Thực tiễn lịch sử cho thấy, trong quá trình Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trên cơ sở đẩy mạnh các hoạt động công tác tư tưởng nhất là công tác tuyên truyền, giáo dục, chúng ta đã tạo dựng được sự thống nhất cao về tư tưởng, tổ chức, hành động trong nội bộ Đảng và các lực lượng cách mạng, từ đó bảo đảm phát huy có hiệu quả sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân.
Một là, công tác tư tưởng đã tập trung giáo dục nâng cao trình độ giác ngộ của quần chúng, tạo cơ sở động viên tinh thần, khả năng và sức mạnh của toàn dân tộc.
Xuất phát từ đặc điểm Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám là nước thuộc địa nửa phong kiến, trình độ giác ngộ của quần chúng chưa cao nên Đảng ta luôn coi trọng công tác tuyên truyền, vận động cách mạng, nhấn mạnh vai trò của công tác tư tưởng với mục đích trước hết là động viên các tầng lớp nhân dân, làm cho quần chúng hiểu Đảng, tin Đảng, ủng hộ và đi theo Đảng làm cách mạng. Việc thành lập “Ban Cổ động và tuyên truyền” ngay sau khi Đảng ra đời đã thể hiện rất rõ điều này.
Bước vào giai đoạn trực tiếp chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thông qua nhiều hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể, công tác tư tưởng đã tập trung vào tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng; tuyên truyền, vận động công nhân, nông dân mít-tinh, biểu tình chống khủng bố, đòi độc lập dân tộc, dân chủ,… Cùng với sự vận động, phát triển của các phong trào cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa, công tác tư tưởng đã hướng vào đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục - chính trị tư tưởng, vận động, động viên cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, hăng hái tham gia chuẩn bị mọi mặt quân sự, chính trị để phục vụ cho khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Những gì diễn ra trong lịch sử đã khẳng định, tạo nên thắng lợi toàn diện, nhanh chóng, vững chắc của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có vai trò to lớn của công tác tư tưởng trong việc động viên và giáo dục cho hàng triệu quần chúng, nhất là quần chúng công - nông cùng tham gia trong phong trào đấu tranh. Với hiệu quả của tuyên truyền, giáo dục, công tác tư tưởng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao giác ngộ giai cấp, phân hóa và cô lập kẻ thù, bồi dưỡng và phát huy khối đoàn kết toàn dân, tạo điều kiện thuận lợi để động viên tinh thần, khả năng và sức mạnh của các lực lượng cách mạng.
Hai là, công tác tư tưởng đã thường xuyên bám sát sự vận động của tình thế cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng, tạo dựng thống nhất về tư tưởng và định hướng hành động đấu tranh cách mạng cho quần chúng.
Tác động của chiến tranh thế giới thứ hai, nhất là từ sau khi Liên Xô tham chiến (tháng 6-1941) đã làm cho tình thế cách mạng ở Đông Dương có bước phát triển mau lẹ. Với nhãn quan chính trị nhạy bén, Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã có những chuyển hướng chiến lược lãnh đạo để phù hợp với tình hình cách mạng. Trong bối cảnh đó, công tác tư tưởng đã thực hiện tốt vai trò kịp thời truyền tải những điều chỉnh về chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng đến với mọi tầng lớp nhân dân, tạo đồng thuận giữa các giai tầng trong xã hội trên cơ sở sự thống nhất cao về tư tưởng.
Nhằm giải quyết nhiệm vụ hàng đầu là đánh đổ đế quốc và tay sai, lần lượt trong các hội nghị: Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11-1939), Hội nghị Trung ương 7 (tháng 11-1940) và Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941), Đảng ta đã từng bước hoàn chỉnh việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng. Nội dung sự chuyển hướng đúng đắn của Đảng đã nhanh chóng được tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng thông qua những hình thức phong phú, đa dạng của công tác tư tưởng. Đặc biệt, trên cơ sở đẩy mạnh việc tuyên truyền nội dung Tuyên ngôn, Điều lệ, Chương trình hành động của Mặt trận Việt Minh, công tác tư tưởng đã thực sự làm cho đường lối lãnh đạo của Đảng thấm sâu vào trong mọi giai tầng cách mạng với chủ trương: “Liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”(1). Đây là thời kỳ động viên quần chúng sôi nổi, mạnh mẽ, chuẩn bị lực lượng mọi mặt tiến tới tổng khởi nghĩa.
Từ sau ngày phát-xít Nhật nổ súng lật đổ Pháp ở Đông Dương, thực hiện Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, cao trào kháng Nhật cứu nước được phát động rộng rãi, công tác tư tưởng đã được đẩy mạnh thông qua những hình thức tuyên truyền phù hợp với thời kỳ tiền khởi nghĩa như đẩy mạnh tuyên truyền vũ trang, “Chuyển qua những hình thức tuyên truyền cổ động mạnh bạo hơn, như mít-tinh diễn thuyết có cờ, băng, áp-phích, truyền đơn, bươm bướm. Tổ chức những cuộc hát đồng thanh và thao diễn. Tổ chức những cuộc triển lãm sách báo, tranh ảnh, võ khí”(2). Các đội “Tán phát xung phong” được thành lập ở nhiều địa phương đã góp phần quan trọng phổ biến nội dung Chỉ thị bằng các loại truyền đơn, tờ bướm, áp-phích gắn với hoạt động diễn thuyết công khai. Đến ngày 15-3-1945, riêng miền Bắc đã có “15 vạn truyền đơn với lời Hiệu triệu của Việt Minh phản ánh nội dung, tinh thần chủ trương của Đảng”(3).
Nhạy bén và kịp thời, sau khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh, nhận thấy thời cơ cách mạng đã thực sự chín muồi, Đảng ta đã hạ quyết tâm nhanh chóng lãnh đạo toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội diễn ra ngay sau đó đã khẳng định rõ quyết tâm lãnh đạo của Đảng, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của công tác tư tưởng là tuyên truyền, cổ động, vận động quần chúng “dốc sức” tham gia tổng khởi nghĩa lật đổ chính quyền tay sai. Hàng loạt các hình thức tuyên truyền mạnh mẽ, táo bạo đã được thực hiện, như dùng loa phóng thanh tuyên truyền lưu động, mít-tinh, biểu tình thị uy có vũ trang, diễn thuyết vận động quần chúng, phát truyền đơn, công khai dán áp-phích,… đã được thực hiện trên diện rộng, góp phần làm cho quần chúng nhận thấy “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến”(4), kịp thời động viên và phát huy sức mạnh đại đoàn kết của các lực lượng cách mạng. Ngày 19-8-1945, Hà Nội khởi nghĩa thành công. Ngày 23-8, khởi nghĩa ở Huế thắng lợi. Ngày 25-8, chính quyền Sài Gòn về tay nhân dân. Phát huy vai trò công tác tư tưởng, những thắng lợi liên tiếp đó đã được tuyên truyền nhanh chóng đi khắp cả nước, kịp thời cổ vũ đồng bào hăng hái đứng lên giành chính quyền, đưa đến thắng lợi hoàn toàn của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Ba là, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các khẩu hiệu đấu tranh trong tập hợp quần chúng, từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp của các lực lượng cách mạng.
Đây là một nét độc đáo, đặc sắc trong tiến hành công tác tư tưởng của Đảng, góp phần quan trọng vào thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Khẩu hiệu đấu tranh trong từng giai đoạn cách mạng luôn là sự cụ thể hóa đường lối lãnh đạo của Đảng, là sự thể hiện tập trung, cô đọng nhất mục tiêu đấu tranh của quần chúng. Do vậy, trong chuẩn bị và thực hành tổng khởi nghĩa, để nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, Đảng ta đã vận dụng một cách linh hoạt các khẩu hiệu đấu tranh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Trước năm 1945, để phục vụ cho nhiệm vụ giác ngộ quần chúng và tập hợp các lực lượng cách mạng, công tác tư tưởng thường xuyên nêu cao khẩu hiệu “ruộng đất cho dân cày”, “tịch thu ruộng đất của đế quốc và địa chủ phản bội cách mạng”, “đánh đuổi phát-xít Nhật - Pháp”, “độc lập dân tộc”…; trên cơ sở đó đã động viên đông đảo quần chúng cách mạng tham gia trong cuộc đấu tranh rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ nhà máy, đồn điền, hầm mỏ đến các làng mạc, thôn xóm.
Bám sát sự vận động của tình thế cách mạng, sau ngày Nhật đảo chính Pháp, Trung ương Đảng đã quyết định thay thế khẩu hiệu “đánh đuổi Nhật - Pháp” bằng khẩu hiệu đấu tranh mới phù hợp với tình hình thực tiễn là “Đánh đuổi phát-xít Nhật”, thực hiện khẩu hiệu “Thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân”... Khẩu hiệu này đã kịp thời chỉ rõ kẻ thù chính, kẻ thù cụ thể trước mắt duy nhất của nhân dân Đông Dương lúc này là phát-xít Nhật và bè lũ tay sai thân Nhật. Vì vậy, từ sau ngày 12-3-1945, mọi hoạt động đấu tranh của quần chúng ở các địa phương đã nhanh chóng tập trung mũi nhọn đấu tranh cách mạng vào phát-xít Nhật, từng bước tiến tới lật đổ chính quyền bù nhìn, phản động Trần Trọng Kim.
Thực hiện Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, nhằm thúc đẩy thời cơ cách mạng nhanh chóng chín muồi, cao trào “Kháng Nhật cứu nước” đã diễn ra mạnh mẽ trên khắp các địa phương gắn liền với khẩu hiệu “Phá kho thóc giải quyết nạn đói”. Khẩu hiệu này đã đáp ứng nguyện vọng khẩn thiết, cấp bách của đại bộ phận nhân dân, trở thành một điển hình trong nghệ thuật tiến hành công tác tư tưởng vận động quần chúng. Được đưa ra giữa lúc nạn đói khủng khiếp đang diễn ra ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, khẩu hiệu “Phá kho thóc giải quyết nạn đói” đã “đáp ứng nguyện vọng cấp bách nhất của quần chúng, do đó, đã thổi bùng ngọn lửa căm thù trong đông đảo nhân dân và phát động quần chúng vùng dậy với khí thế cách mạng hừng hực tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền’’(5). Phong trào phá kho thóc Nhật đã tạo đà tiến quan trọng cho sự phát triển tiếp theo của cao trào “Kháng Nhật cứu nước”.
Khi thời cơ cách mạng thực sự chín muồi, thực hiện sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Lời hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh, các khẩu hiệu đấu tranh tiếp tục được vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo, sát với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng ở mỗi địa phương và trong cả nước. Chính việc khéo léo kết hợp các khẩu hiệu hành động với các khẩu hiệu tuyên truyền của Đảng đã có tác dụng to lớn trong định hướng tư tưởng và hướng dẫn hành động đấu tranh cách mạng cho quần chúng tạo nên thắng lợi của khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước.
Như vậy có thể thấy, công tác tư tưởng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã trực tiếp góp phần quan trọng động viên toàn lực sức mạnh quần chúng cùng tích cực tham gia đấu tranh cách mạng. Không thể có thắng lợi trọn vẹn, toàn diện, nhanh chóng và ít tổn thất của Cách mạng Tháng Tám nếu không có sự đóng góp của công tác tư tưởng. Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám thành công, một lần nữa chúng ta càng thấy rõ vai trò quan trọng của công tác tư tưởng trong tuyên truyền, vận động cách mạng, xây dựng sự thống nhất cao về tư tưởng, tổ chức, hành động trong nội bộ Đảng và các lực lượng cách mạng, củng cố và tạo cơ sở bảo đảm phát huy mạnh mẽ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.
Kế thừa và phát huy bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám, 70 năm qua Đảng ta đã luôn nhấn mạnh vai trò của công tác tư tưởng trong thực tiễn đấu tranh cách mạng. Trong cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, công tác tư tưởng đã luôn bám sát thực tiễn kháng chiến, bảo đảm sự kiên định về tư tưởng, giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, lúc khó khăn không hoang mang dao động, khi thắng lợi không chủ quan, tự mãn. Từ sau đổi mới, công tác tư tưởng đã được nâng lên tầm cao mới, luôn đi trước một bước trong khai thác, phát huy mọi nguồn lực xã hội phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, công tác tư tưởng đã và đang đứng trước nhiều khó khăn: tác động mặt trái nền kinh tế thị trường; tình trạng suy thoái phẩm chất, đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa; tác động tiêu cực của mạng xã hội;… Thực tế đó đặt ra yêu cầu phải tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, góp phần tạo dựng sự đồng thuận xã hội. Đại hội XI của Đảng đã nhấn mạnh “nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng’’(6).
Vận dụng sáng tạo bài học về công tác tư tưởng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tư tưởng hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Thứ nhất, quán triệt và thực hiện tốt nguyên tắc “Toàn Đảng làm công tác tư tưởng” trên cơ sở phát huy vai trò của lãnh đạo cấp ủy và trách nhiệm người đứng đầu. Đây là vấn đề cơ bản vì tiến hành công tác tư tưởng là trách nhiệm chung của mọi người, mọi tổ chức, mọi lực lượng song trước hết là trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị. Cấp ủy đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng, phân tích và định hướng tư tưởng, dự báo xu hướng diễn biến tư tưởng và chỉ đạo xử lý các tình huống tư tưởng một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Các cấp, các ngành, các đơn vị phải thường xuyên duy trì thành nền nếp việc thực hiện chế độ nắm bắt, phân tích và định hướng tư tưởng.
Hai là, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu thực tiễn, nắm bắt và định hướng tư tưởng xã hội. Thực tế lịch sử cách mạng cho thấy, đồng thuận xã hội luôn là điều kiện quan trọng để tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng trong mọi thời kỳ cách mạng. Do vậy, cần tăng cường hoạt động nghiên cứu, nắm dư luận xã hội của các giai tầng, các địa bàn cả trước, trong và sau những sự kiện có tác động lớn tới tư tưởng. Đồng thời phát huy tốt vai trò của các “binh chủng” tiến hành công tác tư tưởng, như hệ thống các cơ quan nghiên cứu - giáo dục lý luận chính trị, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hệ thống báo chí, xuất bản,… trong định hướng tư tưởng xã hội, góp phần giữ vững trận địa văn hóa - tư tưởng ở nước ta hiện nay.
Ba là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư tưởng chuyên trách. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cán bộ là gốc của mọi việc”(7), “Mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(8). Xuất phát từ những đặc điểm riêng, trong công tác tư tưởng, vai trò của cán bộ chuyên trách càng có ý nghĩa quan trọng. Quán triệt và thực hiện quan điểm của Đảng, thời gian qua đội ngũ cán bộ tư tưởng đã trưởng thành về nhiều mặt song so với yêu cầu còn một số hạn chế và bất cập: năng lực tổng kết, khả năng truyền đạt, cổ vũ, động viên quần chúng của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, còn nhiều cán bộ kiêm nhiệm, nhiều cán bộ chuyên trách chưa được đào tạo về chuyên môn công tác tư tưởng,... Vì vậy, cần đổi mới công tác quy hoạch, đào tạo gắn với những chính sách thích hợp trong sử dụng cán bộ chuyên trách công tác tư tưởng. Thực hiện tốt những nội dung này là cơ sở để xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách “có tâm, có tầm, có tài” - vấn đề cốt lõi trong nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng hiện nay./.
----------------------------------------------
Chú thích:
(1), (2) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t. 7, tr. 461, 369
(3) Lịch sử Cách mạng tháng Tám 1945, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, tr. 113
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 6, tr. 159
(5) Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb. Sự thật, H, 1976, tr. 47
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr. 255
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t. 5, tr. 273
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 269