TCCS - Theo lời mời của Chính quyền Tổng thống B. Ô-ba-ma từ ngày 06-7 đến 10-7-2015, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã tiến hành chuyến thăm lịch sử đầu tiên đến Hoa Kỳ, đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ (12-7-1995 - 12-7-2015). Đây là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước. Với những tiền đề quan trọng được tạo ra trong 20 năm qua, chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa quan hệ hai nước vươn tới tầm cao mới, mở ra một thời kỳ phát triển sâu rộng, hiệu quả, thực chất hơn, tăng cường lòng tin giữa hai nước, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, cũng như độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.
Một số kết quả nổi bật trong hai thập niên quan hệ hợp tác
Thứ nhất, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ liên tục được mở rộng và tăng cường trên tất cả các lĩnh vực. Đáng chú ý là hai bên đã trao đổi sáu chuyến thăm cấp cao, mở đầu là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Bin Clin-tơn (năm 2000), tiếp đến là chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải (năm 2005), chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Gioóc-giơ Bu-sơ (năm 2006); các chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (năm 2007), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (năm 2008), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (năm 2013). Mỗi chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước đều là những dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ thời kỳ mới. Đặc biệt, nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 7-2013), hai bên đã ra Tuyên bố chung xác lập quan hệ “Đối tác toàn diện” với chín lĩnh vực hợp tác chủ chốt nhất của quan hệ hai nước, từ chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, môi trường - y tế tới giải quyết hậu quả chiến tranh, quốc phòng - an ninh, bảo vệ, thúc đẩy quyền con người và văn hóa - du lịch - thể thao. Bên cạnh các nguyên tắc quan trọng nhất về mối quan hệ mang tính xây dựng, hợp tác nhiều mặt dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi vì hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và quốc tế, phía Hoa Kỳ lần đầu tiên khẳng định “tôn trọng thể chế chính trị” của Việt Nam. Việc hai nước xác lập quan hệ “Đối tác toàn diện” là một dấu mốc quan trọng, khẳng định xu thế phát triển tất yếu của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của quan hệ hai nước trong tương lai.
Thứ hai, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã hình thành thế “kiềng ba chân” với các lĩnh vực hợp tác ở cả ba mức độ song phương, khu vực và toàn cầu. Điều này phù hợp với chủ trương của Việt Nam tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; phù hợp với lợi ích và sự phát triển của quan hệ hai nước trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến nhanh chóng và phức tạp. Hai bên tăng cường phối hợp với nhau trong nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương mà cả hai nước là thành viên, như Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và các đối tác (ADMM+)...; đồng thời luôn nỗ lực đẩy mạnh hợp tác liên quan đến các vấn đề chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống tội phạm xuyên quốc gia, bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển bền vững sông Mê Công; xây dựng các cấu trúc mới ở khu vực về chính trị, kinh tế, an ninh và thúc đẩy giải quyết tranh chấp, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC); không dùng vũ lực và de dọa sử dụng vũ lực, bảo đảm tự do và an toàn an ninh hàng hải, hàng không, quyền khai thác tài nguyên hợp pháp, nhằm duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực. Việt Nam ủng hộ việc nâng cấp quan hệ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Hoa Kỳ lên “Đối tác chiến lược”.
Thứ ba, quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất. Cùng với sự phát triển của quan hệ hai nước, các cơ chế đối thoại cũng được hình thành, trong đó có Đối thoại chính trị - an ninh - quốc phòng, Đối thoại chính sách quốc phòng, Đối thoại về châu Á - Thái Bình Dương, Đối thoại về biển,... tạo cơ hội để hai bên trao đổi, tham vấn những vấn đề thực chất, phát triển hợp tác đi vào chiều sâu, nhất là các vấn đề liên quan đến hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực. Trên một số lĩnh vực, hai bên từng bước xây dựng lòng tin, tạo điều kiện cho việc tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện, lâu dài giữa hai nước. Đối thoại qua kênh Đảng cũng đang được hình thành và thể hiện sự trưởng thành của quan hệ hai nước.
Với những nỗ lực to lớn và không mệt mỏi của cả hai phía, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt được nhiều kết quả cụ thể, thiết thực.
Trước hết, hợp tác kinh tế - thương mại là lĩnh vực hợp tác thành công nhất, trở thành trọng tâm, nền tảng, động lực phát triển cho quan hệ chung giữa hai nước. Kim ngạch thương mại song phương tăng gần 90 lần trong 20 năm, từ khoảng 400 triệu USD (năm 1995) lên hơn 36 tỷ USD (năm 2014). Dự kiến năm 2015, con số này sẽ tiếp tục tăng, đạt 40 tỷ USD. Về đầu tư, hiện nay Hoa Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với khoảng 700 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, có tổng số vốn đăng ký đạt khoảng 11 tỷ USD. Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đang cùng 10 nước khác đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hướng tới mục tiêu sớm kết thúc đàm phán, tạo cơ hội cho việc tăng cường mạnh mẽ quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước. Chúng ta hy vọng, “Hoa Kỳ có thể trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam trong một tương lai gần”, như Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Tét Ô-xiu-ớt (Ted Osuis) đề cập tại Hội thảo “Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: cho 20 năm thành công nữa” diễn ra ở Hà Nội vào ngày 26-1-2015.
Hai là, hợp tác giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Hiện nay, số sinh viên, thực tập sinh Việt Nam đang theo học tại Hoa Kỳ là khoảng 17.000 người. Hai nước đang nỗ lực triển khai dự án thành lập trường Đại học Fulbright Việt Nam - trường đại học đầu tiên theo mô hình của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Trong chuyến thăm Hoa Kỳ vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đại diện Thành phố Hồ Chí Minh đã trao giấy chứng nhận đầu tư Dự án Trường Đại học Fulbright Việt Nam. Quỹ Giáo dục của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam (VEF) đã tài trợ cho hàng trăm sinh viên Việt Nam tham gia các chương trình cao học và tiến sĩ tại Hoa Kỳ.
Về khoa học - công nghệ, hai bên tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, hải dương học, công nghệ không gian. Đặc biệt, với sự trợ giúp của các trung tâm giáo dục ở Hoa Kỳ, như Đại học Portland và Đại học Arizona, nhiều sinh viên và giảng viên Việt Nam đã được đào tạo một cách bài bản, góp phần mang lại thành công cho dự án đầu tư và phát triển lâu dài của Hãng Intel tại Việt Nam. Việc hai nước ký kết Hiệp định hợp tác sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123) vào ngày 6-5-2014 (chính thức có hiệu lực từ ngày 10-9-2014) đã mở ra một lĩnh vực hợp tác mới, thu hút sự quan tâm của nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới của Hoa Kỳ tới việc phát triển hạt nhân dân sự ở Việt Nam.
Ba là, hợp tác y tế, nhân đạo được hai bên chú trọng triển khai với nhiều dự án thiết thực. Tháng 6-2013, hai bên ký Bản ghi nhớ MOU về hợp tác y tế và khoa học y học. Hoa Kỳ tiếp tục duy trì và cam kết viện trợ cho Chương trình hỗ trợ khẩn cấp về phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR) của Việt Nam đến năm 2018, ước tính trị giá trung bình đạt gần 100 triệu USD/năm trong những năm gần đây. Việt Nam đã và đang nỗ lực giúp Chính phủ Hoa Kỳ kiểm kê các trường hợp binh sĩ Hoa Kỳ bị mất tích trong chiến tranh (MIA). Phía Hoa Kỳ cũng cung cấp thông tin, giúp Việt Nam tìm được trên 1.000 hài cốt của bộ đội Việt Nam; đồng thời tiếp tục duy trì và tăng ngân sách cho các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam, trong đó có dự án tẩy độc các điểm nóng nhiễm chất độc đi-ô-xin, hỗ trợ nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam/đi-ô-xin. Năm 2014, Hoa Kỳ giải ngân 29 triệu USD trong khoản ngân sách 84 triệu USD giai đoạn 2014 - 2016 cho dự án tẩy độc sân bay Đà Nẵng và trợ giúp về y tế cho người khuyết tật, bao gồm nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam/đi-ô-xin. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng tài trợ cho Việt Nam các dự án về khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh với tổng viện trợ 94 triệu USD thông qua các tổ chức phi chính phủ (NGO), từ năm 1993 đến nay.
Bốn là, hợp tác an ninh - quốc phòng có những bước tiến cụ thể cả trong hợp tác giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại cũng như các vấn đề liên quan tới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Hai bên đã ký Bản Ghi nhớ về hợp tác quốc phòng (tháng 9-2011) và Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ (tháng 5-2015), với 5 nội dung hợp tác gồm: tăng cường tham vấn chính sách; khắc phục hậu quả chiến tranh (rà phá bom mìn, tẩy độc đi-ô-xin); gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu trợ và an ninh biển trên cơ sở luật pháp quốc tế và luật pháp mỗi bên.
Trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Quốc phòng hai nước đã ký Bản Ghi nhớ hợp tác về gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Hai bên hiện đang triển khai gói hỗ trợ 18 triệu USD về cảnh sát biển do Ngoại trưởng Hoa Kỳ Giôn Ke-ry thông báo trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 12-2013. Tháng 10-2014, Hoa Kỳ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Năm là, hợp tác giữa các địa phương và giao lưu nhân dân cũng ngày càng được đẩy mạnh, có lợi cho việc phát triển kinh tế của các địa phương, đồng thời góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước. Nhiều địa phương của Việt Nam đã và đang chủ động xây dựng các mối quan hệ, các dự án hợp tác với các thành phố, quận, bang ở Hoa Kỳ. Ngay sau chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải đã thăm vùng bờ Tây Hoa Kỳ, trong đó có Xan Phran-xi-xcô - thành phố vốn có quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu năm với Thành phố Hồ Chí Minh, để tăng cường hợp tác, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân,…
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một cách thẳng thắn là giữa hai nước vẫn còn một số khác biệt, tồn tại. Hai bên có lập trường và cách đề cập khác nhau liên quan đến vấn đề dân chủ, nhân quyền do xuất phát từ sự khác biệt về hệ thống chính trị - xã hội, trình độ phát triển, văn hóa, lịch sử, truyền thống tập quán. Hoa Kỳ cần giảm các rào cản thương mại, nhất là các vụ chống bán phá giá, chống trợ cấp, mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng hóa Việt Nam; công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. “Hội chứng chiến tranh” vẫn còn tồn tại trong đời sống chính trị ở Hoa Kỳ, một bộ phận nhỏ người Hoa Kỳ gốc Việt Nam vẫn còn lưu giữ những tư tưởng gây chia rẽ, đối đầu. Hậu quả của cuộc chiến, đặc biệt là chất độc đi-ô-xin, vẫn là gánh nặng dai dẳng của hàng trăm nghìn gia đình và trên nhiều vùng đất Việt Nam. Những nỗ lực hợp tác của Hoa Kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh còn khiêm tốn so với nhu cầu rất lớn ở Việt Nam. Cho đến nay, Hoa Kỳ vẫn chưa dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Cách thức tốt nhất để vượt qua những khác biệt, tồn tại đó là tiếp tục đối thoại một cách xây dựng, thẳng thắn - như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong trao đổi với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ vừa qua, không để những khác biệt đó cản trở đà phát triển quan hệ; đồng thời, hai bên cần tiếp tục có thái độ thiện chí, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
Tăng cường xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác ổn định lâu dài
Nhìn lại lịch sử quan hệ hai nước, từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân lên đất Hoa Kỳ (tháng 12-1912) trên hành trình đi tìm đường cứu nước và không lâu sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã viết thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ Ha-ry Tru-man (tháng 2-1946), bày tỏ mong muốn hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ là bạn và phát triển quan hệ “hợp tác đầy đủ”; có thể nói, chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa là sự tiếp nối con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi, vừa đánh dấu sự hoàn tất một chương sử hai bên bình thường hóa hoàn toàn quan hệ, theo tinh thần “hợp tác đầy đủ”, như ý nguyện của Bác, đồng thời mở ra một chương sử mới của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Có được mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển như hiện nay là nhờ những nhân tố sau:
Thứ nhất, những lợi ích ngày càng rộng lớn mà hai nước chia sẻ. Đó không chỉ những lợi ích có tính chất song phương, như các lợi ích về kinh tế, thương mại, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, giải quyết hậu quả chiến tranh,… mà cả những lợi ích mang tính khu vực và toàn cầu, như duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương trên cơ sở luật pháp quốc tế, đối phó với biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên, bảo đảm an ninh năng lượng,...
Thứ hai, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thực sự cùng nhau nỗ lực phát triển quan hệ với tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai” và thái độ đối thoại chân thành, thẳng thắn, xây dựng. Đây chính là điều đã làm nên tính chất “khác biệt” và “đặc biệt” của quan hệ giữa hai nước so với nhiều mối quan hệ song phương khác, và nhiều chuyên gia đã bình luận quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ là một mẫu mực của cố gắng “vượt lên quá khứ để nhìn về tương lai”.
Thứ ba, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển dựa trên những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó quan trọng nhất là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Từ những nguyên tắc căn bản đó, Việt Nam và Hoa Kỳ xuất phát từ thực tiễn của quan hệ giữa hai nước, đã nhất trí đưa ra một nguyên tắc hết sức quan trọng trong bản Tuyên bố chung giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Hoa Kỳ B. Ô-ba-ma (tháng 7-2013), đó là hai bên cam kết tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Việc hai bên thực hiện đầy đủ những nguyên tắc đó đã giúp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển đúng hướng và hiệu quả, giúp từng bước xây dựng lòng tin và tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện.
Thứ tư, mối quan hệ với Hoa Kỳ được đặt trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam là rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập sâu rộng với thế giới, coi trọng quan hệ với các nước lớn, các đối tác quan trọng. Việt Nam sẽ tiếp tục là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của Cộng đồng ASEAN (sẽ được hình thành vào cuối năm 2015) cũng như của nhiều tổ chức, diễn đàn hợp tác khác. Do đó, Việt Nam ưu tiên mở rộng hợp tác hơn nữa với Hoa Kỳ trên cả bình diện song phương, khu vực và toàn cầu phù hợp với lợi ích của Việt Nam, coi Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu, nhất là về kinh tế - thương mại. Về phần mình, trong bối cảnh ngày càng quan tâm hơn tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á, Hoa Kỳ cũng ngày càng coi trọng vai trò của Việt Nam trong khu vực, một thị trường hơn 90 triệu dân và một nền kinh tế có tiềm năng lớn.
Thứ năm, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển trong bối cảnh hòa bình, hợp tác là xu thế chủ đạo ở khu vực và trên thế giới. Cộng đồng ASEAN sẽ hình thành vào cuối năm 2015. Các dàn xếp sôi động cho các khu vực mậu dịch tự do dưới nhiều hình thức và tầng nấc khác nhau, trong đó có TPP, tạo những khuôn khổ hợp tác mới sâu rộng hơn là những cơ hội thuận lợi cho quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ trong tương lai.
Trong giai đoạn phát triển sắp tới, hai nước cần tích cực triển khai Tuyên bố chung Tầm nhìn quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đạt được trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với những trọng tâm:
Về phương diện song phương, hai bên cần tập trung các lĩnh vực:
Một là, về quan hệ chính trị - ngoại giao, tích cực chuẩn bị cho các chuyến thăm cấp cao sắp tới của lãnh đạo hai nước, trong đó có chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc kết hợp một số hoạt động song phương với Hoa Kỳ, chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhân dịp dự hội nghị Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ tư và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Ba-rắc Ô-ba-ma.
Hai là, thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo. Đây vừa là những trọng tâm của quan hệ, vừa là cơ sở và động lực cho quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Hai bên cần triển khai các thỏa thuận vừa đạt được trong chuyến thăm về những lĩnh vực này; hoàn tất đàm phán TPP. Hoa Kỳ cần sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, giảm các rào cản thương mại,...
Ba là, tăng cường hợp tác thực chất để khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có việc tìm kiếm binh lính Hoa Kỳ và bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh; rà phá bom mìn và khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam.
Trên phương diện khu vực, hai nước tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm, đi đôi với xử lý các vấn đề khu vực trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, hàng không, thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận khu vực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển châu Á - Thái Bình Dương.
Trên phương diện toàn cầu, đẩy mạnh hợp tác ngăn ngừa phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước.
Tóm lại, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ từ sau khi hai nước bình thường hóa và nối lại quan hệ ngoại giao đã có những bước phát triển mạnh mẽ và sâu rộng. Với thiện chí của cả hai bên, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, cùng đóng góp vào hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với những bước tiến mạnh mẽ, toàn diện và thực chất trên nhiều lĩnh vực hợp tác./.