Bình yên nơi biên cương Thàng Tín
TCCSĐT - Vượt qua những cung ruộng bậc thang dốc, hẹp đặc trưng của đất Hoàng Su Phì (Hà Giang), con đường lên xã biên giới Thàng Tín thưa thớt những nếp nhà. Chiếc xe gằn lên những tiếng khô khốc vượt dốc đưa chúng tôi đến Thàng Tín vào một chiều cuối năm trong cái rét ngọt.
Vững vàng nơi địa đầu Tổ quốc
Đồn Biên phòng Thàng Tín là một trong mười hai đồn biên phòng trực thuộc Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Hà Giang, có nhiệm vụ bảo vệ, quản lý đoạn biên giới dài 20,5km, với 9 cột mốc (từ 224/2 đến 232). Địa bàn phụ trách của Đồn gồm 3 xã: Pố Lồ, Thàng Tín và Thèn Chu Phìn với 23 thôn bản, trong đó có 7 thôn bản giáp biên, có 5 dân tộc anh em: Nùng, Tày, Mông, Hoa, La Chí cùng sinh sống.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Đồn đã chủ động xây dựng phương án, tăng cường công tác nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát bảo vệ vững chắc chủ quyền và đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm. Đồng thời, thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các biện pháp xây dựng và quản lý, bảo vệ biên giới; giải quyết kịp thời các vấn đề mất an ninh trật tự phát sinh trên địa bàn, qua đó góp phần gìn giữ bình yên trên tuyến biên giới của Tổ quốc. Từ sau năm 2009, khi Việt Nam - Trung Quốc hoàn tất việc cắm mốc biên giới trên đất liền, công tác tuần tra bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ mà Đồn phụ trách có nhiều thuận lợi hơn. Tình hình an ninh trật tự vùng biên trên địa bàn cơ bản ổn định, nhân dân yên tâm sản xuất, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp.
Trung tá Lê Hùng Mạnh - Chính trị viên Đồn Biên phòng Thàng Tín cho biết, Đảng ủy, Chỉ huy Đồn đã quán triệt sâu sắc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Biên phòng mà trực tiếp là Thường vụ Đảng ủy Ban Chấp hành Biên phòng tỉnh Hà Giang về công tác bảo đảm an ninh biên giới quốc gia. Công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới cũng như giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong khu vực biên giới 3 xã Pố Lồ, Thàng Tín và Thèn Chu Phìn là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đồn.
Hằng năm, Đồn đều có kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể thống nhất với cấp ủy chính quyền địa phương 3 xã. Sau đó, Đồn chỉ đạo cho đơn vị, cán bộ, chiến sỹ của Đồn triển khai thực hiện nhiệm vụ, đồng thời, phối hợp, kết hợp với cấp ủy địa phương, lực lượng dân quân, công an các xã, đoàn thanh niên và các hộ gia đình tham gia tuần tra, giữ gìn an toàn xóm bản trong khu vực biên giới. Công tác phối hợp thể hiện qua kế hoạch hằng năm, kế hoạch 6 tháng, kế hoạch quý, kế hoạch tháng và đặc biệt là kế hoạch tuần. Công tác nắm tình hình, đấu tranh phòng, chống tội phạm, gian lận thương mại trên địa bàn được thực hiện tốt. Hằng tuần, Đồn phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn 3 xã tuần tra bảo vệ biên giới, qua đó nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình, kịp thời có những biện pháp xử lý theo đúng thẩm quyền, nguyên tắc và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết kịp thời những vụ, việc phát sinh, ổn định an ninh trật tự cho bà con yên tâm lao động sản xuất.
Bên cạnh việc phối hợp tuần tra với các lực lượng trong nước, Đồn còn tổ chức tuần tra song phương với lực lượng bảo vệ biên giới phía Trung Quốc. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giữa hai bên, Đồn đã thẳng thắn trao đổi với lực lượng biên phòng Trung Quốc để tháo gỡ những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ví dụ như trao trả công dân của hai bên vi phạm quy chế biên giới, bảo đảm mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc và nhân dân hai bên biên giới. Đồng thời, tuyên truyền các văn bản pháp luật cho cư dân ở vùng biên giới tại Hương Múng Tủng (Trung Quốc)... Thông qua công tác đối ngoại, góp phần tạo dựng môi trường biên giới hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển lâu dài.
Công tác giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cũng được Đồn đặc biệt chú trọng. Đồn đã giúp đỡ một số hộ đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế, như hỗ trợ dê, bò giống. Vốn đầu tư một phần trích từ quỹ vốn của đơn vị, còn lại là đóng góp của cán bộ, chiến sỹ. Giai đoạn đầu, Đồn tặng 9 con dê giống, hiện nay đã phát triển được trên 30 con, bảo đảm cho 3 đến 4 hộ nuôi luân phiên, giúp bà con sớm thoát khỏi đói nghèo.
Chị Lù Thị Nhung, dân tộc Nùng nhà gần Trạm Kiểm soát biên phòng Thàng Tín cho biết, năm 2012, gia đình bốn thành viên nhà chị cùng với 15 hộ gia đình nghèo khác đã theo sự vận động của Đồn Biên phòng Thàng Tín tình nguyện đăng ký giãn dân sang vùng giáp biên giới lập nghiệp để có nhiều điều kiện phát triển kinh tế. Đồn Biên phòng Thàng Tín đã giúp đỡ gia đình chị 3 con bò, 3 con dê, hiện đã ổn định chỗ ở, kinh tế đang dần phát triển, hai con được đến trường học. Theo chị, dự án di dân ra khu vực biên giới rất ý nghĩa, điều kiện để phát triển kinh tế có nhiều thuận lợi, anh em các dân tộc sinh sống đoàn kết. Bản thân chị cũng đang là dân quân tự vệ, hằng tháng đều đi tuần tra biên giới với cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Thàng Tín, tình cảm quân dân gắn bó rất sâu đậm.
Đại úy Hù Minh Đức - Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Thàng Tín cho biết, các chương trình giúp dân phát triển kinh tế vùng biên mậu, tham mưu cho bà con trồng trọt đúng mùa vụ, chăn nuôi theo khoa học, chung tay xây dựng nông thôn mới thu đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường” do Bộ Tư lệnh Biên phòng phát động, Đồn đã nhận đỡ đầu hai cháu học sinh ở xã Thèn Chu Phìn với 500 nghìn/cháu/tháng. Số tiền tuy ít ỏi nhưng là tấm lòng của Bộ đội Biên phòng nhằm khích lệ tinh thần học tập của các cháu trong toàn xã. Trong năm 2016, Đồn có kế hoạch tiếp tục nhân rộng mô hình này ra cho 3 xã để thúc đẩy phong trào tự học và vượt khó của các cháu, nhằm đi lên thoát khỏi nghèo đói trong tương lai.
Vẫn còn đó nhiều khó khăn, gian khổ
Những kết quả đạt được của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Thàng Tín thời gian qua chính là tiền đề vững chắc để đơn vị tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và xây dựng thế trận lòng dân vững chắc nơi miền biên cương Tổ quốc.
Tuy nhiên, theo Thượng úy Vương Đình Vinh - Đội trưởng Đội nghiệp vụ, Đồn vẫn còn nhiều khó khăn, như trình độ dân trí thấp, tỉ lệ đồng bào nói được tiếng Việt còn ít, một số tập tục lạc hậu vẫn còn tồn tại, địa hình đi lại hiểm trở. Hằng năm, vẫn tại xã Thèn Chu Phìn, đa phần là các hộ đồng bào dân tộc Mông, một số hộ đồng bào người Mông ở xã Thèn Chu Phìn di cư vào các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông, gây rất nhiều khó khăn cho quá trình thực hiện nhiệm vụ và công tác dân vận của cán bộ, chiến sỹ biên phòng và các ban, ngành của xã, huyện.
Để giải quyết những khó khăn trên, cấp ủy chỉ huy Đồn đã xin ý kiến cấp trên đề ra những biện pháp thích hợp để Đồn thực hiện nhiệm vụ có chiều sâu và bám bản, gần dân hơn. Với các chức năng chính là bảo vệ vững chắc chủ quyền, đường biên mốc giới và toàn vẹn lãnh thổ; tham gia xây dựng cơ sở chính trị; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, Đồn đã tăng cường cán bộ xuống xã tham gia đảng ủy 3 xã giữ chức danh Phó Bí thư phụ trách an ninh quốc phòng. Các đồng chí được cử đi tăng cường đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đối với các thôn bản, Đồn phân công các đồng chí đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ trọng yếu, qua đó, lồng ghép công tác chuyên môn để nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng của bà con, kịp thời báo cáo Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh, qua đó, khẳng định vai trò, vị thế của bộ đội biên phòng trong khu vực biên giới.
Chia tay cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thàng Tín, khoác ba lô lên vai, tôi tự hứa với lòng mình, nhất định sẽ trở lại thăm Đồn và bà con các dân tộc nơi đây vào một ngày gần nhất. Bởi nơi ấy có những người đồng đội thân thiết của chúng tôi đang ngày đêm đem hết sức lực, tâm huyết và tình yêu của tuổi thanh xuân để giữ cho cuộc sống bình yên, giữ vững từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.
Một mùa xuân mới lại về trên mảnh đất cao nguyên đá Hà Giang. Cùng với sự hân hoan chờ đợi toát lên từ gương mặt những người cán bộ, chiến sỹ trên đường tuần tra biên giới Thàng Tín, chúng tôi cũng chờ và hy vọng vào một năm mới với những thành công và thắng lợi mới./.
Cho ý kiến về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong cuộc bầu cử  (29/02/2016)
Khối thi đua các bộ, ngành tổng hợp triển khai nhiệm vụ 2016  (29/02/2016)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm