TCCS - Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đạt được nhiều kết quả nổi bật, với 12/18 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 96,3% số xã đạt chuẩn nông thôn mới… Để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người nông dân một cách thực chất, vững bền, phù hợp với tiêu chí đô thị, Hà Nội đã ban hành quyết sách mới nhằm đẩy mạnh quá trình xây dựng nông thôn mới.
Chủ trương sát đúng, kết quả tích cực
Ngày 4-6-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg, Phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Mục tiêu chung của Chương trình là: Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình, ngày 16-8-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1600/QĐ-TTg, Phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.
Hà Nội luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Ngày 26-4-2016, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020” (gọi tắt là Nghị quyết số 02). Nghị quyết số 02 nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 và Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ Thành phố.
Ngày 21-9-2019, Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Lãnh đạo thành phố khẳng định, thông qua thực hiện Chương trình, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có chuyển biến tích cực; kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá; quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; các hoạt động văn hóa - xã hội, thể thao có chuyển biến tiến bộ theo hướng chuẩn hóa và xã hội hóa; chính trị - xã hội và quốc phòng - an ninh được bảo đảm; an sinh xã hội được chăm lo, đời sống của nhân dân được cải thiện... Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố vững chắc, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ ngày càng được nâng lên, tạo thế và lực mới cho thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn...
Đáng chú ý, các mục tiêu đề ra cơ bản hoàn thành và đạt khá, trong đó có 3 chỉ tiêu vượt trước 2 năm so với mục tiêu chương trình đề ra là giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế/ha đất nông nghiệp, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên. Thành phố có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu đề ra là có 80% số xã hoàn thành đến 2020)...
Đến hết năm 2020, Hà Nội có 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, có 6 huyện trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020; có 368/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 96,3%), 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tổng nguồn vốn đã huy động cho khu vực nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 là 80.595 tỷ đồng, trong đó đầu tư trực tiếp cho chương trình là 62.459 tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước là 56.470 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách là 5.989 tỷ đồng)… Nhờ tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, đã góp phần nâng cao đời sống nông dân. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của Hà Nội năm 2020 đạt 55 triệu đồng/người/năm, đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn dưới 0,37%, có 4 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh và Hoài Đức không còn hộ nghèo…
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện chương trình vẫn còn một số hạn chế, như thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất chưa nhiều. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là mối lo của người tiêu dùng... Kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các huyện chưa đồng đều. Nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước, việc thu hút nguồn lực xã hội chưa nhiều, người dân còn trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước. Hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn đầu tư còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân…
Bước phát triển mới
Ngày 17-3-2021, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 04-CTr/TU “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025” (gọi tắt là Chương trình số 04). Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 là đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo.
Ngày 22-4-2021, Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến cán bộ chủ chốt học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cho hơn 35.000 cán bộ. Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đã trình bày các nội dung của Chương trình số 04, mục tiêu đặt ra là: Quá trình xây dựng nông thôn mới cần thực hiện thực chất hơn, thiết thực hơn, hiệu quả và bền vững hơn, gắn liền với quá trình đô thị hóa, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, nông thôn mới phồn vinh, văn minh và hiện đại.
Ngày 23-4-2021, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 tổ chức hội nghị giao ban, đánh giá kết quả thực hiện trong quý I và bàn nhiệm vụ, giải pháp các tháng còn lại của năm 2021. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã nêu rõ những mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong việc xây dựng nông thôn mới của Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025. Đồng chí Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội - cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận thêm 5 huyện (Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ và Sóc Sơn) đạt chuẩn nông thôn mới, đưa tổng số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới lên 12/18 huyện, thị xã. Trong số các địa phương còn lại, có 3 huyện (Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa) đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021 và 2 huyện (Ba Vì, Mỹ Đức) đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Đến nay, Hà Nội có 368/382 xã (chiếm 96,3%) đạt chuẩn nông thôn mới, 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong đó, huyện Đan Phượng đã hoàn thành 100% số xã nông thôn mới nâng cao, đang phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021.
Tại hội nghị, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng cho rằng, quá trình thực hiện Chương trình số 04 còn gặp một số khó khăn, như Trung ương chưa ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp theo mức độ (nông thôn mới, nâng cao, kiểu mẫu) để các địa phương căn cứ thực hiện; nguồn lực cho công tác xây dựng nông thôn mới chủ yếu từ ngân sách nhà nước, nguồn lực xã hội chưa nhiều; tình trạng nông dân bỏ ruộng, không sản xuất nông nghiệp vẫn còn và có chiều hướng gia tăng; thu nhập và đời sống của nông dân còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô...
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, chương trình xây dựng nông thôn mới 10 năm qua đã tạo được những nền tảng quan trọng. Bước sang giai đoạn mới, cần có nhìn nhận, đánh giá, định hướng phù hợp thời kỳ mới, như xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa; hoàn thành xây dựng nông thôn mới đối với các xã, huyện còn lại theo kế hoạch; tiếp tục xây dựng xã, huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; huy động nguồn lực sát thực, khả thi...
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, trong quý I-2021, Hà Nội đã đạt kết quả rất phấn khởi trong thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU. Đây là tiền đề rất quan trọng để thành phố tiếp tục triển khai nhiệm vụ cho cả nhiệm kỳ 2021 - 2025. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng chỉ ra tồn tại trong thực hiện Chương trình số 04, đó là tư tưởng của một số huyện, xã đã về đích nông thôn mới bằng lòng với kết quả đạt được, chưa nỗ lực, cố gắng đạt mục tiêu cao hơn. Bên cạnh đó, chưa có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, chưa có mô hình liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ quy mô lớn...
Để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong 6 tháng cuối năm 2021, Hà Nội ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình số 04; xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng tiêu chí đô thị; ban hành Kế hoạch và tổ chức thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025.
Ngày 25-5-2021, Ban chỉ đạo Chương trình số 04 ban hành Quyết định số 06-QĐ/BCĐ ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”; đồng thời ban hành Thông báo số 07-TB/BCĐ phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy; ban hành Kế hoạch số 08-KH/BCĐ về kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII giai đoạn 2021 - 2025.
Đến tháng 9-2021, trong số 6 huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Phú Xuyên đã hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, thẩm định; huyện Chương Mỹ đã được đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố tiến hành thẩm tra hồ sơ và kiểm tra thực địa và khẳng định đủ điều kiện, cần hoàn thiện các thủ tục tiếp theo; các huyện Mê Linh và Ứng Hòa đã hoàn thiện hồ sơ trình thành phố. Trong khi đó, 2 huyện Ba Vì, Mỹ Đức phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2022.
Một số kiến nghị
Để có thể thực hiện tốt hơn nữa Chương trình số 04 trong thời gian tới, Hà Nội có một số kiến nghị cụ thể sau:
1 - Đề nghị Chính phủ: Sớm ban hành Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (xã, huyện, tỉnh) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu); Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025 để các địa phương có căn cứ tổ chức thực hiện.
2 - Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu tham mưu Chính phủ, Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai để tháo gỡ những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay; ban hành Nghị định về tích tụ, tập trung ruộng đất; có các cơ chế, chính sách trao quyền chủ động cho người dân được giao đất, thuê đất tạo điều kiện cho phát triển sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn.
3 - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành Trung ương liên quan tham mưu:
- Đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh chỉ giới phân lũ thuộc lưu vực các sông chảy qua địa bàn Hà Nội phù hợp với thực tế hiện nay, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các xã, thôn ven sông trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách về Chương trình mỗi xã một sản phẩm tạo điều kiện để các địa phương có căn cứ thực hiện.
- Tham mưu văn bản hướng dẫn Quyết định số 1840/QĐ-TTg, ngày 13-11-2020, của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025;
4 - Đề nghị Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố xem xét rà soát, ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy./.
Huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội): Thành quả xây dựng nông thôn mới là tiền đề thúc đẩy phát triển đô thị  (20/10/2021)
Ban Chỉ huy quân sự quận Cầu Giấy chủ động, tích cực làm tốt công tác dân vận trong tình hình mới  (20/10/2021)
Hà Nội đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh  (20/10/2021)
Tăng cường quan hệ giữa Hà Nội và các thủ đô trên thế giới  (19/10/2021)
Hà Nội: Cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển xanh  (18/10/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển