Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 29-8 đến ngày 04-9-2016)

Thanh Anh (tổng hợp từ TTXVN)
15:50, ngày 05-09-2016
TCCSĐT - Ngày 03-9-2016, Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Kết quả của chuyến thăm đã góp phần củng cố sự tin cậy giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ trên cả bình diện song phương và đa phương, đưa quan hệ hai nước lên bước phát triển mới, đáp ứng lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm cấp Nhà nước tới Singapore

Từ ngày 28 đến ngày 30-8-2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Singapore theo lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Singapore Tony Tan Keng Yam.

Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Singapore diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược hai nước đang phát triển hết sức tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, an ninh - quốc phòng, đến kinh tế - thương mại - đầu tư, giáo dục-đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch... Chuyến thăm lần này, cùng với các hoạt động của các lãnh đạo cấp cao khác của Đảng và Nhà nước Việt Nam, góp phần triển khai và chuyển tải thông điệp của đường lối phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, qua đó tăng cường hơn nữa quan hệ của Việt Nam với các nước, cũng như vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội đàm với Tổng thống Tony Tan Keng Yam; hội kiến Thủ tướng Lý Hiển Long; dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Singapore-Việt Nam; gặp một số công ty có đầu tư lớn tại Việt Nam; và chứng kiến lễ ký kết: Biên bản Thỏa thuận về việc Công ty Đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) mua 7,73% cổ phần của Ngân hàng Vietcombank của Việt Nam trị giá xấp xỉ 385 triệu đô la Mỹ; Biên bản Ghi nhớ về hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore; làm việc với Phó Thủ tướng Singapore Tiêu Chí Hiền; tiếp Bộ trưởng Danh dự Cấp cao Goh Chok Tong; dự và phát biểu tại Viện Yusof Ishak - Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) với chủ đề “Đoàn kết, chung sức hành động, cùng phát triển bền vững”.

Chuyến thăm lần này đã củng cố và tăng cường thêm một bước quan hệ giữa hai nước trên cả bình diện song phương và đa phương, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác mới trên các lĩnh vực mà mỗi bên có thế mạnh, phù hợp với lợi ích thiết thực của mỗi nước. Các nhà lãnh đạo Singapore đều hết sức coi trọng và đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm, góp phần nâng quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với Singapore lên tầm mới cao hơn, tin cậy, sâu sắc và toàn diện hơn trên tất cả các lĩnh vực. Cũng qua chuyến thăm này, có thể thấy rõ quan điểm gần gũi giữa Việt Nam và Singapore trong các vấn đề khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ ASEAN. Đây là các cơ sở thuận lợi để Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Singapore trong việc thúc đẩy Cộng đồng ASEAN.

Cuộc họp cấp Chủ tịch Ủy ban liên hợp về phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia


Từ ngày 29 đến ngày 30-8-2016, tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia, Việt Nam và Campuchia đã tổ chức Cuộc họp cấp Chủ tịch Ủy ban liên hợp về phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam- Campuchia. Phía Việt Nam do Thứ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung làm Trưởng đoàn; phía Campuchia do Bộ trưởng cao cấp phụ trách công tác biên giới Campuchia Var Kimhong làm Trưởng đoàn. Tham dự cuộc họp còn có một số đại diện các bộ, ngành của cả hai bên.

Về công tác phân giới cắm mốc, hai bên vui mừng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các lực lượng trực tiếp thực hiện công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa. Căn cứ vào các Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005, đến nay, các lực lượng chức năng của Việt Nam và Campuchia đã phối hợp triển khai và hoàn thành được khoảng 83% khối lượng công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa. Quán triệt chủ trương của Lãnh đạo cấp cao hai nước, với quyết tâm sớm hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền giữa hai nước; căn cứ vào các Hiệp ước hoạch định và Thỏa thuận khác giữa hai nước về vấn đề biên giới lãnh thổ, hai bên đã cùng nhau trao đổi sâu rộng các nội dung liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp công bằng, hợp lý, phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc tế, đối với các vấn đề còn tồn đọng trong công tác phân giới, cắm mốc giữa hai nước.

Theo đó, hai bên nhất trí nghiêm túc tuân thủ các Hiệp ước về hoạch định và Thỏa thuận có liên quan khác giữa hai nước về biên giới lãnh thổ; Tiếp tục trao đổi về các nội dung liên quan đến việc mời Chuyên gia tư vấn quốc tế hỗ trợ giải quyết dứt điểm các đoạn biên giới chưa phân giới cắm mốc, nhằm đạt kết quả khách quan, khoa học, chính xác và phù hợp với các Hiệp định hoạch định biên giới giữa hai nước; Sớm trao đổi, thống nhất phương án hoán đổi theo mô hình MOU cho 5 khu vực ở Long An và 1 khu vực ở Đắk Lắk nhằm ổn định đời sống cho người dân hai bên khu vực các đoạn biên giới này; Tích cực thúc đẩy triển khai xây dựng mốc phụ, cọc dấu và hoàn thiện các hồ sơ phân giới cắm mốc của 83% đường biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia đã được hai bên phân giới cắm mốc.

Về công tác quản lý biên giới, hai bên vui mừng nhận thấy tình hình biên giới hai nước cơ bản ổn định, mối quan hệ giữa các địa phương và nhân dân hai bên biên giới tiếp tục được củng cố và phát triển theo tinh thần lãnh đạo hai nước đã thỏa thuận là “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”. Các hoạt động trao đổi đoàn giữa các tỉnh biên giới hai nước diễn ra thường xuyên. Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư ở khu vực biên giới hai nước tiếp tục được hai bên quan tâm và đẩy mạnh. Cuộc họp diễn ra trong không khí hữu nghị, chân thành, thẳng thắn, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Hai bên đã kiểm điểm tình hình triển khai công tác phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới đất liền giữa Việt Nam và Campuchia trong giai đoạn vừa qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Trưởng đại diện IMF

Chiều 30-8-2016, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam
Jonathan Dunn.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự giúp đỡ hiệu quả, thiết thực của IMF đối với quá trình ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực cải cách tài chính-ngân hàng, quản lý nợ công, cải cách doanh nghiệp nhà nước…; đồng thời bày tỏ hy vọng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả của IMF trong hỗ trợ tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô thời gian tới. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam phải hứng chịu thiên tai khắc nghiệt, tác động mạnh đến tăng trưởng nông nghiệp; cộng với kinh tế toàn cầu bất ổn dẫn đến kinh tế trong nước khó khăn, tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, bảo đảm tăng trưởng bền vững.

Về phần mình, Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam Jonathan Dunn đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, cải cách doanh nghiệp Nhà nước, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực kinh tế tư nhân phát triển thời gian qua. Ông cũng khẳng định cam kết mạnh mẽ của IMF trong việc hợp tác chặt chẽ với các cơ quan liên quan Việt Nam đưa ra những khuyến nghị về chính sách vĩ mô, giúp Chính phủ Việt Nam phát triển kinh tế đúng mục tiêu và định hướng.

Đoàn đại biểu cấp cao Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào Xây dựng đất nước thăm và làm việc tại Việt Nam

Từ ngày 29 đến ngày 31-8-2016, Đoàn đại biểu cấp cao Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào Xây dựng đất nước do đồng chí Saysomphone Phomvihane, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Trong chuyến thăm này, Đoàn đã tới chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; hội đàm với Đoàn đại biểu cấp cao Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; làm việc với Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam.

Tại các cuộc tiếp xúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiệt liệt hoan nghênh đồng chí Saysomphone Phomvihane dẫn đầu Đoàn đại biểu Mặt trận Lào Xây dựng đất nước sang thăm Việt Nam; đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm, chúc mừng thành công của Đại hội Mặt trận Lào xây dựng đất nước lần thứ X. Nhấn mạnh truyền thống quý báu và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của quan hệ Việt-Lào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chân thành cảm ơn sự ủng hộ, đoàn kết, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào đã dành cho nhân dân Việt Nam, đánh giá cao kết quả hợp tác giữa hai Mặt trận trong thời gian qua, hoan nghênh các nội dung thỏa thuận đã đạt được giữa hai bên, bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, Mặt trận hai nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hợp tác thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở mỗi nước và góp phần quan trọng vào việc không ngừng củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào

Tại cuộc hội đàm giữa Đoàn đại biểu cấp cao Ủy ban Trung ương Mặt trận hai nước, hai bên nhất trí thời gian tới sẽ tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào; công tác đào tạo, tập huấn cán bộ, trao đổi kinh nghiệm, đẩy mạnh giao lưu giữa các địa phương, nhất là những tỉnh biên giới hai nước... nhằm góp phần không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và đoàn kết giữa nhân dân hai nước trong thời gian tới. Tại buổi làm việc với Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam, hai bên nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, trao đổi nhằm nâng cao chất lượng công tác tôn giáo giữa hai quốc gia, trên tinh thần thỏa thuận đã ký hợp tác giữa  Ủy ban Mặt trận hai nước; đồng thời triển khai kết quả hội đàm giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra vào tháng 4-2016 và kết quả hội đàm giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith và Chủ tịch nước Trần Đại Quang diễn ra vào tháng 6-2016 vừa qua.

Hoạt động của Đoàn đại biểu cấp cao Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Lào

Ngày 30-8-2016, tại thủ đô Viêng Chăn, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Lào, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và Đoàn đại biểu cấp cao Ban Tổ chức Trung ương đã đến chào đồng chí Pany Yathotou, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Lào; thăm nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước Lào Chummaly Sayasone.

Tại các cuộc tiếp, đồng chí Phạm Minh Chính cảm ơn các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo cấp cao Lào đã tiếp và dành cho Đoàn những tình cảm thân thiết; trân trọng chuyển tới các đồng chí lãnh đạo cấp cao Lào lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc sức khoẻ của các đồng chí lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam. Đồng chí Phạm Minh Chính nhiệt liệt chúc mừng và đánh giá cao kết quả tốt đẹp của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và cuộc bầu cử Quốc hội khoá VIII của nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào; tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nhân dân Lào sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu mới, to lớn hơn nữa trong công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng.

Các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo cấp cao Lào đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm của đồng chí Phạm Minh Chính trên cương vị mới, cũng như đánh giá cao kết quả hợp tác giữa hai Ban Tổ chức Trung ương hai Đảng trong thời gian qua và đề nghị hai Ban Tổ chức Trung ương của hai Đảng tiếp tục phối hợp chặt chẽ tăng cường trao đổi những vấn đề lý luận và thực tiễn, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, nhất là trong việc phối hợp đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở, trong đó có việc chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam và xây dựng bản ở Lào.

Các đồng chí lãnh đạo cấp cao Lào và đồng chí Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng về mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào; Lào - Việt Nam ngày càng được củng cố và phát triển đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, mang lại lợi ích cho nhân dân mỗi nước; tiếp tục khẳng định mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc, là quy luật tồn tại và phát triển ở mỗi nước, là quan hệ sống còn và là nguồn lực quan trọng bảo đảm sự phát triển của hai nước, góp phần tích cực cho hoà bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới, do đó hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước cần giữ gìn, vun đắp, phát huy và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.

Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc

Nhận lời mời của Thượng tướng Thường Vạn Toàn, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 28 đến ngày 31-8-2016. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Đại tướng Ngô Xuân Lịch trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng.

Trước đó, trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã thăm hữu nghị chính thức 3 nước Nga, Lào và Campuchia. Chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân và quân đội hai nước. Thứ hai là cùng nhau đánh giá lại kết quả hợp tác quốc phòng trong thời gian qua, thống nhất các nội dung hợp tác trong thời gian tới, làm sao để hợp tác quốc phòng đóng góp thiết thực cho quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trong chương trình thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc, Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam đã có cuộc hội đàm với Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Trung Quốc, do Thượng tướng Thường Vạn Toàn, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc dẫn đầu; Đoàn cũng tới chào xã giao đồng chí Lý Nguyên Triều, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; hội kiến với Thượng tướng Phạm Trường Long, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc; đến đặt vòng hoa tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Mao Trạch Đông ở quảng trường Thiên An Môn; thăm đơn vị quân đội Trung Quốc; thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh.

Tại các cuộc tiếp xúc trong chuyến thăm lần này, hai bên đã thẳng thắn, đánh giá sát những kết quả đạt được trong thời gian qua, nhất trí cho rằng hợp tác quốc phòng trong thời gian qua đã đạt kết quả thiết thực. Trên cơ sở Nghị định thư mà hai nước đã ký, hai nước đã triển khai được nhiều kết quả, trong đó nổi bật nhất là giao lưu cấp cao, giao lưu giữa các lực lượng quân binh chủng. Đặc biệt hai bên đánh giá giao lưu giữa lực lượng biên phòng thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam với lực lượng biên phòng Bộ Công an Trung Quốc. Đây là điểm sáng trong quan hệ hai nước, nổi bật là kết quả giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung lần thứ 3 vào tháng 5 và giao lưu biên cương thắm tình hữu nghị vào tháng 6 vừa qua. Ngoài ra, một số lĩnh vực khác như tuần tra chung trên biển, hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, tham gia gìn giữ hòa bình... cũng mang lại kết quả tốt. Hai bên thống nhất trong thời gian tới tiếp tục căn cứ theo nội dung Nghị định thư đã ký, đưa hợp tác đi vào chiều sâu đạt kết quả thiết thực hơn nữa.

Kết quả nổi bật của chuyến là việc hai bên đều khẳng định cần có môi trường hòa bình ổn định để cùng phát triển. Hai bên nhất trí ưu tiên thúc đẩy quan hệ song phương; đều đánh giá quân đội là yếu tố quan trọng đối với phát triển của mỗi nước, quan hệ quốc phòng là một trong những trụ cột trong quan hệ giữa hai nước; nhìn nhận những vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước và thẳng thắn cho rằng những tồn tại này là cản trở đối với quan hệ giữa hai nước hiện nay. Hai bên thống nhất phải tiếp tục giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Quân đội cần phải kiểm soát tốt tình hình, tránh va chạm, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thăm và làm việc tại Việt Nam

Từ ngày 29-8 ngày 01-9-2016, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Hao Liang Xu đã có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam. Trong chuyến thăm làm việc tại Việt Nam lần này, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Hao Liang Xu đã có cuộc gặp với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và làm việc với lãnh đạo một số bộ, ngành.

Tại các cuộc gặp, hai bên đã trao đổi về kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội trong thời gian tới của Việt Nam, việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong chương trình nghị sự 2030; ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, tác động của El Nino...". Bày tỏ vui mừng về quan hệ hợp tác hiệu quả giữa Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và Việt Nam thời gian qua, ông Hao Liang Xu nhấn mạnh, UNDP rất coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam. Trong bối cảnh mới, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc cũng như hệ thống Liên hợp quốc nói chung sẽ tiếp tục đem lại những giá trị mới không đơn thuần là nhà cung cấp, nhà tài trợ vốn như trong quá khứ mà trở thành một đối tác đem lại giá trị gia tăng cho Việt Nam. Theo ông Hao Liang Xu, trong 5 năm tới, kế hoạch hợp tác giữa Liên hợp quốc và Việt Nam tập trung vào 3 vấn đề trọng tâm nhằm hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề ưu tiên trong phát triển.

Thứ nhất là tiếp tục nỗ lực xóa đói giảm nghèo, nâng cao an sinh xã hội. Giảm nghèo không chỉ là vấn đề thu nhập mà tiếp tục phải tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập, đảm bảo nền kinh tế tiếp tục phát triển nhưng theo cách thức tăng trưởng bao trùm, đem lại lợi ích cho tất cả mọi người. Giảm nghèo ở đây là giảm nghèo đa chiều chứ không chỉ đơn thuần là tiêu chí về thu nhập như trước nữa, mà còn là khả năng của người dân tiếp cận các dịch vụ về giáo dục, chăm sóc y tế, tiếp cận với công lý, nền tư pháp công bằng. Thứ hai là tăng cường phát triển bền vững, với nền kinh tế các-bon thấp, ít phát thải khí nhà kính, có sức chống chịu với biến đổi khí hậu. Vì vậy, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc mong muốn hợp tác với Việt Nam về lĩnh vực năng lượng, môi trường. Thứ ba là nâng cao chất lượng quản trị quốc gia và khả năng tiếp cận của con người đối với công bằng và công lý, sự tham gia của người dân đối với những quyết sách của đất nước. Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong hai, ba thập kỷ qua, để tiếp tục cải thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ công mang lại lợi ích cho mọi người, cần quan tâm đến chất lượng nền công vụ...

Giám đốc khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thăm và làm việc tại Việt Nam

Sáng 30-8-2016, tại buổi tiếp Giám đốc khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), bà Karin Hulshof, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao vai trò và những đóng góp của UNICEF trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em trên toàn thế giới, nhất là các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại các khu vực khủng hoảng, các chương trình hỗ trợ tập trung vào giáo dục cơ bản cho trẻ em và mới đây là vấn đề trẻ em di cư. Ghi nhận thời gian qua UNICEF đã đồng hành với Việt Nam trong nhiều chương trình, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị thời gian tới, UNICEF tập trung vào một số chương trình hợp tác như hỗ trợ dinh dưỡng một cách tốt nhất cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và gia đình khó khăn cũng như phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh giám sát việc thực hiện quyền trẻ em.

Nhìn nhận Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong phát triển kinh tế, đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ em trong suốt thập kỷ qua, bà Karin Hulshof cho biết UNICEF đã có kế hoạch hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn 5 năm tới. Vui mừng trước việc Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật trẻ em vào tháng 4-2016, bà Karin Hulshof cho rằng đây là bước tiến mới, tạo khung pháp lý để hỗ trợ trẻ em một cách tốt nhất. Trách nhiệm chăm sóc trẻ em là của toàn xã hội. Việc Hội Cựu chiến binh, Phụ nữ và Đoàn Thanh niên cùng tham gia giám sát thực hiện quyền trẻ em là cơ hội rất tốt. UNICEF sẽ hợp tác, hỗ trợ nâng cao năng lực của Đoàn Thanh niên để đảm nhận tốt vai trò giám sát thực hiện quyền trẻ em, thúc đẩy cơ chế giám sát độc lập trong các tổ chức. Bà Karin Hulshof bày tỏ hy vọng UNICEF có thể hợp tác với Đoàn Thanh niên để có sáng kiến đổi mới, giúp trẻ em không chỉ tiếp cận với internet để bàn về các vấn đề trẻ em quan tâm mà có thể bàn về vấn đề to lớn hơn, phối hợp hỗ trợ trẻ em thiệt thòi, người khuyết tật…

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, đánh giá cao vai trò và những đóng góp của UNICEF trong việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính sách, cải cách luật pháp và cải thiện các dịch vụ xã hội, đặc biệt là hỗ trợ xây dựng khung pháp lý liên quan đến trẻ em. Thông qua việc thực hiện dự án Bạn hữu trẻ em do UNICEF khởi xướng, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em đã có những bước cải thiện đáng kể. Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ngày càng giảm và việc chăm sóc cho trẻ ngày càng tốt hơn. Khẳng định mối quan hệ đồng hành, hợp tác giữa hai bên trong suốt 4 thập kỷ vừa qua, bà Karin Hulshof đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của Thành phố Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian qua, đặc biệt là sự phát triển đó đã giúp cải thiện đáng kể đời sống của người dân nói chung và trẻ em nói riêng. Việc UNICEF có văn phòng đặt ở Thành phố Hồ Chí Minh là rất đúng đắn, từ đó có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ với nhau trong việc hỗ trợ người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tiệc chiêu đãi quốc tế nhân dịp Quốc khánh 2-9

Nhân kỷ niệm 71 năm Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chiều tối 31-8-2016 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đã chủ trì tiệc chiêu đãi các vị Đại sứ, Đại diện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Ủy Ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã tới dự. Tham dự tiệc chiêu đãi có Ngài El Houcine Fardani, Trưởng đoàn Ngoại giao và đông đảo các vị Đại sứ, Trưởng đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. |

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý - những người bạn thân thiết - đã tới dự tiệc chiêu đãi kỷ niệm 71 năm Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong 71 năm qua, nhân dân Việt Nam đã kiên cường vượt khó khăn, thử thách để giữ vững độc lập, tự do của dân tộc, thống nhất Tổ quốc; nỗ lực thực hiện Đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo, kém phát triển, bị tàn phá nặng nề của chiến tranh, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình; phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ, công bằng, bảo đảm an sinh xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs); chính trị - xã hội ổn định vững chắc; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, vị thế quốc tế của đất nước không ngừng được nâng cao.

Nhân ngày lễ trọng đại của dân tộc Việt Nam, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chân thành cảm ơn và mong tiếp tục nhận được những tình cảm tốt đẹp, sự ủng hộ quý báu và hợp tác hiệu quả mà Chính phủ và nhân dân các nước, các tổ chức quốc tế, các đối tác bạn bè quốc tế dành cho Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Thủ tướng mong rằng, trên cương vị đại diện của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các vị Đại sứ, Đại biện, Trưởng đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò đặc biệt, trách nhiệm cao quý, để đưa các dân tộc, người dân Việt Nam và các nước xích lại gần nhau hơn vì hòa bình và phát triển thịnh vượng.

Thay mặt các vị khách quốc tế, Ngài El Houcine Fardani, Trưởng đoàn Ngoại giao đã gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Ngài El Houcine Fardani chúc mừng Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và kỳ Bầu cử Quốc hội và lãnh đạo đất nước. Ngài El Houcine Fardani cho rằng, ba mươi năm trước, Đại hội Đảng lần thứ 6 của Việt Nam đã thông qua đường lối Đổi Mới và nhanh chóng đưa Việt Nam từ một quốc gia thuộc nhóm nghèo nhất thế giới thành một nước thu nhập trung bình. Trong nhiều thập kỷ, Việt Nam đã giữ vị trí là một trong những quốc gia tăng trưởng GDP nhanh nhất thế giới, đạt mức trung bình 5,5% mỗi năm từ năm 1990 và 6,4% trong những năm 2000. Năm 2015, kinh tế Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng ở mức 6,7%. Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 24,1 tỷ USD và thương mại đạt 328 tỷ USD trong năm ngoái.

Ngài El Houcine Fardani cho rằng, công cuộc phát triển kinh tế xã hội thành công rực rỡ của Việt Nam trong 3 thập kỷ qua vừa là kinh nghiệm, vừa là nguồn cảm hứng cho nhiều quốc gia đang phát triển khác. Bên cạnh đó, nhờ chính sách đối ngoại độc lập, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ, Việt Nam đang đóng vai trò tích cực trong khu vực và trên trường quốc tế, góp phần giữ gìn hoà bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Từ những thành công đó, Ngài El Houcine Fardani cho rằng, bạn bè quốc tế tin tưởng, với đội ngũ lãnh đạo mới, Việt Nam sẽ thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế xã hội và sẽ tiếp tục đạt nhiều thắng lợi trong công cuộc xây dựng, phát triển và hiện đại hoá đất nước; hướng tới một tương lai tươi sáng cho nhân dân Việt Nam. Ngài El Houcine Fardani khẳng định quyết tâm phát triển hơn nữa mối quan hệ bền chặt giữa Việt Nam và các quốc gia, tổ chức quốc tế trên cơ sở hợp tác tích cực và hiệu quả vì lợi ích chung.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm chính thức Việt Nam

Từ ngày 02 đến ngày 03-9-2016, Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi đã có chuyến thăm chính thức đến Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Đây là chuyến thăm chính thức song phương đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ tới Việt Nam trong 15 năm qua. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Narendra Modi và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm và chứng kiến lễ ký kết văn kiện giữa hai nước. Thủ tướng Narendra Modi đã chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Trước đó, Thủ tướng Narendra Modi đã đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, đặt vòng hoa và vào L ăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm khu tưởng niệm Nhà sàn Bác Hồ và đến thăm chùa Quán Sứ tại Hà Nội.

Tại các cuộc hội đàm, tiếp xúc hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, thúc đẩy quan hệ kênh Đảng, Quốc hội hai nước, thiết lập quan hệ giữa các địa phương, phát huy hiệu quả của các cơ chế đối thoại đã được thiết lập và thực hiện hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết giữa hai bên. Hai bên đề nghị các bộ, ngành liên quan thực hiện các biện pháp thiết thực, cụ thể nhằm đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu 15 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2020; đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp của hai bên khai thác cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên ; khuyến khích tăng cường đầu tư hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dầu khí; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo; tăng cường kết nối trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước;
tăng cường trao đổi và hợp tác trong lĩnh vực du lịch, văn hoá, giao lưu nhân dân, nhất là giao lưu thanh niên giữa Việt Nam và Ấn Độ. Ấn Độ công bố trao tặng Giáo hội Phật giáo Việt Nam các suất học bổng đặc biệt hàng năm để học thạc sỹ/tiến sỹ về Phật học và học tiếng Phạn tại Ấn Độ. Ấn Độ khẳng định tiếp tục đào tạo nâng cao năng lực cho Việt Nam thông qua Chương trình Hợp tác Kỹ thuật (ITEC) và cung cấp các suất học bổng cho học sinh, sinh viên và công chức của Việt Nam.

Hai bên bày tỏ hài lòng về các chương trình hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình; nhất trí tăng cường hợp tác nhất là tại Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Tổ chức Thương mại Thế giới, ASEAN và các diễn đàn liên quan của ASEAN; tái khẳng định mong muốn và quyết tâm hợp tác nhằm duy trì hoà bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới. Ghi nhận Phán quyết ngày 12 tháng 7 năm 2016 của Tòa Trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), hai bên nhấn mạnh sự ủng hộ đối với hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, và thương mại không bị cản trở, trên cơ sở các nguyên tắc của Luật pháp quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc được phản ánh trong UNCLOS.

Sau Hội đàm, Thủ tướng hai nước đã chứng kiến lễ ký kết một loạt các Thoả thuận.quan trọng giữa hai nước.

Đoàn Đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam dự Hội nghị toàn thể lần thứ 9 Hội nghị quốc tế các chính đảng châu Á


Từ ngày 01 đến ngày 04-9-2016, Hội nghị toàn thể lần thứ 9 Hội nghị quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP) đã diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) với sự tham dự của hơn 300 đại biểu từ 89 chính đảng thuộc 35 nước châu Á và một số đoàn quan sát viên của các đảng, các tổ chức quốc tế trong và ngoài khu vực.

Với chủ đề “Một châu Á”, các đảng tham dựđã chia sẻ quan điểm về xây dựng một châu Á hòa bình, thống nhất trong đa dạng, hợp tác và thịnh vượng. Các phát biểu tập trung phân tích những thách thức mà châu Á đã, đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt trong thời gian tới.H ội nghị đã nhất trí thông qua Tuyên bố Kuala Lumpur, khẳng định cam kết của các đảng đối với mục tiêu xây dựng một “Cộng đồng châu Á” hòa bình và thịnh vượng dựa trên lợi ích chung, vận mệnh chung và trách nhiệm chung, góp phần làm dịu các căng thẳng lịch sử và chính trị trong khu vực, nâng cao đời sống người dân. Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, làm Trưởng đoàn, đã tham dự và tích cực đóng góp tại các phiên thảo luận của hội nghị.

Phát biểu tại phiên toàn thể, đồng chí Hoàng Bình Quân khẳng định trong bối cảnh châu Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh và phát triển, hơn bao giờ hết các nước, các đảng cần thể hiện trách nhiệm chung đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới; nhấn mạnh cần giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, đồng thời cần nỗ lực thúc đẩy các thỏa thuận và cơ chế hữu hiệu nhằm ngăn ngừa xung đột; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác cùng có lợi vì phát triển công bằng và bền vững, tăng cường kết nối kinh tế và hạ tầng, thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh kết nối xã hội và giao lưu nhân dân nhằm tăng cường hiểu biết và tình cảm hữu nghị giữa nhân dân các nước trên cơ sở tôn trọng sự đa dạng và những khác biệt về văn hóa, chính trị, xã hội của nhau.

Trong thời gian diễn ra hội nghị, đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều cuộc tiếp xúc với các đảng tham dự hội nghị để chia sẻ thông tin và trao đổi về các biện pháp hợp tác, hội đàm với Lãnh đạo đảng cầm quyền Tổ chức Thống nhất Dân tộc Malaysia (UMNO) của Malaysia, qua đó tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương và phối hợp với các đảng trên các vấn đề khu vực và quốc tế./.