Singapore và phong trào khởi nghiệp Việt Nam

TS. Nguyễn Quang Vũ, Phùng Nguyên Phong Chủ tịch Hội đồng quản trị VietCham Singapore; Tổng Giám Đốc VietCham STI tại Việt Nam
15:18, ngày 30-06-2017

TCCSĐT - Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư đã chuyển sang hình thái mới, nhìn sâu hơn vào phát triển kinh tế, coi lợi nhuận chỉ là một điều kiện cần nhưng chưa đủ. Một khái niệm kinh tế mới mà trong ngôn ngữ hiện đại được gọi là phát triển bền vững. Điều này liên quan tới những cái được không chỉ là dành cho nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp mà cho toàn bộ chuỗi cung ứng và cả thị trường mà sản phẩm, dịch vụ được cung cấp.

Ảnh hưởng của toàn cầu hóa tới khởi nghiệp Việt Nam

Trong vài năm vừa qua, khởi nghiệp đã trở thành một phong trào và chủ đề nóng trong giới trẻ Việt Nam. Không đứng ngoài cuộc chơi, Việt Nam cũng đang tăng tốc để bắt nhịp theo guồng quay của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hàng loạt các sự kiện lớn nhỏ liên quan chủ đề này được tổ chức và thực hiện. Các trung tâm đào tạo, hỗ trợ khởi nghiệp cũng như các vườn ươm doanh nghiệp ra đời ở khắp các tỉnh, thành phố lớn. Chưa bao giờ tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp lại sục sôi như thời gian qua. Các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam cũng đang từng bước chuyển biến và trưởng thành từ chất lượng sản phẩm dịch vụ tới tầm nhìn. Một loạt các startup khởi nghiệp đã gặt hái được nhiều thành công và đang trên đà phát triển như VNG, Appota, Tiki, VCCorp, Misfit, GotIt,...

Theo số liệu thống kê năm 2016 của Trung tâm xúc tiến thương mại đầu tư VietCham tại Singapore (Vietnam Chamber of Commerce, www.vietcham.org.sg), số doanh nghiệp khởi nghiệp đăng ký tìm hiểu phương thức đầu tư và mở rộng thị trường thông qua cửa ngõ Singapore tăng hơn 5 lần so với năm 2015. Có thể nói, một xu hướng mới đang phát triển trong lòng phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam. Các doanh nghiệp khởi nghiệp không chỉ tập trung vào việc xây dựng sản phẩm dịch vụ bước đầu mà còn biết hoạch định chiến lược kinh doanh để vươn ra thị trường toàn cầu thông qua Singapore hay Hong Kong. Tiêu biểu cho xu hướng “Go Global” này là Designbold, Money Lover, Beeketing, GotIt!, Triip.me,...

Điều này có thể được lý giải từ việc quan sát các sáng lập viên của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt trong thời gian gần đây. Nhìn chung họ được tiếp cận sớm với tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu, sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ, dày công nghiên cứu các tài liệu khởi nghiệp trên thế giới hay học hỏi từ chính những người đi trước. Đặc biệt, họ có tinh thần dám nghĩ dám làm, không ngại tham gia các sự kiện khởi nghiệp trên trường quốc tế để kêu gọi vốn đầu tư. Theo Vietnam Report 2016, hơn 45% doanh nghiệp đều có kế hoạch đầu tư ra nước ngoài, xây dựng hình ảnh và thương hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ, hay phát triển thị trường nước ngoài trong vòng 5 năm tới, đặc biệt là các doanh nghiệp trong khối ngành công nghiệp, chế tạo, dịch vụ và thương mại.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thường lựa chọn các cửa ngõ lợi thế không xa Việt Nam về vị trí địa lý nhưng lại có sẵn các điều kiện chín muồi, như môi trường kinh doanh thân thiện, có thể sử dụng “quyền lực mềm” để dỡ bỏ những rào cản vô hình đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là sự tham gia nghiêm túc của chính phủ vào cuộc chơi khởi nghiệp. Sở hữu những điều kiện thuận lợi như vậy, lại liên tục được xếp là một trong số những thành phố dễ bắt đầu công việc kinh doanh nhất trên thế giới, dù có những quy định phải tuân theo, nhưng được trình bày rõ ràng và dễ thực thi, Singapore là một trong những lựa chọn khôn ngoan của doanh nghiệp khởi nghiệp Việt.

Các công ty mới có thể được thành lập chỉ sau vài giờ, nếu không nói là vài phút, các tài sản sở hữu trí tuệ được tôn trọng và bảo vệ bởi luật lệ của Singapore vô cùng minh bạch. Năm 2016 là năm thứ 11 liên tiếp Singapore - được mệnh danh là “Thung lũng Silicon của châu Á” - đứng đầu trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh thường niên của Ngân hàng Thế giới. Với thế mạnh đó, Singapore có lợi thế có thể mang đến sự thịnh vượng và phát triển cho các doanh nghiệp non trẻ trong khu vực.

Khi bước chân ra thị trường thế giới, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam hướng đến các đích khác nhau. Ban đầu, họ tìm kiếm một loại hình sản phẩm hay dịch vụ chưa có ở Việt Nam và tìm cách đưa về phục vụ thị trường nội địa. Tuy nhiên, mục tiêu xa hơn của họ là tìm kiếm thị trường mới, khách hàng mới, nhất là trong mảng dịch vụ và sản phẩm công nghệ thông tin.

Cách đây vài chục năm, Singapore chỉ có vài ba quỹ đầu tư lớn, thường chỉ đầu tư cho các doanh nghiệp đã trưởng thành và nhận đầu tư lớn từ 1 - 5 triệu USD, chứ không quan tâm đến các doanh nghiệp khởi nghiệp ở giai đoạn đầu chỉ cần vài chục đến vài trăm nghìn USD. Tuy nhiên, sớm nhận ra tầm quan trọng của làn sóng khởi nghiệp, điều cần thiết cho sự thay đổi trong tương lai của đất nước, Chính phủ Singapore đã có những thay đổi kịp thời.

Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Singapore (National Research Foundation) trực thuộc Văn phòng Thủ tướng Singapore đã thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu (Early Stage Ventures Fund), theo đó các quỹ tư nhân sẽ được chính phủ đầu tư đối ứng 10 triệu đô la Singapore (SGD). Trung tâm quốc gia hỗ trợ khởi nghiệp SPRING Singapore - trực thuộc Bộ Công Thương Singapore - cũng hỗ trợ các doanh nhân khởi nghiệp và các công ty mới thành lập qua Chương trình Phát triển và Hỗ trợ khởi nghiệp (SPRING SEEDS). Chương trình Startup SG bao gồm 6 hỗ trợ thiết thực nhằm đáp ứng những nhu cầu phổ biến nhất trong quá trình khởi nghiệp: Startup SG Accelerator, Startup SG Equity, Startup SG Founder, Startup SG Talent, Startup SG Tech, Startup SG Loan.

Chương trình Startup SG Accelerator sẽ cung cấp vốn và các hỗ trợ ngoài vốn cho những vườn ươm và trung tâm tăng tốc khởi nghiệp tại Singapore. Startup SG Equity là nguồn vốn từ chính phủ rót vào các startup công nghệ được hình thành tại Singapore và có tiềm năng vươn ra quốc tế. Startup SG Founder sẽ hỗ trợ về kinh nghiệm vận hành doanh nghiệp và đối ứng vốn cho những doanh chủ khởi nghiệp lần đầu. Startup SG Talent có nhiệm vụ xây dựng môi trường làm việc và cư trú hấp dẫn hơn để thu hút nhân tài trên thế giới về Singapore sinh sống và khởi nghiệp. Startup SG Tech tập trung hỗ trợ cho các ý tưởng đặc biệt sáng tạo về khoa học và công nghệ. Startup SG Loan cung cấp các khoản vay để hỗ trợ vốn lưu động và giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) mở rộng thị trường. Các chương trình này đã góp phần tạo ra một chu kỳ hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nhiều năm, với sự bổ trợ của các sáng kiến khác từ Cơ quan phát triển công nghệ viễn thông và SPRING Singapore. Ngoài ra, Chính phủ Singapore cũng miễn và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp mới thành lập trong 3 năm.

Một trong các cơ chế đặc thù cần được quan tâm hàng đầu là các chính sách giúp và hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp tiến ra thị trường toàn cầu sớm hơn, nhanh hơn, mạnh hơn. Tại Singapore, tổ chức International Enterprise (hay IE Singapore) là một tổ chức của Chính phủ Singapore chuyên trách hỗ trợ cho doanh nghiệp Singapore tiến ra thị trường toàn cầu bằng các chính sách hỗ trợ việc mở công ty, thuê văn phòng hay thuê nhân lực tại nước ngoài.

Hiện nay tại Singapore, Hiệp Hội người Việt Nam tại Singapore và Trung tâm xúc tiến thương mại đầu tư VietCham đã thành lập Vườn ươm doanh nghiệp Việt, dưới sự bảo trợ của Hiệp hội và Quỹ đầu tư của người Việt (Regulus Investment and Capital Holdings). Tại vườn ươm này, các doanh nghiệp khởi nghiệp không chỉ tiết kiệm chi phí hoạt động mà còn được tư vấn, hỗ trợ về việc thành lập và vận hành doanh nghiệp tại Singapore. Các cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam thường tìm tới VietCham khi họ trăn trở về các hoạt động kinh doanh, các dự án đầu tư tại Singapore, hay gặp phải những thách thức trên thương trường quốc tế. Họ muốn tìm được những tư vấn khách quan và chân thành từ các chuyên gia nhiều kinh nghiệm nhất về: thương mại và giao dịch quốc tế; trưng bày - triển lãm - tiếp thị sản phẩm; tư vấn chiến lược về quản lý và vận hành; nghiên cứu thị trường và trí tuệ doanh nghiệp; kết nối đầu tư - chuyển nhượng và sáp nhập; lên chiến lược và thực thi kế hoạch mở rộng thị trường, hay đơn giản chỉ là ủy thác đầu tư và quản lý tài sản. Thông tin và kinh nghiệm thương trường là những yếu tố sống - còn khi doanh nghiệp muốn vươn ra biển lớn.

Khởi nghiệp vì phát triển bền vững

Phần đông các nhà đầu tư và các lãnh đạo, cấp quản lý của các doanh nghiệp nhìn vào lợi nhuận và các chỉ số liên quan tới lợi nhuận để ra quyết định. Điều này hoàn toàn đúng bởi lợi nhuận chính là nguồn máu nuôi sống doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ quan tâm tới lợi nhuận, những bất cập sẽ xuất hiện như những “mầm mống ung thư” giết chết cơ thể doanh nghiệp và thậm chí giết chết cả một hệ sinh thái kinh tế.

Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư đã chuyển sang hình thái mới, nhìn sâu hơn vào phát triển kinh tế, coi lợi nhuận chỉ là một điều kiện cần nhưng chưa đủ. Một khái niệm kinh tế mới mà trong ngôn ngữ hiện đại được gọi là phát triển bền vững. Điều này liên quan tới những cái được không chỉ là dành cho nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp mà cho toàn bộ chuỗi cung ứng và cả thị trường mà sản phẩm, dịch vụ được cung cấp.

Trong quá trình hoạt động song phương giữa Singapore và Việt Nam, tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư VietCham tại Singapore quan tâm nhất tới những dự án có tính phát triển bền vững. Trong công tác thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thế giới, sự lựa chọn các ngành hàng cũng như các thương hiệu Việt có đầu tư chiều sâu hơn vào phát triển bền vững là một yếu tố chiến lược. Đơn cử như sản phẩm gạo của Công ty Cổ phần Gentraco, tuy không phải là đơn vị xuất khẩu gạo lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhưng Gentraco có những đầu tư chiều sâu vào thương hiệu gạo Miss Cần Thơ và nỗ lực mang thương hiệu Việt ra thế giới, như sẵn sàng đầu tư để có được những chứng chỉ chất lượng cung cấp cho các nước theo đạo Hồi (chứng chỉ Halal). Một đơn vị khác cũng làm bài bản và tập trung vào phát triển bền vững là Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre Betrimex với sản phẩm nước dừa Cocoxim đang ngày càng được ưa chuộng trong khu vực cũng như trên toàn cầu. Không còn muốn “núp bóng” và làm thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài, những doanh nghiệp Việt này đang thực sự quyết tâm khẳng định vị trí thương hiệu Việt trên trường quốc tế. Đây cũng chính là hướng phát triển bền vững, lâu dài cho một tương lai xa hơn của sản phẩm và thương hiệu Việt.

Song song với việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, những dự án khởi nghiệp trong nước có tầm nhìn và chiều sâu vào phát triển bền vững cũng hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Mới đây, ngày 06-5-2017, thông qua VietCham, quỹ đầu tư tài chính World Gold tại Singapore cam kết sẽ đầu tư vào Công ty cổ phần phát triển Việt Nam toàn cầu (VNI) để cùng phát triển các hoạt động kinh doanh của VNI, đặc biệt là các dự án kinh doanh tiêu dùng, thực phẩm sạch, nhà hàng sạch,… Dự kiến tổng vốn đầu tư cho VNI lên tới 15 triệu USD trong giai đoạn 2017 - 2019 nếu các mô hình của VNI hoạt động hiệu quả. Đại diện World Gold cũng cho biết, quỹ này dành sự quan tâm và đầu tư cho mô hình “Từ nông trại đến bàn ăn” do VNI phát triển tại thị trường Việt Nam, bao gồm: Chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch GONFarm và chuỗi Nhà hàng GONTasty. Hiện tại, đã có 5 cửa hàng thực phẩm sạch GONFarm đi vào hoạt động ổn định tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cùng 1 Nhà hàng Buffet lẩu từ thiên nhiên GONTasty.

Quan sát các chính sách của Singapore đối với Việt Nam, chúng ta phải tự đặt ra câu hỏi, lý do vì sao Singapore lại không nhập các loại thịt, trứng, sữa từ Việt Nam. Phải chăng vì đã có sự đánh giá về quy trình sản xuất không bảo đảm hay việc quản lý chất lượng những sản phẩm này còn lỏng lẻo? Như vậy, không chỉ để đáp ứng xuất khẩu bền vững mà còn để kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp Việt nói chung và các doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng cần hơn bao giờ hết quan tâm sâu sắc hơn tới các yếu tố bền vững, lợi ích lâu dài cho toàn bộ chuỗi cung ứng cũng như người tiêu dùng, thay vì chỉ nhìn vào lợi nhuận ngắn hạn. Chỉ có như vậy, dòng hàng chảy ra thế giới và dòng ngoại hối đầu tư vào Việt Nam mới có thể bền vững, tăng trưởng. Trên hành trình này, cần sự đổi mới, sáng tạo và tiên phong đi đầu của những người trẻ, tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp./.