Phát huy vai trò của cựu chiến binh trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc

ThS. Lê Xuân Cử Đại học Lao động và Xã hội Hà Nội
09:10, ngày 25-11-2016
TCCSĐT - Cựu chiến binh là những người đã tham gia lực lượng vũ trang trong công cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và xâm lược Mỹ trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này. Họ đã hoàn thành nhiệm vụ, cống hiến tuổi thanh xuân, kể cả một phần xương máu cho đất nước, nay trở lại cuộc sống đời thường, vẫn tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp, văn minh.

Ở nước ta, Đảng, Nhà nước luôn có cơ chế, chính sách tạo điều kiện, đồng thời động viên cựu chiến binh tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống, tích cực tham gia giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ; tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm và các tệ nạn xã hội; góp phần xây dựng và củng cố cơ sở chính trị, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh(1).

Cựu chiến binh gồm: 1/ Những người đã tham gia các đơn vị vũ trang do Đảng tổ chức trước ngày Cách mạng Tháng Tám 1945; 2/ Các cán bộ và chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng, biệt động đã tham gia kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế), nay đã xuất ngũ, phục viên, chuyển ngành, nghỉ hưu; 3/ Các cán bộ và chiến sĩ dân quân, du kích, tự vệ đã trực tiếp tham gia chiến đấu, đội viên các đội công tác vũ trang vùng địch tạm chiếm; 4/ Các công nhân viên quốc phòng đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong thời kỳ chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc; 5/ Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp hoàn thành nhiệm vụ trong Quân đội đã xuất ngũ, chuyển ngành, nghỉ hưu; 6/ Hạ sĩ quan, chiến sĩ đã hoàn thành nhiệm vụ tại ngũ, về định cư tại các xã, huyện miền núi, biên giới đất liền, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số; 7/ Quân nhân đã hoàn thành nhiệm vụ ở tuyến đấu biên giới hải đảo; 8/ Quân nhân trong quá trình làm nghĩa vụ quân sự tại ngũ có thành tích xuất sắc được Quân đội và Nhà nước khen thưởng; 9/ Quân nhân được Bộ Quốc phòng đào tạo thành sĩ quan dự bị trước khi ra quân.

Tùy theo nguyện vọng của mình, các cựu chiến binh có thể tham gia Hội Cựu chiến binh Việt Nam để, trên cơ sở chấp hành Điều lệ, Nghị quyết của Hội, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, gương mẫu chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; tích cực học tập rèn luyện, nâng cao kiến thức và giữ gìn phẩm chất, tư cách hội viên; đoàn kết tương trợ nhau trên tình đồng chí, đồng đội, nhất là khi gặp khó khăn; và tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”.

Trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hoạt động của các cựu chiến binh, thông qua tổ chức Hội Cựu chiến binh Việt Nam, đã và sẽ tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa; đấu tranh chống mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch; thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tệ nạn xã hội; giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật. Các hoạt động trực tiếp của Hội là góp phần tổ chức chăm lo, giúp đỡ cựu chiến binh nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát triển kinh tế gia đình, xoá đói, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp; tổ chức các hoạt động tình nghĩa để cựu chiến binh tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

Đảng, Nhà nước cần tiếp tục phát huy vai trò của Hội Cựu chiến binh Việt Nam để làm tốt các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 11 Pháp lệnh Cựu chiến binh. Đó là: Vận động, tập hợp quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trở về, tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” tham gia câu lạc bộ, Ban Liên lạc cựu quân nhân và các hoạt động khác; tổ chức chăm lo, giúp đỡ cựu chiến binh nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát triển kinh tế gia đình, xoá đói giảm nghèo, làm giầu hợp pháp, tổ chức các hoạt động tình nghĩa để cựu chiến binh tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

Hội phải có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cựu chiến binh theo quy định của Pháp lệnh Cựu chiến binh, như được hưởng các dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định hiện hành;...

Để tiếp tục phát huy vai trò của Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong việc tập hợp, động viên cựu chiến binh đóng góp ngày càng hiệu quả cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và quan trọng là thực hiện tốt chính sách đối với cựu chiến binh nhằm bảo đảm quyền lợi của cựu chiến binh trong thực tế

Nhà nước có chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cựu chiến binh; tập hợp, động viên và phát huy tiềm năng của cựu chiến binh, tạo điều kiện để cựu chiến binh tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hỗ trợ đầu tư xây dựng các trung tâm điều trị, phục hồi sức khỏe và các hoạt động tình nghĩa đối với cựu chiến binh. Trong từng thời kỳ, Nhà nước ban hành chính sách, chế độ cụ thể đối với Cựu chiến binh phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.

Nội dung và việc thực hiện các chính sách đó là nhằm bảo đảm quyền lợi của cựu chiến binh trong thực tế. Đó là: 1/ Được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng và các quy định khác của pháp luật có liên quan; 2/ Được ưu tiên tạo việc làm, giao đất, giao rừng, giao mặt nước để sản xuất, kinh doanh và tham gia các dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ; 3/ Cựu chiến binh nghèo được ưu tiên vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, các nguồn vốn ưu đãi khác để sản xuất, kinh doanh nhằm mục đích xóa đói, giảm nghèo, được cấp thẻ bảo hiểm y tế và được hưởng các chính sách khác đối với người nghèo; 4/ Cựu chiến binh hết tuổi lao động, cô đơn, không nơi nương tựa, không có nguồn thu nhập được Nhà nước và xã hội tiếp nhận, chăm sóc tại các trung tâm nuôi dưỡng xã hội; 5/ Được tham gia Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Ban liên lạc cựu quân nhân theo quy định của Điều lệ Hội, của pháp luật; 6/ Khi chết, cựu chiến binh được chính quyền, cơ quan quân sự, đoàn thể địa phương phối hợp với Hội Cựu chiến binh Việt Nam và gia đình tổ chức tang lễ và được hưởng tiền mai táng theo quy định của Chính phủ.

Tất nhiên, để được thụ hưởng các quyền lợi trên, các cựu chiến binh phải có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ của mình. Cựu chiến binh cần phát huy truyền thống cách mạng, trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tham gia bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, lợi ích của dân tộc; gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, học tập, tuyên truyền, vận động nhân dân, gia đình chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Hội Cựu chiến binh các cấp vận động hội viên tích cực tham gia thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở, tham gia hòa giải, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa phương, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Hai là, đẩy mạnh việc cụ thể hóa và gắn phong trào thi đua “cựu chiến binh gương mẫu” với các phong trào kinh tế, xã hội, văn hóa ở cơ sở

Trong những năm qua, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã cụ thể hóa các nội dung của phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” thành những hoạt động thiết thực, hiệu quả, sát với điều kiện thực tế ở cơ sở. Trong thời gian tới, cần tiếp tục cụ thể hóa và kết nối phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” với phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng”, “Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi” và phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Quán triệt và thực hiện lời dạy của Bác: “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua”, việc cụ thể hóa và gắn phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” với các cuộc vận động, phong trào khác ở cơ sở sẽ tiếp tục phát huy tác dụng, khơi dậy nguồn nội lực từ các cựu chiến binh. Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi” đã được các cấp Hội Cựu chiến binh triển khai sâu rộng và đạt được kết quả tích cực tại nhiều địa phương, cơ sở. Các mô hình kinh tế tiêu biểu của cựu chiến binh đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, như mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp, mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi, mô hình doanh nghiệp tư nhân, mô hình trồng hoa và cây cảnh,... Từ đó, cựu chiến binh góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động với mức thu nhập ổn định và nâng cao đời sống kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương.

Bên cạnh các hoạt động kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, cần phát huy vai trò của cựu chiến binh trong đời sống cơ sở thôn, xóm, tổ dân cư,… Một số mô hình tham gia của cựu chiến binh rất hiệu quả cần được phổ biến, nhân rộng như mô hình cựu chiến binh tham gia bảo đảm giao thông; mô hình cựu chiến binh tham gia tự quản bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn dân cư; cựu chiến binh tham gia giáo dục, quản lý các đối tượng thanh, thiếu niên ở địa phương, nhất là thanh, thiếu niên hư hỏng, nghiện hút,… Bằng tinh thần nhiệt tình, bằng kinh nghiệm cũng như sự nêu gương, hoạt động hiệu quả của các mô hình cựu chiến binh tham gia quản lý an ninh, trật tự, an toàn giao thông ở cơ sở góp phần tạo môi trường sống an ninh, an toàn trong các khu dân cư.

Thông qua các hoạt động có nhiều ý nghĩa thực tế đó sẽ góp phần nâng cao nhận thức đúng đắn của xã hội về vị trí, vai trò quan trọng của cựu chiến binh, đồng thời đẩy mạnh công tác chính trị, tư tưởng và rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng cho cựu chiến binh và nêu cao tinh thần gương mẫu, chấp hành nghiêm túc các quy định, đoàn kết và giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Ba là, tập trung đẩy mạnh các hoạt động của tổ chức cơ sở của Hội cựu chiến binh Việt Nam

Ở các xã, phường, thị trấn, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, cựu chiến binh được thành lập tổ chức cơ sở Hội. Tổ chức cơ sở là nơi trực tiếp triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Hội, của địa phương và của cơ quan, đơn vị. Việc tập trung thúc đẩy hoạt động của tổ chức cơ sở của Hội cựu chiến binh Việt Nam sẽ thu hút các hội viên tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, thực hiện pháp lệnh về dân chủ ở xã, phường; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia giám sát và phản biện xã hội; giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở; chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh ở cơ sở; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên, tổ chức giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, phát triển kinh tế gia đình;... Và quan trọng là đẩy mạnh việc tập hợp, đoàn kết, hướng dẫn, động viên Cựu chiến binh giữ gìn và phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, để nâng cao ý thức trách nhiệm chính trị của cựu chiến binh, nhằm tích cực góp phần xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác, sản xuất, kinh doanh của cơ quan, doanh nghiệp hay xây dựng nông thôn mới; phòng - chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, an ninh, quốc phòng và xây dựng tốt đời sống văn hóa ở cơ sở./.

----------------------------------------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, HN, 2016, tr.163 - 164.