Xã hội bắt đầu từ gia đình
TCCSĐT - Cách đây 58 năm, trong Hội thảo về hôn nhân - gia đình ngày 10-10-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội; là nơi hình thành và định hướng nhân cách, hành động; là trường học đầu tiên của mỗi một con người. Một nền tảng gia đình vững chắc là bệ phóng cho cả một thế hệ công dân tốt và một xã hội phát triển.
Gìn giữ và phát triển những giá trị cốt lõi của gia đình
Gia đình được định nghĩa là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng hoặc quan hệ giáo dục. Trải qua thời gian, chịu nhiều ảnh hưởng từ những yếu tố như lịch sử, chính trị, kinh tế..., gia đình không tránh khỏi những sự thay đổi để thích nghi và phát triển. Chẳng hạn, vào những năm 1960 - 1970, mô hình gia đình truyền thống của Việt Nam là một gia đình lớn gồm nhiều thế hệ, có thể là tam đại, tứ đại đồng đường cùng chung sống. Vào thời kỳ đó, sự đoàn kết và gần gũi giữa bố mẹ, con cái, anh em,… các thành viên trong gia đình với nhau được đặt lên cao hơn. Còn ngày nay, các gia đình trẻ, các gia đình hạt nhân đang là xu thế phổ biến trong xã hội hiện đại. Mỗi gia đình hạt nhân thường bao gồm hai thế hệ là bố mẹ và con cái. Thậm chí, gia đình chỉ có bố hoặc mẹ đơn thân cũng chiếm một bộ phận không nhỏ và đang dần dần được mọi người chấp nhận rộng rãi. Người trẻ bây giờ muốn sự độc lập, riêng tư thay vì cuộc sống chung với nhiều mối quan hệ phức tạp. Điều đáng nói là, những sự biến chuyển này không hẳn chỉ là theo xu hướng tốt lên hay xấu đi. Trong một xã hội đa chiều, sự thay đổi của cá thể xã hội đó cũng vì thế mà phong phú, nhiều sắc thái. Gia đình Việt Nam hiện đại đang chuyển mình theo nhiều chiều hướng khác nhau, trong đó cần phải nhìn nhận bên cạnh những giá trị truyền thống, đã xuất hiện thêm những giá trị mới cũng rất đáng được trân trọng. Những giá trị mới đó có thể là sự kế thừa những tinh hoa của thế giới, cũng có thể là những sản phẩm kết tinh của xã hội Việt Nam hiện nay.
Tình yêu thương: Được cho là yếu tố quan trọng nhất, tình yêu thương là sợi dây vô hình kết nối mọi người, là điều quý giá trong cuộc sống mà các thành viên trong gia đình có thể dành cho nhau. Khi nói đến giá trị của gia đình, người ta thường nghĩ đến những khía cạnh như truyền thống, giáo dục, văn hóa... mà quên đi mất điều đầu tiên phải là sự sẻ chia về mặt tình cảm. Chúng ta luôn luôn có nhu cầu về tình cảm và không nơi nào khác yêu thương ta vô điều kiện như gia đình. Giữa vợ chồng, bố mẹ với con cái, anh chị em ruột, cho dù có ở đâu, trong hoàn cảnh nào, dưới hình thái chế độ xã hội nào vẫn tồn tại tình thân, tình yêu thương. Ở đâu có yêu thương, ở đó có gia đình.
Sự dân chủ: Giá trị dân chủ của gia đình nằm ở chỗ, ai cũng có quyền được tôn trọng và nghĩa vụ phải tôn trọng người khác. Mạnh Tử nói: “Thương người thì người thương lại mình, kính người thì người kính lại mình”. Không chỉ trong các mối quan hệ xã hội, mà cả trong gia đình, người ta cũng cần học cách thể hiện sự tôn trọng. “Tiên học lễ, hậu học văn”, muốn học văn hóa thì phải thấm nhuần lễ nghĩa trước. Trong chúng ta, ai cũng được dạy rằng, trẻ con khi gặp người lớn phải chào hỏi, xưng hô lễ phép; khi dùng cơm phải mời lần lượt mọi người trước khi ăn, đưa và nhận bằng cả hai tay. Quan hệ hôn nhân được khởi đầu từ tình yêu đôi lứa, nhưng đạo nghĩa vợ chồng còn cần phải “tương kính như tân”, vừa là tương trợ, vừa là kính trọng nhau. Hiện đại phát triển từ truyền thống; trong xã hội ngày nay, sự tôn trọng được đòi hỏi ở một mức độ cao hơn và phải bắt nguồn từ nhiều phía. Đã không còn là “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”; con cái và cha mẹ là hai thế hệ khác nhau và có quyền đưa ra những ý kiến, lựa chọn độc lập. Đã không còn là “Trên bảo, dưới phải nghe”; người trẻ có những suy nghĩ, tư duy, cách sống riêng của họ. Những người lớn tuổi có thể không đồng tình ủng hộ, nhưng vẫn cần tôn trọng những quyết định ấy. Sự dân chủ bắt nguồn từ sự tôn trọng. Những điều nhỏ nhặt mà chúng ta ít để ý tới, nhưng lại hàm chứa trong đó tinh thần và giá trị giáo dục về sự dân chủ trong gia đình. Tôn trọng không phải là nhún nhường, mà tôn trọng là trân trọng. Chúng ta trân trọng những người thân, những người gần gũi với chúng ta nhất, vì chính họ là những người sẽ ở bên cạnh, giúp đỡ, thấu hiểu cũng như cùng chúng ta vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Sự bình đẳng: Phải nói ngay rằng, sự bình đẳng trong gia đình là một nhân tố mới và rất đáng hoan nghênh trong các gia đình hiện đại. Đặc biệt, trọng tâm của sự thay đổi tích cực này là bình đẳng giới. Theo quan niệm cũ, người đàn ông là những người gánh vác trách nhiệm làm trụ cột kinh tế nên họ cũng sẽ có quyền và tiếng nói lớn nhất trong gia đình, người phụ nữ phải phục tùng và nghe theo. Tuy nhiên, với sự phát triển của đất nước, điều này đã hoàn toàn thay đổi. Tỷ lệ những người phụ nữ có học thức, trình độ và giữ vị trí cao trong xã hội ngày càng lớn; họ giỏi việc nước, đảm việc nhà; khẳng định vai trò và vị thế của mình trên mọi lĩnh vực. Những nỗ lực tự thân từ những người phụ nữ, những người mẹ, người vợ, người con gái trong gia đình đã thay đổi cách đánh giá của không chỉ những người đàn ông mà cả sự nhìn nhận của toàn xã hội. Cũng không thể không nhắc đến yếu tố khách quan là sự hội nhập của đất nước cũng thúc đẩy cho sự thay đổi trong nhận thức về sự bình đẳng giới này. Trong nhiều năm gần đây, Nhà nước đã cố gắng không ngừng hoàn thiện khung pháp lý về quyền bình đẳng giới; ban hành các bộ luật như Luật hôn nhân và gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình. Chúng ta cũng tích cực tham gia Công ước CEDAW (viết tắt của Công ước loại bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ) của Liên hợp quốc; tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Luật bình đẳng giới… Mọi hành động đều nhắm đến mục đích cuối cùng là bảo vệ sự bình đẳng giới nói riêng và sự bình đẳng nói chung trong gia đình.
Sự thấu cảm: Trong đề thi môn Ngữ Văn Trung học phổ thông quốc gia năm 2017, người ta đặt ra cho các thí sinh một câu hỏi về sự thấu cảm, rằng thế hệ trẻ cảm nhận như thế nào về điều được định nghĩa là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ, từ đó hiểu và cảm thông với những suy nghĩ, hành động họ làm thay vì phán xét họ. Rất nhiều ví dụ được đưa ra để minh họa cho sự thấu cảm, song không có một từ khóa nào liên quan đến gia đình - nơi mà sự thấu cảm mang một ý nghĩa vô cùng to lớn. Nếu xem xét dưới góc độ của gia đình, sự thấu cảm có thể hiểu đơn giản là sự thấu hiểu và đồng cảm giữa các thành viên. Trước tiên là về sự thấu hiểu. Con người, một khi muốn thấu hiểu một ai đó, đòi hỏi sự quan sát và nhẫn nại. Cha mẹ dành thời gian lắng nghe tâm tư tình cảm của cô con gái đang đầy lo lắng trước kỳ thi quan trọng; người cháu chia sẻ với ông mình ký ức về những ngày đạn bom khi xưa. Sau khi thực sự thấu hiểu rồi, hãy thử nhìn nhận mọi việc dưới con mắt của họ để đồng cảm. Nếu như những người chồng thấu hiểu và quan tâm hơn tới những rối loạn của người vợ sau khi sinh con, có lẽ những vụ, việc đau lòng đã không xảy ra. Và nếu như xã hội thay vì chỉ trích mà đồng cảm, chắc chắn những tiếng nói về căn bệnh tâm lý này sẽ được lắng nghe nhiều hơn. Thực tế là, sự thấu cảm bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất.
Một xã hội tốt bắt nguồn từ những gia đình tốt
Xã hội là tập hợp của rất nhiều gia đình, dù là một rừng cây lớn cũng phải bắt nguồn từ những cây nhỏ nhất. Khi cây gia đình phát triển sẽ kéo theo cả rừng cây xã hội vươn lên. Do đó, có thể nhận thấy, mối quan hệ giữa xã hội và gia đình là mối quan hệ tương tác, phụ thuộc lẫn nhau.
Một xã hội phát triển là xã hội cân bằng và ổn định trong nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục… Gia đình là chủ thể đóng góp, cũng là chủ thể chịu ảnh hưởng từ xã hội. Các gia đình tốt, nghĩa là cả xã hội tốt. Cả xã hội tốt sẽ tạo điều kiện hình thành những gia đình mới tốt hơn.
Một xã hội vì con người là xã hội lấy con người là trung tâm. Nếu xem gia đình là hạt nhân của xã hội, thì con người là hạt nhân của gia đình. Như vậy, cái cội nguồn sâu xa nhất hướng đến của xã hội vẫn là con người. Môi trường gia đình lại là yếu tố quyết định để hình thành con người, từ trí tuệ, nhân cách đến hành động. Trong một xã hội mà các gia đình đều được quan tâm, chăm sóc đúng mức, con người sẽ được đáp ứng những điều kiện tốt nhất để hoàn thiện và phát triển.
Năm 2001, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm đã ký ban hành Quyết định 72/2001/QĐ-TTG chọn ngày 28-6 hằng năm là Ngày gia đình Việt Nam. Đây là một dịp để tôn vinh mái ấm gia đình Việt Nam, là ngày mọi người trong gia đình quan tâm hơn đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có cha mẹ. Các cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc. Năm nay, nhân kỷ niệm 16 năm, tuần lễ Ngày Hội gia đình Việt Nam 2017 với chủ đề “Khơi dậy những tình cảm gia đình tốt đẹp xưa” đã khai mạc tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam vào ngày 24-6. Hoạt động mang ý nghĩa tuyên truyền những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình Việt Nam trong thời kỳ hội nhập./.
Chủ tịch nước bắt đầu chuyến thăm chính thức Liên bang Nga  (28/06/2017)
Đoàn Đảng Hành động nhân dân Singapore cầm quyền thăm Việt Nam  (28/06/2017)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 19 đến 25-6-2017)  (28/06/2017)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri Cần Thơ  (28/06/2017)
Thủ tướng gửi Thư chúc mừng kỷ niệm ngày Hong Kong trở về Trung Quốc  (28/06/2017)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp