Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 12-9 đến ngày 18-9-2016)

Thanh Anh (tổng hợp từ TTXVN)
21:48, ngày 19-09-2016
TCCSĐT - Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường, từ ngày 10 đến ngày 15-9-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại và đầu tư Trung Quốc - ASEAN lần thứ 13 tại Nam Ninh, Trung Quốc. Thành công của chuyến thăm đã tạo thêm những điều kiện thuận lợi quan trọng cho việc tiếp tục đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc đi vào chiều sâu và động lực mới thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước phát triển cân bằng, hiệu quả vì lợi ích của hai nước, hai dân tộc, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và quốc tế.
Đoàn Ban Tôn giáo Chính phủ thăm Hoa Kỳ

Từ ngày 11 đến ngày 13-9-2016, Đoàn Ban Tôn giáo chính phủ Việt Nam do Phó Trưởng ban Bùi Thanh Hà dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã tổ chức cuộc tọa đàm về tôn giáo tại Nhà Việt Nam ở thủ đô Washington DC. Cuộc tọa đàm có sự tham gia của nhiều quan chức cấp cao Hoa Kỳ, trong đó có Đại sứ lưu động phụ trách tự do tôn giáo quốc tế David Saperstein, bà Victoria Thoman thuộc Văn phòng Tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cùng đông đảo chức sắc tôn giáo Hoa Kỳ.

Việt Nam là quốc gia có nhiều loại hình tôn giáo-tín ngưỡng với khoảng 24 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số), 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo. Quan điểm của Chính phủ Việt Nam nhất quán cho rằng tôn giáo - tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần chính đáng của một bộ phận nhân dân, đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết đồng báo theo các tôn giáo khác nhau, đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo; gìn giữ và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ đang phát triển mạnh mẽ và sâu đậm trên nhiều lĩnh vực, được ghi dấu bằng chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7-2015 và chuyến thăm chính thức tới Việt Nam vào tháng 5 vừa qua của Tổng thống Barack Obama. Các chuyến thăm là sự gắn kết giữa hai quốc gia, là khát vọng tinh thần cao cả của hai dân tộc cùng nhau hướng tới tương lai. Trong xu thế phát triển của quan hệ song phương, Việt Nam-Hoa Kỳ cũng luôn quan tâm và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực tôn giáo và quyền con người.

Phó Trưởng ban Bùi Thanh Hà và Đại sứ David Saperstein đánh giá cuộc tọa đàm là một điểm nhấn, là cơ hội để Việt Nam-Hoa Kỳ có thể chia sẻ thông tin cần quan tâm và tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Một trong những vẫn đề được giới chức sắc tôn giáo Hoa Kỳ quan tâm tại cuộc tọa đàm đó là tình hình xây dựng Dự thảo Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo của Việt Nam. Phó Trưởng ban Bùi Thanh Hà cho biết dự thảo luật đã được xây dựng từ tháng 10-2014 và dự kiến Quốc hội khóa XIV sẽ thông qua vào tháng 10-2016. Dự thảo luật có nhiều điểm mới, như mở rộng phạm vi chủ thể có quyền tự do tín ngưỡng-tôn giáo, thể hiện đúng bản chất quyền tự do tín ngưỡng-tôn giáo là quyền con người mà không phải chỉ là quyền công dân như quy định trước đây của Hiến pháp. Các đại diện, chức sắc tôn giáo Hoa Kỳ bày tỏ quan tâm tới những quy định của pháp luật về thông báo, đăng ký sinh hoạt tôn giáo, việc thực thi công tác quản lý nhà nước về tôn giáo của các cán bộ, công chức. Mọi ý kiến đã được Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Bùi Thanh Hà giải đáp cụ thể và thỏa đáng.

Phó Thủ tướng Singapore thăm chính thức Việt Nam

Nhận lời mời của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng điều phối An ninh quốc gia SingaporeTiêu Chí Hiền thăm chính thức Việt Nam và dự Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) từ ngày 12 đến ngày 14-9-2016. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng điều phối An ninh quốc gia SingaporeTiêu Chí Hiền đã hội kiến Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, hội đàm với Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, làm việc với Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong.

Tại các cuộc tiếp xúc, hai bên bày tỏ hài lòng về những bước phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ trong quan hệ song phương thời gian qua. Quan hệ chính trị giữa hai nước đang ngày càng trở nên gần gũi và sâu sắc thông qua việc duy trì thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, đặc biệt là chuyến thăm Singapore vừa qua của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân (tháng 8-2016) đã tạo động lực đưa quan hệ hai nước phát triển trong giai đoạn mới. Các nhà lãnh đạo đã thảo luận sâu rộng về quan hệ quốc phòng và an ninh thời gian qua và nhất trí tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy lĩnh vực hợp tác này cả về chiều rộng và chiều sâu như đẩy mạnh hợp tác giữa các binh chủng và phối hợp chặt chẽ trong vấn đề chống khủng bố cũng như chống các tội phạm an ninh phi truyền thống như cướp biển, buôn bán người, công nghệ cao, rửa tiền...

Lãnh đạo hai nước đánh giá quan hệ kinh tế - thương mại tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Hai bên cũng hoan nghênh kỳ họp lần thứ 12 của Hiệp định Khung về Kết nối Việt Nam- Singaporesẽ được tổ chức vào tháng 9-2016 tại Singapore; đồng thời nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhau cùng khai thác các lợi thế do Hiệp định xuyên Thái Bình Dương mang lại khi đi vào triển khai. Lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác như: toà án, tư pháp và phát luật, giáo dục đào tạo, văn hóa và du lịch. Bên cạnh những trao đổi về quan hệ song phương, hai bên đã thảo luận sâu rộng về tình hình khu vực và quốc tế.

Hai bên nhất trí thúc đẩy tăng cường đoàn kết và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực; khẳng định lập trường chung của ASEAN trong việc giải quyết các tranh chấp ở khu vực; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn ở Biển Đông; nhất trí thúc đẩy giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình; cùng các bên thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC) nhằm duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Singapore liên tục là đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm qua. Hiện Singapore là nhà đầu tư đứng thứ 3/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam và kim ngạch thương mại hai nước đạt 9,3 tỷ USD trong năm 2015. Sự thành công và mở rộng của các Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore trên cả ba miền Bắc-Trung-Nam Việt Nam là minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả giữa hai nước và thể hiện cam kết, niềm tin mạnh mẽ của các nhà đầu tư Singapore đối với tiềm năng và môi trường đầu tư tại Việt Nam. Chuyến thăm Việt Nam của Phó Thủ tướng Singapore Tiêu Chí Hiền diễn ra sau 3 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore (11-9-2013), góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược hai nước trên mọi lĩnh vực.

Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 10

Từ ngày 14 đến ngày 16-9-2016, Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 10 diễn ra tại thành phố Cần Thơ với chủ đề “Hướng tới đối tác kinh tế hiệu quả và bền vững” với hoạt động chính là hội thảo các nhóm chuyên đề: Hợp tác kinh tế và du lịch, giáo dục - y tế, môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển đô thị, văn hóa - di sản”. Ngoài 5 hội thảo chuyên đề về Hợp tác kinh tế - du lịch; giáo dục- y tế; môi trường, biến đổi khí hậu và Nông/Ngư nghiệp; phát triển đô thị; văn hóa-di sản, Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 10 còn có các hoạt động bên lề như: Tọa đàm Xúc tiến đầu tư thương mại Việt- Pháp với chủ đề "Hợp tác phát triển nông nghiệp và du lịch bền vững" và hội chợ quốc tế Việt- Pháp với chủ đề "Hợp tác phát triển kinh tế Việt-Pháp".

Tại hội nghị, 28 tỉnh, thành của Việt Nam cũng đã giới thiệu với doanh nghiệp Pháp 57 dự án mời gọi đầu tư trên các lĩnh vực như: y tế, môi trường, nông nghiệp, du lịch, hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển, Logistics… với tổng số vốn trên 7,1 tỷ USD. Trong đó, tỉnh Long An mời gọi đầu tư vào dự án “Xây dựng trung tâm kho vận lương thực tại vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An" với tổng vốn đầu tư 18,3 triệu USD; tỉnh Cà Mau kêu gọi đầu tư dự án“Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai” với tổng vốn 3,5 tỷ USD; tỉnh Khánh Hòa với dự án "hạ tầng Khu công nghiệp Cam Ranh" với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD; tỉnh An Giang mời gọi đầu tư 2 dự án: "Xây dựng Bệnh viện tim mạch chuyên khoa hạng 1 cấp vùng” và dự án "Chống ngập và nâng cấp đô thị thành phố Châu Đốc thích ứng biến đổi khí hậu". tỉnh Bình Định mời gọi đầu tư vào dự án "Nhà máy cá ngừ đống hộp"…Thành phố Cần Thơ giới thiệu 2 dự án đầu tư với doanh nghiệp Pháp gồm: dự án “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” với tổng vốn đầu tư 26 triệu USD; dự án “Khu du lịch Cồn Sơn” tổng vốn đầu tư 100 triệu USD.

Hội nghị đã bế mạc với việc thông qua Tuyên bố chung và ký kết 5 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa 12 địa phương Việt Nam và Pháp. Theo ông Jean Noel Poirier, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, thông qua Hội nghị Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần này đã cho phép các đối tác địa phương của hai bên tìm được các giải pháp cho vấn đề của mình. Hội nghị cũng tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Pháp, giúp hai bên xích lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn qua các vấn đề chung mà cả hai bên cùng quan tâm. Thông qua hội nghị này các địa phương của hai nước sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa, đồng thời tin tưởng với quyết tâm hướng tới mục tiêu trở thành đô thị văn minh, hiện đại; trung tâm công nghiệp, thương mại - dịch vụ, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai, thành phố Cần Thơ và các đối tác Pháp sẽ tiếp tục tiếp xúc, trao đổi trong quá trình triển khai những dự án đã được ký kết .

Việt Nam khẳng định coi trọng giáo dục về quyền con người


Ngày 14-9-2016, trong khuôn khổ Khoá họp thứ 33 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sĩ), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, đã phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao kỷ niệm 5 năm thông qua Tuyên bố Liên hợp quốc về giáo dục và đào tạo về quyền con người.

Đại sứ Nguyễn Trung Thành nhấn mạnh về tính thiết thực của tuyên bố này trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên toàn cầu. Đại sứ cũng khẳng định Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục, đặc biệt là giáo dục về nhân quyền, và đã lồng ghép giáo dục về quyền con người vào chương trình học cũng như các kênh truyền thông và hoạt động cộng đồng. Đồng thời, Đại sứ Nguyễn Trung Thành cũng giới thiệu về sáng kiến của Việt Nam tổ chức Tọa đàm quốc tế bên lề Khoá họp 33 về giáo dục phụ nữ và trẻ em gái nhằm phòng chống nạn buôn bán người vào ngày 27-9-2016. Sáng kiến này cũng nhận được sự đồng bảo trợ của nhiều nước và tổ chức quốc tế, trong đó có Philippines, Australia và Tổ chức Di cư quốc tế (IMO).

Khoá 33 Hội đồng Nhân quyền diễn ra từ ngày 13 đến 30-9/2016 tại Geneva, Thuỵ Sĩ với 4 phiên thảo luận chuyên đề về Tuyên bố về giáo dục và đào tạo về nhân quyền, lồng ghép giới, thanh niên và nhân quyền, bạo lực nhằm vào phụ nữ và trẻ em gái bản địa; đối thoại với gần 20 cơ chế và thủ tục đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền con người; xem xét thông qua kết quả Rà soát định kỳ phổ quát của 14 nước; xem xét thảo luận và ra quyết định đối với gần 30 dự thảo nghị quyết/quyết định trên nhiều vấn đề quyền con người khác nhau. Đây cũng là khóa họp cuối cùng Việt Nam trong vai trò là thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016. Trong thời gian là thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã tham gia một cách chủ động, tích cực, có trách nhiệm, với những sáng kiến cụ thể góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên toàn cầu, trong đó Việt Nam là tác giả nghị quyết về “Biến đổi khí hậu và quyền trẻ em” được thông qua bằng đồng thuận tháng 6-2016. Đại sứ Nguyễn Trung Thành cũng được Ủy ban ASEAN tại Geneva tín nhiệm cử làm Điều phối viên ASEAN tại Hội đồng Nhân quyền 2014 - 2016.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Trung Quốc


Tiếp tục chuyến thăm Trung Quốc theo lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường, từ ngày 12 đến ngày 15-9-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc Thủ tướng và Đoàn đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường, gặp Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trương Đức Giang, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc Du Chính Thanh cùng nhiều tổ chức hội, đoàn thể của Trung Quốc, đại diện các gia đình cựu cố vấn Trung Quốc từng tham gia giúp đỡ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến; tiếp cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc; thăm và nói chuyện với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh và bà con kiều bào, lưu học sinh tại Trung Quốc.

Tại các cuộc hội đàm, hội kiến giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, hai bên đã trao đổi một cách hữu nghị, chân thành, thẳng thắn và đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện trên 3 phương diện chính:

Một là, tăng cường tin cậy chính trị. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã đi sâu trao đổi, đạt được nhận thức chung rộng rãi về việc không ngừng củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống và thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung phát triển ổn định, lành mạnh, tạo môi trường thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của mỗi nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và các vị Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc khẳng định coi trọng và kiên trì thực hiện nhất quán phương châm phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài với Việt Nam. Lãnh đạo hai bên cũng nhất trí về các biện pháp nhằm tăng cường tin cậy chính trị, bao gồm duy trì tiếp xúc thường xuyên giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước bằng các hình thức linh hoạt để kịp thời trao đổi ý kiến về những vấn đề lớn và quan trọng trong quan hệ hai nước; phát huy tốt vai trò của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung trong việc điều phối, thúc đẩy thực hiện nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước; triển khai hiệu quả hợp tác giữa hai Đảng; tăng cường giao lưu, hợp tác hữu nghị giữa cơ quan lập pháp, các tổ chức chính trị và trong các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh và thực thi pháp luật của hai nước; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giao lưu hữu nghị nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ hai nước.

Hai là,
thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất phát triển cân bằng, hiệu quả. Tại cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lý Khắc Cường, hai bên đã dành nhiều thời gian trao đổi và đạt nhất trí về một loạt các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước, nhất là thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính giữa hai nước bước sang giai đoạn phát triển mới cân bằng, hiệu quả. Hai bên nhất trí chú trọng áp dụng các biện pháp thiết thực cải thiện hơn nữa sự mất cân bằng thương mại hai nước, mở rộng hơn nữa hợp tác về đầu tư, tài chính tiền tệ. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác về nông nghiệp, môi trường, khoa học công nghệ, giao thông vận tải; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho tăng cường hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi chân thành, thẳng thắn về một số bất cập trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước hiện nay; đề nghị hai bên đẩy nhanh giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong các dự án hợp tác tại Việt Nam. Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp tăng cường nhập khẩu các mặt hàng của Việt Nam, trong đó có mặt hàng gạo; sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam thành lập thêm các Văn phòng xúc tiến thương mại tại một số địa phương của Trung Quốc; tăng cường đầu tư vào các dự án phù hợp với nhu cầu và chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Hai bên đã ra Thông cáo chung đánh giá quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua, đề ra các định hướng, biện pháp cụ thể trong thời gian tới; ký kết được hơn 10 văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, tài chính, nông nghiệp, ứng phó biến đổi khí hậu, giáo dục, du lịch. Phía Trung Quốc đã cam kết viện trợ thiết bị hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu trị giá 20 triệu Nhân dân tệ dành cho Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu các giống lúa, cây trồng thích nghi với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long. Hai bên nhất trí triển khai hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, xử lý thỏa đáng các vụ việc nảy sinh về nghề cá trên biển phù hợp với quan hệ hữu nghị hai nước.

Ba là,
kiểm soát tốt bất đồng, ổn định tình hình trên biển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông đối với chiến lược phát triển của mỗi nước, sự phát triển ổn định, lành mạnh của quan hệ Việt - Trung và đối với hòa bình, ổn định khu vực và quốc tế; đề nghị các bên kiềm chế không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa. Lập trường của Việt Nam là kiên trì giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, thông qua đàm phán tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; bày tỏ mong muốn ASEAN và Trung Quốc đạt được thỏa thuận đề cương của Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa năm 2017, hoàn tất COC trong năm 2017 nhân dịp 15 năm ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) (2002) . Hai bên nhất trí tuân thủ “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, phát huy tốt các cơ chế đàm phán hiện có; thực hiện toàn diện, hiệu quả và đầy đủ DOC, sớm xây dựng COC, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Tại Hong Kong, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp với Trưởng Khu hành chính đặc biệt Lương Chấn Anh, Tổng Thư ký Chính quyền Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga, dự Diễn đàn Kinh doanh và Đầu tư Hong Kong - Việt Nam và chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác và hợp đồng thương mại giữa các doanh nghiệp hai bên với tổng giá trị gần 10 tỷ USD. Trong các cuộc hội kiến, hai bên nhất trí thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và giao lưu nhân dân giữa hai bên, cùng nỗ lực đẩy nhanh hoàn tất đàm phán để ký kết Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hong Kong trong năm 2016. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn giữa các cơ quan chính quyền, hiệp hội ngành nghề; đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ. Trưởng khu hành chính đặc biệt Hong Kong Lương Chấn Anh khẳng định Hong Kong coi trọng việc tăng cường hợp tác cùng có lợi với Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển đi vào chiều sâu, đồng thời sẵn sàng phát huy vai trò làm cầu nối để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường và nguồn vốn quốc tế. Tổng Thư ký chính quyền Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga, cho biết, ngay sau chuyến thăm Việt Nam của bà tháng 8-2016 vừa qua, chính quyền Hong Kong đã triển khai một số biện pháp nhằm mở rộng giao lưu hợp tác với Việt Nam như dỡ bỏ cảnh báo du lịch đến Việt Nam, đồng ý để hãng hàng không Vietjet Air mở đường bay thành phố Hồ Chí Minh - Hong Kong, Cục Du lịch Hong Kong cũng có kế hoạch tăng cường các tuyến du lịch đường biển từ Hong Kong đến thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng trong thời gian tới.

Bộ trưởng - Thủ hiến Chính phủ cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp

Nhận lời mời của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ trưởng - Thủ hiến Chính phủ Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp (Wallonie- Bruxelles), Rudy Demotte đã sang thăm Việt Nam từ ngày 13 đến ngày 17-9-2016.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng-Thủ hiến Rudy Demotte đã hội kiến với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tham dự lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Văn Miếu Quốc tử giám, làm việc với một số bộ, ngành liên quan của Việt Nam, thăm Thành phố Hồ Chí Minh và một số dự án hợp tác điển hình. Trong các buổi làm việc, hai bên vui mừng nhận thấy sau 20 năm kể từ khi Phái đoàn thành lập tại Việt Nam, quan hệ Việt Nam và Wallonie-Bruxelles phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc tăng cường trao đổi, tiếp xúc đoàn cũng như kết quả đạt được từ 9 Chương trình hợp tác phát triển. Các dự án hợp tác giữa Việt Nam và Wallonie-Bruxelles trong nhiều lĩnh vực đã đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam cũng như góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Wallonie-Bruxelles.

Trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy triển khai hiệu quả các dự án trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giai đoạn 2016-2018 với 18 dự án, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như giáo dục-đào tạo nghề, y tế, môi trường, đa dạng văn hóa; mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và nhu cầu như kinh tế, hợp tác giữa các địa phương, khoa học-công nghệ và hàng không vũ trụ; nhất trí tăng cường các khuôn khổ hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, nhất là tại Tổ chức Pháp ngữ. Chuyến thăm của Bộ trưởng - Thủ hiến Chính phủ Vùng Wallonie-Bruxelles diễn ra vào đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Hà Nội không chỉ góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai bên phát triển hơn nữa trong thời gian tới mà còn khẳng định Wallonie-Bruxelles sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dự Hội nghị thượng đỉnh Phong trào Không liên kết

Trong 02 ngày, 17 và 18-9-2016, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới đảo Margarita, Venezuela, tham dự Hội nghị thượng đỉnh Phong trào Không liên kết (NAM) lần thứ 17.

Với chủ đề “Hòa bình, chủ quyền và đoàn kết vì phát triển”, hội nghị lần này tập trung thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường sự đoàn kết, phát huy vai trò của Phong trào Không liên kết (NAM) trong việc thúc đẩy lợi ích của các nước thành viên trên những vấn đề quan trọng như hoà bình, an ninh, giải trừ quân bị, cải tổ hệ thống quốc tế, hợp tác cùng phát triển, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu. Hội nghị đã thông qua Văn kiện cuối cùng nêu lập trường chung của NAM về các vấn đề toàn cầu, trong đó ghi nhận những nỗ lực của ASEAN nhằm đề cao vai trò của ASEAN trong cấu trúc khu vực, kêu gọi giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, kêu gọi dỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với Cuba…. đồng thời đề ra chiến lược hợp tác dài hạn từ nay đến năm 2030 giữa các thành viên.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị, nhấn mạnh: Phong trào Không liên kết chỉ mạnh mẽ nhất khi tất cả các nước thành viên đoàn kết, thống nhất, cùng chung tiếng nói và cùng hành động trên cơ sở các nguyên tắc và mục tiêu chung. Theo Phó Thủ tướng, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, trong đó có nhiều thách thức lớn về hòa bình, an ninh, khủng bố quốc tế, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường… mà không một nước nào có thể tự xử lý được. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại sự thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế, sự can thiệp, gây sức ép và áp đặt các giá trị, quan điểm và lợi ích vị kỷ của các nước lớn, sự bất công trong quan hệ thương mại, tài chính, nguy cơ tụt hậu, chủ nghĩa đơn phương…

Phó Thủ tướng đề nghị Phong trào tập trung củng cố khối đoàn kết, đề cao các nguyên tắc sáng lập, trong đó giải quyết một cách hoà bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu với nguyên tắc “trách nhiệm chung, nhưng có sự khác biệt”, thúc đẩy hợp tác Nam - Nam, ba bên, liên khu vực, tiểu vùng, bảo đảm các cơ chế quản trị toàn cầu phải dân chủ, công bằng hơn, có sự tham gia thực chất của các nước thuộc Phong trào Không liên kết, đồng thời kêu gọi các bên thực hiện kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Bên lề Hội nghị Cấp cao Phong trào Không liên kết (NAM), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Tổng thống El Salvador Sanchez Cerén, Thủ tướng Haiti Enex Jean Charles, Bộ trưởng Ngoại giao Burundi Alain Aimé Nyamitwe, Tổng thống nước chủ nhà Venezuela Nicolas Maduro, Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela Delcy Rodriguez và Bộ trưởng Ngoại giao Iraq Ibrahim Al-Shaiker Al-Jafari. Tại các cuộc tiếp xúc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng lãnh đạo các nước đã nhất trí phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực./.