hệ phối hợp của lực lượng CSKT với các lực lượng trong và ngoài ngành công an còn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả. Trình độ đội ngũ cán bộ, chiến sĩ lực lượng CSKT chưa đáp ứng được yêu cầu trong hoạt động phát hiện, điều tra tội phạm kinh tế.

Một số đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, hoàn thiện các quy định của pháp luật làm cơ sở nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế.

Bộ Công an tham mưu, đề xuất với Chính phủ xây dựng quy định về cơ chế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc trao đổi thông tin, tài liệu, nêu rõ trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phạm vi tài liệu được trao đổi. Quan tâm, nghiên cứu, xây dựng và ký kết quy chế phối hợp trong thanh tra, kiểm tra, giám sát các ngân hàng thương mại; quy chế phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng. Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng quy chế, cần quan tâm đến xây dựng nội dung cụ thể, thiết thực từ việc cung cấp thông tin, đề ra các biện pháp cảnh báo, phòng ngừa tội phạm đến phối hợp cung cấp thông tin điều tra tội phạm.

Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hữu quan xây dựng, ban hành các văn bản liên tịch hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015; chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ trong giải quyết các vụ án hình sự thuộc lĩnh vực ngân hàng.

Thứ hai, thực hiện tốt các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản.

Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng, việc triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đặc biệt là các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản là hoạt động xuyên suốt, là cơ sở bảo đảm cho việc tiến hành hiệu quả các mặt công tác khác. Lực lượng CSKT cần chủ động, tăng cường công tác nắm tình hình, theo dõi, kịp thời phát hiện những vi phạm trong hoạt động tín dụng, ngân hàng; tình hình dư luận, phản ứng của quần chúng nhân dân, kịp thời báo cáo để chỉ đạo thực hiện.

Từ kết quả áp dụng từng biện pháp nghiệp vụ, lực lượng CSKT cần phân tích, tổng hợp nhằm đánh giá một cách khách quan về thực trạng hoạt động của các ngân hàng cũng như đội ngũ cán bộ ngân hàng, để có những đề xuất xử lý phù hợp, hiệu quả. Khi phát hiện ra vụ, việc có dấu hiệu của tội phạm, nhanh chóng chỉ đạo áp dụng các biện pháp nghiệp vụ xác minh làm rõ vụ, việc và các đối tượng liên quan, trên cơ sở đó áp dụng các biện pháp ngăn chặn và biện pháp điều tra phù hợp.

Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác phát hiện, điều tra, xử lý.

Tổ chức tốt mạng lưới thông tin trinh sát để chủ động phát hiện nguồn tin về tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng. Sau khi tiếp nhận và xử lý thông tin, lực lượng CSKT khẩn trương tiến hành phân loại, nghiên cứu, đánh giá để có biện pháp xác minh làm rõ, phục vụ cho công tác khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Bên cạnh đó, thống nhất định hướng điều tra; lựa chọn, bố trí điều tra viên phù hợp, bảo đảm năng lực, phẩm chất chính trị; xây dựng kế hoạch điều tra chi tiết, tổ chức kiểm tra việc thực hiện kế hoạch cũng như có biện pháp quản lý điều tra viên.

Nhanh chóng, kịp thời thu thập thông tin, tài liệu chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng; triệt để tìm cách thu hồi tài sản bị chiếm đoạt bằng cách kịp thời tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài sản, hạn chế tới mức thấp nhất việc các đối tượng tẩu tán tài sản, tiêu hủy tài liệu, vật chứng, áp dụng biện pháp giám sát không để đối tượng bỏ trốn, bảo đảm cho việc thu hồi tài sản cũng như xử lý tội phạm.

Quá trình điều tra tội phạm kinh tế cần hết sức thận trọng, kiên quyết nhưng mềm dẻo, linh hoạt, đáp ứng các yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ; đồng thời kiên quyết dù đối tượng có nhân thân như thế nào, chức vụ, quyền hạn ra sao. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác cán bộ, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm nhằm sớm phát hiện những vướng mắc trong bố trí cán bộ, khó khăn khi áp dụng các biện pháp nghiệp vụ hay triển khai hoạt động điều tra để kịp thời tham mưu, đề xuất những biện pháp khắc phục.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong và ngoài ngành công an.

Lực lượng CSKT cần chủ động xây dựng mối quan hệ phối hợp với cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát nội bộ ngân hàng trong việc tuyên truyền, cảnh báo thủ đoạn phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng trên địa bàn thành phố, đặc biệt là cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng trong việc thực hiện Chỉ thị số 03/CT-NHNN, ngày 16-3-2012, của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về công tác thanh tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, sai phạm trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Triển khai mối quan hệ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc cung cấp, quản lý và xử lý thông tin về tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng. Phối hợp trong toàn bộ quá trình điều tra, xử lý tội phạm để có sự đồng thuận trong việc đánh giá chứng cứ, xác định tội danh cũng như hậu quả, thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, từ đó xác định phương hướng xử lý bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Chủ động phối hợp với các lực lượng an ninh kinh tế, an ninh tài chính tiền tệ trong quá trình tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để quản lý địa bàn ngân hàng, tránh tình trạng chồng chéo hoặc bỏ trống địa bàn. Phối hợp với các lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội để trao đổi thông tin, quản lý địa bàn, quản lý đối tượng. Phối hợp với lực lượng kỹ thuật hình sự trong giám định các loại giấy tờ tài liệu, con dấu, chữ ký, vật chứng thu thập được phục vụ cho quá trình điều tra tội phạm, bảo đảm các yêu cầu pháp luật, nghiệp vụ cũng như tiến độ điều tra vụ án.

Thứ năm, hoàn thiện tổ chức lực lượng CSKT đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng.

Tăng cường công tác đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ pháp luật, nghiệp vụ, đặc biệt là nghiệp vụ ngân hàng cho đội ngũ trinh sát và điều tra viên. Mỗi cán bộ, chiến sĩ cần nghiên cứu nắm chắc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý kinh tế - tài chính, ngân hàng, nghiệp vụ ngân hàng, đặc biệt là các nghiệp vụ về cho vay, huy động vốn. Không ngừng rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị và năng lực công tác, giữ vững phẩm chất cách mạng của người cán bộ công an nhân dân.

Tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề, các lớp tập huấn để phổ biến cho cán bộ, chiến sĩ nắm bắt và ngăn chặn các phương thức, thủ đoạn thực hiện tội phạm và che giấu tội phạm của các đối tượng phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, các trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng. Bảo đảm chế độ thanh toán các chi phí cho các hoạt động nghiệp vụ một cách hợp lý trong tình hình hiện nay để các hoạt động nghiệp vụ này có thể hỗ trợ đắc lực cho hoạt động điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ làm rõ sự thật vụ án./.