Trung Quốc, Mỹ đạt đồng thuận trong một số vấn đề nhưng bất đồng còn lớn
Nguy cơ một cuộc chiến thương mại
Căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc đã leo thang trong thời gian qua, làm dấy lên quan ngại về một cuộc chiến thương mại. Khởi đầu từ vụ tăng thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu của Tổng thống Donald Trump, tiếp đó, Washington đã công bố danh sách các mặt hàng nhập từ Trung Quốc với tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn. Bắc Kinh cũng đáp trả với một danh mục các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Mỹ như đậu nành, ôtô và máy bay hạng nhẹ tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn khi vào thị trường Trung Quốc. Ngay sau đó, Tổng thống Donald Trump hôm 05-4 cảnh báo sẽ nâng gấp đôi (lên 100 tỷ USD) tổng giá trị các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc phải chịu các mức thuế bổ sung. Ngày 17-4, Bắc Kinh quyết định áp đặt các biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với cao lương nhập khẩu từ Mỹ, sau khi xác định mặt hàng nông sản nhập khẩu này gây tổn hại hoạt động sản xuất và buôn bán trong nước.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc gia tăng hàng ngày bằng các biện pháp trả đũa lẫn nhau lien tục được công bố, khiến dư luận quan ngại về việc xảy ra một cuộc chiến thương mại ở quy mô toàn cầu. Nếu điều đó xảy ra thì nó không chỉ tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, người tiêu dùng hai nước mà còn đe dọa tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, bản thân hai nước Trung Quốc và Mỹ đều không muốn đẩy vấn đề đi quá xa và đối thoại thương mại giữa hai cường quốc là bước mở đầu để tiến tới hóa giải căng thẳng.
Dấu hiệu đối thoại xuất hiện khi Tổng thống Donald Trump quyết định cử phái đoàn Mỹ gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer cùng một số quan chức khác tới Trung Quốc để đối thoại về các vấn đề thương mại theo đề nghị của Bắc Kinh. Đây được xem là thiện chí tích cực, hé mở cánh cửa giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại. Với quan điểm "rất nghiêm túc" trong việc tìm kiếm giải pháp chung, dựa trên tinh thần "công bằng và đôi bên cùng có lợi", người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định hai bên đã "có cơ hội rất tốt" để đạt được một thỏa thuận. Kết quả tham vấn dù chưa cụ thể, nhưng việc các bên sẵn sàng tiếp tục đối thoại, cố gắng giải quyết những khác biệt, cho thấy cả Washington và Bắc Kinh đều không muốn đẩy sự việc đi quá xa. Điều này cũng đồng nghĩa đối thoại luôn được hai nước ưu tiên trong các tranh cãi thương mại. Hiện bất đồng lớn nhất vẫn chủ yếu tập trung vào yêu cầu của Mỹ muốn Trung Quốc cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ 200 tỷ USD vào năm 2020, đồng thời giảm thuế đối với tất cả các sản phẩm xuống mức không cao hơn mức Mỹ áp đặt đối với các mặt hàng của Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh cho rằng đề xuất này là không công bằng.
Đối thoại để tìm giải pháp hai bên có thể chấp nhận được
Phái đoàn thương mại Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu tham gia cuộc tham vấn thương mại với phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu từ ngày 03-5. Ông Steven Mnuchin đánh giá đang "có một cuộc đối thoại rất tốt" tại Trung Quốc. Phát biểu trên được ông Steven Mnuchin đưa ra trước báo giới khi bước vào ngày họp thứ hai 04-5 và có thể là ngày cuối cùng trong cuộc tham ván thương mại tại Trung Quốc lần này.
Tại đối thoại, phía Mỹ đề cập đến một loạt vấn đề về thương mại của Trung Quốc, từ những cáo buộc liên quan chuyển giao công nghệ đến trợ giá của chính phủ đối với việc phát triển công nghệ. Theo một tài liệu của Mỹ gửi cho phía Trung Quốc trước khi cuộc tham vấn diễn ra, Washington yêu cầu Bắc Kinh lập tức cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ khoảng 200 tỷ USD trước năm 2020, chấm dứt trợ giá cho mặt hàng công nghệ tiên tiến và ngừng đáp trả những biện pháp trừng phạt mà Mỹ đang áp đặt với nước này.
Tờ China Daily, tờ báo tiếng Anh lớn nhất của Trung Quốc ra ngày 04-5 nhận định Trung Quốc và Mỹ chỉ có thể đạt được một thỏa thuận cả hai bên cùng chấp nhận nếu các bên thể hiện mong muốn thực tế cùng nhượng bộ lẫn nhau.
Trước đó, một quan chức Trung Quốc giấu tên cho biết Bắc Kinh sẽ hoan nghênh một kết quả thành công của cuộc tham vấn thương mại với Mỹ, song cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi kết quả và sẽ không đàm phán về những lợi ích cốt lõi. Quan chức này khẳng định cuộc thảo luận phải diễn ra công bằng và đôi bên cùng có lợi, đồng thời Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ trước bất kỳ đe dọa thương mại nào từ Washington hay chấp nhận bất kỳ điều kiện tiên quyết nào cho cuộc đàm phán. Quan chức này nêu rõ trong trường hợp xảy ra cuộc chiến thương mại, Trung Quốc "có khả năng chịu đựng tốt hơn" so với Mỹ.
Đạt đồng thuận trong một số vấn đề song bất đồng còn lớn
Về kết quả đối thoại, Tân Hoa Xã ngày 04-5 cho biết, Trung Quốc và Mỹ đã đạt được đồng thuận trong một số vấn đề về tranh chấp thương mại, song giữa hai bên vẫn còn những bất đồng tương đối lớn về một số nội dung khác.
Tin cho biết trong cuộc tham vấn thương mại kéo dài 2 ngày tại Trung Quốc, hai bên đã cam kết giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua đối thoại, cũng như trao đổi các quan điểm về việc mở rộng hoạt động xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc. Hai bên cũng nhất trí thành lập một cơ chế làm việc chung nhằm duy trì liên lạc chặt chẽ.
Trung Quốc đã đề xuất nhập khẩu thêm các hàng hóa từ Mỹ và giảm thuế đối với một số mặt hàng, trong đó có ôtô, như một phần trong các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp thương mại đang leo thang hiện nay giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Hãng tin Reuters (Anh) dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết trong bối cảnh quan chức hai nước vừa kết thúc hai ngày nhóm họp tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã đề nghị Mỹ đối xử công bằng với các khoản đầu tư từ Trung Quốc khi xét tới an ninh quốc gia, đồng thời chấm dứt đưa thêm các biện pháp hạn chế đầu tư. Bắc Kinh cũng yêu cầu Washington ngừng cuộc điều tra về quyền sở hữu trí tuệ theo Mục 301 của nước này, và không thực thi việc áp thuế 25% như một phần của cuộc điều tra.
Trung Quốc một mặt yêu cầu phía Mỹ xem xét những kiến nghị của tập đoàn ZTE của nước về những biện pháp trừng phạt mà Washington áp đặt hồi tháng 4 vừa qua, theo đó cấm các công ty Mỹ bán các phần mềm và linh kiện cho ZTE. Mặt khác, Bắc Kinh cũng cam kết sẽ chủ động xem xét thông tin do các doanh nghiệp Mỹ cung cấp về cuộc điều tra chống bán phá giá của Trung Quốc đối với mặt hàng cao lương nhập từ Mỹ.
Đánh giá về đối thoại, Tổng thống Mỹ khẳng định "thân thiện" với Trung Quốc. Ngày 04-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định Mỹ không duy trì lập trường cứng rắn với Trung Quốc vì cá nhân ông rất tôn trọng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump khẳng định luôn kiên trì với mục tiêu đem lại sự công bằng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung. Ông cũng cho rằng phía Mỹ hiện đang rất "thân thiện" với Trung Quốc và lý do là vì ông "rất tôn trọng" nhà lãnh đạo của cường quốc châu Á lớn thứ hai thế giới này. Ông chủ Nhà Trắng còn cho biết sắp tới hai nước sẽ có những thỏa thuận thương mại "phi thường".
Những bình luận của Tổng thống Trump được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Trung Quốc tuyên bố vẫn còn nhiều bất đồng thương mại giữa hai quốc gia sau cuộc tham vấn thương mại kéo dài 2 ngày giữa phái đoàn thương mại Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu và phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu tại Trung Quốc.
Dù sao cũng đã có sự khởi đầu để hóa giải tranh chấp
Kết quả đối thoại không gây bất ngờ. Dù không đạt được bước đột phá và còn bất đồng khá lớn trong một số nội dung, song việc Mỹ và Trung Quốc đạt được sự đồng thuận trong các vấn đề kinh tế và thương mại tại cuộc tham vấn song phương đầu tiên diễn ra tại Bắc Kinh được đánh giá là kết quả tích cực trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Quyết định thành lập một cơ chế làm việc nhằm duy trì liên lạc chặt chẽ và cam kết giải quyết tranh cãi thương mại thông qua đối thoại là một tiến bộ lớn giữa 2 nền kinh tế, nhưng cũng là một kết quả không nằm ngoài dự báo.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng thừa nhận rằng mối quan hệ kinh tế Trung - Mỹ về bản chất đều mang lại lợi ích cho cả hai bên cũng như cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân hai nước. Một thỏa thuận mang tính đột phá nhằm thay đổi căn bản các chính sách kinh tế của Trung Quốc dù được dự báo là khó có thể đạt được trong cuộc tham vấn 2 ngày, song gói các biện pháp ngắn hạn của nước này, với một số thay đổi trong chính sách như chấm dứt yêu cầu liên doanh đối với một số ngành, giảm thuế đối với mặt hàng ô tô và tăng việc mua các mặt hàng của Mỹ, có thể sẽ khiến Washington hoãn lại quyết định áp các mức thuế trị giá lên tới 50 tỷ USD đối với các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Trong nhiều tuần qua, việc Mỹ và Trung Quốc liên tục đưa ra chính sách thuế đối đầu nhau đã làm dấy lên quan ngại về một cuộc chiến thương mại. Washington đã công bố danh sách các mặt hàng nhập từ Trung Quốc với tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn. Bắc Kinh cũng đáp trả với một danh mục các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Mỹ như đậu nành, ô tô và máy bay hạng nhẹ tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn khi vào thị trường Trung Quốc. Không dừng lại, Tổng thống Donald Trump tiếp tục cảnh báo sẽ nâng gấp đôi (lên 100 tỷ USD) tổng giá trị các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc phải chịu các mức thuế bổ sung.
Giới phân tích cho rằng, tình thế "bên bờ vực" chiến tranh thương mại là nằm trong chủ ý của Mỹ để từ đó Washington có lợi thế mặc cả hơn trong các cuộc đàm phán. Thực tế đã chứng minh điều này qua các động thái của Washington. Không phải ngẫu nhiên Mỹ đồng ý tham vấn với Trung Quốc ngay trước thời điểm tuyên bố lùi việc áp đặt thuế lần lượt là 25% và 10% đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) thêm 30 ngày (cho tới ngày 01-6), đồng thời đề xuất với các đồng minh chủ chốt khả năng hoãn thực thi quyết định trong các cuộc đàm phán sắp tới. Tín hiệu Tổng thống Donald Trump muốn gửi tới Trung Quốc qua quyết định này là mọi vấn đề đều có thể thương lượng và linh hoạt. Ngoài ra, đây cũng là động thái giúp Washington không bị quá "căng" trong cuộc tham vấn với Bắc Kinh sau khi đã tạm "dàn hòa" với đối tác truyền thống châu Âu, tránh được các biện pháp trả đũa của EU. Bà Monica de Bolle, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, cho rằng tầm quan trọng của EU đối với Mỹ còn lớn hơn nhiều vấn đề thương mại hay những gì liên quan tới thép và nhôm. Ngoài ra, Mỹ cũng ý thức được những thiệt hại nếu tranh chấp thương mại với Trung Quốc không thể giải quyết. Nền kinh tế Mỹ nói chung và ngành nông nghiệp của nước này nói riêng cũng sẽ phải gánh chịu tổn thất nặng. Mỹ sẽ để mất gần 455.000 việc làm và khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm giảm 49,2 tỷ USD trong hai năm tới. Nông nghiệp được cho là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất, trong đó người nông dân sẽ mất 15% tổng thu nhập từ nông trại và khoảng 181.000 người mất việc làm. Ngay cả khi Trung Quốc không có hành động đáp trả, riêng việc Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD sẽ khiến Washington để mất 76.000 việc làm và khiến GDP tổn thất 1,6 tỷ USD. Giới phân tích cho rằng mọi chi phí gia tăng đổ lên đầu người nông dân, nhà máy sản xuất và các nhà cung cấp dịch vụ, cho thấy "chủ nghĩa bảo hộ sẽ làm suy yếu nước Mỹ".
Rõ ràng, những toan tính đằng sau nỗ lực ngoại giao này có thể là nguyên nhân khiến cho đến nay tất cả các biện pháp trả đũa thuế quan của cả Washington và Bắc Kinh đều chưa có hiệu lực, song giới phân tích nhận định kết quả cuộc tham vấn đầu tiên giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là tích cực và việc hai bên có thể tìm được không gian để thỏa hiệp cần được phát huy. Cuộc tham vấn có thể là sự khởi đầu để giải quyết thỏa đáng những tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bởi đàm phán là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề./.
Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ  (06/05/2018)
Việt Nam tham gia diễn tập hải quân Komodo 2018 tại Indonesia  (06/05/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ đón bằng UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại  (06/05/2018)
Giá trị trường tồn của tư tưởng Các Mác  (05/05/2018)
Tư tưởng lỗi lạc của Karl Marx sống mãi  (05/05/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên