Đối thoại Shangri-La lần thứ 16: Trọng tâm là các vấn đề an ninh khu vực
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh và các đại biểu tại Đối thoại.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull (Man-côm Tơn-bun) trong bài phát biểu khai mạc nhấn mạnh khu vực đang quan ngại việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến việc Washington rút khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu. Bày tỏ thất vọng trước những quyết định của Chính phủ Mỹ, song Thủ tướng Australia cũng kêu gọi cộng đồng thế giới không nên vội vàng tự suy diễn các sự kiện đang diễn ra. Thủ tướng Turnbull cũng kêu gọi Trung Quốc nắm lấy vai trò lãnh đạo trách nhiệm hơn. Theo ông, Bắc Kinh có thể đóng vai trò then chốt trong việc kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Tại Đối thoại Shangri-La năm nay mọi chú ý đều đổ dồn vào Mỹ, với hy vọng bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ làm rõ chính sách an ninh châu Á-Thái Bình Dương của Washington trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Việc Triều Tiên liên tục thử tên lửa và hai lần thử hạt nhân từ đầu năm ngoái đến nay đặc biệt gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế và sẽ trở thành vấn đề hàng đầu của Đối thoại Shangri-la năm nay. Vấn đề Biển Đông cũng sẽ được đề cập tới trong phiên thảo luận về “các biện pháp tránh xung đột trên biển”. Ngoài ra, diễn đàn cũng bàn đến các vấn đề vốn đang là mối quan tâm hàng đầu hiện nay liên quan đến hiểm họa hạt nhân đe dọa châu Á-Thái Bình Dương, các hình thức hợp tác an ninh mới, tác động của các công nghệ mới đối với lĩnh vực quốc phòng hay các biện pháp mang tính thực tế để tránh xung đột trên biển...
Đề cao luật lệ quốc tế trong giải quyết các thách thức an ninh khu vực
Sáng 03-6, các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nhật Bản và Australia đã có các bài phát biểu về quan điểm đối với an ninh khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (Giêm Ma-tít) nhấn mạnh Mỹ cam kết tôn trọng và duy trì trật tự quốc tế dựa trên quy tắc và luật lệ quốc tế, đảm bảo lợi ích bình đẳng của tất cả các nước, kể cả các nước nhỏ. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, bà Tomomi Inada (Tô-mô-mi I-na-đa) cho rằng luật pháp quốc tế có thể thay đổi dựa trên tình hình thực tế, nhưng không thể phá bỏ hiện thực và việc làm xáo trộn trật tự quốc tế là một quyết định "thiếu sáng suốt". Bà Inanda bày tỏ mong muốn tạo dựng mối quan hệ đồng minh sâu rộng hơn với Mỹ nhằm đóng vai trò tích cực hơn đối với an ninh khu vực.
Liên quan tới vấn đề Biển Đông, ông Mattis nêu rõ Washington không chấp nhận hành động quân sự hóa và triển khai vũ khí của Trung Quốc tại các thực thể chiếm đóng phi pháp tại Biển Đông. Mỹ cũng tuyên bố bảo vệ tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông và cho rằng mọi hành động thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông là đi ngược lại luật pháp quốc tế. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã cảnh báo Trung Quốc không quân sự hóa các hoạt động trên các hòn đảo tranh chấp tại Biển Đông, đồng thời hối thúc Bắc Kinh tăng cường các nỗ lực nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Bộ trưởng Mattis đã chỉ trích các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời khẳng định Mỹ "sẽ không chấp nhận" việc Trung Quốc triển khai vũ khí và các thiết bị quân sự khác trên những hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông. Ông Mattis nhấn mạnh Mỹ phản đối các hoạt động quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo và những tuyên bố hải phận không chính đáng. Mỹ “không thể và sẽ không chấp nhận những thay đổi mang tính đơn phương và ép buộc đối với nguyên trạng” làm ảnh hưởng tới lợi ích của cộng đồng quốc tế cũng như phá vỡ trật tự dựa trên luật lệ. Ông cũng khẳng định châu Á - Thái Bình Dương là khu vực mà Mỹ sẽ ưu tiên và nỗ lực trong chiến lược xây dựng quan hệ đồng minh.
Trong khi đó, bà Inada cho rằng phán quyết của Tòa trọng tài thường trực đối với vụ kiện của Philippines phải có giá trị pháp lý và tính ràng buộc đối với các bên liên quan.
Về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, các quan chức quốc phòng của Mỹ, Nhật Bản và Australia cho rằng chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đã gia tăng cả về cấp độ và quy mô, tạo ra mối đe dọa đối với các nước trong khu vực. Trung Quốc cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để gây sức ép buộc Triều Tiên chấm dứt các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này, tuân thủ nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về tăng cường trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Nhìn nhận về vai trò của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các nước đều nhất trí cho rằng ASEAN có tầm quan trọng trong cấu trúc an ninh khu vực cũng như trong việc bảo vệ pháp trị, đồng thời cam kết hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN trong việc xây dựng cấu trúc an ninh khu vực mạnh mẽ và toàn diện, trong đó ASEAN là trung tâm.
Đề cập đến thách thức an ninh từ tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Đông Nam Á, đặc biệt là sau vụ tấn công khủng bố vừa qua tại Indonesia và sự gia tăng hoạt động của nhóm khủng bố Maute thân IS tại Philippines, các nước cho rằng để giải quyết mối đe dọa này, khu vực cần hợp tác để ngăn chặn ảnh hưởng của IS tại Đông Nam Á. Mỹ cho biết sẽ tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo liên minh chống IS tại Trung Đông, Philippines cũng như phối hợp với Malaysia, Indonesia để chia sẻ thông tin về khủng bố.
Giới phân tích nhận định các phát biểu của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Nhật Bản và Australia đã đề cập tới nhiều vấn đề an ninh hiện là thách thức lớn đối với khu vực và thế giới. Đáng chú ý, Mỹ đã cho thấy chính sách của nước này đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ có sự kế tục chính sách của chính quyền tiền nhiệm. Các quan chức quốc phòng của 3 nước cũng nhấn mạnh cách tiếp cận giải quyết các thách thức an ninh khu vực theo hướng tăng cường can dự ngoại giao, chính trị và thúc đẩy tôn trọng luật pháp quốc tế bởi đây chính là chìa khóa để đảm bảo an ninh và thịnh vượng của khu vực.
Mỹ khẳng định chính sách tái cân bằng châu Á
Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đưa ra một thông điệp rõ ràng: Mỹ sẽ không rời bỏ châu Á. Đây là tuyên bố hiếm hoi của một quan chức hàng đầu trong chính quyền Tổng thống Donald Trump về cách tiếp cận riêng biệt đối với khu vực này trong khi sự phối hợp với Trung Quốc vẫn còn là một thách thức, đặc biệt trong vấn đề Triều Tiên và những tranh cãi về vấn đề Biển Đông.
Bộ trưởng Mattis đã trình bày một chiến lược 3 điểm của chính quyền Mỹ về khu vực này. Ông nhấn mạnh nỗ lực hàng đầu của Mỹ vẫn là tăng cường các quan hệ liên minh với Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Philippines và Thái Lan. Người đứng đầu Lầu Năm Góc cho rằng các liên minh tạo ra các con đường cho hòa bình, thúc đẩy các điều kiện cho tăng trưởng kinh tế với các nước có cùng quan điểm, trong khi kiềm chế kế hoạch của những nước muốn tấn công các nước khác hoặc tìm cách áp đặt ý chí của họ lên các nước khác.
Ở điểm thứ hai, Mỹ có kế hoạch tăng cường sức mạnh cho các quốc gia khác ở châu Á để họ có thể đóng vai trò lớn hơn trong hòa bình và an ninh của mình. Ông coi Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Singapore và Đài Loan là các đối tác quân sự quan trọng tiềm năng. Ông chủ Lầu Năm Góc nhắc đến hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, dường như để thể hiện thiện ý của Mỹ, đồng thời bày tỏ sự lạc quan về tương lai của ASEAN.
Cuối cùng, Bộ trưởng Mattis tuyên bố các kế hoạch nhằm thúc đẩy các năng lực quân sự của Mỹ ở châu Á, cho rằng sức mạnh quân sự là nền tảng cho ngoại giao. Ông cho biết, 60% khí tài chiến thuật trên không của Mỹ ở nước ngoài sẽ sớm được phân bổ" tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Một nội dung khác đáng quan tâm trong bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis là việc ông đã cảnh báo Trung Quốc không quân sự hóa các hoạt động trên các hòn đảo tranh chấp tại Biển Đông, đồng thời hối thúc Bắc Kinh tăng cường các nỗ lực nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Mỹ và ASEAN đồng thuận cao về các vấn đề an ninh khu vực
Ngày 04-6, bên lề Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 đang diễn ra tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã có cuộc gặp với đại diện các nước ASEAN để bàn về những vấn đề an ninh khu vực hiện nay.
Trung tướng Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng), Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tại Đối thoại Shangri-La, cho biết cuộc gặp đã có được sự đồng thuận cao và ASEAN đánh giá cao trò của Mỹ ở khu vực.
Cuộc gặp cũng là dịp các nước ASEAN chia sẻ những thách thức của từng nước cũng như thảo luận các biện pháp tăng cường hơn nữa sự hợp tác với Mỹ để góp phần bảo đảm ổn định, hòa bình trong khu vực. Tại cuộc gặp, các vấn đề nóng của từng quốc gia đã được đề cập, như Malaysia đã đề cập về trao đổi kinh nghiệm trong hợp tác chống khủng bố, trong khi Philippines hay Myanma, Thái Lan đề cập các cơ chế hợp tác. Các quốc gia ASEAN mong muốn Hoa Kỳ sẽ có nhiều giải pháp, trách nhiệm lớn hơn đối với ASEAN nói chung và đặc biệt là trong thực thi cơ chế ADMM+ để góp phần xây dựng một khu vực bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề cập đến các hình thức hợp tác thương mại mới sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donal Trump quyết định rời bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Về vấn đề này, phía Mỹ cho biết sẽ có nội dung hợp tác mạnh mẽ hơn và các bên sẽ nghiên cứu hình thức cụ thể trong thời gian tới.
Đánh giá về cuộc gặp này, giới phân tích nhận định Mỹ đang duy trì mức độ hợp tác hay mức độ can dự của mình đối với khu vực, ít nhất là tương đương đối với chính phủ tiền nhiệm của cựu Tổng thống Barack Obama. Điều này cho thấy một mặt Mỹ muốn thông qua các cuộc tiếp xúc như lần này để khẳng định với các nước ASEAN về cam kết của Mỹ đối với khu vực, mặt khác muốn nhân cơ hội này để thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và ASEAN đã được ký cách đây chưa lâu. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là một tín hiệu tích cực đóng góp cho cân bằng lực lượng ở khu vực, qua đó giúp củng cố hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Hợp tác chống IS tại Đông Nam Á
Phát biểu tại Đối thoại, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu (Ri-a-mi-za Ri-a-cu-đu) ngày 04-6 cho biết theo thông tin tình báo, hiện có khoảng 1.200 phần tử thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng đang hoạt động ở Philippines, đồng thời hối thúc sự hợp tác quy mô khu vực nhằm trấn áp những phiến quân nguy hiểm này.
Trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Ryacudu đã gọi các phiến quân IS này là những cỗ máy giết người, đồng thời cho biết trong số 1.200 tay súng IS có mặt tại Philippines, có khoảng 40 phần tử đến từ Indonesia. Ông kêu gọi các nước trong khu vực cùng bắt tay tìm ra các biện pháp toàn diện nhằm đối phó với nguy cơ từ IS.
Trong khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Ricardo David (Ri-các-đô Đa-vít) ước tính hiện tại Philippines có từ 250-400 tay súng Hồi giáo cực đoan đi theo IS. Ngày 23-5 vừa qua, hàng trăm tay súng Hồi giáo cực đoan có liên hệ với IS đã chiếm đóng thành phố Marawi (Ma-ra-uy) trên đảo Mindanao (Min-đa-nao), miền Nam Philippines. Quân đội nước này đã mở cuộc tấn công truy quét suốt hai tuần qua, tiêu diệt khoảng 120 tay súng, tuy nhiên đến nay giao tranh vẫn chưa chấm dứt. Theo một số nguồn tin, hiện còn khoảng 50 tay súng IS cố thủ ở Marawi.
Trong những năm gần đây, các nhóm phiến quân nhỏ ở Philippines, Indonesia và Malaysia đã bắt đầu nổi dậy dưới "ngọn cờ" IS. Các chuyên gia cảnh báo sau khi IS thất bại ở Syria và Iraq do các cuộc tấn công của Mỹ và liên quân, Mindanao có thể trở thành tâm điểm trong cuộc chiến của IS ở khu vực. IS và các nhóm phiến quân đang hợp sức bành trướng tại Philippines giống như ở Trung Đông.
Trong một nỗ lực đầu tiên, Malaysia, Indonesia và Philippines cho biết sẽ tiến hành tuần tra chung ở vùng biển ngoài khơi đảo Mindanao của Philippines vào cuối tháng 6 này nhằm đối phó với mối đe dọa của các phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Cuộc tuần tra chung trên biển sẽ bắt đầu vào ngày 19-6 trong vùng biển giáp ranh giữa ba nước, trong khi hoạt động tuần tra trên không sẽ diễn ra vào ngày 20-6.
Các nhà phân tích an ninh cho biết IS đang lên kế hoạch thiết lập một căn cứ ở đảo Mindanao, coi đây là một phần trong nỗ lực nhằm thành lập một nhà nước Hồi giáo ở Đông Nam Á. Mindanao hiện là nơi mà các nhóm Hồi giáo cực đoan vẫn có thể hoạt động một cách tự do, điều hành các trại huấn luyện và tiến hành các vụ tấn công. Đây cũng là nơi ẩn náu của hầu hết các nhóm cực đoan ở Đông Nam Á đã cam kết trung thành với IS.
Trước đó Malaysia, Indonesia và Singapore đã thực hiện thành công các cuộc tuần tra chung ở Eo biển Malacca nhằm chống lại nạn cướp biển. Các nhà phân tích cho rằng biên giới biển giữa ba nước khiến cho họ khó phát hiện những động thái của các phần tử khủng bố và các tay súng cực đoan./.
Đêm “Thủy” của Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng - 2017: Tận cùng của sự thăng hoa và tràn đầy cảm xúc về vẻ đẹp của pháo hoa  (04/06/2017)
Thủ tướng tiếp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Slovakia  (03/06/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời phỏng vấn báo chí Nhật Bản  (03/06/2017)
Cần làm rõ khó khăn vướng mắc trong công tác tuyển dụng công chức  (03/06/2017)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên