Một số suy nghĩ về xây dựng hệ giá trị văn hóa ở nước ta hiện nay
TCCSĐT - Cương lĩnh Đại hội lần thứ XI của Đảng và nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã đặt ra mục tiêu và yêu cầu là phải xây dựng và hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
1. Bàn về văn hóa, về thực chất, chủ yếu là phải bàn đến giá trị và hệ giá trị văn hóa. Hiện nay, có rất nhiều cách tiếp cận, cách hiểu và định nghĩa khác nhau về giá trị văn hóa; song, theo chúng tôi, một cách tổng quát nhất có thể hiểu, hệ giá trị văn hóa là sự kết tinh của các giá trị văn hóa nhân văn làm nên bản chất, linh hồn, trụ cột và bền vững cho văn hóa, nó quy định xu hướng cho sự vận động và phát triển của nền văn hóa đó, đồng thời giúp cho nó được phân biệt với nền văn hóa khác. Như vậy, có thể nói, hạt nhân làm nên mỗi nền văn hóa là hệ thống giá trị. Hơn thế nữa, có thể coi hệ thống giá trị là chỉ số đánh giá trình độ và tính chất đã đạt được của một nền văn hóa (1). Song, một vấn đề đặt ra là, văn hóa khác gì với đạo đức, vì đạo đức cũng được “xác lập bởi một hệ giá trị chuẩn trong giao tiếp xã hội mà ở đó tập hợp những nguyên tắc, quy tắc nhằm điều chỉnh và đánh giá hành vi ứng xử của con người với con người, với xã hội, với tự nhiên trong hiện tại hoặc quá khứ cũng như tương lai và được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội”(2). Xét về bản chất thì phạm trù đạo đức và phạm trù văn hóa là những phạm trù cùng trình độ, song giữa chúng có sự khác nhau. Sự khác nhau này được thể hiện chủ yếu ở chỗ: yếu tố cấu thành nên nội hàm đạo đức là hệ giá trị chuẩn, còn yếu tố cấu thành nên nội hàm của văn hóa là hệ giá trị hợp lý. Trong thực tiễn thực hành đạo đức rất cần một chuẩn đạo đức chung để mọi người cùng hướng tới và noi theo, còn trong hiện thực tồn tại và thực hiện văn hóa thì khó có chuẩn văn hóa chung cho tất cả các dân tộc sống trên cùng một đất nước; ở đây chỉ có tính hợp lý của văn hóa để nền văn hóa này có thể tiếp thu, giao thoa hay không chấp nhận hệ giá trị của một nền văn hóa khác. Và vì cái “nhân” của văn hóa là hệ giá trị hợp lý nên muốn thay đổi hay muốn có một cấp độ hoặc nền văn hóa mới thì điều đầu tiên và chủ yếu là phải xây dựng được hệ giá trị hợp lý mới cho văn hóa.
2. Do cách tiếp cận đánh giá hệ giá trị văn hóa là khác nhau, bởi vậy cách tiếp cận để xác định phương pháp luận cho việc định hình và xây dựng một hệ giá trị văn hóa mới cũng rất khác nhau. Có cách tiếp cận từ hệ giá trị con người để đánh giá hệ giá trị văn hóa. Tuy nhiên, “mối quan hệ giữa các giá trị văn hóa và các giá trị con người Việt Nam vừa có sự khác biệt, vừa có sự thống nhất với nhau. Trong khi giá trị chung của nền văn hóa là dân tộc thì giá trị cốt lõi của con người là yêu nước. Giá trị chung của nền văn hóa là nhân văn thì giá trị cốt lõi của người Việt Nam là lòng yêu thương, trọng nghĩa tình, đạo lý; giá trị chung của nền văn hóa là dân chủ thì giá trị cốt lõi của con người Việt Nam cần hướng tới là tự do và kỷ luật; giá trị chung của nền văn hóa là đề cao khoa học thì giá trị của con người Việt Nam là đề cao óc sáng tạo và sự năng động”(3). Có cách tiếp cận hệ giá trị xã hội để nhận định và đánh giá hệ giá trị dân tộc và hệ giá trị văn hóa (4). Cũng có cách tiếp cận sử dụng phương pháp hệ thống - loại hình với thủ pháp “năm định”(5) nhằm khắc phục tính chủ quan và tính tương đối của giá trị văn hóa. Nói tóm lại, hiện nay trong giới nghiên cứu văn hóa, con người và giá trị, đã xuất phát từ nhiều góc độ và lát cắt khác nhau để nhận định và đánh giá hệ giá trị văn hóa.
Chúng tôi cho rằng, do văn hóa được hình thành trong quá trình tương tác giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên và xã hội, giữa con người với các điều kiện hiện hữu mà con người đang chịu tác động, cho nên cần phải xuất phát từ các nhân tố chủ yếu tạo dựng nên văn hóa: truyền thống, phương thức sản xuất, môi trường, động lực lợi ích và chính con người. Truyền thống là cái làm cho văn hóa không bị đứt đoạn; phương thức sản xuất là cái làm nên giá trị căn bản của văn hóa; môi trường (cả với xã hội và với thế giới) làm cho văn hóa đa dạng phong phú; động lực lợi ích chính là điều kiện và là tác nhân làm cho văn hóa liên tục vận động đi lên; con người (vừa là chủ thể và là sản phẩm của văn hóa) làm cho văn hóa trở nên tinh túy và thăng hoa. Nói cách khác ở đây phải từ góc nhìn phức hệ - động lực để tiếp cận và xác định hệ giá trị văn hóa.
Từ cách tiếp cận này, chúng ta có thể thấy, hệ giá trị văn hóa truyền thống đang hiện hữu trong đời sống hằng ngày hiện nay và chúng ta đang kế thừa là hệ giá trị được xây dựng nên bởi nền văn minh nông nghiệp. Ngày nay, chúng ta tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và từng bước phát triển kinh tế tri thức trong điều kiện cách mạng khoa học - công nghệ đang làm thay đổi lực lượng sản xuất, quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ và sự hội nhập quốc tế của đất nước ngày càng sâu, rộng; kinh tế thị trường là công cụ và là phương thức chủ yếu để điều hành nền kinh tế; con người vừa là chủ thể vừa là mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội; dân chủ, tự do đang dần trở thành động lực nội tại của sự phát triển xã hội. Xã hội Việt Nam đang có một sự chuyển đổi lớn trong cả phương thức sản xuất, môi trường sống, động lực phát triển và con người (chủ thể văn hóa) cũng được xác lập ở vị thế mới. Việt Nam đang bị ảnh hưởng và chi phối bởi “làn sóng văn minh thứ ba” - văn minh công nghiệp và hậu công nghiệp. Và đương nhiên nền văn hóa, mà cái cốt lõi và tinh hoa của nó - hệ giá trị văn hóa cũng đang bị tác động và chi phối bởi nền văn minh ấy. Do đó, việc chuyển đổi hay việc hình thành một nền văn hóa mới với một hệ giá trị văn hóa mới cho phù hợp và có được sự hợp lý mới là điều hiển nhiên, tất yếu.
Vậy hệ giá trị mới mà Việt Nam cần chủ động xây dựng là gì? Trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ chín, khóa XI (6) đã định hướng giá trị của nền văn hóa Việt Nam là: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Đây là sự định hướng rất quan trọng đối với nền văn hóa, còn hệ giá trị văn hóa? Chúng tôi cho rằng, như trên đã chỉ ra, để xây dựng được hệ giá trị văn hóa đó, cần phải có cách tiếp cận phức hệ - động lực. Theo đó, hệ giá trị văn hóa đó phải vừa kế thừa những giá trị cũ, vừa tiếp thu có chọn lọc những giá trị hợp lý mới của nhân loại; vừa thể hiện rõ phương thức sản xuất mới và phản ánh được môi trường giao lưu (cả với trong nước và quốc tế) mới; vừa khẳng định con người mới với vị thế chủ thể mới và vừa khẳng định, bao chứa được lý tưởng dân chủ, tự do với tư cách là cái cốt lõi làm cho văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội và là động lực hiện thực và tiềm năng cho sự phát triển bền vững. Điều đó cũng có nghĩa là, hệ giá trị văn hóa mới phải là một hệ giá trị mở, phải đạt đến trình độ hợp lý mới và tạo được động lực nội sinh cho sự phát triển.
3. Như trên đã nói, cái bản chất của sự vật chỉ được định danh là giá trị khi được hình thành thông qua thái độ và đánh giá của con người và xã hội, nghĩa là giá trị chỉ có trong mối quan hệ giữa sự vật với con người mà mối quan hệ đó bao giờ cũng mang tính lịch sử. “Hệ giá trị… có tính phát triển nội tại và có khả năng chuyển hóa sang một hệ thống khác, nhằm thích ứng với điều kiện và môi trường lịch sử - xã hội”(7). Hệ giá trị của sự vật không phải là cái “nhất thành, bất biến” mà là cái luôn luôn thay đổi. Hệ giá trị đã là như vậy thì hệ giá trị văn hóa càng hơn thế, bởi nó là hệ giá trị hợp lý, vì nó là hợp lý nên nó là cầu nối giữa hệ giá trị cũ và hệ giá trị mới. Nó có thể lưu giữ những giá trị văn hóa cũ còn hợp lý để truyền trao sang cấp độ văn hóa mới cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh mới; đồng thời còn tiếp nhận những hệ giá trị khác để bổ sung cho nó miễn là tích hợp được với hệ giá trị đang có. Theo cách như vậy, thì ở đây, tính hợp lý của hệ giá trị văn hóa đã tạo nên sự tiếp biến văn hóa, mà sự tiếp biến văn hóa lại chủ yếu được diễn ra và thực hiện thông qua giao lưu văn hóa. Chính bởi thế nên việc giao lưu văn hóa là tất yếu trong mỗi giai đoạn vận động và phát triển văn hóa, vấn đề là phải biết chọn lọc những gì hợp lý từ hệ giá trị khác. Và điều quan trọng là chúng ta phải nhận thức rõ điều đó, chấp nhận nó và tạo điều kiện tối đa cho sự giao lưu văn hóa đó.
4. Văn hóa của mỗi dân tộc được cấu thành từ hai nhân tố chủ yếu: văn hóa cá nhân và văn hóa cộng đồng. Trong xã hội, mỗi thành viên của xã hội đều xác định điều gì là đáng mong muốn và không đáng mong muốn, tốt hay không tốt, đẹp hay xấu..., nghĩa là đã xác định cho mình một hệ giá trị văn hóa. Ở đây, văn hóa được mang dấu ấn cá nhân. Song trong xã hội, còn có các cộng đồng với tư cách là sản phẩm của liên cá nhân. Với tư cách cũng là một chủ thể xã hội, do đặc điểm, truyền thống, lợi ích và tính mục đích chi phối nên cộng đồng cũng đã hình thành và tạo lập ra hệ giá trị văn hóa của riêng mình. Và như vậy, đã xuất hiện yếu tố văn hóa cộng đồng. Sự xâm nhập, hòa đồng và kết tinh của văn hóa cá nhân và văn hóa cộng đồng tạo nên văn hóa của xã hội. Trong nền văn hóa của xã hội, có thể có sự xung đột về văn hóa giữa cá nhân và cộng đồng do cách tiếp cận về hệ giá trị, nhưng trong một nền văn hóa, cũng có những giá trị mà đại đa số các thành viên đều thừa nhận và có xu hướng trường tồn (như đồng cảm, sẻ chia, tự do, bình đẳng, tiến bộ,...) và chính cái đó làm nên văn hóa của xã hội. Tất nhiên đó là trong xã hội nói chung. Song, một khi xã hội có giai cấp xuất hiện thì trong nội hàm văn hóa của xã hội lại xuất hiện một yếu tố nữa, đó là văn hóa chính trị. Văn hóa chính trị do ý chí và quyền lực chính trị tạo ra. Văn hóa chính trị là bộ phận tất yếu trong văn hóa của xã hội có giai cấp và có một vai trò rất quan trọng bởi vì nó được sự trợ giúp của hai công cụ rất mạnh và được thể hiện ra thông qua hệ tư tưởng (với tư cách là công cụ tinh thần) và nhà nước (với tư cách là công cụ vật chất). Tự nó, văn hóa chính trị không thể tạo ra hệ giá trị cho nền văn hóa mới; song, nó có thể cản trở hoặc thúc đẩy nhanh quá trình hình thành hệ giá trị mới cho văn hóa. Do vậy, việc xây dựng hệ giá trị mới cho văn hóa Việt Nam lúc này đòi hỏi ý thức, ý chí và trách nhiệm rất lớn của văn hóa chính trị.
5. Được kết tinh và cô đúc từ những giá trị hợp lý, văn hóa có một sức mạnh nội năng vô cùng lớn, nó có sự lan tỏa không giới hạn. Không có và không thể có gì đảo ngược và phá hoại được hệ giá trị cũng như toàn bộ nền văn hóa, ngoại trừ chính văn hóa. Chỉ có hệ giá trị văn hóa hợp lý hơn mới có thể đẩy lùi và thay thế cho hệ giá trị văn hóa cũ. Điều đó có nghĩa là chỉ có văn hóa mới chế ngự được văn hóa, chỉ có văn hóa mới hình thành và tạo ra văn hóa. Do vậy, không nên và không thể dùng các biện pháp ngoài văn hóa để xây dựng văn hóa. Không thể dùng sức mạnh hành chính, quân sự để áp đặt, cưỡng bức; càng không thể dùng biện pháp phản văn hóa để xây dựng văn hóa. Chúng ta cần nhận thức rõ và thấm nhuần sâu sắc vấn đề này trong việc triển khai xây dựng hệ giá trị văn hóa mới, nếu không chỉ là ảo tưởng và làm cho văn hóa ngày càng xuống cấp hơn. Ở đây, rất vinh dự là, văn học, nghệ thuật đã và đang đóng vai trò là một trong những phương tiện chủ yếu nhất, công cụ hữu hiệu nhất, mang tính văn hóa nhất để xây dựng hệ giá trị văn hóa mới; bởi vì theo bản chất và chức năng của mình, văn học, nghệ thuật nhận biết rõ nhất về hệ giá trị hợp lý của quá khứ, cảm thụ một cách thấu đáo những giá trị hợp lý mới đang hình thành và hơn thế nữa, văn học, nghệ thuật lại còn biết cảm nhận và biết tiếp thu những hệ giá trị hợp lý khác từ bên ngoài để ghi lại, truyền thụ và bồi đắp cho hệ giá trị văn hóa dân tộc.
6. Dù muốn tiếp cận từ góc độ nào thì chúng ta đều đi đến thống nhất rằng, giá trị và hệ giá trị văn hóa chỉ được định danh và thể hiện ra thông qua mối tương quan với con người. Điều đó có nghĩa là, văn hóa chỉ được hình thành, vận động và phát triển trong mối quan hệ với con người. Không có con người thì không có văn hóa. Trong sự tương tác với văn hóa, con người vừa là chủ nhân, vừa là nạn nhân, vừa là vị cứu tinh của văn hóa. Những giá trị và hệ giá trị tốt đẹp nhất, nhân văn nhất; những nền văn hóa tinh hoa, rực rỡ của nhân loại đều là thành quả sáng tạo của con người, của nhiều thế hệ người. Song, bên cạnh và đi liền với nó, những yếu tố phản văn hóa; những hành vi và thói quen phi văn hóa và phản văn hóa đã làm cho văn hóa bị băng hoại, suy thoái… đều do con người, trong đó ít, nhiều đều có liên quan đến mỗi chúng ta đem lại. Khi thông qua những suy nghĩ và hành động thiếu văn hóa, con người và mỗi chúng ta đã đưa lại dấu ấn và hệ quả không tốt lành cho văn hóa và hệ lụy là, chúng tạ lại trở thành nạn nhân của đời sống văn hóa không lành mạnh. Đức Pháp Vương Drukpa rất chí lý khi nói rằng: “Ô nhiễm môi trường bắt đầu từ trong tâm”. Ở đây, người đứng đầu Truyền thừa chỉ ra rằng, mọi tai họa không phải do trời tạo mà do chính hành động của con người (8). Cũng với tinh thần này mà nhà văn hóa lớn của Việt Nam, Phạm Văn Đồng - đã thấm thía chỉ ra “nếu môi trường đó ô nhiễm thêm theo hướng như hiện nay, thì mọi người chúng ta sẽ sống làm sao, sẽ sống với ai và sẽ sống để làm gì?”(9).
Song, cũng rất may và vinh dự thay, không phải một đấng siêu nhiên hay một thực thể nào đó mà chính con người và mỗi chúng ta đều là đấng cứu tinh của văn hóa. Không phải chỉ dừng lại ở phê phán mà bằng suy nghĩ và hành động chân chính của mình, bằng những hành vi văn hóa hằng ngày của mình mà mỗi chúng ta góp phần tạo ra những “hạt cát”, những yếu tố hợp lý mới cho văn hóa. Quả đúng như Cụ Ngô Thì Sĩ (1740 - 1786) đúc kết rất chí lý rằng “Đem đạo Thánh hiền để quở trách thói đời không bằng đem đạo lý đời thường để cảm hóa lòng người”(10). Và cứ như vậy, theo thời gian và bằng hành động của tất cả chúng ta, một quá trình hình thành những giá trị hợp lý mới cho văn hóa được diễn ra và kết quả sẽ dẫn đến một cấp độ mới cho văn hóa. Đúng là, con người và mỗi chúng ta đều là chủ nhân, nạn nhân, nguyên nhân và là cứu tinh của văn hóa./.
---------------------------------------------
(1) Xem thêm: GS, TS. Dương Phú Hiệp - Bảo tồn và phát triển hệ giá trị văn hóa truyền thống Việt, http://tonvinhvanhoadoc.vn/
(2) Xem: PGS,TS. Ngô Đình Xây - Một số suy nghĩ về việc giáo dục đạo đức công dân ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học Xã hội, số 4-2013
(3) Xem: Phạm Duy Đức - Định hướng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ mới, http://tapchicongsan.org.vn/ 26-3-2015
(4) Xem: Lương Đình Hải - Xây dựng hệ giá trị Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Tạp chí Nghiên cứu Con người (2015), số 1 (76), trang 8 -17, http://vass.gov.vn/ 21-04-2015
Rodney Frey - Định nghĩa về các giá trị văn hóa (Người dịch: Hà Hữu Nga) (Nguồn: Rodney Frey 1994, Eye Juggling: Seeing the World Through a Looking Glass and a Glass Pane (A workbook for clarifying and interpreting values), University Press of America: Lanham, New York, London. 1994. pp. 19-24)
http://kattigara-echo.blogspot.com/. Ngày 12 tháng 5 năm 2015
(5) Xem: Trần Ngọc Thêm - Giá trị và sự chuyển đổi hệ giá trị văn hoá truyền thống Việt Nam (5 định: Định vị đối tượng hệ toạ độ; Định vị đối tượng loại hình; Định tính phẩm chất; Định tính đối tượng; Định hệ các giá trị)
http://tranngocthem.name/ 17 tháng 01-2013
(6) Nghị quyết số 33-/TW, ngày 09-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”
(7) GS, TS. Dương Phú Hiệp - Bảo tồn và phát triển hệ giá trị văn hóa truyền thống Việt, http://tonvinhvanhoadoc.vn
(8) http://moitruong.vn 24-9-2015
(9) Phạm Văn Đồng: Văn hóa và đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 87
(10) Trích lại: Vị hiệu trưởng từ chối học hàm giáo sư, VietNamNet, ngày 26-9-2015
Nhìn lại 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng  (30/11/2015)
Nhìn lại 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng  (30/11/2015)
Nhìn lại 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng  (30/11/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay